Lê Hữu Nghĩa
TCCS - Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được bổ
sung, phát triển năm 2011 và các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc thời kỳ đổi
mới đều khẳng định: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đồng thời
Đảng yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải “kiên định chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực
tiễn Việt Nam”(1). Kiên định và sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh là hai mặt của một vấn đề thống nhất với nhau; kiên định phải
trên cơ sở sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, nếu không sẽ sa vào
sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, máy móc hoặc chủ nghĩa cơ hội, xét lại.
Trong hơn 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại; nhờ đó đã đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vượt qua mọi thác ghềnh, vượt qua những thời điểm hiểm nghèo của cách mạng.
1- Từ khi chế độ xã hội chủ
nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phe XHCN tan rã, các thế lực
thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm
chống phá Đảng, chống phá chế độ XHCN ở nước ta. Trong khi chúng ta đang đẩy
mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ
thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức đó, một
mặt, do những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình đổi
mới ngày càng đi vào chiều sâu; mặt khác, do những hạn chế, yếu kém,
khuyết điểm chưa được khắc phục kịp thời, đồng thời cộng với tình hình thế giới
biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình hình khách quan đó đã tác động
đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho một bộ phận
cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, bản lĩnh chính trị
không vững vàng nên có sự dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng XHCN và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của nước ta, phủ nhận vai trò của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin; tình trạng nhạt Đảng, xa rời chính trị, phai nhạt lý tưởng
đã và đang diễn ra. Một số cán bộ, đảng viên, thậm chí có cả cán bộ cao cấp mất
lòng tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào lý tưởng XHCN, giảm sút ý chí chiến
đấu, mắc phải những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ
ra. Trong nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên có sự mơ hồ, không phân biệt
đúng - sai ở tầm quan điểm về những vấn đề lớn, như đánh giá về bản chất của
thời đại, về chủ nghĩa tư bản (CNTB), về CNXH, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về
nguyên nhân sự sụp đổ của Liên Xô, về thời kỳ quá độ và định hướng XHCN ở nước
ta, về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, về vai trò của kinh tế tư nhân, về
kinh tế thị trường định hướng XHCN, về chế độ sở hữu đất đai,...
Trên những vấn đề đó,
công tác tư tưởng - lý luận, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn
chế, bất cập, chưa nghiên cứu sâu, thấu đáo để làm sáng tỏ bản chất của vấn đề,
chưa lý giải được một cách thật sự khoa học, có tính thuyết phục, nhiều vấn đề
còn bỏ lửng, chưa kết luận được. Qua tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016), qua
văn kiện Đại hội XII của Đảng và nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4 và 5 khóa
XII, một số vấn đề đã được nhận thức rõ hơn, như vấn đề thể chế kinh tế thị
trường định hướng XHCN, vấn đề vai trò kinh tế tư nhân... Tuy nhiên, phía trước
còn là “đại vấn đề” phải tiếp tục đi sâu nhận thức, làm rõ, nếu không sẽ vẫn
tiếp tục tình trạng còn nhiều vướng mắc trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ,
đảng viên; tình trạng nói và làm, nói và nghĩ khác nhau; thiếu thảo luận một
cách dân chủ, cởi mở, làm hạn chế sự thống nhất về chính trị, tinh thần trong
nội bộ Đảng.
Như trên đã nêu, sự sụp đổ của chế độ XHCN
ở Liên Xô và các nước Đông Âu, sự tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là về
kinh tế của CNTB, sự xuyên tạc, tấn công của các thế lực thù địch, cơ hội chính
trị vào ý thức hệ XHCN đã làm cho một số cán bộ, đảng viên giảm sút niềm tin
vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH. Có người cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin
chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX - thời đại văn minh
cơ khí, còn bây giờ là thế kỷ XXI - thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ,
cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập
quốc tế nên không còn thích hợp nữa; rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là
sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương Tây nên không phù hợp với điều kiện
Việt Nam...
Những nhận thức đó, về mặt khách quan, là
có lợi cho quan điểm cơ hội chính trị. Họ không thấy rằng, đứng trên quan điểm
khách quan mà xem xét có một số luận điểm cụ thể của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.
Lê-nin không còn phù hợp nữa, đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua hoặc bị nhận
thức sai mà bây giờ phải nhận thức lại cho đúng, song những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong tinh thần khoa học và cách mạng của nó, vẫn
giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn các quy luật của phép biện chứng duy vật, của lý
luận nhận thức mác-xít, của học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học
thuyết giá trị thặng dư, học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,
những tư tưởng khoa học về nhà nước, cách mạng xã hội, về CNXH... Họ không thấy
hoàn cảnh lịch sử - cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển
cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin nêu lên là
không thay đổi, có giá trị bền vững lâu dài. Họ cũng không thấy hoặc cố tình
không thấy rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhiều đổi mới về tư
duy lý luận, đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo tinh thần khẳng định
sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, đồng thời loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều, duy ý
chí về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về CNXH, phân biệt những nguyên lý cơ bản của
học thuyết Mác - Lê-nin với những luận điểm cụ thể của các ông gắn liền với
những hoàn cảnh cụ thể lúc đó mà sau này đã bị lịch sử vượt qua. Họ cũng không
thấy rằng, thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của Việt Nam, trên một
loạt vấn đề. Chẳng hạn, vấn đề mục tiêu và đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam,
con đường đi lên CNXH của nước ta, vấn đề xây dựng và phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và phát
huy dân chủ, những vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về phát triển con người; về kết hợp
giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; về chủ động
và tích cực hội nhập quốc tế... Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lê-nin thì không có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà
nhân dân ta đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.
Trong số những người phủ nhận chủ nghĩa
Mác - Lê-nin không chỉ có các thế lực thù địch, cơ hội chính trị mà có cả một
số cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên này có sự dao động về ý thức hệ,
về niềm tin, về lý tưởng XHCN. Có người kiến nghị đòi sửa đổi Cương lĩnh của
Đảng theo hướng đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng
(chỉ giữ lại “học thuyết Hồ Chí Minh”), chỉ giữ lại mục tiêu độc lập dân tộc,
bỏ mục tiêu XHCN. Đây chính là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính
trị. Đúng như văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Không ít cán bộ, đảng
viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh
đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam”(2).
Có người đưa ra một luận điểm hết sức sai
lầm rằng: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một lý thuyết muốn làm điều tốt nhưng nội
dung tư duy lại phi cách mạng, không tưởng..., vì thế cần phải vứt bỏ; rằng,
trải hơn một thế kỷ và trên phạm vi nhân loại, đến nay nhận thức khoa học đào
thải chủ nghĩa hoang tưởng ấy đã hoàn tất (!).
Luận điệu của họ nhằm chống chủ nghĩa Mác
- Lê-nin không có gì mới. Họ cố tình lảng tránh một thực tế là tại sao nhiều
nhà tư tưởng tư sản trên thế giới, như Giắc-cơ Đê-ri-đa, Tê-ry I-gơ-le-tơn,
Đi-đi-ê Ê-ri-bông... vẫn đề cao Các Mác, kêu gọi nhân loại hãy “trở về với
Mác”, “nhân loại không thể thiếu Mác”, “không có tương lai nếu không có Mác,
nếu không có các di sản của Mác”(3). Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - tài
chính những năm 2008 - 2009 ở các nước tư bản phát triển, bộ “Tư bản”
của C.Mác đã được in và tái bản với số lượng tăng vọt, trở thành sách bán chạy
ở các nước tư bản, như Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Nhật Bản,... Sở dĩ có hiện
tượng đó vì người ta muốn tìm câu trả lời từ trong tác phẩm vĩ đại của C. Mác
về những vấn đề của xã hội tư bản hiện đại. Nhà sử học người Anh Ê-rích Hô-xbon
nhận xét rằng “việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên
cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó
trong sự phát triển của xã hội loài người”.
Những ý kiến phủ nhận chủ nghĩa Mác -
Lê-nin đã hiểu không đúng bản chất, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quy
chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, bạo lực
trấn áp. Để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, họ đem đối lập một cách giả tạo
chủ nghĩa Mác - Lê-nin với dân tộc (chẳng hạn, họ nói “cứ nhắm mắt theo chủ
nghĩa thì phản bội dân tộc” hoặc cứ “theo chủ nghĩa thì không bảo vệ được chủ
quyền quốc gia”); họ còn đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với sự phát triển
của đất nước (họ nói “Đảng coi trọng chủ nghĩa chứ không coi trọng sự phát
triển”!).
Những quan niệm trên đây hoàn toàn sai
lầm. Những quan niệm này không thấy rằng trước đây chỉ khi tìm đến được với chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới tìm thấy con đường cứu
nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp lao động và trong suốt quá trình
lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thức, vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, nhờ
đó mới có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh thắng thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thắng lợi
của công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi
chủ nghĩa Mác - Lê-nin như cái “cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” soi sáng
con đường cách mạng Việt Nam, con đường phát triển của đất nước. Chính vì vậy
Đảng ta luôn yêu cầu “phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ
nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(4).
2- Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra
27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong những biểu hiện đó, có những biểu
hiện thuộc về suy thoái trong nhận thức, thái độ, hành vi đối với nền tảng tư
tưởng của Đảng, đó là “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh”, thậm chí “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là sự dao động về nền tảng tư tưởng, về ý thức hệ
của Đảng, từ đó có thể dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Điều
nguy hại là những sự dao động này lại nằm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên,
trong đó có cả những người có chức, có quyền. Bài học về sự sụp đổ của mô hình
XHCN xô-viết, sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô cho chúng ta thấy tác hại
khôn lường của sự xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 khóa XII đã đề ra nhiệm vụ phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ, trong đó có nhiệm vụ phải kiên định, vận dụng sáng tạo và
phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh
mới của tình hình thế giới và trong nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần quán
triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư về
tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng
và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới
và thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường và đổi mới
việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhận thức sâu sắc hơn các luận
điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, để qua đó khẳng định những luận
điểm nào có giá trị bền vững, trước kia đúng, bây giờ vẫn đúng và về sau vẫn
đúng; làm rõ những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử hiện
nay đã thay đổi, đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp; những luận điểm
nào mà sinh thời, các ông đã phát hiện thấy không đầy đủ hoặc thừa nhận là sai
và đã sửa đổi nhưng chúng ta không thấy hết; những luận điểm nào của các ông mà
chúng ta đã hiểu sai do nghiên cứu không đến nơi đến chốn hoặc hiểu theo cách
hiểu không đúng của người khác, đảng khác. Đồng thời và quan trọng hơn là phải
bổ sung, phát triển sáng tạo lên tầm cao mới chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp
với yêu cầu của thực tiễn mới.
Để thực hiện công việc trên đây đòi hỏi
phải có sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan nghiên cứu lý luận và các nhà khoa
học. Ở đây không phải đơn thuần là hệ thống hóa, liệt kê các luận điểm của các
nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các
tác phẩm kinh điển, phân tích, tổng hợp, so sánh chúng với lịch sử và đương
đại, gắn với tổng kết thực tiễn, coi trọng việc vận dụng lý luận Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Thông qua đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng
và phát triển hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam
trong thời kỳ mới, làm rõ những vấn đề bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác -
Lê-nin trong bối cảnh mới.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ công
tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, bám
sát thực tiễn, nâng cao tính thiết thực, tránh chạy theo hình thức, chạy theo
bằng cấp. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung chương trình, giáo trình và phương
pháp giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống các trường chính trị, trường
đại học, cao đẳng theo hướng giảng dạy, truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ
bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những
học thuyết đương đại. Thực hiện nghiêm Kết luận số 94-KH/TW, ngày 28-3-2014,
của Ban Bí thư khóa XI về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị
trong hệ thống giáo dục quốc dân. Coi trọng hơn việc giáo dục lý luận chính trị
cho thế hệ trẻ trong các trường đại học, cao đẳng, nâng cao tính hấp dẫn của
việc dạy và học các bộ môn Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng các
chương trình đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, có
tính liên thông, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, chương trình phải phù hợp
với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ.
Thứ ba, tăng cường công tác tư
tưởng, công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chủ động
và tích cực đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch với chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của
chúng ta trong công tác lãnh đạo, trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm kích động
tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Tiếp
tục tổ chức nghiên cứu làm sáng tỏ một loạt các vấn đề ở tầm quan điểm liên
quan đến đường lối đổi mới của Đảng đã được nêu ra trong Văn kiện Đại hội XII
và Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới. Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận
chính trị, thực hiện tốt Quy định về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị
trong các cơ quan đảng, nhà nước (Quy định số 285-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI),
sớm có kết luận về những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau, chủ động tổ chức các
cuộc tọa đàm, đối thoại với những người có ý kiến khác hoặc trái với đường lối,
quan điểm của Đảng nhằm tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, sự nhất trí
trong nội bộ Đảng. Đồng thời tăng cường quản lý báo chí, xuất bản, quản lý
in-tơ-nét, mạng xã hội, tăng cường thông tin đối ngoại và thông tin nội bộ,
nhằm nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu của công tác tư tưởng, góp phần
ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta thật sự
trong sạch, vững mạnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Thứ
tư, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận,
nhất là cán bộ chuyên sâu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các
chuyên gia đầu ngành, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết
thực tiễn của cán bộ.
Chất lượng và hiệu quả của công tác lý
luận, của việc bảo vệ, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ lý luận. Hiện nay đội ngũ cán bộ
lý luận của chúng ta đông nhưng không mạnh, tiềm lực lý luận mỏng, ít có chuyên
gia đầu ngành. Vì vậy Đảng, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng,
phát triển đội ngũ cán bộ lý luận cả về quan điểm, nhận thức, về bản lĩnh chính
trị và phẩm chất đạo đức, có chính sách khuyến khích, đãi ngộ thích đáng, bảo
đảm đời sống vật chất và tinh thần, điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi
cho các nhà khoa học, hướng các nhà khoa học đi sâu vào chuyên môn, trở thành
những chuyên gia giỏi.
Chú trọng công tác đào tạo cán bộ lý luận
từ khâu quy hoạch đến xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp; ưu tiên
tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giỏi đưa đi đào
tạo về lý luận chuyên sâu cho các bộ môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh. Phương hướng lâu dài là phải hình thành, phát triển đội ngũ cán bộ lý
luận, trong đó có nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà khoa học đầu ngành, có bản
lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, giàu khả năng tư duy sáng
tạo, am hiểu tình hình thế giới và trong nước, có năng lực vận dụng lý luận vào
thực tiễn; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận để chuẩn bị tiềm lực cho sự
phát triển lâu dài trong tương lai./.
-----------------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 199
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 195
(3) Giắc-cơ Đê-ri-đa: Những bóng ma của Mác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1994, tr.16
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc
gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét