Báo Điện tử
ĐCSVN
(ĐCSVN) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một trang sử
mới cho dân tộc Việt Nam: Đất nước độc lập, nhân dân được tự do sau gần 100 năm
thống khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng ấy vượt tầm ảnh
hưởng ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành động lực, niềm tin, cổ vũ cho nhân dân
các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập.
Rất nhiều nhà sử học nước ngoài khi nghiên cứu về Việt Nam đều cho rằng,
cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, không chỉ mở
ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn khởi nguồn các cuộc đấu tranh
giải phóng khỏi ách thống trị thực dân của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế
giới.Giáo sư người Jamaica Horet Compel, người từng nghiên cứu nhiều về lịch sử
Việt Nam đã nhận xét: “Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam
không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
Người anh hùng dân tộc của Việt Nam và một nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới,
đã đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam”. Và chính thắng lợi
của cuộc cách mạng đó đã chứng minh một cách sinh động những tư tưởng đặc
sắc, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải
phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp Bắc, Trung, Nam. Đó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, các phong trào Đông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành v.v.. Các phong trào kể trên đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, đã đáp ứng trúng nhu cầu lịch sử dân tộc, đưa đất nước đi vào đúng quỹ đạo thời đại mới.