TS. NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG
Học viện Chính trị Khu vực II
TCCS - Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến vận tải chiến lược nối
liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước. Sáu mươi năm đã trôi qua (1961 - 2021), nhưng những kỳ tích năm
xưa về tuyến đường huyền thoại trên biển vẫn là biểu tượng của sức mạnh đại
đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển và đại diện, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam_Ảnh: TTXVN
Bối cảnh lịch sử và quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển
Năm 1954, với thắng lợi vang dội của ta tại Điện Biên Phủ và
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã thất bại trong âm mưu can thiệp,
thông qua viện trợ cho thực dân Pháp để kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược ở
Đông Dương. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu lập chính phủ bù nhìn, thi hành
chính sách xâm lược và độc tài hiếu chiến, bóp nghẹt cách mạng miền Nam, khủng
bố, đàn áp nhân dân, chia cắt lâu dài miền Nam, đồng thời tuyên tuyền “Bắc
tiến”, “Lấp sông Bến Hải”…
Đứng trước tình hình khó khăn, tổn thất của nhân dân và cách
mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, năm
1959, chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính
trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị cho
cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hội nghị xác định nhiệm vụ
cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “giải phóng miền Nam khỏi ách
thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có
ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(1).
Nghị quyết xác định con đường cách mạng miền Nam chỉ có thể là “con đường cách
mạng bạo lực”. Đồng thời, Đảng ta cũng xác định, miền Bắc xã hội chủ nghĩa là
cơ sở vững chắc của phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam;
là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, thực hiện mục tiêu chung thống
nhất nước nhà. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 khóa II,
nhân dân miền Nam đã nhất tề đứng lên quyết chiến đấu với kẻ thù. Tình hình
trên đặt ra yêu cầu về vũ khí, trang bị quân sự cho nhân dân, các lực lượng vũ
trang ở miền Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5-1959, Tổng Quân ủy
Trung ương quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho
miền Nam. Ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân
của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 1-6-1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc Đoàn 559
ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang
bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam, trước hết là vận chuyển gấp một số
hàng quân sự theo yêu cầu cấp bách của Khu V. Tuy nhiên, đối với các tỉnh vùng
duyên hải miền Trung và Nam Bộ, việc chi viện bằng đường bộ vô cùng khó khăn và
không hiệu quả. Do đó, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy chủ trương nhanh chóng mở
tuyến đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông, dù biết sẽ rất gian nan, nguy
hiểm, nhưng có ưu thế về tốc độ, thời gian, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến
trường.
Tháng 7-1959, Tiểu đoàn vận tải thuỷ 603 được thành lập, gồm 107
cán bộ, chiến sĩ, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển vũ khí bằng
đường biển chi viện cho miền Nam. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến
thuyền gỗ vượt biển đầu tiên mang theo 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho
chiến trường Khu V nhưng không thành công(2). Tiếp tục nghiên cứu,
rút kinh nghiệm, củng cố quyết tâm, đến ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra
Quyết định số 97/QP, thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, lực lượng ban đầu gồm 38
cán bộ, chiến sĩ, có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến
trường miền Nam bằng đường biển(3). Chuyến tàu đầu tiên thành công
đánh dấu sự hình thành của con đường này là chở 28,213 tấn vũ khí trên chiếc
tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1”, xuất phát từ bến Vạn Sét, Đồ Sơn (thành phố
Hải Phòng) đêm ngày 11-10-1962, cập bến Vàm Lũng (tỉnh Cà Mau) sáng ngày
19-10-1962(4). Từ đây, các chiến trường ven biển miền Nam, cực Nam
Trung Bộ và Nam Bộ nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức
mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã
chứng minh việc triển khai tuyến vận tải biển chi viện cách mạng miền Nam là
một quyết định đúng đắn mang tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, mà trực tiếp
là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, mở ra hướng chi viện mới của miền Bắc
đến với các chiến trường xa ở miền Nam, đầy táo bạo, bí mật, bất ngờ và hiệu
quả. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, sự xuất hiện của những con
tàu đi trên biển “không dấu, không số” làm công tác vận tải giúp hình thành hai
tuyến vận tải chiến lược trên biển và trên bộ song song hoạt động, bổ sung, hỗ
trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống vận tải tương đối hoàn chỉnh, nối liền hậu
phương lớn miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam, chi viện kịp thời, hiệu quả
sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; là biểu tượng cho ý chí quyết
chiến, quyết thắng, tinh thần kiên cường, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thể hiện ý chí khát vọng
độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.
Đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích lịch sử, huyền thoại sống
động của sức sáng tạo con người Việt Nam và khát vọng thống nhất non sông
Đế quốc Mỹ và tay sai dùng mọi thủ đoạn với các loại vũ khí, thiết
bị tối tân, hiện đại nhất để ngăn chặn, đánh phá, hòng hủy diệt, cắt đứt tuyến
đường tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam, nhưng Bến K15, Đồ Sơn (thành phố Hải
Phòng), nơi xuất phát của những chuyến tàu không số, luôn đứng vững trước các
đợt cường kích, phong tỏa của kẻ thù trong suốt quá trình hoạt động của tuyến
đường. Các bến, bãi tiếp nhận vũ khí được bí mật xây dựng ở một số tỉnh ven
biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tiêu biểu là: Vàm Lũng, Bồ Đề, Bến Cũ, Rạch Kiến
Vàng, Cái Bầu (thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu); Hố Lồng Đèn (tỉnh Kiên Giang);
Ba Động, Khâu Lầu, La Ghi, Láng Nước, Rạch Cờ, Hố Tàu (tỉnh Trà Vinh); Vàm Khâu
Băng, Cồn Rừng, Eo Lói, Cồn Tra, Cồn Điệp, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Lộc An
(tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa); Vũng Rô (tỉnh Phú Yên); Lộ
Giao (tỉnh Bình Định); Đạm Thủy (tỉnh Quảng Ngãi); Hố Chuối, Bình Đào (tỉnh
Quảng Nam)… (5). Công tác chỉ huy, hiệp đồng tác chiến được
tiến hành chặt chẽ giữa lực lượng bốc dỡ, vũ trang chiến đấu, cứu thương, thông
tin vô tuyến điện và các cơ quan tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần…
Tàu HQ-671 (còn được biết đến với phiên hiệu C41) là con tàu “Không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641_Ảnh: TTXVN
Để giữ bí mật và bảo đảm vận hành thông suốt, ta sử dụng các
loại tàu nhỏ ngụy trang giống như tàu đánh cá của ngư dân. Phương thức vận
chuyển linh hoạt, sáng tạo: Địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài; địch
phong tỏa biển gần, ta đi biển xa; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi
phân đoạn; khéo léo kết hợp với cải dạng, ngụy trang nghi binh, đối sách khôn
khéo, táo bạo, bí mật; nhạy bén trong việc lựa chọn bến, bãi, lợi dụng địa
hình, thủy triều, thời tiết...
Từ những con tàu gỗ ban đầu, hoạt động ven bờ, ta dần sử dụng
những đội tàu vỏ sắt có tải trọng hàng trăm tấn, hoạt động xa bờ, dài ngày, đi
theo đường hàng hải quốc tế như những con tàu viễn dương hiện đại, rồi ẩn mình
giữa những tàu, thuyền của ngư dân hoạt động ở ven biển để cập bến. Các tàu xóa
hết nhãn mác, tên tàu, số tàu, khi đến vùng biển nào thì cải trang thành tàu
đánh cá hoặc tàu buôn, ghi tên tàu, mang số tàu phù hợp với vùng biển địa
phương đó. Hồ sơ, hải trình, thông tin…, ngay sau mỗi chuyến đi buộc phải hủy
toàn bộ, để giữ bí mật tuyệt đối.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số luôn khắc ghi tinh thần cảm tử
“Vì miền Nam ruột thịt”. Để giữ bí mật tuyệt đối, mọi người không tiếp xúc với
người thân, bạn bè trước khi lên đường. Có người ra Bắc tập kết, sau cả chục
năm khi đưa hàng trở lại quê hương, do yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật mà đã không
lên bờ về thăm gia đình. Có người bất ngờ thấy vợ trong đoàn dân công ra chuyển
vũ khí, đành xuống khoang tàu lánh mặt...
Mỗi con tàu đều được gắn thuốc nổ ở đầu và đuôi tàu. Trong
trường hợp cụ thể khi bị địch phát hiện, toàn bộ số thuốc nổ này sẽ được kích
nổ, thà hy sinh chứ không để tàu rơi vào tay địch, không để lộ tuyến vận tải
chiến lược này. Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích anh dũng hy
sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Từ năm 1962 đến đầu năm 1965 (6), cán bộ, chiến
sĩ Đoàn 759, sau là Đoàn 125 đã thực hiện thành công 90 chuyến, chở 5.024,428
tấn hàng hóa, vũ khí cho chiến trường (7).
Tháng 2-1965, sau khi tàu C143 bị địch phát hiện tại vịnh Vũng
Rô (Phú Yên), chúng tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập.
Đoàn 125 đã sáng tạo nghiên cứu ra cách vận chuyển mới, chuyển hướng hoạt động,
sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật đưa hàng vào các
bến tiếp nhận. Đến tháng 2-1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày
càng gay gắt, để tránh tổn thất, Đường Hồ Chí Minh trên biển được lệnh tạm
ngừng hoạt động. Tuy vậy, trong những năm 1965 - 1968, Đoàn 125 đã tổ chức 27
chuyến tàu, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cùng
với việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược vào các vùng biển giáp vùng giới
tuyến, sau đó vận chuyển bằng đường bộ (do Đoàn 559 đảm nhận), Đoàn 125 còn
nghiên cứu, sáng tạo tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước xã
hội chủ nghĩa cho Việt Nam bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng
Sihanoukville (Campuchia) được nhiều tấn hàng hóa và đạn dược. Từ cuối năm
1970, khi tuyến đường vận chuyển qua Campuchia bị cắt đứt, Đoàn 125 tiếp tục
nghiên cứu tuyến vận chuyển mới qua Malaysia, Thái Lan để cập tại các bến bãi
của miền Tây Nam Bộ. Mặc dù bị phong tỏa, bị siết chặt các tuyến đường vận
chuyển trên biển, hòng bóp nghẹt con đường chi viện vũ khí của miền Bắc cho
miền Nam, song vượt qua tất cả, Đoàn 125 đã không ngừng sáng tạo, không ngại hy
sinh, không ngừng nghiên cứu ra các tuyến đường khác nhau để vận chuyển hàng
hóa và vũ khí vào chiến trường miền Nam. Từ cuối năm 1974, tình hình chiến trường
miền Nam có nhiều chuyển biến thuận lợi, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125
vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch.
Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột
kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt
trận”. Trong tháng 3 - 4-1975, Đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các
đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu...
góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (8).
Các cựu binh "Đoàn tàu không số" của thành phố Hải Phòng trong ngày gặp mặt_Ảnh: TTXVN
Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng hóa quân sự, kể cả những loại
hàng “đặc biệt”, như vũ khí, thiết bị y tế quý hiếm, hóa chất đặc biệt...,
Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là
đưa đón an toàn tuyệt đối hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên
gia quân sự vào miền Nam, đưa cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo Trung
ương, nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ
huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, kiên cường
của dân tộc ta, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã sáng tạo thêm một phương thức
vận chuyển mới để tiếp viện hiệu quả, kịp thời cho chiến trường miền Nam. Tuyến
đường được thiết lập, cùng với sự sáng tạo, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của Đoàn
759, Đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc
chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, thu non sông về một mối. Sự đóng góp
của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển càng chứng minh tầm quan trọng của biển,
đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về Đường Hồ Chí Minh trên biển, cố Thủ tướng Võ Văn
Kiệt từng khẳng định: “Năm tháng có thể qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự
hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ
kính yêu trên Biển Đông, của những con tàu “Không số” của quân và dân các bến
bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước vĩ đại, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc
Việt Nam”(9).
Quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện rõ tầm nhìn
chiến lược của Đảng ta, hội tụ cao độ trí thông minh, lòng dũng cảm và sức mạnh
đại đoàn kết của toàn dân tộc. Tuyến vận tải mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên
biển đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong
cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù; nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng,
lòng quả cảm, trí thông minh cùng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc
Việt Nam. Trí tuệ, sức sáng tạo, lòng quả cảm và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
đó tiếp tục được phát huy để thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến
lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo,
thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, t. 20, tr. 81.
(2) Chuyến tàu có 6 cán bộ, chiến sĩ đã gặp và chiến đấu với địch tại Cù Lao Ré
(Quảng Ngãi), 5 người đã hy sinh, vũ khí và thuốc phải hủy.
(3) Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Quân
chủng Hải quân. Ngày 29-1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên phiên hiệu
Đoàn 759 thành Đoàn 125.
(4) Xem: Quân chủng Hải quân: Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961
- 2011), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 91-93
(5) Xem: Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri thức, Hà
Nội, 2008, tr. 178, 184
(6) Sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) vào tháng
2-1965, địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập. Từ thời
điểm này, công tác vận chuyển chi viện cho miền Nam bằng đường biển chuyển sang
giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thử thách quyết liệt hơn.
(7) Xem: Quân chủng Hải quân: Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961
- 2011), Sđd, tr. 185
(8) Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
(2021), Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh
trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021).
(9) Xem: “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Thiên anh hùng ca bất tử”,
báo Lâm Đồng online, ngày 26-4-2020, http://baolamdong.vn/hosotulieu/202004/duong-ho-chi-minh-tren-bien-thien-anh-hung-ca-bat-tu-3000698/.
TAG BẢO VỆ TỔ QUỐC ĐỘC LẬP DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét