Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính
Trong
những năm qua, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn phát triển kinh tế
nhanh, bền vững ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, đòi hỏi cần có sự
phân tích, đánh giá để có các giải pháp khắc phục phù hợp.
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững là xu thế chung
được nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực hướng tới. Đây cũng là mục tiêu chiến
lược quan trọng và được thể hiện rõ nét trong các chủ trương, chính sách, quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, cũng như của các ngành và
địa phương tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006 - 2016, Việt Nam đã tận dụng được
thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan
trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường. Đất nước đã thoát khỏi
tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải
thiện, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, vị thế của Việt Nam trên trường
quốc tế được nâng cao.
Thực trạng
Việc đánh giá phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Việt Nam được xét
trong mối quan hệ với trục bền vững về kinh tế, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế;
Các cân đối vĩ mô; Chất lượng tăng trưởng; Năng lực cạnh tranh và cơ sở hạ tầng
của nền kinh tế.
Về tăng trưởng kinh tế: Mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong
giai đoạn 2006 - 2017 bị chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng của
thế giới và nhiều nước trong khu vực. Bình quân cả giai đoạn 2006 - 2017, GDP
tăng trưởng 6,19%, cao hơn tốc độ tăng GDP của thế giới. Bên cạnh đó, GDP bình
quân đầu người đã tăng gần gấp 3 lần từ 797 USD/người trong năm 2006 lên 2.385
USD/người vào năm 2017, giúp Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập
trung bình kể từ năm 2010.
Về đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô là yêu cầu có tính chất nền tảng
đối với tăng trưởng và sự phát triển của các nền kinh tế. Các cân đối vĩ mô ở
Việt Nam, chủ yếu tập trung một số chỉ tiêu như lạm phát, tiền tệ tín dụng, đầu
tư, cán cân thanh toán, bền vững về ngân sách...
Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn 2006 -
2017 là phải đối mặt với nhiều dấu hiệu của bất ổn vĩ mô, đặc biệt là tình trạng
lạm phát cao trong những năm 2006 - 2007 và 2010 - 2011. Tuy nhiên, nỗ lực kiềm
chế lạm phát của Chính phủ đã giúp lạm phát giảm và khá ổn định trong những năm
gần đây.
Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần. Đến năm 2017, lãi suất cho vay ngắn
hạn ở mức 6,5 - 9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 9 - 11%/năm,
tương đương 40% vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng khá nhanh trong
giai đoạn 2006 - 2010 và ổn định trong giai đoạn 2011 - 2017, đặc biệt từ khi
Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm.
Giai đoạn 2006 - 2017, tiết kiệm bình quân bằng 28% GDP. Đầu tư toàn xã hội
so với GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2017 nhìn chung có xu hướng giảm. Bình
quân cả giai đoạn, đầu tư toàn xã hội ở mức 35,28% GDP. Tỷ trọng đầu tư của khu
vực nhà nước vẫn giảm so với giai đoạn trước xuống còn 38,95%; đầu tư của khu vực
ngoài nhà nước và khu vực có vốn FDI lần lượt chiếm 37,47% và 23,58%.
Do nhu cầu chi cho phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và trả nợ tăng mạnh nên bội chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 ở mức cao (bình quân 5,79%, cao hơn mục tiêu 5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015). Tuy nhiên, bội chi NSNN có xu hướng giảm dần, ở mức 5,64% trong năm 2016 và 3,48% GDP vào năm 2017. Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt. Đến cuối năm 2017, nợ công bằng 61,3% GDP, nợ chính phủ là 51,6% GDP, phù hợp với mục tiêu đề ra.
Về chất lượng tăng trưởng: Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, hiệu
suất đầu tư tăng trưởng 5,38, thấp hơn so với mức 6,1 của giai đoạn 2006 -
2010. Hiệu quả sử dụng vốn thấp nhưng có dấu hiệu được cải thiện so với giai đoạn
trước. Tuy nhiên, biểu hiện chưa rõ ràng khi hiệu suất đầu tư tăng trưởng giảm
dần từ 5,92 của năm 2012 xuống 4,38 vào năm 2015, nhưng lại có dấu hiệu tăng trở
lại vào năm 2016 khi đạt 5,31.
Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, đóng góp của tăng vốn vào tăng GDP chiếm
khoảng 54,1%, đóng góp của tăng lao động là 15,5% và đóng góp của tăng TFP vào
tăng GDP khoảng 30,4%. Năm 2016, GDP tăng 6,21%, đóng góp của tăng vốn vào tăng
GDP là 56,1%, của lao động là 9,4% và của tăng TFP khoảng 34,6%. Trung bình
giai đoạn 2011 - 2016, đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP là khoảng 31,1%.
Trong thời gian qua, năng suất lao động đã được cải thiện đáng kể với tốc
độ tăng khá đều và ổn định. Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng năng suất lao động
bình quân năm là 3,45%/năm, giai đoạn 2011 - 2017, tốc độ tăng đạt khoảng
5%/năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực
ASEAN, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước
trong khu vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 53% vào năm 2017.
Về năng lực cạnh tranh và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế: Trong 5
năm gần đây, xếp hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện
nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Môi trường kinh doanh đã tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên 82. Đây là mức cải
thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Song song đó, phát triển kinh tế nhanh và bền vững bên cạnh việc đảm bảo
phát triển kinh tế nhanh phải gắn với sự bền vững về xã hội, chủ yếu được thể
hiện thông qua công bằng xã hội, đảm bảo việc làm và khả năng tiếp cận các dịch
vụ công cơ bản.
Theo đó, công bằng xã hội, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo. Tỷ lệ hộ
nghèo trong giai đoạn 2006 - 2017 có xu hướng giảm, đặc biệt là sau năm 2010
(đã giảm từ 14,2% của năm 2010 xuống còn dưới 7% vào năm 2017. Phân bố thu nhập
trong dân cư ở mức tương đối bình đẳng nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên và tỷ lệ lao động trong độ tuổi
lao động đã qua đào tạo liên tục tăng trong suốt 10 năm qua, từ khoảng
14% (năm 2007) lên 21 - 22% (năm 2017). Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng
tích cực hơn, tuy nhiên phân bố lực lượng lao động không đều và lao
động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Mặc dù tỷ lệ
thất nghiệp có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên
vẫn cao nhất trong nhóm người thất nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề càn giải
quyết cho xã hội.
Trong 10 năm qua, do các dịch vụ công về y tế, giáo dục, an sinh xã
hội và chất lượng sống được cải thiện, tuổi thọ trung bình của
người dân Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, ở mức 73,4 tuổi (năm 2017),
được xếp vào nhóm nước sống thọ trên thế giới (đứng thứ 56/138 nước)
và đứng thứ 2 khu vực, sau Singapore.
Cuối cùng, đánh giá phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Việt Nam còn
được xét trong mối quan hệ với trục bền vững về môi trường. Ở Việt Nam, trong
thời gian qua, vấn đề phát thải và khí thải đã và đang tác động lớn, ảnh hưởng
đến môi trường sống. Mức độ phát thải CO2 của Việt Nam là 1,8 tấn/người/năm,
vẫn cao hơn một số quốc gia khác như Ấn Độ (1,7), Philippines (1,1), Lào,
Cambodia… Việt Nam là một trong năm nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và khắc phục rủi ro thiên
tai, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua rất chú trọng xây dựng,
triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch, chính sách và giải pháp phòng,
chống và giảm nhẹ thiên tai, bao gồm các biện pháp về tài chính - ngân sách.
Vấn đề đặt
ra
Trong những năm qua, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn phát triển
kinh tế nhanh, bền vững ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, đòi hỏi cần
có sự phân tích, đánh giá để có các giải pháp khắc phục phù hợp.
Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế Việt Nam mặc dù tương đối cao nhưng chưa
đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững. Mặc dù chất lượng tăng trưởng có
sự cải thiện nhưng nếu so với mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của các
nước trong khu vực thì vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Bình quân giai đoạn 2010 -
2013, TFP đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng của Việt Nam, trong khi đóng góp
59% vào tăng trưởng của Thái Lan, 52% tại Philippines, 30% tại Indonesia và 28%
tại Trung Quốc.
Cơ cấu kinh tế vẫn còn phụ thuộc không nhỏ vào sản xuất nông nghiệp và
khu vực nhà nước. Mặc dù tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong vẫn ở mức cao
so với nhiều nước trong khu vực. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao (bình
quân giai đoạn 2006 - 2016 đạt 6,12%), song chưa đạt được tăng trưởng toàn dụng
các tiềm năng sản xuất sẵn có, không có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng,
nhất là trong bối cảnh các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn đều có những
thay đổi tích cực về mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng chưa thực
sự bền vững. Xét về tổng thể, các cân đối vĩ mô lớn thời gian qua cơ bản được
duy trì ổn định, tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam có thể phải đối diện
với một số khó khăn và thách thức như: (i) Tỷ lệ tiết kiệm - đầu tư có xu hướng
bị mở rộng do đầu tư tăng cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm tương đối ổn định; (ii)
Tỷ lệ động viên NSNN có xu hướng giảm, từ 27,3% trong năm 2010 xuống còn khoảng
25,6% vào năm 2017, trong khi áp lực tăng chi NSNN ngày càng tăng, nhất là chi
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi cho con người, xóa đói giảm nghèo; (ii) Về
cán cân thương mại, bình quân giai đoạn 2001 - 2010, Việt Nam là nước có tỷ lệ
thâm hụt thương mại thuộc nhóm cao nhất (-8,3%) so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp, khả năng tham gia của các doanh nghiệp
trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh
toàn cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới, cho thấy Việt Nam có cải thiện
nhưng với mức độ chậm.
Mặt khác, các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bộc lộ một
số vấn đề đòi hỏi phải được quan tâm, khắc phục. Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù có xu hướng
giảm, nhưng bất bình đẳng trong thu nhập đang có xu hướng gia tăng, trong khi
thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với một
số quốc gia đang phát triển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Trung
Quốc, Malaysia...
Giải pháp
Để đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong giai đoạn tới cần
tập trung xử lý có hiệu quả các yêu cầu quan trọng sau:
Một là, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển dần từ phát
triển kinh tế từ chủ yếu dựa vào chiều rộng và bên ngoài sang phát triển kinh tế
dựa vào chiều sâu (năng suất lao động, KH&CN) và các yếu tố nội lực (nguồn
nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ trong nước)… Các trọng tâm bảo đảm
đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững
thời gian tới, bao gồm:
Phát huy vai trò quyết định của nội lực, của doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp; đồng thời thu
hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Cách thức cơ bản là đẩy mạnh ứng
dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc
đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện
phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến
khích tinh thần sản xuất - kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt
để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia
và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển kinh tế vùng, liên vùng, với cơ chế riêng để phát huy tiềm
năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động
lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến
các vùng khác. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng
cao trách nhiệm của Trung ương và địa phương; thực hiện quy hoạch vùng, chính
sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng
xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương
trong vùng, để khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành
chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp.
Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường,
ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững.
Hoạt động của các khu kinh tế ven biển cần được tập trung đầu tư, nâng cao hiệu
quả.
Hai là, thể chế kinh tế thị trường hiện đại cần được xây dựng, hoàn thiện
trên cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai, minh
bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị
doanh nghiệp, đồng thời gắn với việc bảo đảm lợi ích của đại đa số lao động và
người dân nói chung.
Ba là, các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng các chương
trình đào tạo nghề thiết thực, phù hợp với nhu cầu của xã hội cần sớm được hoàn
thiện nhằm đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời những chính
sách nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ công tối thiểu như y tế,
giáo dục - đào tạo… cũng cần được nghiên cứu sửa đổi.
Bốn là, hệ thống pháp luật cần được sớm hoàn thiện, với các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; sử dụng hiệu quả, hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới cần tăng cường phát triển, sử dụng thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cần được đẩy mạnh./.
Nguồn:https://www.mof.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét