Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính
Trong
những năm qua, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn phát triển kinh tế
nhanh, bền vững ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, đòi hỏi cần có sự
phân tích, đánh giá để có các giải pháp khắc phục phù hợp.
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững là xu thế chung
được nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực hướng tới. Đây cũng là mục tiêu chiến
lược quan trọng và được thể hiện rõ nét trong các chủ trương, chính sách, quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, cũng như của các ngành và
địa phương tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006 - 2016, Việt Nam đã tận dụng được
thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan
trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường. Đất nước đã thoát khỏi
tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải
thiện, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, vị thế của Việt Nam trên trường
quốc tế được nâng cao.
Thực trạng
Việc đánh giá phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Việt Nam được xét
trong mối quan hệ với trục bền vững về kinh tế, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế;
Các cân đối vĩ mô; Chất lượng tăng trưởng; Năng lực cạnh tranh và cơ sở hạ tầng
của nền kinh tế.
Về tăng trưởng kinh tế: Mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong
giai đoạn 2006 - 2017 bị chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng của
thế giới và nhiều nước trong khu vực. Bình quân cả giai đoạn 2006 - 2017, GDP
tăng trưởng 6,19%, cao hơn tốc độ tăng GDP của thế giới. Bên cạnh đó, GDP bình
quân đầu người đã tăng gần gấp 3 lần từ 797 USD/người trong năm 2006 lên 2.385
USD/người vào năm 2017, giúp Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập
trung bình kể từ năm 2010.
Về đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô là yêu cầu có tính chất nền tảng
đối với tăng trưởng và sự phát triển của các nền kinh tế. Các cân đối vĩ mô ở
Việt Nam, chủ yếu tập trung một số chỉ tiêu như lạm phát, tiền tệ tín dụng, đầu
tư, cán cân thanh toán, bền vững về ngân sách...
Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn 2006 -
2017 là phải đối mặt với nhiều dấu hiệu của bất ổn vĩ mô, đặc biệt là tình trạng
lạm phát cao trong những năm 2006 - 2007 và 2010 - 2011. Tuy nhiên, nỗ lực kiềm
chế lạm phát của Chính phủ đã giúp lạm phát giảm và khá ổn định trong những năm
gần đây.
Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần. Đến năm 2017, lãi suất cho vay ngắn
hạn ở mức 6,5 - 9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 9 - 11%/năm,
tương đương 40% vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng khá nhanh trong
giai đoạn 2006 - 2010 và ổn định trong giai đoạn 2011 - 2017, đặc biệt từ khi
Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm.
Giai đoạn 2006 - 2017, tiết kiệm bình quân bằng 28% GDP. Đầu tư toàn xã hội
so với GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2017 nhìn chung có xu hướng giảm. Bình
quân cả giai đoạn, đầu tư toàn xã hội ở mức 35,28% GDP. Tỷ trọng đầu tư của khu
vực nhà nước vẫn giảm so với giai đoạn trước xuống còn 38,95%; đầu tư của khu vực
ngoài nhà nước và khu vực có vốn FDI lần lượt chiếm 37,47% và 23,58%.
Do nhu cầu chi cho phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và trả
nợ tăng mạnh nên bội chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 ở mức cao (bình quân 5,79%,
cao hơn mục tiêu 5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn
2011 - 2015). Tuy nhiên, bội chi NSNN có xu hướng giảm dần, ở mức 5,64% trong
năm 2016 và 3,48% GDP vào năm 2017. Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn được Quốc
hội phê duyệt. Đến cuối năm 2017, nợ công bằng 61,3% GDP, nợ chính phủ là 51,6%
GDP, phù hợp với mục tiêu đề ra.