Nguyễn Thị Thanh Huyền,
Hoàng Trung Thành
TCCSĐT - Tuyên ngôn
của Đảng cộng sản do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo, một văn kiện mang tính
Cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới được đánh
giá là giữ địa vị đặc biệt quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, và là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của phong trào công
nhân quốc tế từ tự phát sang tự giác.
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Tư tưởng xuyên suốt
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là tư tưởng về sự giải phóng con người khỏi mọi
ách áp bức bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa. Nhiệm vụ lịch sử ấy đặt lên vai giai
cấp công nhân. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi tư tưởng của
Tuyên ngôn Đảng Cộng sản được hiện thực hóa từng bước trên lãnh thổ rộng 1/6
trái đất, nối với thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô
rồi sau đó là thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cách mạng Trung Quốc, Cu-ba…
Về nội dung sứ mệnh
lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản khẳng định giai cấp công
nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử cao cả, là giai cấp thống trị về
chính trị, giai cấp lãnh đạo toàn xã hội trong cuộc đấu tranh lật đổ ách tư
bản, trong sự nghiệp sáng tạo ra xã hội mới, trong toàn bộ cuộc đấu tranh để
thủ tiêu hoàn toàn sự phân chia giai cấp. Vì thế, sứ mệnh lịch sử giai
cấp công nhân không phải là duy trì giai cấp công nhân mà là giải phóng triệt
để con người. Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” C.Mác-Ph.Ăng-ghen đã khẳng
định: “Toàn bộ lý luận của chủ nghĩa cộng sản là thủ tiêu chế độ tư hữu”. Một
khi chế độ tư hữu không còn thì nguyên nhân phân chia xã hội thành giai cấp,
nhà nước cũng bị xóa bỏ. Do đó với tư cách là một giai cấp, giai cấp công nhân
cũng sẽ không còn lý do tồn tại. Con đường đi tới xã hội không giai cấp là con
đường quanh co và nhiều phức tạp. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giai
cấp công nhân phải tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân lao động, tiếp thu lý
luận khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để thành lập nên chính đảng
tiên phong của mình và sẵn sàng đấu tranh khi có thời cơ cách mạng.
170 năm qua, lịch sử
thế giới đã có nhiều đổi thay, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã trải qua những
thăng trầm, biến đổi. Trên con đường ấy, có những thời điểm con đường cách mạng
của giai cấp vô sản gặp nhiều khó khăn với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội
ở Liên Xô và các nước Đông Âu - một tổn thất to lớn đối với phong trào cộng sản
và xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Song đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa
xã hội hiện thực được xây dựng ở Nga và sau đó là ở Liên bang Xô viết, chứ
không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. Những
tư tưởng về giai cấp công nhân được phản ánh trong tuyên ngôn không những không
bị lỗi thời mà vẫn có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn lớn lao đối với giai
cấp công nhân nước ta cũng như giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên
toàn thế giới.
Trong bối cảnh hội
nhập toàn cầu hiện nay, thế giới vừa hợp tác, vừa đấu tranh nên việc nhận thức
một cách rõ ràng, không mơ hồ, không ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về
bản chất giai cấp của Nhà nước tư sản giúp chúng ta có một cách nhìn đúng đắn.
Tuyên ngôn đã khẳng định sự ra đời và phát triển của phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa đã đem lại những thành tựu rất lớn cho xã hội loài người. Tuy
nhiên, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày
càng được xã hội hoá cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư
liệu sản xuất ngày càng gay gắt. Mâu thuẫn đó tất yếu dẫn đến cách mạng vô
sản.
Hiện nay, những thành
tựu khoa học - công nghệ phát triển, đặc biệt là từ nửa sau thế kỷ XX, giai cấp
công nhân đã có những biến đổi nhất định về phương thức lao động và phương diện
đời sống (tình trạng sở hữu, điều kiện lao động, mức thu nhập, trình độ học
vấn, trình độ tay nghề,...). Một bộ phận giai cấp công nhân ở các nước tư bản
chủ nghĩa đã có một số tư liệu sản xuất, đã góp cổ phần tại các xí nghiệp tư
bản. Nhưng, thực tế số tư liệu sản xuất và lượng cổ phần của giai cấp công nhân
chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số tài sản “khổng lồ” của các nhà tư bản. Là một
cổ đông nhỏ, giai cấp công nhân không thể cùng với nhà tư bản phân chia quyền
lực. Do đó, xét về bản chất vẫn phải làm thuê cho nhà tư bản. Giai cấp công
nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành giai cấp cầm quyền và là chủ sở
hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, thì khái niệm giai cấp vô
sản theo đúng nghĩa của từ đó cũng hoàn toàn không còn nữa. Tuy nhiên, giai cấp
công nhân ở các nước này vẫn là một bộ phận của giai cấp vô sản (giai cấp công
nhân) toàn thế giới.
Cùng với sự phát
triển của khoa học - công nghệ, giai cấp công nhân có xu hướng “trí thức hóa”
ngày càng tăng. Điều đó không làm thay đổi bản chất và sứ mệnh lịch sử của giai
cấp công nhân. Giai cấp công nhân vẫn là giai cấp có sứ mệnh xóa bỏ tình cảnh
vô sản, trở thành giai cấp có địa vị làm chủ để tiến tới “tự thủ tiêu” chính
mình với tư cách là một giai cấp.
Sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân Việt Nam
Xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới chính là sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân Việt Nam. Lớp công nhân Việt Nam đầu tiên xuất hiện gắn liền
với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (năm 1897) và thực sự trở thành giai
cấp công nhân Việt Nam từ công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần
thứ hai (1924-1929). Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, giai cấp công
nhân Việt Nam sớm trở thành bộ phận của đội ngũ giai cấp công nhân quốc tế.
Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt
Nam còn có đặc điểm riêng. Đó là:
Thứ nhất, sinh ra và lớn lên từ một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam phải chịu ba tầng áp bức bóc lột là đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ.
Thứ hai, ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc nên không chịu
ảnh hưởng về mặt tư tưởng của giai cấp này. Ngay khi ra đời giai cấp công nhân
Việt Nam đã tiếp thu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, sớm tiếp nhận
những tư tưởng của thời đại để bồi dưỡng bản chất cách mạng cho mình.
Thứ ba, giai cấp công nhân nước ta xuất thân từ nông dân, bị thực dân phong kiến
bóc lột, bần cùng hóa nên họ có mối quan hệ gần gũi nhiều mặt với giai cấp nông
dân và các tầng lớp lao động khác. Liên minh giai cấp đã trở thành động lực và
là cơ sở vững chắc cho khối đại đoàn kết dân tộc. Trước khi trở thành công nhân
họ
là người dân một nước nô lệ. Khi
trở thành công nhân, họ làm thuê bị giới chủ bóc lột. Trong điều kiện đất nước
còn đang bị lệ thuộc, dân tộc còn bị nô lệ, địa chủ, nông dân, tư sản dân tộc,
tiểu tư sản đều có điểm tương đồng là người dân nô lệ, mất nước và có nguyện
vọng giải phóng dân tộc. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam cần giải quyết
là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Vì
vậy, muốn giải phóng giai cấp vô sản theo học thuyết của chủ nghĩa Mác thì
trước hết phải giải phóng cho dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chỉ có
giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp, nếu chỉ đấu tranh giải
phóng giai cấp thì không thể giải phóng được giai cấp và cũng không thể giải
phóng được dân tộc vì chủ nghĩa đế quốc sẽ đàn áp cách mạng.
Từ đặc điểm riêng của
giai cấp công nhân Việt Nam khác với giai cấp công nhân thế giới, lại đặt trong
bối cảnh xã hội Việt Nam khi đó là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn
xã hội chưa phát triển cao như xã hội phương Tây. Vì vậy, cuộc đấu tranh giai
cấp của chúng ta không diễn ra quyết liệt như ở phương Tây. Bởi, giai cấp địa
chủ ở Việt Nam khác địa chủ của phương Tây, khoảng cách giữa giai cấp địa chủ
và nông dân ở nước ta không lớn như ở phương Tây, nếu nông dân gần như chẳng có
gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái
tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu
thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công
cụ để bóc lột của họ là máy móc. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm
thiểu. Điều đó, không thể chối cãi được.
Trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với sự phát triển mạnh mẽ của khoa
học - công nghệ đã đặt ra yêu cầu cho đội ngũ công nhân phải không ngừng vươn
lên để đáp ứng yêu cầu của chính cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Ngày nay,
Đảng ta đã chú ý đến việc trí thức hóa giai cấp công nhân “công nhân trí thức”
thực chất là công nhân đã được trí thức hóa với các đặc trưng: lao động trong
các ngành công nghệ cao, được đào tạo kỹ càng, có bằng cấp, học vấn cao, chuyên
môn sâu ngày càng đông đảo. Đặc biệt từ khi ra đời hình thức công ty cổ phần có
công nhân lao động tham gia, có các công ty cổ phần mà cổ đông là công nhân
chiếm trên 50% tổng số vốn, công nhân trí thức đã tham gia quản lý doanh
nghiệp. Những lực lượng này có thu nhập cao, bởi lẽ ngoài tiền lương, công nhân
còn được hưởng cổ tức, đội ngũ công nhân này ngày càng đông. Đây là lực lượng
chủ yếu của nền kinh tế tri thức, bao gồm công nhân kỹ thuật cao, nhà khoa học,
nhà quản lý và chuyên gia các lĩnh vực. “Trí thức hóa công nhân” nước ta là quá
trình nhằm đem lại chất lượng mới cho sự phát triển giai cấp công nhân xứng đáng
với vai trò tiên phong của mình. Là lực lượng nòng cốt, chủ yếu và tiền phong
của dân tộc, giai cấp công nhân có trách nhiệm nặng nề là đứng vững, là đi lên
trong hội nhập kinh tế.
Văn kiện Đại hội XII
của Đảng nêu rõ: Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp
công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ
học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao
động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm
việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung
các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo
hiểm thất nghiệp… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
của công nhân.
Thực tiễn hiện nay
cho thấy, trong quá trình phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn nhiều
mặt hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước và nhiệm
vụ chính trị:
- Nhận thức của công
nhân về sứ mệnh lịch sử của mình còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ công nhân
lao động chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của giai cấp mình, không nhận
mình là giai cấp lãnh đạo, nhận thức về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
một cách chung chung, rất ít hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
-
Đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia, cán bộ quản lý giỏi còn thiếu, tác
phong công nghiệp, kỷ luật lao động, sự hiểu biết về pháp luật... còn nhiều hạn
chế.
- Một số công nhân
chưa tha thiết vào Đảng và tham gia các hoạt động trong các tổ chức chính trị -
xã hội.
- Công tác duy trì và
phát triển Đảng trong các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa còn nhiều hạn chế.
- Một bộ phận công
nhân vẫn chưa có việc làm ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng
kéo dài thời gian lao động, điều kiện làm việc và điều kiện sống của người công
nhân nhân chưa đảm bảo, tiền lương chưa đáp ứng được các nhu cầu tối
thiểu…
- Các thế lực thù
địch cùng với các phần tử cơ hội, xét lại đã và đang mưu toan xuyên tạc, phủ
nhận nhiều quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong đó có quan điểm về
giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Thế
giới ngày nay đã trải qua nhiều biến động. Xu hướng hợp tác, đối thoại đã dần
thay thế cho sự căng thẳng, đối đầu trong các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp, về sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân trong việc tạo dựng một xã hội mới không còn áp bức, bất
công vẫn còn nguyên sức sống của nó. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, giai cấp
công nhân đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định được vai trò của mình trong
công cuộc đổi mới đất nước. Để làm được điều đó không những Đảng ta mà toàn dân
tộc trong đó giai cấp công nhân là nòng cốt phải tự mình phấn đấu, nâng cao tri
thức tay nghề để có thế làm tốt sứ mệnh lịch sử đã đề ra, phấn đấu đưa nước ta
từ một nước nông nghiệp sớm trở thành một nước công nghiệp đúng như mục tiêu mà
Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhằm đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới./.
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét