Nguyễn Thị Chiên
Vấn đề quyền lực đã được đặt ra và nghiên cứu
từ thời cổ đại cho đến nay vẫn là vấn đề đang còn được các nhà khoa học chính
trị quan tâm nghiên cứu. Bởi lẽ, quyền lực là công cụ, phương tiện cơ bản nhất
giúp cho chủ thể nắm quyền có thể thoả mãn mọi nhu cầu, ý chí của mình. Điều đó
dẫn đến thực tế là chủ thể chính trị nào cũng muốn giành, giữ cho kỳ được quyền
lực để thực thi trong thực tế mọi nhu cầu và ý chí của mình. Do vậy, dù tự phát
hay tự giác, các chủ thể chính trị đều phải hiểu, phải có tri thức về quyền lực
chính trị.
Là lãnh tụ chính trị lỗi lạc của giai cấp công
nhân, hơn ai hết C.Mác và F.Ăngghen trong quá trình nghiên cứu lý luận, tổng
kết thực tiễn để xây dựng học thuyết đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân
đã chỉ rõ bản chất của quyền lực chính trị nói chung, quyền lực chính trị của
GCCN nói riêng và con đường biện pháp để giai cấp công nhân xác lập quyền lực
chính trị của mình. Những tư tưởng này được C.Mác và F.Ăngghen phản ánh một
cách rõ ràng, khúc chiết trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.
Theo các ông “quyền lực chính trị theo đúng nghĩa của nó, là bạo
lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”(1).).Vì vậy, giai
cấp công nhân, trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải đoàn
kết thành giai cấp để thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống
trị và “với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản
xuất cũ, đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy nó cũng tiêu diệt luôn
cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt cả giai cấp nói
chung và cũng do đấy tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình”(Sđd,
t21, tr 628). Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai
cấp của nó, là một chế độ xã hội mà trong đó “Sự phát triển tự do của mỗi người
là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2). Đó chính là bản
chất quyền lực chính trị của giai cấp công nhân.
Vấn đề đặt ra ở đây là:
Thứ nhất, tại sao giai cấp công
nhân có sứ mệnh lịch sử đó;
Thứ hai, để thực hiện sứ mệnh
lịch sử của mình giai cấp công nhân cần phải làm gì ?
Trả lời cho vấn đề thứ nhất, các ông chỉ rõ cơ sở để giai cấp công
nhân có thể trở thành giai cấp thống trị là: Lịch sử các xã hội có đối kháng
giai cấp là “lịch sử đấu tranh giai cấp”. Kết cấu xã hội của xã hội bao giờ
cũng phản ánh phương thức sản xuất đi theo với sự đối kháng giữa các giai cấp
mà nó vốn có. Phương thức sản xuất quyết định yếu tố tồn tại về mặt xã hội của
giai cấp. Vai trò của một giai cấp trong việc tổ chức lao động của xã hội bắt
nguồn từ đó.
Trên cơ sở ấy, C.Mác và F.Ăng ghen đã phân tích một
cách khách quan xã hội TBCN, đánh giá đúng đắn vai trò của CNTB, của giai cấp
tư sản và những thành tựu mà CNTB tạo ra. Tuyên ngôn vạch rõ: “Giai cấp tư sản
trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy mội thế kỷ, đã tạo ra những lực
lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế lực
trước kia gộp lại” (3). Từ sự phân tích quá trình ra đời, tồn tại và phát triển
của CNTB, lột trần những mâu thuẫn nội tại, cố hữu của nó và sự đối kháng giai
cấp ngày càng tăng giữa tư sản và vô sản, hai ông đã rút ra kết luận quan trọng:
“Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu
như nhau”(4) và “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí đã giết mình,
nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những
người vô sản” (5). Bởi lẽ, “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với
giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Các
giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công
nghiệp; Giai cấp vô sản, trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công
nghiệp”.
Trả lời cho vấn đề thứ hai, Mác và Ăngghen chỉ rõ để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, trước hết giai cấp công nhân phải tổ chức ra chính đảng của mình - Đảng cộng sản. Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân. Đảng đưa vào phong trào công nhân các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, tổ chức giai cấp công nhân, lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và xây dựng xã hội XHCN. Đảng là người đại biểu và bảo vệ triệt để nhất các lợi ích của giai cấp công nhân. Bởi những người cộng sản trên thực tế “Tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”(6), họ là “bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên” (7), “về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản” (8).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, cuộc đấu tranh cách mạng của
GCCN phải trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn giai cấp công
nhân tự xây dựng thành giai cấp thống trị, là giai đoạn giành lấy dân chủ; Giai
đoạn thứ hai là khi đã trở thành giai cấp thống trị giai cấp công nhân phải sử
dụng quyền lực đó để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNCS, để “ tăng
thật nhanh lực lượng sản xuất” bằng cách “dùng sự thống trị chính trị của mình
để từng bước muốn đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập
trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai
cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị”(9). Và chỉ khi đó, tính tự
phát, tình trạng vô chính phủ và sự cạnh tranh khốc liệt vốn có ở CNTB mới được
khắc phục và cũng chỉ khi đó, giai cấp vô sản mới tổ chức được chế độ quản lý
sản xuất một cách có kế hoạch. Trong Tuyên ngôn các ông đã đưa ra mười biện
pháp để giai cấp công nhân thực hiện công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới. Tuy nhiên, khi đưa ra mười biện pháp đó các ông cũng đã nhắc nhở rằng
những biện pháp này “có thể được áp dụng khá phổ biến” đối với những nước tiên
tiến nhất còn “trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác
nhau rất nhiều”(10). Lời nhắc nhở đó của các ông vẫn còn nguyên giá trị lý luận
để Đảng ta đề ra đường lối chiến lược một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh
nước ta và với xu thế biến đổi trong bối cảnh thế giới hiện nay.
160 năm qua, lịch sử thế giới đã có nhiều đổi thay, CNXH hiện thực
đã trải qua những thăng trầm, biến đổi và thậm chí phải chấp nhận những bước
“thụt lùi”, song những tư tưởng về quyền lực chính trị của giai cấp công nhân
được phản ánh trong Tuyên ngôn không những không bị “lỗi thời”, không “bị lịch
sử đẩy lùi vào quá khứ” mà đã và đang mãi mãi có giá trị lý luận và ý nghĩa
thực tiễn lớn lao đối với giai cấp công nhân nước ta, cũng như giai cấp công
nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Giữ vững lòng trung thành với học thuyết Mác, giai cấp công nhân
Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã luôn là lực lượng đi đầu trong
cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức, bóc lột và các thế lực phản động trong cách
mạng dân tộc, dân chủ và trong cách mạng XHCN.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn
phát triển mới với những thuận lợi, khó khăn, thách thức mới. Quá trình đẩy
nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang đặt giai cấp công nhân nước ta trước
những nhiệm vụ lịch sử mới. Để bảo vệ và thực hiện thành công quyền lực chính
trị của mình, giai cấp công nhân cần nêu cao giác ngộ giai cấp, thực sự là lực
lượng đi đầu trong công cuộc CNH, HĐH, tự mình phần đấu vươn lên cùng với sự
phát triển chung của đất nước.
Đặc biệt, quá trình hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế
giới đang đặt giai cấp công nhân nước ta trước những yêu cầu mới về trình độ
khoa học - kỹ thuật, về khả năng ứng dụng công nghệ mới. Vì vậy, giai cấp công
nhân phải luôn tự mình trí thức hoá đồng thời có chính sách đoàn kết và động
viên giới trí thức đem hết tài năng phục vụ sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất
nước.
Điều quan trọng là, giai cấp công nhân phải ngày càng
giác ngộ sâu sắc về lý tưởng cách mạng, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình,
được tổ chức chặt chẽ và được dẫn dắt bởi một
Đảng tiền phong vững mạnh. Vì vậy, để xây dựng giai cấp công nhân thực sự trở
thành giai cấp thống trị, trước hết phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, giai cấp công nhân phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, góp phần xây
dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ mới. Đó là điều kiện tiên quyết để giai cấp
công nhân nước ta thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình, xây dựng một
nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.
Chú thích: - Từ (1) đến 10:
C.Mác và Ph.Ăng ghen Toàn tập, tập 21, NXB CTQG, H, 1995 ( tr.628, 603, 613,
605, 614, 615, 626, 627).
Nguồn:
http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=74
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét