Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Luật Phòng cháy và chữa cháy - Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, phòng chống cháy nổ trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

 

Luật Phòng cháy và chữa cháy - Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, phòng chống cháy nổ trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn / Vũ Tươi hệ thống. - H. : Công an nhân dân, 2023. - 392 tr. ; 28 cm.

Nội dung cuốn sách gồm những phần sau:

- Phần thứ nhất: Luật Phòng cháy và chữa cháy - Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành

- Phần thứ hai: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương tiện phòng cháy và chữa cháy

- Phần thứ ba: Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ phòng cháy, chữa cháy

- Phần thứ tư: Quản lý nhà nước về công tác chữa cháy trong tình hình mới

- Phần thứ năm: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ

- Phần thứ sáu: Một số kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh 

1. Luật Phòng cháy và chữa cháy                         2. Công tác thanh tra                           3. Kiểm tra                   4. An toàn

Nghiệp vụ văn thư, lưu trữ quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp


 Nghiệp vụ văn thư, lưu trữ quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp / Tăng Bình hệ thống. - H. : Hồng Đức, 2023. - 394 tr. ; 27 cm.

Nội dung cuốn sách bao gồm những phần sau:

- Phần thứ nhất: Nghiệp vụ hoạt động công tác văn thư

- Phần thứ hai: Nghiệp vụ hoạt động công tác lưu trữ

- Phần thứ ba: Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu  

1. Nghiệp vụ                          2. Văn thư                        3. Lưu trữ                  4. Cơ quan                     5. Tổ chức                      6. Doanh nghiệp

Sổ tay nghiệp vụ thuế quy trình thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phí, lệ phí

 

Sổ tay nghiệp vụ thuế quy trình thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phí, lệ phí / Bích Phương hệ thống. - H. : Tài chính, 2023. - 400 tr. ; 28 cm.

Nội dung cuốn sách gồm các phần chính sau:

- Phần thứ nhất: Quy trình kiểm tra thuế, hoàn thuế, thanh tra thuế

- Phần thứ hai: Luật quản lý thuế và văn bản hướng dẫn thi hành

- Phần thứ ba: Hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng mới nhất

- Phần thứ tư: Văn bản hợp nhất luật thuế thu nhập doanh nghiệp

- Phần thứ năm: Quy định về phí và lệ phí mới 

1. Sổ tay                               2. Nghiệp vụ thuế                  3. Quy trình thanh tra                     4. Kiểm tra                  5. Hoàn thuế                   6. Phí                                     7. Lệ phí

Hà Nội: Tiểu sử một đô thị


 Hà Nội: Tiểu sử một đô thị / Williams S.Logan; Nguyễn Thừa Hỷ dịch. - H. : Nxb. Hà Nội, 2023. - 408 tr. ; 24 cm.

Như tiêu đề của cuốn sách, công trình đúng là “tiểu sử” một đô thị, có điều là một tiểu sử khá chi tiết và trải đều suốt một thiên niên kỷ. Dư luận quốc tế đã đánh giá đây là “cuốn sách đầu tiên vạch ra lịch sử của kết cấu một đô thị từ nguồn gốc của nó cách đây một ngàn năm trước” (Google books). Dựa vào cơ sở tư liệu phong phú nhiều nguồn, tỉ mỉ và có chọn lọc. khảo chứng, tác giả W.S. Logan đã phục dựng lại một cách thuyết phục quả trình của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, qua diện mạo vật chất bên ngoài, cũng như cái cốt lõi tâm thức bên trong, trên một nền tảng lịch sử với những tác nhân chính trị - văn hoá ngoại sinh và nội sinh, một thành phố với đầy những cảnh quan và huyền thoại quyến rũ và cũng mang trong nó nhiều tương phản, nghịch lý đáng suy ngẫm. 

1. Hà Nội                 2. Tiểu sử                         3. Đô thị

Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời


 Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời / Nguyễn Thị Ngọc Hải. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2023. - 320 tr. ; 20 cm.

Cuốn sách này của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải là khởi đầu của việc giới thiệu nhà tình báo huyền thoại với công chúng. Còn đây là cảm nhận riêng của Giáo sư Larry Berman khi đến nhà mang tặng cuốn Điệp viên hoản hảo bằng tiếng Anh  chưa xuất bản ở Việt Nam với lời đề: "Cuốn sách của bà đã mở đường cho tất cả chúng tôi: Your biography of Pham Xuan An led the way for the rest of us..." 

1. Phạm Xuân Ẩn                    

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

ĐỂ GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM THỰC SỰ LÀ LỰC LƯỢNG TIÊN PHONG TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

 PGS, TS. Phạm Công Nhất

TCCSĐT - Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của Cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân đang đứng trước những thách thức mới. Vì vậy, việc “Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” lại đang “là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội”(1).

Sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam cơ bản gắn với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm nửa cuối thế kỷ XIX. Đó thực chất cũng là khởi nguồn của quá trình công nghiệp hóa ở một quốc gia nông nghiệp. Trước khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (ngày 01-9-1858), mở màn cho cuộc xâm lược, Việt Nam lúc đó vẫn là một nước phong kiến lạc hậu với nền kinh tế dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ sở kinh tế về công nghiệp, dịch vụ chưa hề thấy. Xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân(2). Khi cuộc xâm lăng và bình định đã cơ bản hoàn thành vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt tay tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng ra cả nước. Các nhà máy xay xát, rượu bia, vải sợi, điện nước, đồn điền cao su, cà phê… lần lượt ra đời. Cùng với các cơ sở kinh tế công nghiệp được thành lập, đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên đã ra đời. Họ là những nông dân Việt Nam bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công nghiệp bị phá sản. Sự mở rộng quy mô khai thác thuộc địa và phát triển công nghiệp của thực dân Pháp đã làm cho đội ngũ những người công nhân Việt Nam ngày càng đông đảo và dần hình thành một giai cấp, mặc dù, thực chất chỉ mới là giai cấp “tự nó”.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1918), thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước nhiều lần hòng bù đắp phần nào thiệt hại do chiến tranh thế giới gây ra. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam phát triển nhanh chóng. Theo niên giám thống kê của Pháp thì đến năm 1929 số lượng công nhân trên toàn Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) là 220.000 người. Cùng với sự tăng lên về số lượng, chất lượng chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề của công nhân cũng được nâng lên.

Cho đến trước ngày 19-12-1946 toàn bộ số công nhân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 100.000 người, trong đó có 25.000 làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy và cơ sở kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản ngoại quốc. Công nhân ở Nam Bộ đông hơn nhưng đã bị phân tán và chuyển hóa khá phức tạp khi chiến tranh xảy ra. Kháng chiến càng diễn ra ác liệt tại Nam Bộ thì sự phân tán của đội ngũ công nhân ở đây diễn ra càng mạnh. Tháng 10-1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, 5 thị xã, 13 thị trấn cùng nhiều vùng đất dọc theo giải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân được giải phóng, số lượng công nhân trong các vùng do ta kiểm soát tăng lên đến 346.000 người, trong đó, chủ yếu là thợ thủ công. Càng về những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, số lượng công nhân thủ, công nghiệp càng tăng. Tỷ trọng công nhân công nghiệp (công nghiệp quốc phòng và công nhân kinh tế quốc doanh) rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10%.

Như vậy, xét về lịch sử hình thành, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời không phải là sản phẩm trực tiếp của nền sản xuất công nghiệp hiện đại Việt Nam mà ra đời từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đại đa số công nhân Việt Nam đều xuất thân từ tầng lớp nông dân với trình độ lao động giản đơn. Vì thế, có thể nhận định khái quát là giai cấp công nhân Việt Nam ra đời muộn hơn so với giai cấp công nhân thế giới, số lượng ban đầu còn ít và trình độ tay nghề thấp.

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA TRONG CƯƠNG LĨNH 2011 VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN NAY

 ThS. Trương Văn Khanh

Bàn về chủ nghĩa tư bản (CNTB) ngày nay là một trong những nội dung được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đề cập tới. Với vai trò là nền tảng lý luận, tư tưởng và chính trị, Cương lĩnh định hướng cho việc xem xét, đánh giá về CNTB hiện đại, qua đó thấy được đằng sau sự phát triển của CNTB đương đại là những mặt trái và bản chất của phương thức sản xuất này.

Các nhà kinh điển C.Mác và Ph.Ăngghen khi phân tích về CNTB đã chỉ ra: từ khi mới ra đời, CNTB đã cho thấy tính ưu việt của nó. Đó là một bước tiến vĩ đại về phía trước trên con đường phát triển của xã hội loài người. Nó giải phóng lực lượng sản xuất khỏi “gông xiềng” trói buộc của quan hệ sản xuất cũ, tạo ra khả năng to lớn để phát triển nền sản xuất xã hội. Nó mở đường thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa con người tiến tới những thành tựu vĩ đại mà toàn bộ sự phát triển của lịch sử loài người hàng nghìn năm trước đó chưa bao giờ có. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) đóng vai trò công cụ lịch sử làm cho tiến trình văn minh công nghiệp thay thế văn minh nông nghiệp, đã có tác dụng tiến bộ to lớn. Nhưng CNTB không phải là hình thái xã hội vĩnh hằng, khi nó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và xã hội hóa sẽ bị hình thái xã hội thích ứng với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất mới thay thế. Sự phát triển của đại công nghiệp, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất TBCN sẽ phát triển nhanh chóng, tuy nhiên không thể biết được lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ nào, với công nghệ gì thì sẽ chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất TBCN. Tuy vậy, với bản chất của CNTB là bóc lột giá trị thặng dư, theo đuổi lợi nhuận cao là tác nhân kinh tế chủ yếu dẫn đến sự khẳng định và phủ định chính CNTB. Chủ nghĩa tư bản làm cho lực lượng sản xuất phát triển cao chưa từng thấy trong lịch sử, song quá trình đó không tránh khỏi những khuyết tật như khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, lạm phát… Sự phát triển của các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội là tất yếu và đây là tiền đề cho một cuộc cách mạng mới ra đời.

VAI TRÒ CỦA THẾ GIỚI QUAN DUY VẬT BIỆN CHỨNG ĐỐI VỚI HỌC VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ

Hoàng Việt Hưng

 “Thế giới quan là hệ thống quan niệm về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó”[1]. Như vậy, có thể hiểu thế giới quan là hệ thống những quan điểm của một người hoặc một tập đoàn người, một giai cấp hay toàn xã hội về thế giới và về vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó, về chính bản thân cuộc sống con người và loài người trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Trên cơ sở đó, thế giới quan định hướng cho hoạt động nhận thức, hoạt động cải tạo thế giới của họ, điều chỉnh hành vi của con người trong cuộc sống hàng ngày.

 Thế giới quan bao gồm những yếu tố cơ bản: tri thức, niềm tin và lý tưởng. Trong ba yếu tố cấu thành thế giới quan, tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan, nhưng tri thức chỉ gia nhập vào thế giới quan khi đã trở thành niềm tin của con người qua sự thể nghiệm lâu dài trong cuộc sống của họ và sự hình thành lý tưởng là sự phát triển ở trình độ cao của thế giới quan. Trong lịch sử phát triển của xã hội, thế giới quan được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, nhưng tập trung ở ba hình thức chủ yếu: thế giới quan thần thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.

 Thế giới quan duy vật biện chứng là đỉnh cao của thế giới quan triết học và cũng là đỉnh cao của thế giới quan đã có trong lịch sử. Có thể khẳng định rằng, thế giới quan duy vật biện chứng là hệ thống những quan niệm khoa học chung nhất về tự nhiên, xã hội và con người.

 Thế giới quan duy vật biện chứng gồm ba yếu tố cơ bản quan hệ hữu cơ với nhau: đó là tri thức khoa học, niềm tin khoa học và lý tưởng cách mạng.
          Tri thức trong thế giới quan duy vật biện chứng bao gồm chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng, các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những tri thức đó góp phần định hướng cho con người trong hoạt động cải tạo hiện thực. Trong đó, những tri thức của Triết học Mác - Lênin đóng vai trò nền tảng, là hạt nhân lý luận của thế giới quan duy vật biện chứng.

Niềm tin khoa học có cơ sở từ những tri thức khoa học và gắn kết giữa tri thức khoa học với hoạt động thực tiễn. Niềm tin khoa học giúp con người tin tưởng vào những hành động hướng tới chân lý, xác định những mục tiêu cao cả để vươn tới.

Lý tưởng cách mạng trong thế giới quan duy vật biện chứng là sự kết hợp giữa tri thức khoa học và niềm tin khoa học. Đó là lý tưởng cao đẹp. Nó vừa là mục tiêu cao cả mà con người hướng tới, vừa là động lực thôi thúc con người hành động, thiếu lý tưởng con người cảm thấy mất phương hướng, mất niềm tin và cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt. Chính lý tưởng khơi dậy sự nỗ lực nhận thức, sự nồng nhiệt của tình cảm, sự mãnh liệt của ý chí và quyết tâm trong hành động giúp con người vươn tới mục tiêu cao cả không quản gian khổ, hy sinh. Lý tưởng cách mạng là sự thống nhất giữa tri thức, tình cảm, ý chí sẵn sàng hoạt động, trong đó yếu tố tri thức khoa học đóng vai trò quan trọng nhất bởi lý tưởng chỉ thật sự có tính hiện thực khi nó được xây dựng trên cơ sở niềm tin vững chắc vào chân lý mà tri thức khoa học đem lại. Sống có lý tưởng, có hoài bão ước mơ, con người sẽ nhân đôi ý nghĩa cuộc sống của chính mình, giúp con người vươn lên làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân.

Tóm lại, thế giới quan duy vật biện chứng có ý nghĩa không chỉ thiên về mặt lý luận nhận thức mà còn có một ý nghĩa lớn lao về mặt thực tiễn. Sự thống nhất biện chứng của những yếu tố tri thức, niềm tin, lý tưởng, giúp cho con người nhận thức và cải tạo thế giới ngày càng hiệu quả hơn theo sự vận động của quy luật khách quan.