Học viện Chính trị khu vực II
Tóm tắt
Bài báo nêu lên việc nhận diện một số luận điệu
sai trái về đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đề xuất
luận cứ phản bác khoa học, phù hợp. Qua đây, cũng cho thấy vai trò quan trọng của
công tác tuyên truyền lý luận chính trị của Đảng ta nhằm lan tỏa những luận cứ
đúng đắn, phản bác các luận điệu sai trái. Trên cơ sở đó, đặt ra các yêu cầu
trong công tác tuyên truyền lý luận chính trị gắn với phản bác các luận điệu
sai trái, thù địch nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng
Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.
Từ khóa: nhận diện, phản bác, luận điệu sai trái,
tuyên truyền lý luận…
1.
Nhận diện và phản bác một số luận điệu sai trái về đường lối, nền tảng tư tưởng
của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trước hết, cần thống nhất quan niệm về các luận
điệu sai trái: là cách nhìn nhận sai lệch, phiến diện, không đúng với sự thật,
thậm chí là “tha hóa”, đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách và sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, trái với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của
dân tộc… Đôi khi những quan niệm, luận điểm sai này được “nâng cấp lên”, ngụy
biện thành “lý luận” để chống phá Đảng,
Nhà nước ta - đó chính là các luận điệu, quan điểm xuyên tạc, thù địch! Trong
quá trình tuyên truyền lý luận chính trị hiện nay chúng ta thường gặp những luận
điệu sai trái, thậm chí thù địch nhằm chống phá nền tảng tư tưởng và đường lối
lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Chúng ta có thể nhận diện một số luận điệu xuyên
tạc và nêu luận cứ phản bác như sau.
1.1. Về luận điệu đòi phủ nhận đường lối phát
triển của Đảng ta hơn 90 năm qua và thành tựu kinh tế, hội nhập hơn 35 năm đổi
mới của Việt Nam
Hiện có một số cá nhân, tổ chức thù địch luôn rêu rao luận điệu: những thành quả đổi mới mà nước ta có được là “ăn may”, là nhờ các nước tư bản phát triển mở rộng đầu tư, hỗ trợ trong bối cảnh toàn cầu hóa… Đây là những điều sai trái, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo và những thành tựu, nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước & nhân dân ta. Tuy nhiên thực tiễn lại hoàn toàn phủ nhận điều đó! Chính nhờ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, toàn diện và hợp lý của Đảng mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy
mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 159 USD
(năm 1985, thuộc nhóm 20 nước nghèo nhất thế giới) trong những năm bắt đầu “đổi
mới”, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức số
cho đất nước; quy mô GDP năm 2020 là 343,6 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người
là 3.521 USD/người, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 37 trên thế giới. Đến năm
2020, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp Quốc
(so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên
224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối
tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương
trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 FTA); có 71 nước trên thế giới đã công
nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường… Nếu như trong giai đoạn đầu Đổi mới
(1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn
1991 - 1995, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,6%/ năm; giai đoạn 2001
- 2005 đạt 7,34%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 7%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt
5,9%/năm, và giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,1 % 2.
Đây là những thực tế hùng hồn để phủ định luận điệu trên.
1.2. Luận điệu cho rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, việc Đảng ta tiếp tục lấy làm nền tảng tư tưởng là sai lầm; Đảng Cộng sản Việt Nam cần bỏ nền tảng tư tưởng cũ đó đi và chọn theo các nước tư bản phát triển
Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã chứng
minh, chỉ rõ sự phát triển của CNTB dù hiện đại nhưng
không giúp nó “tự hóa giải”
mâu thuẫn cơ bản giữa
LLSX và QHSX; Và theo quy luật “phủ định của phủ định” nó sẽ làm xuất hiện một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn, phù hợp với
trình độ phát triển của văn minh nhân loại mà C.Mác gọi là phương thức sản xuất
CSCN, tương ứng với nó là hình thái kinh tế - xã hội với 02 giai đoạn là XHCN và cộng sản chủ
nghĩa. Quy luật này đã phủ định một
điều hoàn toàn “trái ngược” mà một số phần tử “lớn tiếng rêu rao” rằng: chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất nhờ việc ứng
dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào trong mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội. Theo đó, trong phương thức sản xuất tư bản ngày nay không còn hiện tượng
‘người bóc lột người’, xã hội tư bản là xã hội tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại mà loài người cần hướng đến!.
Sau khi mô hình CNXH
“hiện thực” ở Liên Xô sụp đổ, một số người “hoài nghi”, “dao động” về con đường
đi lên CNXH, về sự lãnh đạo đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam… Chúng ta hoàn toàn
có thể đấu tranh, phản bác lại họ!. Theo chúng tôi cần khẳng định tính đúng đắn
của con đường lên CNXH qua những lý luận của Lênin (như tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột
cùng của chủ nghĩa tư bản” - ở
đây ông đã chỉ ra xu hướng, quy luật vận động và sự tự phủ định của chủ nghĩa tư bản). Qua đó, đã chứng minh tính đúng
đắn về con đường quá độ lên CNXH của nước ta; chứng minh việc kiên định mục
tiêu “Độc lập dân tộc và CNXH” mà
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đề cao công lao to lớn của Lênin đối với
phong trào cách mạng XHCN nói chung, trong đó có Cách mạng Tháng 8 của Việt
Nam. Chính quan điểm của Lênin về: Khả
năng đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển, thống trị của quan hệ sản xuất
TBCN (quá độ gián tiếp) đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phát triển thành phương châm “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” và tư tưởng này vẫn mãi là “kim chỉ
nam” cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Cách mạng Việt Nam hiện nay.
1.3. Luận điệu phê phán Đảng Cộng sản Việt
Nam đã hết “sứ mệnh lịch sử”, không thể lãnh đạo đất nước, xã hội; đòi “hủy bỏ”
điều 4 Hiến pháp năm 2013
Với vấn đề này, chúng ta cần vận dụng theo luận
điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin;
đặc biệt là của Lênin trong xây dựng CNXH hiện thực ở nước Nga và Liên Xô, ông
đã nêu công thức: “Chủ nghĩa cộng sản (gồm 2 giai đoạn CNXH và CNCS) = Chính
quyền Xô-viết + Điện khí hóa toàn quốc”3.
Nếu phân tích sâu sắc hơn công thức tổng quát này, chúng thấy có 2 điều kiện để
cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, gồm:
(1) Xây dựng Chính quyền xô-viết = Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng cộng
sản cầm quyền (với bối cảnh hiện nay).
(2) Điện khí hóa toàn quốc = Chính là quá trình CNH, HĐH để phát triển nền
kinh tế có năng suất lao động cao, hiệu quả và bền vững.
Như vậy, nếu phân tích bản chất vế (1), chúng
ta thấy chỉ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền thì “bản chất” của
Đảng ta (Đảng CSVN là đội tiên phong và đại diện lợi ích cho giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, nên “Ngoài lợi ích của dân tộc, của
Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”4)
đã phản ánh vào bản chất nhà nước để
xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Như vậy, Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn “chính danh” cầm quyền
và chúng ta bảo vệ được sự đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp nước ta năm 2013 quy định:
Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bởi chỉ có Đảng ta mới hướng đến
xây dựng chế độ xã hội mới phục vụ cho lợi ích của đại đa số giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc!.
Bên cạnh đó, theo điều kiện (2), chúng ta cần
tiếp tục đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức số để có thể phát
triển nền kinh tế có năng suất lao động, hiệu quả bền vững hơn; từ đó mới tạo
điều kiện đầy đủ về vật chất cho Tổ quốc XHCN. Thực tiễn cho thấy Đảng Cộng sản
Việt Nam đã và đang thực hiện tốt những điều kiện trên, do đó hoàn toàn đủ tư
duy, năng lực và tính “chính danh” cầm quyền và lãnh đạo xã hội, cách mạng Việt
Nam. Đại hội XIII của Đảng, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm
2021-2030 cũng chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng
hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế
để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số…”5.
1.4. Luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng, Nhà
nước ta chống tham nhũng hời hợt, hình thức do tham nhũng là bản chất của chế độ
Có thể thấy, đây là điều hoàn toàn sai lệch,
bịa đặt. Đảng và Nhà nước chúng ta đã luôn kiên quyết, kiên trì chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực; Đồng thời nghiêm khắc trừng trị những vi phạm này mà
“không có vùng cấm”, không thể “hạ cánh an toàn”, không có “hoàng hôn quyền lực”…
Đảng, Nhà nước ta đã xử lý rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm (thậm chí nhiều
lãnh đạo cấp cao) nghiêm minh, hiệu quả.. như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã nêu: “Sau Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thành
công tốt đẹp, kiện toàn bộ máy mới của Chính phủ, Quốc hội,.. tình hình dịch
COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tất cả mọi việc đều tiến hành tốt,
trong đó công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí
ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn!”6.
Điều này càng cho thấy các thế lực thù địch đã xuyên tạc nỗ lực, kết quả trên của
chúng ta.
1.5. Luận điệu đòi loại bỏ vai trò lãnh đạo lực
lượng vũ trang của Đảng ta gắn với “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” (thực
chất là làm suy yếu lực lượng bảo vệ đất nước và chế độ)
Về vấn đề này, thậm chí chúng còn đòi hỏi lực
lượng vũ trang (LLVT) của nước ta (gồm quân đội, công an, an ninh...) chỉ nghe “mệnh lệnh” từ nhân dân chứ
không phải là từ Đảng Cộng sản Việt Nam ???!!. Thật hết thù địch! Với luận điệu
xuyên tạc sai trái này chúng ta phản bác ra sao?
Theo chúng tôi, cần nghiên cứu thấu đáo tác
phẩm “Nhà nước và cách mạng” của V.I.Lênin, ông đã chỉ rõ: “Khi giành được
chính quyền, đập tan nhà nước tư sản thì giai cấp công nhân cũng bắt đầu xây dựng
nhà nước mới của mình và còn tiếp tục hoàn thiện sau đó. Quân đội thường trực của
nhà nước tư sản bị bãi bỏ được thay bằng quân đội nhân dân (nhân dân được vũ
trang)”7. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nắm chắc
luận điểm (1) mà Lênin nêu trên để phản bác!. Với thực tiễn nước ta, khi Đảng Cộng
sản Việt Nam là Đảng cầm quyền thì “bản
chất” của Đảng ta (Đảng CSVN là đội tiên phong và đại diện lợi ích cho giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, nên “Ngoài lợi ích của dân tộc,
của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”8)
sẽ “tham chiếu” vào chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng và hướng tới lợi
ích nhu cầu của nhân dân. Do đó, khi LLVT thực hiện chủ trương, đường lối (“mệnh
lệnh”) của Đảng ta thì bản chất cũng là phục vụ lợi ích cho toàn thể nhân dân,
đất nước! Đây là sự thống nhất biện chứng, mật thiết, đúng đắn - hoàn toàn phủ
định luận điệu xuyên tạc trên.
2. Một số yêu đặt ra trong công tác tuyên truyền lý luận
chính trị, đấu tranh với những luận điệu sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế
lực thù địch là việc làm mang tính xuyên suốt, lâu dài và là nhiệm vụ hàng đầu
của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận chính trị (thường là cán bộ,
giảng viên ở hệ thống trường Đảng, Ban tuyên giáo các cấp..). Trong bối cảnh hiện
nay, khi những yếu tố ngoại sinh tác động không ngừng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như đại dịch
Covid-19, tình hình bất ổn chính trị khu vực và thế giới thì những luận điệu
sai trái, thù địch ngày cũng trở nên đa dạng và tác động “xấu độc” đến nhiều khía cạnh đời
sống xã hội. Do đó, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận chính
trị hiệu quả hơn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính “chiến đấu” trong thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước; góp ngăn chặn
và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin
của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ đó, góp
phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ
Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” hiện nay. Nhằm thực hiện tốt các vai
trò, nhiệm vụ nêu trên, chúng ta cần thực hiện hiệu quả các yêu cầu như sau.
2.1.
Trước hết cần tìm hiểu, nhận diện rõ các luận điệu sai trái, thù địch
Hiện có hơn 700 mạng
xã hội9 trong và ngoài nước tác động vào đời sống
văn hóa, tư tưởng của chúng ta, trong đó có hàng triệu tài khoản luôn đăng tin
xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, do đó ta cần chủ động nhận diện
và đấu tranh với chúng. Các thế lực thù địch và luận điệu sai trái thường muốn:
phủ định Chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước
pháp quyền XHCN Việt Nam; quy chụp rằng ‘kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo’
là sai lầm, là “ngớ ngẩn”; quy chụp nguyên tắc “tập trung - dân chủ” trong lãnh
đạo, quản lý sẽ dẫn đến chế độ “ông vua tập thể”, không ai chịu trách nhiệm… Do
đó, chúng ta cần nhận diện rõ và dựa vào Chủ nghĩa Mác - Lênin để “phản bác”
khoa học, đúng đắn, hiệu quả. Nhưng để làm được điều này, trước hết chúng ta cần
nghiên cứu thấu đáo, lan tỏa những giá trị đúng đắn, chân lý khoa học của Chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng. Đồng thời, bám
sát thực tiễn để kịp thời nắm bắt, chỉ rõ những luận diệu sai trái, xấu độc,
thù địch.
2.2. Trong nghiên cứu, tuyên truyền lý luận cần
tìm ra luận cứ kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đấu
tranh, phản bác các luận điệu sai trái một cách khoa học, thuyết phục
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền lý luận
chính trị, chúng ta cần chia sẻ, lan tỏa những quy luật khách quan, giá trị
chân lý, đường lối đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
những chủ trương, đường lối hiệu quả, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
đã giúp đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi
này đến thắng lợi khác. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực
tiễn đổi mới đất nước sẽ giúp Đảng ta tích lũy
và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, hun đúc nên những truyền
thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, phát
huy & phê phán những thế lực
chống phá, xuyên tạc.
2.3. Đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn cho cán bộ tuyên truyền lý luận
Bảo vệ nền tảng tư tưởng suy đến cùng, chính là việc thay đổi cách mà
người dân, xã hội suy nghĩ và hành động hàng ngày theo hướng tích cực,
nhìn nhận đúng về đường lối lãnh
đạo của Đảng và Nhà nước. Do
có những bất cập trong công tác tuyên truyền lý luận đã đôi lúc tạo ra trạng thái
nhận thức của nhân dân, cán bộ về tư tưởng chính trị vẫn dừng ở mức chung chung, mơ hồ, nặng về lý thuyết và không sát thực. Do đó, đòi hỏi cần có các chương trình
đào tạo đặc thù cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền lý luận thêm yêu nghề và có năng lực chuyên sâu để nâng cao hơn nữa
chất lượng tuyên truyền, bồi
dưỡng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh. Đồng thời, hệ thống cơ quan tuyên truyền, các trường Đảng cần có nhiều chương trình, diễn đàn,... để qua đó nhận diện, phản bác các luận điệu sai trái hiệu quả, sát hợp hơn.
2.4.
Cán bộ tuyên truyền lý luận cần luôn tự rèn
luyện năng lực, đạo đức, phẩm chất chính trị
Mỗi cán bộ, giảng viên tuyên truyền phải luôn
tự trau dồi rèn luyện đạo đức theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ
Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh”; xây dựng đạo đức công vụ lành mạnh, phong phú, giàu tính nhân
văn, hướng tới tuyên truyền, bồi dưỡng hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên và
nhân dân. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cần hội đủ
các tiêu chí như: bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng
sư phạm, nắm chắc lý luận, am tường thực tiễn; có khả năng truyền
cảm hứng trong học tập lý luận chính trị để lan tỏa, tăng nhận thức sâu
sắc về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước tới các đối tượng học viên nói riêng và cán
bộ, đảng viên, nhân dân nói chung…
2.5. Tăng
cường tổ chức
các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, giảng viên bồi dưỡng lý luận giỏi…
Qua
đây, giúp tăng thêm tính lan toả
về niềm yêu nghề của các cán bộ cũng như năng lực tuyên truyền, giảng dạy lý chính trị của Đảng và Nhà nước trong bối
cảnh mới. Ví như Hội
thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh tổ chức định kỳ 3 năm một lần đã trở thành sự kiện quan
trọng, là ngày hội thi đua thao giảng lớn của các giảng viên trường
chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của
các bộ, ngành, đoàn thể trung ương trong cả nước. Các chương trình, hội
thi.. sẽ tạo ra động lực, vinh danh những cá nhân, mô hình hiệu quả trong công
tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái để bảo vệ chủ trương, đường lối
và nền tảng của Đảng ta hiện nay. Đồng thời, đây là hoạt động cụ thể, thiết thực
để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng và hệ thống
chính trị; nhất là nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, khắc phục bằng
được tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị của không ít cán bộ, đảng
viên.
Như vậy, đấu tranh trên lĩnh vực tư
tưởng là nhiệm vụ hàng đầu của đội ngũ cán bộ tuyên truyền lý luận chính trị để
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Qua đó ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với
những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; khắc
phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm về tư tưởng, lý luận... Hiện nay,
cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết
liệt, phức tạp. Và để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương đường lối của Đảng
đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung, biện pháp khác nhau, trong đó, nếu làm tốt
chức trách, nhiệm vụ được phân công, mỗi cán bộ tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận
chính trị sẽ là một chiến sĩ tích cực trên mặt trận tư tưởng, góp phần thắng lợi
trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng
ta./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1)
Hội
đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên
tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
2)
Hội đồng Lý luận Trung ương (2018), Công
tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay - Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp,
Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.
3)
Hội đồng Lý luận Trung ương (2020), 30
năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH, Nxb CTQGST,
H.2020.
4)
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.9, t.11.
5)
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2019.
6)
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà
Nội.
7)
Nghị quyết số
35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới.
8) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, HN.2021.
Các chú thích trong bài
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, HN.2021,
tr.25.
2
Hội đồng Lý luận Trung ương, 30 năm thực hiện cương lĩnh XD đất nước trong TKQĐ
lên CNXH, Nxb CTQGST, H.2020, tr.117-118
3
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2005, tập 42, tr.280
4
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 5, tr.290
5
ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, HN.2021, tập
1, tr.214.
6
https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/tong-bi-thu-chi-dao-chong-tham-nhung-phai-lam-manh-hon-va-chi-co-tien-len-i623092/ (truy cập 8/8/2021)
7
V.I.Lênin, toàn tập, tập 33, Nxb CTQG, H.2005, tr.63
8
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 5, tr.290.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét