Hoàng
Việt Hưng
“Thế giới quan là hệ thống quan niệm về thế giới,
về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó”[1]. Như vậy,
có thể hiểu thế giới quan là hệ thống những quan điểm của một người hoặc một tập
đoàn người, một giai cấp hay toàn xã hội về thế giới và về vị trí, vai trò của
con người trong thế giới đó, về chính bản thân cuộc sống con người và loài người
trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Trên cơ sở đó, thế giới quan định hướng
cho hoạt động nhận thức, hoạt động cải tạo thế giới của họ, điều chỉnh hành vi
của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Thế giới quan bao gồm những yếu tố cơ bản: tri
thức, niềm tin và lý tưởng. Trong ba yếu tố cấu thành thế giới quan, tri thức
là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan, nhưng tri thức chỉ gia nhập
vào thế giới quan khi đã trở thành niềm tin của con người qua sự thể nghiệm lâu
dài trong cuộc sống của họ và sự hình thành lý tưởng là sự phát triển ở trình độ
cao của thế giới quan. Trong lịch sử phát triển của xã hội, thế giới quan được
thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, nhưng tập trung ở ba hình thức
chủ yếu: thế giới quan thần thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết
học.
Thế giới quan duy vật biện
chứng là đỉnh cao của thế giới quan triết học và cũng là đỉnh cao của thế giới
quan đã có trong lịch sử. Có thể khẳng định rằng, thế giới quan duy vật biện chứng
là hệ thống những quan niệm khoa học chung nhất về tự nhiên, xã hội và con người.
Thế giới quan duy vật biện chứng gồm ba yếu tố
cơ bản quan hệ hữu cơ với nhau: đó là tri thức khoa học, niềm tin khoa học và
lý tưởng cách mạng.
Tri thức trong thế giới
quan duy vật biện chứng bao gồm chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng, các khoa học
tự nhiên và khoa học xã hội. Những tri thức đó góp phần định hướng cho con người
trong hoạt động cải tạo hiện thực. Trong đó, những tri thức của Triết học Mác -
Lênin đóng vai trò nền tảng, là hạt nhân lý luận của thế giới quan duy vật biện
chứng.
Niềm tin khoa học có cơ sở từ những
tri thức khoa học và gắn kết giữa tri thức khoa học với hoạt động thực tiễn. Niềm
tin khoa học giúp con người tin tưởng vào những hành động hướng tới chân lý,
xác định những mục tiêu cao cả để vươn tới.
Lý tưởng cách mạng trong thế giới
quan duy vật biện chứng là sự kết hợp giữa tri thức khoa học và niềm tin khoa học.
Đó là lý tưởng cao đẹp. Nó vừa là mục tiêu cao cả mà con người hướng tới, vừa
là động lực thôi thúc con người hành động, thiếu lý tưởng con người cảm thấy mất
phương hướng, mất niềm tin và cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt. Chính lý tưởng khơi dậy
sự nỗ lực nhận thức, sự nồng nhiệt của tình cảm, sự mãnh liệt của ý chí và quyết
tâm trong hành động giúp con người vươn tới mục tiêu cao cả không quản gian khổ,
hy sinh. Lý tưởng cách mạng là sự thống nhất giữa tri thức, tình cảm, ý chí sẵn
sàng hoạt động, trong đó yếu tố tri thức khoa học đóng vai trò quan trọng nhất
bởi lý tưởng chỉ thật sự có tính hiện thực khi nó được xây dựng trên cơ sở niềm
tin vững chắc vào chân lý mà tri thức khoa học đem lại. Sống có lý tưởng, có
hoài bão ước mơ, con người sẽ nhân đôi ý nghĩa cuộc sống của chính mình, giúp
con người vươn lên làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân.
Tóm lại, thế giới quan duy vật
biện chứng có ý nghĩa không chỉ thiên về mặt lý luận nhận thức mà còn có một ý
nghĩa lớn lao về mặt thực tiễn. Sự thống nhất biện chứng của những yếu tố tri
thức, niềm tin, lý tưởng, giúp cho con người nhận thức và cải tạo thế giới ngày
càng hiệu quả hơn theo sự vận động của quy luật khách quan.