Hà
Nguyên Cát
Trước hết, phải khẳng
định ngay rằng: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng
là liên minh giữa giai cấp công nhân (GCCN) với giai cấp nông dân (GCND) và đội
ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”1. Vấn đề đó
đã được ghi rõ ở Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1992). Nhà
nước mà nhân dân ta đang xây dựng là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam,
phù hợp với thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam.
Trong lịch sử nhân
loại, đến nay đã tồn tại 04 kiểu nhà nước: Nhà nước chủ nô, Nhà nước phong kiến,
Nhà nước tư sản và Nhà nước XHCN. Sự thay thế các kiểu nhà nước là “quá trình lịch
sử - tự nhiên”, do sự chi phối trước hết và chủ yếu bởi quy luật về sự phù hợp
của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
và quy luật về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng của xã
hội. Trong xã hội có giai cấp, sự ra đời, thay thế các kiểu nhà nước phải thông
qua cuộc đấu tranh giai cấp, đỉnh cao là cách mạng xã hội. V.I. Lê-nin đã nhấn
mạnh: chính quyền là vấn đề căn bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Nhà nước
XHCN ra đời, tồn tại và phát triển là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giữa
GCCN và nhân dân lao động với giai cấp thống trị, bóc lột, đỉnh cao là cách mạng
vô sản.
Đối với Việt Nam, để
giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm con đường cứu nước
và mô hình nhà nước tiến bộ cho đất nước sau khi giành được độc lập. Trong cuộc
hành trình lịch sử đó, Hồ Chí Minh đã khảo sát các mô hình nhà nước trên thế giới,
điển hình là nhà nước tư sản Mỹ và Pháp. Người phát hiện ra, đằng sau khẩu hiệu
đầy hoa mỹ, tốt đẹp về các quyền tự do,
bình đẳng, bác ái và quyền mưu cầu hạnh phúc được ghi đậm trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1791), thực chất chỉ là giả hiệu. Xã hội TBCN là xã hội mà ở đó sự bất bình đẳng, nghèo đói, phân biệt chủng tộc và biết bao sự tàn bạo, bất công khác đang hằng ngày, hằng giờ đè nặng lên vai giai cấp cần lao. Người kết luận: đó là những cuộc cách mệnh không đến nơi, bởi ở đó chính quyền vẫn ở trong tay một số ít người; vì thế, “cách mệnh thành công đã trên 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”2. Khi đến nước Nga (1923), Người nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về Cách mạng Tháng Mười và mô hình Nhà nước Xô Viết - một mô hình nhà nước kiểu mới: “...phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền,... ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”3. Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga và mô hình Nhà nước Xô Viết để từng bước nghiên cứu, xác lập mô hình về một kiểu nhà nước tương lai - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sẽ được thiết lập sau khi cách mạng Việt Nam thành công.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Một số thế lực với mưu đồ đen tối, đã xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của dân tộc cho rằng: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một sự “ăn may”(!). Lịch sử đã chứng minh, sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thành quả của con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã dày công tìm tòi, được Đảng và nhân dân ta lựa chọn; là sự hy sinh, phấn đấu thực hiện ước vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Nhà nước kiểu mới - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta là hoàn toàn phù hợp với quy luật tiến hoá của lịch sử. Trên thực tế, nhà nước tư sản từ đó đến nay mặc dù đã có sự điều chỉnh, vẫn giữ nguyên bản chất tư sản; là công cụ bảo vệ lợi ích thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản. Sự phân hoá giầu, nghèo, sự bần cùng hoá khốc liệt đối với đa số người lao động trong thế giới TBCN; các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, những cuộc biểu tình, bạo động với khẩu hiệu “chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ và nhiều thành phố khác ở các nước tư bản phát triển đã và đang diễn ra là minh chứng rõ nét cho điều này. Thực tiễn đó còn cho thấy hình thức giả hiệu của cái gọi là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” được ghi trong hiến pháp của không ít nước TBCN hiện nay.
Nếu vấn đề căn bản
của các cuộc cách mạng xã hội là chính quyền, thì vấn đề cơ bản của chính quyền
- thành quả của cách mạng xã hội sẽ là: Chính quyền đó thuộc về ai và phục vụ
cho ai? Vì vậy, tính ưu việt của một nhà nước được thể hiện đậm nét ở bản
chất mối quan hệ giữa nhân dân với quyền lực nhà nước. Nhà nước ta là Nhà nước
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - tức là tất cả quyền lực Nhà nước đều
thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhân nắm giữ quyền lực và thực thi quyền lực
nhà nước. Tính ưu việt của Nhà nước mà nhân dân ta đang xây dựng là: “Nhà nước
phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ
của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của
nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan
liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của
công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích
của Tổ quốc và của nhân dân”4; đồng thời, được biểu hiện
ở hình thức tổ chức Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân. Đó là trong quá trình xây dựng Nhà nước, có sự kế thừa những giá trị về
hình thức tổ chức, hoạt động của nhà nước pháp quyền trong lịch sử và xã hội
công dân với tư cách là giá trị của văn minh nhân loại vào điều kiện cụ thể của
nước ta. Thực tiễn xây dựng Nhà nước ta vừa qua, nhất là từ khi đất nước tiến
hành công cuộc đổi mới, đã giúp Đảng và Nhà nước ta xác định: “Tổ chức và hoạt
động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công,
phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống
nhất của Trung ương”5. Điều đó có nghĩa là Nhà nước ta không
“tam quyền phân lập” như nhà nước tư sản, mà quyền lực nhà nước là thống nhất,
có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, Quốc hội là cơ quan
quyền lực, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp và
giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, thay mặt nhân dân quyết
định những vấn đề cơ bản, quan trọng của đất nước. Chính phủ là cơ quan chấp
hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước, có trách nhiệm chủ yếu trong
triển khai, tổ chức, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện pháp luật, bảo đảm thực
thi quyền dân chủ của nhân dân trong đời sống xã hội. Các cơ quan tư pháp có chức
năng bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Trong thực tiễn, “Đảng
và Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa
quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân đối
với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức... Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng,
nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn”6. Thời
gian qua, trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình, phát huy quyền
dân chủ của nhân dân, Nhà nước ta đã thực hiện tốt việc trưng cầu ý dân về các
vấn đề sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật; quyền chất vấn của cử tri đối với
đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tiến hành định kỳ dân hỏi - bộ
trưởng trả lời; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Qua đó, tạo nên bầu không
khí dân chủ ngày càng cởi mở, sự đồng thuận xã hội ngày càng tăng, góp phần
tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế và lực mới cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những
thành quả đã đạt được, Nhà nước ta còn có những hạn chế, yếu kém; đó là: “Năng
lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn
yếu... Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước. Cải cách
hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra, thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ
chức và công dân...; phân cấp mạnh nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát; trật tự, kỷ
cương xã hội không nghiêm... Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt
yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những
biểu hiện tinh vi phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”7.
Những hạn chế, yếu kém đó đã bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng. Chúng
cho rằng, những vụ việc như: thu hồi đất ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải
Phòng), ở Văn Giang (Hưng Yên)...; các vụ việc ở tập đoàn Vinashine,
Vinaline... không phải là do những khuyết điểm trong thực tiễn quản lý, điều
hành của Nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, mà do lỗi “hệ thống”,
xuất phát từ “bản chất” của Nhà nước ta. Chúng đã xuyên tạc, bóp méo sự thật,
“chính trị hoá” các vấn đề có tính chất hành chính, kinh tế, rồi ầm ĩ tuyên
truyền trên mạng Internet và các diễn đàn quốc tế, là: “chính quyền đảng trị, độc
tài thối nát”, “nhà nước cộng sản là nhà nước của bóng đêm”,... Chúng quy chụp
Nhà nước Việt Nam hiện nay là nhà nước “đảng trị”, được “gắn mác” pháp quyền
XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để “mị dân”; và cho rằng:
nhà nước pháp quyền là sản phẩm “riêng” của CNTB(!)... Thực chất là chúng muốn
gieo rắc sự hoài nghi, bất mãn, tạo sự đối lập giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước,
gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, chúng lôi kéo, tài trợ, kích
động những người nhẹ dạ cả tin, những phần tử thoái hoá biến chất, cơ hội chính
trị tổ chức khiếu kiện đông người, biểu tình, bạo động… Mục đích của chúng là
muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Với thái độ nghiêm
túc, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là
nguyên nhân chủ quan trong quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động của Nhà nước
vừa qua; đó là: “Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý,
điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực
và một số vấn đề lớn chưa tập trung kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương
không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Năng lực, phẩm chất của một bộ
phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn bất cập”8. Vì vậy,
Đảng ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với 04 nhóm giải
pháp: Nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; tiếp tục đổi
mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tích cực thực hành
tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Sự quyết
tâm của Đảng đã giành được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Sự ra đời, tồn tại,
phát triểnNhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
ở nước ta là kết quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, do GCCN Việt
Nam lãnh đạo. Trên thực tế, Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân đã chứng tỏ là công cụ ngày càng có hiệu quả trong việc thực
thi quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 85.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 270.
3 - Sđd
- tr. 280.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 86.
5 - Sđd
- tr. 86.
6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 158.
7 - Sđd
- tr. 171 - 172.
8 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 179 - 180.
Nguồn: http://tapchiqptd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét