TS. Vũ Trung Kiên
Học viện Chính trị khu vực II
Những năm vừa qua, một số phần tử quá khích người Campuchia có quan hệ với Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia đã có nhiều hành động tụ tập biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng như gây rối tại một số vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Luận điệu là những người quá khích này đưa ra là đòi vùng đất đòi đất Nam Bộ, nhất là Tây Nam Bộ. Họ cho rằng Nam Bộ là lãnh thổ của Campuchia nên nó phải được trả về cho Campuchia. Những chứng cứ lịch sử và pháp lý về vùng đất này đều khẳng định đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt Nam.
Kỳ 1: Phù Nam - cư dân và Nhà nước đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ
Ai là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất Nam Bộ là một câu hỏi lớn của lịch sử và không dễ giải đáp, bởi văn tự và những dữ kiện lịch sử mới chỉ được ghi chép cách đây mấy nghìn năm. Tuy nhiên, từ những thư tịch cổ còn giữ lại đến hôm nay thì vùng đất Nam Bộ là lãnh thổ xưa của một vương quốc có tên gọi Phù Nam. Người Phù Nam chính là những chủ nhân đầu tiên đã thiết lập nên nhà nước ở vùng đất Nam Bộ hiện nay.
Các thư tịch cổ của Trung Quốc còn giữ lại đến hôm nay đã ghi chép rất nhiều các dữ kiện về vương quốc Phù Nam. Các sách có chép về Phù Nam bao gồm: 1) Tấn Thư, 2)Tống thư, 3) Nam Tề thư, 4) Lương Thư, 5) Tùy thư. 6) Cựu Đường thư, 7) Tân Đường thư, 8) Tân ngũ, 9) Tống sử và 10) Nguyên sử.
Tấn thư chép: “Phù Nam, cách phía Tây Lâm Ấp (tức Chiêm Thành - NV) hơn ba ngàng dặm, ở trong vịnh biển lớn, địa giới nước ấy dài rộng ba ngàn dặm, có thành ấp cung thất. Người (nước ấy) đều đen xấu, tóc quăn, cởi trần, đi đất. Tính cách thật thà, không làm việc trộm cướp, lấy trồng cấy làm nghề chính, trồng một lần, thu hoạch trong ba năm…[1]”.
Tống thư, quyển 97 chép: “Nước Phù Nam, các năm Nguyên Gia thứ mười một (434), Mười hai (435), Mười lăm (438), đời Thái tổ, quốc vương là Trì Lê Bạt Ma (tức Sri Indravacman) đều sai sứ sang phụng cống[2]”.
Nam Tề thư chép: “Nước Phù Nam, ở trong vịnh Tây Man, ven biển phía Nam nam Nhật Nam, dài rộng hơn ba ngàn dặm, có sông lớn từ phía Tây chảy đổ ra biển (…). Cuối đời (Lưu) Tống, vua Phù Nam họ Kiều Trần Như, tên là Xà Da Bạt Ma, sai buôn bán hàng hóa đến Quảng Châu. Đạo nhân người Thiên Trúc (tức Ấn Độ - NV) là Na Dà Tiên đi nhờ thuyền định về nước, gặp gió to dạt đến Lâm Ấp, bị cướp hết tiền của hàng hóa. Na Già Tiên đi đường tắt về được Phù Nam…[3]”.
Lương thư, quyển 54 chép: “Nước Phù Nam ở trong vịnh lớn phía Tây Nam quận Nhật Nam, cách Nhật Nam độ bảy ngàn dặm, cách Tây Nam Lâm Ấp hơn ba ngàn dặm. Đô thành cách biển năm trăm dặm. Có sông lớn rộng mười dặm, từ phía Tây Bắc, chảy sang phía Đông đổ ra biển. Nước ấy dài rộng hơn ba ngàn dặm, đất thấp trũng mà phẳng rộng, khí hậu phong tục đại khái giống Lâm Ấp. sản vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, ngà voi, công trả, vẹt ngũ sắc…[4]” v.v…
Từ các ghi chép khá đầy đủ trong chính sử Trung Quốc, Phù Nam chính là quốc gia mà phần lãnh thổ ngày nay chính là Nam Bộ của Việt Nam.
Bản đồ vương quốc Phù Nam (wikipedia tiếng Việt)
Từ các thành tựu của nghiên cứu lịch sử, nhất là khảo cổ học, các nhà khoa học hiện nay cơ bản thống nhất Phù Nam xuất hiện khoảng đầu Công nguyên và biến mất vào khoảng thế kỷ thứ VII[5]. Dấu mốc đánh dấu sự biến mất của một quốc gia đã từng cường thịnh - Phù Nam là việc chính sử Trung Quốc không ghi nhận nước Phù Nam sang tiến cống.
GS, TSKH Vũ Minh Giang cho biết: “Mùa xuân năm 1944 nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret đã tiến hành một cuộc khai quật có ý nghĩa lịch sử ở khu vực gần núi Ba Thê (nay thuộc địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Từ sau cuộc khai quật này bắt đầu xuất hiện khái niệm văn hóa Ốc Eo và một cách tự nhiên các nhà khoa học đã dễ dàng đi tới nhận định rằng vấn đề Phù Nam không thể tách rời vấn đề Ốc Eo. Hay nói cách khác, hoàn toàn có cơ sở khoa học nếu đồng nhất những di vật thuộc văn hoá Ốc Eo là di tích văn hoá vật thể của nước Phù Nam. Vấn đề này đã được khắng định trong nhiều tác phẩm và hội thảo khoa học, đặc biệt là hội thảo về Văn hoá Ốc Eo - Phù Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện phát hiện văn hóa ốc Eo. Các học giả cũng đã khẳng định Ốc Eo là một nền văn hoá có nguồn gốc bản địa, ít ra là từ thời đại kim khí và trong thời kỳ cường thịnh nhất, Phù Nam đã phát triển thành một đế chế rộng lớn bao gồm toàn bộ phần phía nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ của Việt Nam hiện nay, nước Campuchia, một phần nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malaca, nhưng trung tâm vẫn là vùng đất Nam Bộ[6]”.
Trong thời kỳ cổ đại, người ta coi chiến tranh là một phương tiện hữu hiệu để giải quyết mọi xung đột, mọi tranh chấp quốc tế. Nó được thừa nhận như “quyền” của mỗi quốc gia, dân tộc -“quyền được tiến hành chiến tranh”. Tuy nhiên, con người ngày càng văn minh tiến bộ thì càng đặt ra các luật lệ để hạn chế chiến tranh, ngăn ngừa sử dụng vũ lực. Công ước Lahaye năm 1899 về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế và Công ước năm 1907 về hạn chế sử dụng vũ lực đối với quốc gia vi phạm cam kết quốc tế là những công ước quốc tế toàn cầu đầu tiên đã không coi việc tiến hành chiến tranh là quyền của quốc gia, nhưng cũng chưa đưa ra quy định ngăn cấm chiến tranh, mà chỉ kêu gọi các quốc gia “với khả năng có thể” thì ngăn ngừa nguy cơ dùng vũ lực. Như vậy, trước chiến tranh thế giới thứ 2 những quy định về việc không sử dụng chiến tranh chỉ là những quan điểm, ý tưởng và chưa trở thành nguyên tắc mang tính bắt buộc chung. Từ khi Liên hợp quốc ra đời, với bản hiến chương của mình, Liên hợp quốc đã đưa ra rất nhiều các yêu cầu nhằm mục đích giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Tại khoản 4 điều 2 của Hiến chương này quy định rằng: “Trong quan hệ quốc tế, các hội viên Liên hợp quốc không được có hành động đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nến độc lập chính trị của bất cứ một nước nào, hoặc bằng cách này hay cách khác làm trái với những mục đích của Liên hợp quốc[7]”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, những chủ nhân đầu tiên (mà lịch sử còn ghi chép được) trên vùng đất Nam Bộ chính là những cư dân Phù Nam cổ. Nhà nước đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ được thiết lập đó là nhà nước Phù Nam. Vì vậy, sau này, người Khmer là những chủ nhân sau đã tiếp quản vùng đất này.
[1] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 249
[2] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 254
[3] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 257-258
[4] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 268
[5] Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974
[7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx
Kỳ 2: Chân Lạp – chủ nhân sau của Nhà nước Phù Nam
Những cứ liệu lịch sử ngày càng sáng tỏ và khẳng định rằng khi nhà nước Phù Nam suy yếu thì một trong những tiểu quốc là nước phụ thuộc Phù Nam đã lớn mạnh, tiến đánh Phù Nam và diệt vong nhà nước Phù Nam. Sau khi chiếm được Phù Nam, vùng đất này được gọi là Thủy Chân Lạp[1].
Về vấn đề này, hiện các ghi chép trong thư tịch cổ của Trung Quốc rất rõ ràng.
Cuốn sách đầu tiên của người Trung Quốc ghi chép về Chân lạp là Tùy thư. Sách này chép rõ: “Nước Chân Lạp ở phía Tây Nam Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam vậy. Từ quận Nhật Nam đi thuyền 60 ngày thì tới (…) dần trở nên cường thịnh…bèn kiêm tính luôn Phù Nam làm của mình[2]”.
Cựu Đường thư chép: “Nước Chân Lạp ở phía Tây Bắc Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam (…) Từ niên hiệu Thần Long (705-707 - NV) về sau, Chân Lạp chia ra hai nửa: Lấy nửa phía Nam là nơi gần biển, nhiều đầm phá, gọi là Thủy Chân Lạp; nửa phía Bắc nhiều núi đồi, gọi là Lục Chân Lạp…[3]”.
Tân Đường thư chép: “Chân Lạp, còn gọi là Cát Miệt, vốn là thuộc quốc của Phù Nam…Sau đời Thần Long, lại chia làm hai nửa: Phía Bắc nhiều đồi núi gọi là Lục Chân Lạp. Phía Nam sát biển, nhiều đầm hồ gọi là Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp, đất có tám tẳm dặm, vua ở thành Bà La Đề Bạt. Lục Chân Lạp, hoặc lại gọi là Văn Đan, là Bà Lũ, đất rộng bảy trăm dặm…[4]”. Các sách Tống Sử và Minh Sử đều chép về Chân Lạp đại khái như các sách trên.
Các chứng cứ lịch sử cho biết, dù cả vùng đất Nam Bộ đã được sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp nhưng trong thực tế, đây vẫn còn là một vùng đất hoang vu, sình lầy ít được khai phá. Cho đến tận thế kỷ XIII, dưới mắt của một vị quan người Trung Quốc có dịp đến Chân Lạp thì vùng đất này vẫn còn là vùng đất hoang vu. Vào năm 1296, dưới thời Nguyên Thành Tông của nhà Nguyên, một nhà ngoại giao là Chu Đạt Quan đã được phái tới Chân Lạp. Chu Đạt Quan đến Angkor tháng 8 năm 1296 và ở lại đây tới tháng 7 năm 1297. Sau này, ông đã ghi chép chi tiết cuộc sống ở Angkor trong tác phẩm Chân Lạp Phong thổ ký (真臘風土記). Vùng đất Nam Bộ được Chu Đạt Quan mô tả: “Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng[5]”.
Bìa sách Chân Lạp phong thổ ký
Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc dân số ít ỏi nên người Khmer chưa đủ lực để khai thác trên quy mô lớn ở vùng Nam Bộ hiện nay, họ còn phải đối phó với các tiểu quốc vốn vẫn do những người trong dòng họ vua Phù Nam trước đó cai quản: “Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp vì vậy vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi Vua Phù Nam. Theo những tài liệu bi kí còn lại có thể thấy rằng, vào thế kỷ VIII, tại vùng trung tâm của Phù Nam trước đây vẫn còn tồn tại một tiểu quốc tên là Aninditapura, do một người dòng dõi Vua Phù Nam tên là Baladitya trị vì[6]”.
Khi ấy, ở ngoài khơi, người Java đã thành lập lên quốc gia của mình và xâm chiếm các nước, trong đó có Chân Lạp. Chân Lạp đã bị Java xâm lược và đô hộ mãi đến năm 802 mới kết thúc. Trong vòng một thế kỷ, vùng đất Nam Bộ lại nằm dưới quyền kiểm soát của người Java. Người Chân Lạp chú trọng dồn sức phát triển vùng trung tâm truyền thống ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mêkông và hướng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Vùng Thủy Chân Lạp ít được quan tâm phát triển. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương triều Ayuthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV. Trong suốt 78 năm (từ 1353 đến 1431), Ayuthaya và Chân Lạp liên tiếp có chiến tranh, trong đó chủ yếu là những cuôc tiến công Chân Lạp từ phía người Thái. Trong thời kỳ đó, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. Kể từ thế kỷ XVI, và nhất là thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Vương quốc này dần bước vào thời kỳ suy vong.
Từ những phân tích nêu trên, có thể rút ra 2 kết luận sau đây:
Một là, Chân Lạp thực chất là một thuộc quốc của Phù Nam và những cư dân Chân Lạp cổ đã nhân cơ hội Phù Nam suy yếu (không rõ vì nguyên nhân gì) đã đánh chiếm Phù Nam, thiết lập nên nhà nước Chân Lạp.
Hai là, sau này, vương triều Chân Lạp đã chia đôi đất nước với 2 tên gọi khác nhau. Vùng đất Thủy Chân Lạp để chỉ phần lãnh thổ Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ và phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức là vùng đất gốc của Chân Lạp. Trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát đối với vùng đất còn ngập nước ở phía Nam, vốn là địa phận của vương quốc Phù Nam.
Bản đồ đế quốc Khmer thời kỳ cực thịnh, thế kỷ XII
(Nguồn: wikipedia tiếng Việt)
Việc thay thế nhau tiếp quản các vùng đất trong lịch sử thời xưa vốn được xem là bình thường. Nó chẳng khác gì việc người Hán đã chiếm gần trọn vùng đất phía Nam dãy Ngũ Lĩnh vốn là nơi cư trú của các dân tộc Việt (Bách Việt). Nó chẳng khác gì người Anh, Tây Ban Nha…đã tiếp quản (kể cả bằng các biện pháp hòa bình và sử dụng vũ lực) các vùng đất của người da đỏ ở Châu Mỹ hiện nay. Nó chẳng khác gì người Anh chiếm và biến vùng đất của thổ dân Australia, New, Zealand thành các quốc gia của người da trắng…Vậy nên, trong bối cảnh lịch sử ấy, người Khmer tiếp quản vùng đất từ người Phù Nam và rồi sau này người Việt lại tiếp quản vùng đất này từ những người Thủy Chân Lạp.
[1] Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974.
[2] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 275
[3] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 280
[4] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 284
[5] Chu Đạt Quan, Chân Lạp Phong thổ ký, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 45 - 46
[6] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 23-24
Kỳ 3: Công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ
Vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Việt đặt chân lên vùng đất Nam Bộ thì vùng đất này vẫn còn là một vùng thấp trũng, hoang vu.
Đến đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo[1]
Có lẽ vì vậy mà những lưu dân người Việt đầu tiên trên hành trình đi mở cõi đã nhận ra ngay cái hoang sơ, khốc liệt của vùng đất mới.
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy
Để có vùng đất Nam Bộ trù phú hôm nay, các thế hệ người Việt đã đổ biết bao công sức, mồ hôi và cả máu xương.
1. Sau khi kiêm tính Phù Nam, đế quốc Angkor trở thành một đế chế hùng mạnh. Giai đoạn cực thịnh nhất của Angkor là từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12. Đây cũng là thời kỳ mà đế chế này đã xây dựng nên rất nhiều các công trình kiến trúc kỳ vĩ như Angcor Wat, Angcor Thom. Tuy nhiên, các trung tâm chính trị và tôn giáo của thời kỳ này chủ yếu được phát triển ở phía Đông và Tây. Cho tới hiện nay, hầu như giới khảo cổ chưa tìm thấy dấu ấn cai trị của vuơng triều Khmer ở vùng phía nam (đồng bằng châu thổ sông Cửu Long).
Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy - Cộng hòa Pháp trong một bài viết đăng trên BBC cho rằng: “Cách đây hơn 300 năm, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một vùng sình lầy hoang dại, đầy muỗi mồng và rắn độc nên ít người dám đến sinh cư lập nghiệp, trừ khi bị bắt buộc như những người trốn chạy những cuộc ruồng bắt nô lệ thời đế quốc Angkor. Những người này sống tập trung trên những vùng đất cao để tránh lụt lội, gọi là giồng, và sinh sống bằng nghề làm rẫy. Không có tư liệu nào trong Văn khố hoàng gia Khmer (Chroniques royales khmères) nhắc đến sự triều cống của những nhóm dân cư sinh sống trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mekong)[2]”. Còn tác giả Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền – Cộng hòa Pháp thì viết: “Sự thật vùng đất này thời đó chỉ là vùng hoang dại, gần như vô chủ…[3]”.
2. Có một thực tế lịch sử là trong suốt nhiều thế kỷ, vương triều Chân Lạp luôn luôn xảy ra tranh chấp nội bộ và vẫn thường bị Xiêm La chi phối. Cho đến thế kỷ XVII, những tranh chấp nội bộ khốc liệt trong triều đình Chân Lạp đã dẫn tới tình trạng các vương tôn của triều đình đi tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Vì vậy, năm 1620 đã diễn ra cuộc hôn nhân chính trị giữa vua Jayajettha II (1619-1627) với Công nữ Ngọc Vạn. Cuộc hôn nhân chính trị này để giúp triều đình Jayajettha II có chỗ dựa là các chúa Nguyễn nếu bị Xiêm La tấn công. Từ mối giao hảo này, chúa Nguyễn đã đề nghị Jayajettha II nhượng cho Sãi vương quyền khai thác lãnh thổ Prei Nokor (Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh) trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển thực phẩm ra miền Trung. Sau nhiều lần đánh bật quân Xiêm ra khỏi lãnh thổ Chân Lạp trong những năm 1622-1623, việc thu hồi hai nhượng địa Prei Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa, vì vua Khmer rất cần sự hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình.
Chân dung Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
tại Dinh Ông, thuộc xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang
3. Năm 1679, nhóm phản Thanh phục Minh của các di thần nhà Minh là Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đã chạy tỵ nạn sang Việt Nam, vào vùng đất cai quản của các chúa Nguyễn. Khi ấy, vùng Nam Bộ vẫn hoang vu nên chúa Nguyễn Phúc Tần đã thỏa thuận với vua Chân Lạp cho những người Hoa này vào khai khẩn đất Đông Phố (Đồng Nai). Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên) chép: “Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Đích và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ. Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố[4]”. Những di thần nhà Minh khi sang khai khẩn đất Đồng Nai đã xây dựng nên một Cù Lao Phố sầm uất. Một nhóm người Hoa này sau đó đã đi về định cư tại Mỹ Tho và cũng đã cùng người Việt và các sắc dân bản địa dựng nên Mỹ Tho Đại phố sầm uất: “Việc nhóm di thần phản Thanh phục Minh Trung Hoa do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới xin tỵ nạn chính trị ở Đàng Trong và được thu xếp cho vào cư trú ở Biên Hòa, Mỹ Tho năm 1679 cũng như việc nhóm di thần phản Thanh phục Minh tỵ nạn chính trị ở Chân Lạp do Mạc Cửu cầm đầu đem đất Hà Tiên về quy phụ triều đình Phú Xuân năm 1708 đã bổ sung thêm cho cộng đồng Việt Nam những khả năng nhân lực và kỹ thuật, tri thức và tinh thần quan trọng để khai phá và bảo vệ đồng bằng Nam Bộ. Cùng với người Việt và người Khmer, những người Hoa này đã vỡ đất hoang, lập phố xá, buôn bán với các thương nhân Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á lui tới Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên cũng như chiến đấu bảo vệ biên cương, góp phần đáng kể vào việc xác lập tổ chức xã hội và kahwngr định chủ quyền lãnh thổ của cộng đồng Việt Nam trên vùng đất mới[5]”.
Trước đó, năm 1671, một vị quan nhà Minh là Mạc Cửu cùng với 400 người đổ bộ lên vùng đất hoang vu trong vịnh Thái Lan và xin thần phục vương triều Khmer. Năm 1681, vua Jayajettha IV cho Mạc Cửu khai thác vùng đất dọc bờ biển phía nam Campuchia ngày nay, gọi là Căn Khẩu, nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công của hải tặc. Sau nhiều lần bị hải tặc Xiêm La đánh phá và không được vua Khmer hỗ trợ, năm 1724 Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn, vùng đất Căn Khẩu đổi tên thành Long Hồ dinh, sau này là Hà Tiên. Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ đã tận tình giúp các vua Khmer đánh trả quân thù để bảo vệ ngôi báu, sau mỗi chiến công các vua Khmer trao tặng đất đai để tưởng thưởng. Mạc Cửu đã khai phá vùng đất hoang hóa, mở cửa buôn bán với thương nhân của nước ngoài và biến vùng đất Hà Tiên trở nên trù phú: “Từ năm 1708 bản đồ Đàng Trong đã có thêm trấn Hà Tiên được hưởng quy chế tự trị với quyền thế tập từ Tổng binh Mạc Cửu đến Đô đốc Mạc Thiên Tích. Còn sau chiến dịch đánh bại liên quân Chân Lạp - Ai Lao vào cướp Gia Định của Trương Phước Vĩnh, Trần Đại Định năm 1732 thì sổ thuế của chính quyền Đàng Trong lại ghi thêm châu Định Viễn[6]”. Năm 1759, toàn bộ lãnh thổ đồng bằng sông Cửu Long chính thức được sát nhập vào lành thổ nhà Nguyễn.
Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
trong đình Bình Kính, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai
4. Sách Đại Nam Thực lục Tiền biên chép tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch. Từ những ghi chép này có thể thấy, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở Nam Bộ thì trên vùng đất này đã có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống. Như vậy là phải đến năm 1698, tức 75 năm sau khi bà Ngọc Vạn về làm hoàng hậu Chân Lạp và 19 năm sau nhóm di thần nhà Minh của Trần Thượng Xuyên đến khai khẩn đất Đồng Nai thì người Việt mới chính thức thiết lập nền hành chính ở Nam Bộ. Điều đó có thể thấy công cuộc khai phá, ổn định vùng đất mới vô cùng gian khổ, khó khăn.
Mấy trăm năm cuộc chiến Trịnh - Nguyễn giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong đã khiến một bộ phận Nhân dân lầm tha, đói khổ và buộc họ phải rời bỏ quê hương, bản quán để đi tìm con đường sống cho mình và con cháu mai sau. Vì vậy, những lưu dân buổi đầu trên vùng đất Nam bộ họ không đi để mưu bá đồ vương, cũng chẳng đi để ngâm thơ vịnh nguyệt, họ đi để thoát khỏi sự câu thúc của lễ giáo phong kiến, thoát khỏi chiến tranh, đói khổ. Những lưu dân người Việt đi mở cõi mang đã thể hiện nỗi lòng mình trong những lời ca, tiếng hát nghẹn lòng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”. “Đây là câu ca phản ánh nỗi lòng của những người đi mở đất phương Nam với tâm trạng phải làm thân “ngựa tế”, nghe vừa buồn man mác, vừa ẩn dụ một nỗi uất hạn nghèn nghẹn trong lòng người viễn xứ[7]”. Cuộc khai phá ấy đâu phải dễ dàng bởi phải vượt qua vùng đất rùng rợn “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” rồi con ma sốt rét, muỗi mòng. Trong quá trình tìm con đường sống ấy, bao người Việt đã bỏ thân không về trong núi thẳm, rừng sâu, trong bụng hùm beo, cá sấu hay giữa biển cả bao la nếu họ đi bằng đường biển vào đất Mỗi Xuy - Biên Hòa.
Đến vùng đất mới, những lưu dân người Việt đã cùng chung lưng đấu cật với những người dân bản địa để cùng nhau khai phá vùng đất được thiên nhiên ban tặng “chim trời, cá nước” ai lấy được bao nhiêu thì cứ lấy. Có lẽ vì vậy mà người Việt, người Hoa đến sau đó và các cư dân bản địa trên địa bàn ít xảy ra xung đột, họ sống hòa thuận với nhau, nương tựa nhau, sống cùng nhau. Cho tới nay, cũng ít có khóm, ấp nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ riêng người Khmer sinh sống mà thường họ sinh sống quần tụ với các dân tộc khác: “Mặc dù địa bàn cư trú của người Khmer ở Nam Bộ có ít nhiều xáo trộn trong các thời kỳ lịch sử cận hiện đại, nhất là trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng về cơ bản cho đến nay, người Khmer vẫn an cư lạc nghiệp tại những địa bàn cư trú truyền thống và gắn bó mật thiết với chùa chiền đã được xây dựng trong quá trình định cư tại các địa phương trên vùng đất này[8]”.
Ngày nay, trên thế giới có hơn 3 nghìn tộc người nhưng chỉ trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều ấy khẳng định rằng không gian tộc người không hoàn toàn đồng nhất với phạm vi lãnh thổ quốc gia. Trong lãnh thổ của một quốc gia có thể có nhiều tộc người sinh sống và một tộc người có thể sinh sống trên lãnh thổ của nhiều quốc gia. Vì vậy, luận điệu cho rằng Nam Bộ là của người Khmer là không chính xác. Thực tế chứng minh rằng, trong suốt quá trình lịch sử, người Khmer ở miền Tây Nam Bộ đã chung lưng, đấu cật với các tộc người khác tạo nên một vùng đất trù phú hôm nay. Người Khmer ở Tây Nam Bộ vẫn ngày càng phát triển và lớn mạnh không ngừng, trong đó đặc biệt là dân số người Khmer tăng rất nhanh: “Vào cuối thế kỷ XIX, theo Jules César Baurac (1894), dân số người Khmer có 147.718 người, chiếm 7,49% tổng số dân ở Tây Nam Bộ, tức đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Đến ngày 01-4-2009, người Khmer có dân số là 1.260.640 người, đứng thứ 5 trong 54 tộc người của nước ta, sau các tộc người Việt (Kinh), Tày, Thái và Mường. Như vậy, sau 20 năm (1989 – 2009), dân số người Khmer Nam Bộ đã tăng lên 365.341 người, tăng 40,41% so với dân số Khmer năm 1989, và gấp gần 5 lần dân số Khmer vào năm 1953 (214.470 người). Người Khmer cư trú chủ yếu trên địa bàn Tây Nam Bộ, chiếm hơn 90% dân số người Khmer ở Nam Bộ. Họ sinh sống khá đông đảo tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang[9]”.
Những phân tích dài dòng như trên để khẳng định một điều mà như tiến sỹ Nguyễn Văn Huy đã viết: “…sự thật các triều vương Khmer không hề quan tâm đến vùng đất sình lầy đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, khi có cơ hội là sẵn sàng trao tặng cho những người đã giúp họ giữ được ngôi báu. Dựa vào yếu tố này, có thể nói người Khmer chưa bao giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước đó[10]”. Và, có thể khẳng định rằng: “Công lao khai phá vùng đất Nam Bộ trước hết thuộc về các cư dân người Việt và sau đó là những người Hoa: “Như vậy là tiếp nối công cuộc khai phá từ thời tiền sử, qua các lớp cư dân Phù Nam, các lớp cư dân cổ như người Mạ, Xtiêng, Chơ Ro, rồi người Khmer, Chăm…, từ thế kỷ XVII người Việt và một bộ phận người Hoa đã đẩy mạnh công cuộc khai phá, làm biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ diện mạo vùng đất Nam Bộ[11]”.
[1] Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001
[2] Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy - Cộng hòa Pháp, Người Khmer Krom đòi Nam Bộ là vô lý, BBC tiếng Việt ngày 17-9-2014.
[3] Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 86
[4] Đại Nam Thực lục Tiền biên, soạn năm 1884, Viện Sử học phiên dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962. tr. 136-140
[5] Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996 tr. 37
[6] Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996 tr. 33
[7] Mai Sông Bé, Đồng nai từ mở cõi đến mở cửa, Nxb Đồng Nai, năm 2009, tr. 26
[8] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 264
[9] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 263
[11] Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 26
Kỳ 4: Pháp lý và chủ quyền không thể tranh cãi
Kể từ năm 1698, khi chúa Nguyễn xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai (huyện Phước Long) - Sài Gòn (huyện Tân Bình), sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong, từ đó trở đi, vùng đất này tiếp tục được củng cố, xây dựng, phát triển và thuộc chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối của Việt Nam.
1. Dấu mốc đánh dấu quá trình thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ được ghi nhận trong các Hiệp ước quốc tế là Hiệp ước giữa triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam ký với các nước lân bang vào tháng 12-1845. Theo GS,TSKH Vũ Minh Giang thì: “Tháng 12 năm 1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Cămpuchia) đã ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau, trriều Nguyễn và Xiêm lại ký một Hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là Hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia. Như vậy muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có cả Cămphuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam[1]”.
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, họ đã gây sức ép và bắt triều đình nhà Nguyễn ký rất nhiều điều ước liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Nam Bộ. Ngày 09-5-1862, tại Gia Định, đại diện của triều đình Huế và nước Pháp do thiếu tướng Hải quân Bonard đại diện đã ký hòa ước, sau này lịch sử gọi đó là hòa ước Nhâm Tuất. Bản Hòa ước có 12 khoản, trong đó có điều khoản là “Nước Nam phải nhừng đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường”. Ngày 15-3-1874, người Pháp tiếp tục ép triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất 1874. Đại diện triều Nguyễn là Lê Tuấn - Chánh sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phó sứ toàn quyền đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ. Bản Hòa ước có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo. Hòa ước Giáp Tuất 1874 chính thức Lục tỉnh Nam Kỳ rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp.
Khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam thì triều đình Campuchia đã không hề có bất cứ phản ứng gì. Việc triều đình Campuchia không có phản ứng gì đối với việc Pháp xâm lược và chiếm lục tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam khi ấy là điều hoàn toàn dễ hiểu và hết sức bình thường, vì đây là vấn đề giữa Pháp và Việt Nam. Sau khi chiếm toàn bộ Nam Bộ của Việt Nam, thực dân Pháp đã cho vẽ bản đồ phân chia khu vực hành chính vùng đồng bằng sông Cửu Long, khảo sát toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, địa lý v.v…vùng Nam Bộ. Kể từ tháng 6-1867 trở đi, vùng biên giới giữa các tỉnh thành của Việt Nam với vương quốc Campuchia được định hình. Năm 1887, phía Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, Campuchia là nước theo chế độ bảo hộ của Pháp, Nam Bộ của Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp. Cho tới năm 1896, giữa Pháp và campuchia đã ký một loạt các văn kiện pháp lý về hoạch đinh, phân giới, cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia: “Tất cả các văn bản pháp lý nêu trên đều quy định rõ ràng vùng đất Nam Kỳ thuộc Việt Nam[2]”.
2. Năm 1947, người Pháp đã dựng nên một chính phủ với tên gọi là “Quốc gia Việt Nam” với quốc trưởng là Bảo Đại. Sau đó, Tổng thống Pháp đã ký với Quốc trưởng “Quốc gia Việt Nam” hiệp ước Elysés công nhận sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có vùng đất Nam Bộ. Ngày 9-3-1949, Đại hội đồng Khối Liên hiệp Pháp đã thảo luận về dự luật đưa Nam Kỳ - “vùng lãnh thổ hải ngoại” của nước Pháp trả lại cho “Quốc gia Việt Nam”. Khi ấy, chính quyền Campuchia đã tìm cách vận động để phía Pháp giúp thực hiện yêu sách của họ đối với vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên yêu cầu này của phía Campuchia đã không được phía Pháp chấp thuận. Ngày 4-9-1949, Pháp đã thông qua Luật 49-733 chấm dứt quy chế “lãnh thổ hải ngoại của Pháp” đối với vùng đất Nam Bộ của Việt Nam và hoàn toàn giao trả cho phía Việt Nam.
Đối với yêu sách của Campuchia về lãnh thổ, ngày 8-6-1949, chính phủ Pháp đã gửi thư cho Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia: “... Ngoài những lý do về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ. Quốc vương hẳn cũng biết rằng Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các hiệp ước năm 1862 và 1874. Không một điều khoản nào trong các văn kiện ngoại giao trao đổi giữa các nước chúng ta nói tới vấn đề chuyển giao các quyền về chính trị và lãnh thổ liên quan đến Nam Kỳ. Hai công ước ngày 9-7-1870 và 15-7-1873 đã xác định đường biên giới hiện nay, không kể một vài sửa đổi chi tiết về sau. Chúng không bao gồm một bảo lưu nào về các vùng đất mà hiện nay đang được đòi. Chính từ triều đình Huế mà Pháp đã nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam, các quyền phê duyệt những hoạt động quân sự tiến hành chống lại các quan lại An Nam chứ không phải chống lại các nhà chức trách Khmer. Về pháp lý, nước Pháp có cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi Quy chế chính trị của Nam Kỳ và chính là với Chính phủ Việt Nam ngày nay. Quốc vương có thể đưa ra một yêu cầu về sửa đổi đường biên giới. Chính phủ Pháp không chống lại yêu cầu này, về nguyên tắc, nếu đó là ý muốn của Quốc vương thì Pháp sẽ lưu ý các cơ quan của Việt Nam về yêu cầu này. Nhưng, dường như cần hết sức thận trọng trong vấn đề này vì lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới. Giữa những ví dụ khác, cho phép nhắc lại rằng Hà Tiên đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến...[3]”.
Như vậy là phải tới năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn cắt cho Pháp đã được trao trả và nó được thể hiện bằng một văn bản pháp lý. Các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế sau này về Việt Nam như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) đều công nhận Nam Bộ là phần lãnh thổ của nước Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cầm trên tay văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới.
Ảnh: NGUYỄN KHÁNH (Nguồn: Tuoitre online)
3. Hiệp định Genève năm 1954 thông qua Bản Tuyên bố chung thừa nhận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia. Năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương đã được triệu tập tại PhnômPênh (Campuchia) để biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù.
Ngày 20-6-1964, Quốc vương Norodom Sihanouk gửi thư cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam mong muốn gặp chủ tịch để trao đổi về vấn đề biên giới. Trong thư, Quốc vương Campuchia khẳng định: “Chúng tôi từ bỏ mọi đòi hỏi về vấn đề đất đai để đổi lấy một sự công nhận rõ ràng đường biên giới hiện tại và chủ quyền của chúng tôi với các đảo ven biển mà Chính phủ Sài Gòn đã đòi hỏi một cách phi pháp[4]”.
Ngày 18-8-1964, Quốc vương Norodom Sihanouk tiếp tục gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Campuchia chỉ đòi sự công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như được vẽ trên các bản đồ thông dụng đến năm 1954 và sự công nhận chủ quyền của Campuchia đối với các đảo ven bờ mà chế độ Sài Gòn đã đòi hỏi mà không có một chút lý lẽ gì để biện hộ được[5]”. Đáp lại đề nghị của Quốc vương Norodom Sihanouk, ngày 31-5-1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định sự phát triển tốt đẹp các quan hệ láng giềng giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình[6]…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký kết văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia.
Ảnh: NGUYỄN KHÁNH ((Nguồn: Tuoitre online)
Tất cả những cơ sở pháp lý nêu trên khẳng định rằng Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói riêng là vùng lãnh thổ không tách rời thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Sáng 5-10-2019, tại Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã ký hai văn kiện để giải quyết vấn đề cắm mốc biên giới. Đây là lần đầu tiên một văn kiện pháp lý ghi nhận biên giới 2 nước được ký kết. Việc ký kết văn kiện này được đánh giá là một cột mốc lịch sử, đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam và Campuchia trong việc xử lý vấn đề về cắm mốc biên giới. Văn bản pháp lý quan trọng này là tiền đề để hai nước Việt Nam - Campuchia tiến tới việc hoàn thành căm mốc biên giới để xây dựng một biên giới hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển.
[1] http://nghiencuuquocte.org/2015/08/13/chu-quyen-viet-nam-vung-dat-nam-bo/
[2] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 46-47
[5] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 58
[6] Xem: https://tuyengiao.travinh.gov.vn/1458/39703/71967/594021/vung-dat-nam-bo/tuyen-bo-cua-uy-ban-trung-uong-mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-nam-viet-nam-ve-cac-duong-bien-g
Kỳ cuối: Xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam – Campuchia vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước
Người Việt Nam có câu “Bán anh em xa, mua lãng giềng gần” để nói lên tầm quan trọng của những người lãng giềng với nhau. Bằng sự sắp đặt của lịch sử, Việt Nam - Campuchia không chỉ là 2 nước láng giềng mà trong lịch sử, có nhiều giai đoạn, hai nước, hai dân tộc có cùng mối quan tâm chung, chung kẻ thù, chung vận mệnh.
1. Việt Nam - Campuchia cùng chung chiến hào chống xâm lược
Việt nam và Campuchia đều bị người Pháp xâm lược và đô hộ chiếm làm thuộc địa. Khi ấy, ở cả 2 nước đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa của người dân chống lại sự thống trị của ngoại bang. Ở Việt Nam, các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng được tiến hành dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, văn thân. Cùng lúc ấy, bên phía Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Pu Kôm, người dân Campuchia cũng đã đứng dậy chống lại quân xâm lược. Những buổi đầu chống quân xâm lược từ phương Tây đã tạo nên những liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Campuchia.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đến tháng 10-1930, ở Việt Nam, Lào, Campuchia có chung một tổ chức Đảng lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập ở hai nước, đó là Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ ngày 11 đến 13/3/1951, tại chiến khu Việt Bắc, đại diện ba mặt trận: Liên Việt (Việt Nam), Ítxalạ (Lào) và Ítxarắc (campuchia) đã họp Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào với tuyên bố:
“1. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt Nam - Cao Miên - Lào là một bộ phận khăng khít của khối hòa bình, dân chủ thế giới.
2. Đánh đuổi thực dân Pháp, can thiệp Mỹ làm cho ba nước Việt - Miên - lào hoàn toàn độc lập là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng mỗi nước.
3. Phải tăng cường tình đoàn kết, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để chống kẻ thù chung của mỗi dân tộc mới chóng thành công.
4. Hội nghị cử ra một Ủy ban liên minh Việt - Miên - Lào để thực hiện việc liên lạc phối hợp giữa ba dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập ở mỗi nước[1]”.
Hội nghị Genève năm 1954 đã thông qua tuyên bố chung thừa nhận: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia; đình chỉ chiến sự đồng thời tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương, các nước Đông Dương không có căn cứ của nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài; tổng tuyển cử tại mỗi nước; không trả thù người hợp tác với đối phương; trao trả tù binh và người bị giam giữ; thành lập ủy ban liên hợp kiểm soát và giám sát quốc tế thi hành Hiệp định.
Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Từ năm 1955, Campuchia tuyên bố các nguyên tắc chung sống hòa bình và khẳng định Campuchia là một nước trung lập, không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không tiến hành chiến tranh xâm lược; trong trường hợp bị xâm lược thì Campuchia có quyền tự vệ và kêu gọi Liên Hợp quốc hoặc nước bạn đến giúp đỡ. Tuy nhiên, phía Mỹ và quân đội sài Gòn vẫn can thiệp vào nội bộ Campuchia để nhằm phá vỡ nền trung lập mà Campuchia theo đuổi. Tháng 3/1930, những lực lượng chống đối ở Campuchia được Mỹ hậu thuẫn đã tiến hành đảo chính lật đổ nền trung lập của Campuchia và sau đó, Mỹ cùng chính quyền sài Gòn đưa hàng vạn quân tiến hành chiến tranh xâm lược ở Campuchia. Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn gây chiến, tháng 3/1965, Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương họp tại thủ đô PhNômPênh để biểu thị tình đoàn kết chống Mỹ, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Kể từ đó cho đến năm 1975, hai nước Việt Nam - Campuchia đã đứng cùng nhau chung một chiến hào chống xâm lược.
2. Việt Nam - Campuchia và mối quan hệ tốt đẹp qua bao thăng trầm
Dấu mốc đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia là ngày 24/6/1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp đại sứ. Cùng ngày, tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới Quốc vương Sihanouk. Bức điện có đoạn: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Khmer là những người bạn chiến đấu, những người anh em trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ những quyền dân tộc tự quyết thiêng liêng của mình. Chúng ta luôn ủng hộ, cổ vũ lẫn nhau. Chúng ta tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau (…). Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố công nhận và tôn trọng biên giới hiện tại của Vương quốc Campuchia. Tôi tin chắc rằng tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình ngày càng có điều kiện tăng cường hơn nữa, vì lợi ích tối cao của nhân dân hai nước chúng ta…[2]”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam, chính phỉ hoàng gia Campuchia và cá nhân Quốc vương Sihanouk đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa. Rất nhiều đoạn của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã được đi qua đất Campuchia. Trên sông, trên biển, nhiều hành lang cũng đã được thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí của phía Việt Nam. Chính trên con đường Trường Sơn huyền thoại, sau khi bị đảo chính, Quốc vương Sihanouk và Hoàng hậu Monic đã đi qua để sang vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ra miền Bắc Việt Nam và sau đó trở về an toàn tuyệt đối. Sau chuyến trở về an toàn tuyệt đối trên đường Trường Sơn, Quốc vương Sihanouk đã sáng tác bài hát có tựa đề “Cảm ơn con đường Hồ Chí Minh (Merci, Piste Ho Chi Minh)” với lời kết cũng là lời cam kết: “Thề nguyền son sắt đánh tan quân ngoại xâm, giành ngày chiến thắng huy hoàn chúng ta chung ngàn bài ca. Mãi sống trong tự do chan chứa bao niềm vui[3]” (bản dịch tiếng Việt).
Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc tết cổ truyền của Campuchia với khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn theo đuổi chính sách trước sau như một của mình với Vương quốc Campuchia là tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại và xây dựng sự hợp tác bền vững và lâu dài giữa hai nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Vương quốc Campuchia[4]”. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc vương Sihanouk và Hoàng hậu Monic đã tới Hà Nội dự lễ truy điệu. Tại đây, ông phát biểu: "Được nhân dân kính mến, được bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này... Trong thế giới tàn bạo này, Người đã đem lại cho chúng ta cũng như cho biết bao dân tộc khác những lý do để hy vọng[5]".
Ngày 24/4/1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương được tổ chức. Hội nghị nhấn mạnh tinh thần tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau với cam kết: “Quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa ba nước, trước mắt ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung và sau này hợp tác lâu dài trong việc xây dựng đất nước theo con đường riêng của mỗi nước[6]”.
Dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, ngày 20/6/1977, một trung tá của quân đội Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam để mong thoát nạn và được cứu giúp, đó là ngài Thủ tướng đương nhiệm Vương Quốc Campuchia, Samdech Hun Sen. Nhớ lại sự kiện này, trong một phát biểu, ngài Samdech Hun Sen cho biết: “Khi đó phía Việt Nam chỉ muốn biết về thông tin tình hình chính trị, quân sự, kinh tế-xã hội Campuchia từ cơ sở đến Trung ương, và vấn đề này phù hợp với nguyện vọng của tôi. Tôi muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam biết được những hiểm họa đã và đang diễn ra tại Campuchia, đe dọa tính mạng của từng người dân Campuchia lương thiện và uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Vì vậy, tôi rất hứng thú trong việc trả lời các câu hỏi theo cách thảo luận giữa tôi và các cấp lãnh đạo Việt Nam, vì tôi chỉ muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam hiểu về tình hình Campuchia, và tôi cho rằng, chỉ có Việt Nam mới có thể giúp được nhân dân Campuchia[7]”. Dưới sự giúp đỡ của Nhân dân Việt Nam, của quân tình nguyện Việt Nam, đất nước Campuchia đã được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo, chế độ mà như ngài Hun Sen đã khẳng định: “Người dân Campuchia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố, khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, một chế độ không trường học, không chợ búa, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, hành vi tra tấn và sát hại người dân ngày càng nghiêm trọng hơn…[8]”.
Để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước, suốt nhiều năm liền, Việt Nam đã chịu sự lên án và cả vu khống của một số quốc gia, tổ chức quốc tế và một số tổ chức của người Khmer. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) dưới sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Liên hợp quốc đã tuyên án chung thân đối với 2 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan trong vụ án 002/02, bao gồm tội danh “diệt chủng” người Chăm theo đạo Hồi và người Việt. ECCC, với sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên tuyên án tội "diệt chủng" với các cựu thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ, bốn thập kỷ sau khi có tổng cộng ít nhất 1,7 triệu người (1/5 dân số Campuchia khi đó) chết do bị hành quyết, lao động khổ sai, bệnh tật và chết đói. Phát biểu sau phán quyết này, ông Neth Pheaktra, người phát ngôn tòa sơ thẩm của ECCC cho biết: “Phán quyết ngày 16-11 sẽ là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế[9]”. Như vậy là phải 40 năm sau khi chế độ Campuchia Dân chủ sụp đổ, Tòa án quốc tế xét xử những tên cầm đầu Khmer Đỏ mới được tiến hành, và bản cáo trạng mới được công bố. Tội ác diệt chủng, chống lại loài người của tập đoàn Khmer Đỏ đã bị phơi bày trên những căn cứ pháp lý, những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác đã bị kết án. Đánh giá về sự kiện này, GS,TS Vũ Dương Ninh khẳng định: “Điều đó càng khẳng định rằng, cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam cùng nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, cùng công cuộc giúp đỡ hồi sinh đất nước Campuchia “từ con số không”, là sự nghiệp chính nghĩa và nhân đạo. Cuối cùng, chân lý đã sáng tỏ, lương tri nhân loại đã giành được thắng lợi. Bài học về sự cảnh giác đối với tội ác diệt chủng vẫn mang ý nghĩa thực tiễn trong phạm vi khu vực và trên bình diện thế giới[10]”.
3. Việt Nam - Campuchia, hướng tới một biên giới hòa bình và phát triển
Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.137 km với Campuchia. Lịch sử với những dữ kiện xác tín của nó đã không hề phủ nhận có những vùng đất campuchia đã bị mất về tay người Việt. Thế nhưng, không phải chỉ có một phần đất của campuchia mất về tay người Việt, phần lớn diện tích của Thái Lan hiện nay vốn xưa kia cũng của Campuchia. Không những vậy, cả một phần diện tích của Lào, một phần diện tích Mianma, một phần diện tích của Malaysia đã có thời kỳ cũng thuộc lãnh thổ Campuchia. Cần phải dài dòng như vậy để khẳng định rằng trong lịch sử, các cuộc xâm lấn lẫn nhau giữa các quốc gia chưa được một tổ chức quốc tế nào đứng ra giải quyết. Vậy nên, mới có chuyện nước Mỹ vốn là của thổ dân da đỏ, châu Úc, vốn là của thổ dân Úc châu v.v…
Thế nhưng, vì quan hệ trúc trắc trục trặc giữa hai nước, nhất là trong vấn đề lãnh thổ nên đã có một số cá nhân, tổ chức người Khmer lợi dụng việc này để kích động tinh thần dân tộc cực đoan nhằm gây chia rẽ tình cảm và mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc và hai đất nước. Nhiều vụ việc đã được đẩy lên cao một cách quá mức khi những người có ý đồ xấu luôn tuyên truyền rằng Việt Nam là những điều bất hạnh và cực khổ ở Campuchia. Thậm chí, cuộc giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng đã bị một số nhóm cực đoan người Khmer hiện nay vu cáo cho rằng đó là “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Thậm chí, một thông tin gần đây còn cho biết, nhiều người trẻ Campuchia tin rằng câu chuyện về diệt chủng ở Campuchia là do Việt nam dựng lên (!?). Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc người Việt ở Campuchia bị các phần tử dân tộc cực đoan ở nước này tấn công. Một câu hỏi đặt ra là phần lớn diện tích của Thái Lan hiện nay vốn xa xưa cũng là của người Campuchia, không những vậy, chính người Thái đã tàn phá Angkor và Trung Quốc đã từng hậu thuẫn chế độ Khmer Đỏ trước đây ở Campuchia nhưng lại không bị “chìa mũi dùi” như các lực lượng cực đoan đang chĩa múi dùi về phía Việt Nam? Câu trả lời có thể có nhiều, song chắc chắn có một nguyên nhân là ở Việt Nam hiện nay có một cộng đồng người Khmer đông đảo. Phải chăng chính những lực lượng cực đoan người Khmer nhắm vào chỗ này?
Cố Quốc vương Sihanok từng nói: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pôn Pốt thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Chúng (Khơme Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta... chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân Campuchia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khơme Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pôn Pốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt[11]”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì khẳng định: "Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Vấn đề này không quên được. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận[12]". Nghiên cứu, trao đổi về Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” ở Hà Nội, ngày 20/9/2000, tiến sĩ Chay y Hiêng - Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đã khẳng định: “Điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ XX? Đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, là hình ảnh về một đội quân nhà Phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia[13]”.
Vậy nên, những ân tình trong quá khứ tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia là tài sản tinh thần vô giá mà hai dân tộc cố gắng trân trọng giữ gìn để tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình và cùng phát triển của hai nước. Vấn đề biên giới lãnh thổ, những tồn tại giữa hai nước từ những vấn đề lịch sử để lại rồi sẽ nhanh chóng được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong quá khứ, dù lịch sử giữa hai dân tộc có lúc thăng, lúc trầm, có những chương đau buồn, song cũng có những chương hợp tác đầy hữu nghị. Dù muốn hay không thì Việt Nam và Campuchia sẽ mãi mãi vẫn là láng giềng của nhau bởi không ai có thể mang được đất nước của mình đi nơi khác. Vả chăng, cái thời mà mạnh hiếp yếu đã lùi xa vào dĩ vãng cùng với sự văn minh, tiến bộ của nhân loại. Vậy thì, chỉ có một con đường duy nhất mà cả hai dân tộc Việt Nam - Campuchia sẽ sánh bước cùng nhau vào kỷ nguyên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đó chính là bồi đắp, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc, xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định để hai dân tộc cùng phát triển, đấu tranh chống lại các luận điệu quá khích, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm khoét sâu, chia rẽ, gây hằn thù giữa hai dân tộc.
Ước vọng chung sống bên nhau trong hòa bình cũng chính là ước vọng chung của hai dân tộc. Đúng như lời bài hát của Cố Quốc vương kính mến Sihanouk “Thề nguyền son sắt đánh tan quân ngoại xâm, giành ngày chiến thắng huy hoàn chúng ta chung ngàn bài ca. Mãi sống trong tự do chan chứa bao niềm vui”.
[1] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 30-31
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 354-355
[3] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 56-57
[4] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 57-58
[6] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 66-67
[7] http://baochinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20120102/Phatbieu_CPC.htm
[8] http://baochinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20120102/Phatbieu_CPC.htm
[9] https://tuoitre.vn/phien-toa-lich-su-tuyen-khmer-do-toi-diet-chung-20181117084405817.htm
[10] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chien-thang-cua-chan-ly-va-luong-tri-loai-nguoi-346182/
[11]https://baotintuc.vn/chinh-tri/hoi-thao-khoa-hoc-40-nam-chien-thang-che-do-diet-chung-20181228223106376.htm
[12] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ong-hun-sen-tiet-lo-bi-danh-viet-nam-155538.html
[13] http://tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/nghia-tinh-viet-nam-voi-cach-mang-campuchia-117922
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét