Báo Điện tử
ĐCSVN
(ĐCSVN) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một trang sử
mới cho dân tộc Việt Nam: Đất nước độc lập, nhân dân được tự do sau gần 100 năm
thống khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng ấy vượt tầm ảnh
hưởng ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành động lực, niềm tin, cổ vũ cho nhân dân
các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập.
Rất nhiều nhà sử học nước ngoài khi nghiên cứu về Việt Nam đều cho rằng,
cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không chỉ mở
ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn khởi nguồn các cuộc đấu tranh
giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế
giới.Giáo sư người Jamaica Horet Compel, người từng nghiên cứu nhiều về lịch sử
Việt Nam đã nhận xét: “Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam
không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
Người anh hùng dân tộc của Việt Nam và một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới,
đã đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam”. Và chính thắng lợi
của cuộc cách mạng đó đã chứng minh một cách sinh động những tư tưởng đặc
sắc, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải
phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc, Trung, Nam. Đó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành v.v.. Các phong trào kể trên đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, đã đáp ứng trúng nhu cầu lịch sử dân tộc, đưa đất nước đi vào đúng quỹ đạo thời đại mới.
Sau nhiều năm bôn ba ở khắp các châu lục Á, Phi, Âu, Mỹ làm đủ mọi nghề
để kiếm sống, hòa mình trong quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, trực tiếp
chứng kiến cảnh bất công, tàn bạo của xã hội tư bản, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết
luận: “ Ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao
động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man; các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ
thù chung là bọn đế quốc thực dân…. Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có
hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có
một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1]
Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và khát vọng
giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua cuộc sống lao động, học
tập, nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Nguyễn
Ái Quốc đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng con ngưòi là nhu
cầu cấp thiết không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các dân tộc thuộc địa và
nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Từ tình yêu thương con ngưòi đã trở
thành khát vọng giải phóng con người, Nguyễn Ái Quốc luôn nung nấu ý chí tìm
đường giải phóng không chỉ với dân tộc mình mà còn với mọi tầng lớp cùng khổ
trên khắp các châu lục. Khi nhận ra các cuộc cách mạng tư sản Pháp, cách mạng
tư sản Mỹ chỉ thay thế
chế độ bóc lột này bằng chế chế độ bóc lột khác tinh vi hơn chứ không xóa bỏ
được áp bức bóc lột, Người cho rằng đó là những cuộc cách mạng không đến nơi,
không triệt để. Do đó, cứu nước theo ngọn cờ của giai cấp tư sản không phải là
lối thoát cho dân tộc.
Đang lúc còn băn khoăn, mầy mò chưa tìm
được lối ra cho con đường
cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc
đã bắt gặp được những tư tưởng của
V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa (7-1920). Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ
bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt
Nam. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ
nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất
yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng Mười
Nga, Người đã đi tới khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc
không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].
Đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong quỹ đạo của
cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, Nguyễn Ái
Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường
cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai
cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc
lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội
chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đó là
đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ
nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải
phóng xã hội và giải phóng con người.
Đường lối đó thể
hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội nước ta - cách mạng giải
phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành
được thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng chính là nét đặc sắc và sự khác biệt căn
bản về con đường cứu nước của Hồ Chí Minh với các con đường của Phan Bội Châu, Phan
Chu Trinh, Nguyễn Thái Học ở Việt Nam; khác biệt với con đường cứu nước của
M.Ganđi, G.Nêru ở Ấn Độ, A.Xucacnô ở Inđônêxia, Natxe ở Ai Cập, H. Bumêđiêng ở
Angiêri và nhiều nhân vật khác trên thế giới.
Vạch ra con đường
cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc đường lối
giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện
thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ
nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng
Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng
thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đó là việc xây
dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi lấy
liên minh công nông làm nòng cốt, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh
hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc
xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực
hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức
phức tạp trong các quan hệ quốc tế.
Với những
thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, của 9 năm trường kỳ kháng chiến chống
thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc ta không chỉ thi
hành "Bản án chế độ thực dân" ở Việt Nam, giành lại độc lập dân tộc,
xây dựng xã hội mới vì tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, mà còn cùng với các
dân tộc thuộc địa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đấu tranh loại bỏ vết
nhơ áp bức của chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân
tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Lịch sử đã chứng
minh một cách rõ ràng tính cách mạng, khoa học đúng đắn con đường giải phóng
dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lựa chọn và thực hiện thắng lợi ở một
nước thuộc địa, nửa phong kiến, đã từng là tấm gương ngưỡng mộ và cổ vũ các dân
tộc bị áp bức noi theo. Đáng tiếc là, gần đây, trước những biến cố chính trị ở
Đông Âu và Liên Xô cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một số kẻ
cơ hội chính trị đã dấy lên phong trào công kích vào sự lựa chọn con đường mà
Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn. Họ cho rằng sự lựa chọn con đường giải phóng
dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sai ngay từ đầu, và đã đưa dân tộc ta vào
ngõ cụt. Rằng giá như chúng ta đi theo con đường khác hoặc như cụ Phan Bội
Châu, hay cụ Phan Chu Trinh đã lựa chọn thì biết đâu nước ta vẫn giành được độc
lập về kinh tế, văn hoá, vẫn phát triển như một số quốc gia trong khu vực, lại
tránh được mấy cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, hao tổn biết bao xương máu
mà ngày nay nhân dân ta vẫn chưa thoát khỏi nước nghèo, chậm phát triển? Họ ra
sức phủ nhận tính chất của thời đại ngày nay không còn là thời đại quá độ từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội để cổ suý cho cái gọi là sự cáo chung của
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Một số người tỏ ra
thận trọng hơn, tuy không công khai bác bỏ con đường mà Đảng ta và Hồ Chí Minh
đã lựa chọn, song họ cho rằng lẽ ra sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước, chúng ta không nên vội vàng bước ngay vào cách mạng xã hội chủ nghĩa,
mà nên có một thời gian để làm nốt những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân, đặt nhiệm vụ giải quyết những nội dung của cuộc cách mạng xã
hội chủ nghĩa lúc này là quá sớm! Họ cho rằng cuộc sống sẽ phát triển theo đúng
quy luật tự nhiên của nó, không thể đốt cháy giai đoạn cũng như không thể bỏ
qua một phương thức sản xuất khi những tiền đề vật chất - kinh tế chưa chín
muồi! Thực chất của những quan điểm này dù được che đậy và nguỵ trang khéo léo
tinh vi dưới mọi hình thức thì về bản chất đều nhằm tới mục đích phủ nhận con
đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước
ta.
Những ý kiến trên
đây mới nghe tưởng chừng có lý, dễ dàng lọt tai với những ai nhẹ dạ cả tin,
hoặc thiếu một sự suy đoán khoa học. Vậy thử hỏi họ đã đứng trên lập trường nào
để xem xét và phê phán con đường mà dân tộc ta đã đấu tranh lâu dài, đổ bao
xương máu mới giành lại được độc lập tư do cho dân tộc? Và làm xong cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, nhân dân ta, dân tộc ta sẽ bước tiếp dưới ngọn cờ của
giai cấp nào? Liệu giai cấp tư sản có đủ uy tín và năng lực để đem lại tự do,
ấm no hạnh phúc cho toàn dân? Chả lẽ sự hy sinh xương máu để giành lại độc lập
cho dân tộc của nhiều thế hệ nguời Việt Nam mấy chục năm ròng đấu tranh chống
lại các thế lực đế quốc xâm lược, giờ đây được trao lại thành quả cách mạng đó
cho giai cấp tư sản và chấp nhận sự tồn tại của một chế độ mà lịch sử thế giới
hiện đại đã và đang chứng minh tính chất lỗi thời của nó?
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm
1930, là đường lối nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân
dân ta đồng tình ủng hộ, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc
địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo
con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người
làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo,
kém phát triển.
Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã
hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân
chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một chủ
thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng,
đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào
đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc
trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài.
Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân
dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên
phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ
Chí Minh, nhất định thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại đã được
lịch sử dân tộc lựa chọn. Cách mạng là sáng tạo, là sự thống nhất biện chứng
giữa những quy luật phổ biến với tính đặc thù của từng dân tộc. Không có mô
hình duy nhất trong thực tiễn cho các quốc gia. Chủ nghĩa giáo điều, dù cũ hay
mới, cũng như chủ nghĩa xét lại đều trái với con đường cách mạng và phát triển
Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kết
hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục
tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên
đổi mới, sáng tạo phù hợp, đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy
biến động nhanh và khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong sự
nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta và dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “ Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân
dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”[3]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét