Hồng Vân
(VOV5)
- Trung Quốc cho rằng Mỹ cần thích ứng với sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là
sự lựa chọn đúng đắn cho cả hai bên.
Năm 2017 chứng kiến những thay đổi
nhanh chóng trong đời sống chính trị thế giới. Các trục quan hệ chủ chốt đều có những
diễn biến bất ngờ, thậm chí là đảo
chiều, gây ra không ít xáo trộn trong quan hệ quốc tế, phần nào định hình tương lai
của thế giới.
Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng
thống Mỹ Donald
Trump - Ảnh: Sky
Năm 2017 là một trong số ít năm có các mối quan hệ quốc tế biến động nhanh, khó lường khi những diễn biến 6 tháng cuối năm trái ngược với 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý trong những biến động đó phải kể đến trục quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung và Mỹ - EU.
Đảo chiều trong quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung
Những tưởng quan hệ Nga - Mỹ năm 2017
sẽ có nhiều khởi sắc sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống nhưng những gì
diễn ra trên thực tế lại cho thấy quan hệ giữa hai nước đang rơi vào một vòng
xoáy đối đầu chưa có điểm dừng. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump nhiều lần phát đi thông điệp
và cam kết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga nhưng những tuyên
bố này đã nhanh chóng bị cuộc điều tra về cái gọi là “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
năm 2016” phủ bóng đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump nói chuyện bên lề hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng - Ảnh: Reuters
Tiếp đó, năm 2017 cũng chứng kiến màn đối đầu giữa Nga và Mỹ về ngoại giao. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc hai viện Quốc hội Mỹ hồi tháng 7/2017 thông qua luật siết chặt trừng phạt Nga kèm theo những điều khoản buộc Tổng thống Trump phải ký ban hành. Nga coi đây là đòn “khiêu chiến", khiến Moscow ra quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga tiếp tục sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moscow. Đáp lại, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisc cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York.
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ trên mặt trận
kinh tế cũng trở nên gay gắt hơn. Hai bên tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng
phạt lẫn nhau. Thậm chí Mỹ còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như
năng lượng và xuất khẩu vũ khí.
Trong khi quan hệ Nga - Mỹ rơi vào vòng
xoáy khủng hoảng thì năm 2017 cũng chứng kiến những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung. Sự kiện ông Donald
Trump đắc cử Tổng thống Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trên cả lĩnh vực kinh tế
thương mại lẫn chính trị. Trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Trung Quốc được chỉ đích danh là nước
đe dọa lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ những lợi ích song trùng giữa 2 bên
buộc Washington và Bắc Kinh phải duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng. Trung
Quốc cho rằng Mỹ cần thích ứng với sự
phát triển của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn
cho cả 2 bên. Đặc biệt sau chuyến
thăm lẫn nhau của lãnh đạo 2 nước trong năm 2017,
quan hệ Mỹ - Trung đã dần đi vào ổn định. Theo giới phân tích, là cặp quan hệ quan trọng
và phức tạp, có ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, Mỹ
và Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tìm cách duy trì quỹ đạo vừa hợp tác vừa cạnh
tranh, tránh đối đầu, xung đột.
Thử thách quan hệ đồng minh Mỹ - EU
Khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trên
hết" của ông Donald Trump khiến nhiều chính khách châu Âu lo ngại sâu sắc
cho tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Không để đợi lâu, ngay từ những ngày mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã có nhiều phát ngôn gây sốc cho
châu Âu khi tin rằng sẽ có nhiều nước châu Âu khác ra khỏi EU theo gương của
Anh hay “Brexit sẽ thành công”.
Tổng thống Mỹ Donald
Trump (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng
châu Âu và Chủ tịch
Ủy ban châu Âu tại Brussels - Ảnh: European Commission
Thêm vào đó, Mỹ đe dọa xem xét lại mối
quan hệ với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Donald
Trump cũng đình chỉ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên
Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận về tự do thương mại giữa EU và Mỹ, và áp
dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.
Trên trường quốc tế, hàng loạt chính sách của Mỹ được coi là đi ngược lại lợi ích của EU, khiến đồng minh lâu năm này của Washington phản ứng mạnh mẽ như việc Washington rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông Trump cũng để ngỏ khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nhóm P5+1, gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức ký kết với Iran năm 2015, trong khi EU kiên quyết bảo vệ thỏa thuận này.
Trước những động thái trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, quốc gia đầu tàu EU, từng cảnh báo rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã suy yếu và châu Âu thực sự phải "tự mình nắm
lấy vận mệnh của chính mình.
Nhìn lại năm 2017,
mối quan hệ giữa EU và Mỹ cũng như Mỹ - Trung, Mỹ
- Nga có những thời điểm đã trở nên căng thẳng mà nguyên do chủ yếu là những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Trong
bất kỳ hoàn cảnh nào, những trục quan hệ này vẫn là hòn đá tảng cho việc duy
trì an ninh, ổn định cả về chính trị và kinh tế
trên thế giới. Do vậy, sớm muộn gì, các quốc gia trong những trục quan hệ này
sẽ tìm cách đi đến thỏa hiệp, giảm đối đầu, tránh căng thẳng leo thang thành cuộc đấu “một mất một còn”.
Nguồn: http://vovworld.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét