GS.TS. Mạch Quang Thắng
Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có tác động tích cực đối với
tiến trình lịch sử mà còn soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh
đã khẳng định ý nghĩa và giá trị lý luận, thực tiễn, bởi đó là giá trị văn hóa
của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần giá trị của văn hóa nhân loại. Việc
kiên định mục tiêu, con đường phát triển của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,
nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu tất yếu trong quá trình
lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Ý nghĩa và giá trị trước hết của tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay là kiên trì mục tiêu và con đường phát triển của dân tộc
Hiện nay, đất nước ta
đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển trong xu thế toàn cầu
hóa. Trong bối cảnh này, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng cho cách mạng
Việt Nam trước hết là ở sự kiên định mục tiêu và con đường phát triển của dân
tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu phát triển của dân tộc
Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Đó là mục
tiêu duy nhất đúng đối với dân tộc Việt Nam, nhất là trong và sau những biến
động chính trị của thế giới từ cuối thế kỷ XX dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ
nghĩa xã hội Xô viết.
Ở Việt Nam, không thể giải phóng dân tộc thắng lợi rồi quay trở
lại củng cố chế độ phong kiến (Cần Vương), nếu quay trở lại là đi ngược lại xu
thế phát triển tiến bộ của xã hội. Câu hỏi đặt ra là, có con đường giành độc
lập dân tộc rồi đi lên chế độ dân chủ tư sản không? Phong trào yêu nước cuối
thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX đã diễn ra theo cách này, tư tưởng dân chủ tư
sản ở Việt Nam tuy là mới nhưng với thế giới tư tưởng này cũng đã đi vượt qua.
Lúc này, lực lượng đứng ở trung tâm thời đại trên toàn thế giới là giai cấp
công nhân với sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản để xây dựng xã hội mới: xã hội cộng
sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đáp ứng được cách nhìn về hướng phát triển của dân
tộc: chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng dân tộc một cách triệt để nhất.
Giải phóng dân tộc chỉ có thể gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới mang một ý
nghĩa mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời, chỉ có
chủ nghĩa xã hội mới làm cho độc lập dân tộc được củng cố vững chắc.
Việt Nam đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa,
một quá trình làm thay đổi xã hội, tạo ra mối liên kết và trao đổi ngày càng
tăng giữa các quốc gia, tổ chức hay các cá nhân ở hầu hết các lĩnh vực trên quy
mô toàn cầu. Toàn cầu hóa là một quá trình biến các vùng miền, các cộng đồng
người khác nhau từ trạng thái biệt lập, tách rời nhau thành một trạng thái khác
về chất, bằng sự liên kết gắn bó thành một thể thống nhất hữu cơ trên quy mô
toàn cầu. Toàn cầu hoá, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
đang tạo ra những ưu thế về khả năng phát triển, phổ cập công nghệ thông tin và
các phương tiện truyền thông; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại và tạo
ra khả năng thực thi các luật lệ kinh tế khách quan trong một không gian toàn
cầu rộng lớn; tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hoá và tư tưởng rộng rãi, làm
cho con người xích lại gần nhau hơn; đem lại khả năng giải quyết một số vấn đề
chung.
Bên cạnh đó, toàn cầu hoá đang đặt ra cho các nước trên thế giới
những thách thức và nguy cơ hết sức to lớn, đó là vấn đề sinh thái, ô nhiễm môi
trường và cạn kiệt tài nguyên, vấn đề dân số và sức khoẻ cộng đồng, sự phân hoá
giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế. Về mặt chính trị, đó
là những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia. Hội nhập kinh tế
tăng lên sẽ kéo theo sự hội nhập về chính trị. Với lôgíc đó công luận thường
nói đến sự suy yếu của mô hình quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá
hiện nay công luận thường đề cập nhiều về sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc
gia dân tộc hơn là vấn đề độc lập hoàn toàn của các quốc gia đó.
Về kinh tế ở nước ta, trong thời kỳ này có nhiều công ty nước
ngoài vào đầu tư, thương mại phát triển xuyên biên giới; Việt Nam gia nhập các
tổ chức kinh tế thế giới, khu vực và đó là cơ hội phát triển. Toàn cầu hoá cũng
làm cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng; mang lại nhiều cơ hội cho Việt
Nam giao lưu với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị,
ngoại giao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước những hiểm họa của
thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tác động về văn hoá, cùng với việc
phục hồi, phát huy các giá trị, nền văn hoá Việt Nam có điều kiện tiếp thu các
giá trị mới của nền văn hoá thế giới. Tuy nhiên, những hệ quả tiêu cực như một
số giá trị văn hoá truyền thống không được bảo tồn, gìn giữ, nảy sinh tư tưởng
thực dụng ở một bộ phận người dân; tình trạng tha hóa đạo đức, lối sốngv.v.
ngày càng tăng.
Sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu
đối với Đảng trong quá trình lãnh đạo phải nhìn nhận đúng đắn hơn các nguồn lực
xây dựng đất nước trên cơ sở khẳng định hai nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch
trong tư tưởng Hồ Chí Minh:
Một là, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa, phải
luôn luôn đề phòng nguy cơ chệch hướng.
Hai là, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, không chấp nhận đa
nguyên chính trị và đa đảng đối lập.
2. Ý
nghĩa và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội
nhập quốc tế thể hiện ở sự kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”
Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học về những quy luật chung nhất
của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai
cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch của chủ
nghĩa tư bản để xây dựng xã hội cộng sản. Ngay từ sớm, để huấn luyện cho thanh
niên Việt Nam yêu nước theo xu hướng đi theo cách mạng vô sản, những bài giảng
của Hồ Chí Minh đến năm 1927 được tập hợp thành tác phẩm Đường kách mệnh. Trong
tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ý của V.I.Lênin trong tác phẩm Làm
gì? rằng, không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có
theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách
mệnh tiền phong. Với ý nghĩa như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững
thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo
chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu
không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(1).
Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, khi hoạt động ở nước ngoài, Chủ
tịch Hồ Chí Minh khác so với nhiều nhân vật yêu nước Việt Nam cùng thời là ở
chỗ Người đã giác ngộ được chủ nghĩa Mác - Lênin. Bằng sự dấn thân và trải
nghiệm của cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin
mục tiêu và con đường phát triển cho dân tộc một cách đúng đắn. Sứ mệnh lịch sử
đã được đặt vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với trách nhiệm là người
tìm đường, người mở đường và là người dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc
Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tiên phong trên con đường dân tộc
Việt Nam tiến lên phía trước. Sự chỉ dẫn, soi sáng cho sự phát triển của dân
tộc Việt Nam bắt nguồn từ lý luận Mác - Lênin
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy, đã khẳng định và được Người đưa vào hành
trang cho dân tộc Việt Nam phát triển.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là cái cốt để tư tưởng Hồ Chí Minh
phát triển và tạo sức lan tỏa như là các giá trị văn hóa, như lớp lớp phù sa
bồi đắp thường xuyên cho nền văn hóa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào
cách mạng Việt Nam một lý luận dẫn đường trong khi cuộc sống vẫn đòi hỏi phải
làm giàu tri thức trong các bước đi lên của một dân tộc. Lý luận Mác - Lênin,
theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn luôn luôn là thế giới quan, nhân sinh quan, là
dòng chủ lưu trong các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Bằng cuộc đời hoạt
động cách mạng sôi nổi và vô cùng phong phú, oanh liệt, Người đã khẳng định tư
tưởng của mình vào lý luận tiên phong của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng sáng tạo và phát triển
chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thái độ của Người
trong tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin ở chỗ: kiên định, kiên định
hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa. C.Mác và Ph.Ăngghen nói rõ rằng, lý luận
là kim chỉ nam cho hành động chứ không phải là giáo điều. Còn V.I.Lênin thì
khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong
xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền
móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa
về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi
nghĩ rằng, những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt là cần phải tự mình phát
triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo
chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, thì xét riêng từng nơi, ở Anh không
giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cảm
nhận trực tiếp và qua sự khảo nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình hoạt
động ở phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như suốt quá trình cùng
Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt
Nam phải luôn luôn trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nhưng trung thành không có nghĩa là giáo điều, mà phải tìm thấy ở đó bản chất
khoa học và cách mạng để đưa dân tộc Việt Nam phát triển. Vì vậy, Chủ tịch Hồ
Chí Minh không sa vào kinh viện, giáo điều. Người đi thẳng vào quan điểm nhân
văn, nhân đạo, giải phóng triệt để con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy đó
làm tâm điểm cho mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật
của Đảng và Nhà nước. Đối với phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng rất
khác so với phương Tây. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu xa rời những
nguyên lý cơ bản cũng như giáo điều đối với chủ nghĩa Mác - Lênin thì cả hai
đều tất yếu như nhau dẫn đến con đường chết của cách mạng.
Thế giới toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay đang có rất nhiều lý
thuyết phát triển, nhưng ở Việt Nam chỉ có một: đó là chủ nghĩa Mác - Lênin mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách bất di bất dịch. Tất nhiên, trong
xã hội hiện đại, muốn phát triển nhanh và bền vững, Đảng ta vừa phải vận dụng
sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phải tiếp thu có chọn
lọc những giá trị của các luồng lý luận, tư tưởng mới, tiến bộ. Cục diện chính
trị thế giới thay đổi đã tác động đến việc hình thành các trào lưu/xu hướng chủ
nghĩa xã hội trên thế giới. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với Đảng
trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo đó, phải
có tư duy năng động, luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm bắt các nguồn lực trí tuệ tiên tiến trên thế
giới; biết kế thừa, phát triển từ những yếu tố có thể kế thừa và phát triển
được của các học thuyết, trào lưu chính trị - xã hội trên thế giới như chính
bản thân C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã làm; phải có bản lĩnh
chính trị vững vàng, nghĩa là phải có tâm lành - đức dày, có tài cao - trí sáng
- tầm nhìn xa, cao và rộng, có chí, có uy.
3. Ý nghĩa và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ
toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thể hiện ở vấn đề then chốt nhất: xây dựng
Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng
Trong tác phẩm Đường kách mệnh (năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách
mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân
tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành
công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(3).
Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và
những quan điểm về xây dựng một đảng chân chính cách mạng có vị trí rất lớn và
quan trọng trong hệ thống các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng do Chủ
tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là một đảng chính trị tồn tại và phát
triển theo những quan điểm của V.I.Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo trong việc nêu lên và thực thi đúng quy luật
ra đời và phát triển của Đảng là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong
trào công nhân và phong trào yêu nước. Như vậy, so với lý luận Mác - Lênin thì
Hồ Chí Minh đưa thêm vào yếu tố thứ ba, đó là phong trào yêu nước.
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, đảng cộng sản ra đời ở
những nơi phong trào công nhân phát triển, nhất là nơi mà công nhân đại công
nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xã hội. Ở Việt Nam, liệu có số lượng công
nhân đông đảo không? Trên cái nền của một nước nông nghiệp lạc hậu, hoàn cảnh
của một nước thuộc địa nửa phong kiến, có “biển” tiểu nông rộng lớn, liệu có
thành lập và xây dựng được một đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: được. Bằng hành động thực tế, Người đã làm được
như thế bởi vì Người nắm chắc quy luật vận động của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ
XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nơi có
số lượng công nhân rất ít, nơi có phong trào yêu nước phát triển mạnh. Đồng
thời, Người phát hiện ra rằng, phong trào yêu nước Việt Nam hoàn toàn kết hợp
được với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Chính việc đưa thêm yếu
tố phong trào yêu nước vào kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công
nhân đã làm nền móng vững chắc cho tưởng chiến lược của Đảng trong việc xây
dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở xã hội của Đảng không chỉ là giai
cấp công nhân mà còn là toàn thể nhân dân lao động. Từ đây, có thể kết luận
rằng, quan điểm của Hồ Chí Minh về quy luật hình thành và phát triển của Đảng
chính là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh
cụ thể của một n¬ước có giai cấp công nhân số lượng ít so với dân cư và nơi đó
cũng chưa có nhiều số lượng công nhân đại công nghiệp¬.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu quan điểm về xây dựng Đảng Cộng sản
Việt Nam thành một đảng đạo đức, văn minh. Không phải C.Mác, Ăngghen, V.I.Lênin
không đề cập đến vấn đề đạo đức của một đảng cộng sản, nhưng chúng ta thấy
rằng, trong các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng, vấn đề này được thể
hiện một cách sâu sắc hơn. Từ cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, trong hệ thống
các bài giảng cho Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hồ Chí Minh đưa lên đầu
như là một bài nhập môn phần Tư cách của người cách mệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã giáo dục, rèn luyện cho toàn Đảng về đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu hy
sinh cho lợi ích của Đảng và dân tộc. Đó là một nhân tố cực kỳ quan trọng để
tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, là yếu tố vững bền tạo nên truyền
thống của Đảng ta. Trong quan niệm của Người, đạo đức đã bao hàm cả các yếu tố
về năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên; luật pháp đúng đắn và đạo đức
cách mạng tuy hai mà một, trong đạo đức có pháp luật và ngược lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ lý luận Mác - Lênin, cho rằng bản
chất giai cấp của Đảng là bản chất giai cấp công nhân. Đây là vấn đề mấu chốt
trong quan niệm về bản chất giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng. Người khẳng
định: Đảng không chỉ là đảng của giai cấp công nhân mà còn là của nhân dân lao
động và toàn dân tộc. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cơ sở xã hội của Đảng là
hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài
việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, Người rất coi trọng cơ sở
“nhân dân lao động” và “toàn dân tộc”. Trong biên độ tập hợp lực lượng cách
mạng rất rộng rãi của Hồ Chí Minh, có cái lõi, cái nền rất chắc là sự lãnh đạo
của giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng cộng sản.
Những quan điểm về xây dựng một đảng cầm quyền ở Việt Nam trong
tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ: Một là, có vai trò lãnh đạo xã hội một
cách toàn diện. Hai là, luôn luôn xác định trách nhiệm của Đảng cầm quyền đối
với Nhà nước và với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên những căn bệnh
làm tổn hại đến tư cách của Đảng cầm quyền - Đảng đã có chính quyền, cán bộ,
đảng viên có quyền lực trong tay, có nguy cơ vi phạm quyền làm chủ của nhân
dân. Bản thân Người cũng tự xác định việc làm Chủ tịch nước của mình giống như
một người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận, bao giờ nhân dân cho lui thì
Người vui lòng lui. Do đó, trách nhiệm của đảng cầm quyền là phải vừa là người
lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Ba là, lực lượng
đảng viên phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh. Đây là yêu cầu chung cho tất cả
các thời kỳ hoạt động của Đảng, kể cả trước khi có chính quyền và cả sau khi có
chính quyền cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa là một cuộc cách mạng khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với cách mạng dân
tộc dân chủ. Đó là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng,
đòi hỏi đội ngũ đảng viên giai đoạn Đảng cầm quyền càng phải vững mạnh. Hai mặt
cơ bản là đức và tài vẫn là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh để
rèn luyện đội ngũ đảng viên. Người nghiêm khắc chỉ ra việc phải chống chủ nghĩa
cá nhân, căn bệnh gốc sinh ra nhiều căn bệnh khác làm tổn hại đến sức chiến đấu
của Đảng. Phải ra sức học tập vì “ngày nay lãnh đạo không thể chung chung được
nữa”. Người nhấn mạnh đến “tính đảng” của cán bộ, đảng viên, không cậy thế, cậy
quyền ở những chức vụ cao để “phớt lờ” tổ chức.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, ý nghĩa
và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một đảng cộng sản như thế vẫn
tỏa sáng. Điều đó luôn được Đảng ta khẳng định trong các kỳ Đại hội: “xây dựng
Đảng là nhiệm vụ then chốt”.
Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không tự
nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Sự lãnh đạo, cầm quyền đó là kết quả
của bao hy sinh, phấn đấu của Đảng, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc. Nhân dân đã tin tưởng trao cho Đảng vai trò lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo
Nhà nước và tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng, Đảng sẽ mất vai trò
lãnh đạo, mất vai trò cầm quyền nếu Đảng không trong sạch, vững mạnh, nếu Đảng
bị suy thoái, không được nhân dân tin yêu nữa. Do đó, Đảng tất yếu phải thường
xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để làm trong sạch đội ngũ, xứng đáng với niềm
tin yêu của nhân dân. Đó là một thông điệp cực kỳ quan trọng trong tư tưởng Hồ
Chí Minh./.
------------------------------
Ghi
chú:
(1),(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb
CTQG, H.2011, tr.289, tr.289.
(2) V.I.Lênin, toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ,
Mátxcơva, 1974, tr.232.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét