Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

ĐẶC ĐIỂM CỦA CỤC DIỆN THẾ GIỚI VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN VIỆT NAM


ThS. Lương Thị Bằng

Thế giới trong thế kỷ XXI tiếp tục chứng kiến nhiều biến đổi phức tạp khó lường. Toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng, đã và đang tác động tới tất cả các nước trên thế giới. Các quốc gia lớn nhỏ đang tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh những đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố vẫn xẩy ra ở nhiều nơi với tính chất và hình thức ngày càng đa dạng và phức tạp. Có thể khái quát một số đặc điểm chính của cục diện thế giới như sau:

Thứ nhất, cục diện thế giới diễn biến phức tạp. Sự sụp đổ chế độ xã hội   chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đầu thập niên 90 của thế kỉ XX làm cho cục diện thế giới và quan hệ quốc tế thay đổi một cách cơ bản. Chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào thoái trào, phong trào cộng sản và và công nhân quốc tế bị khủng hoảng sâu sắc, toàn diện. Cơ cấu địa chính trị và sự phân bố quyền lực  toàn cầu bị đảo lộn, cán cân so sánh lực lượng trên thế giới nghiêng về phía    lợi cho chủ nghĩa tư sản. Sau gần nửa thế kỉ tồn tại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự thế giới hai cực chấm dứt. Quá trình hình thành trật tự thế giới mới chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc, khó đoán định, trong đó nổi lên hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Mỹ tham vọng lập lại trật tự thế giới đơn cực, trong khi Nga, Trung Quốc và một số nước lớn khác đấu tranh cho trật tự thế giới đa cực. Phương thức tập hợp lực lượng trong quan hệ hợp tác đấu tranh, hợp tác cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất  là giữa các nước  lớn ngày càng tăng.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất thế giới, làm quốc tế hóa sâu sắc quá trình mở rộng sản xuất, phân phối trên phạm vi toàn cầu, tạo nên sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Cách mạng khoa học công nghệ đang biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, làm gia tăng các phát minh, sáng chế và tốc độ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất và sinh hoạt của con người. Đây là những tiền đề phát triển hoàn toàn mới, phi truyền thống, làm thay đổi tư duy và phương thức quan hệ giữa các nước, đặc biệt là các trung tâm quyền lực đã và sẽ thay đổi đáng kể. Cách mạng khoa học công nghệ còn làm thay đổi tư duy của các nước về thế giới quan và chiến lược đối ngoại, thay đổi phương thức quan hệ giữa các quốc gia.

Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là xu thế vận động mang tính hệ thống và khách quan của thế giới trên phạm vi toàn cầu, nó bao trùm tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trục cốt lõi  của xu thế toàn cầu hóa đa diện này là toàn cầu hóa về kinh tế, đang diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư, tài chính…Nền sản xuất trên thế giới ngày càng mang tính toàn cầu với sự phân công lao động quốc tế hiện đại, tính  tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng lên. Qua đó tác động mạnh mẽ đến xu hướng quan hệ giữa các quốc gia, làm xuất hiện những xu hướng liên minh, tập hợp lực lượng mới.

Thứ tư, sự thay đổi tương quan sức mạnh của mỗi chủ thể. Dưới tác động của quy luật phát triển không đều giữa các quốc gia, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước liên tục thay đổi. Tương quan sức mạnh kinh tế thay đổi sẽ đưa đến những thay đổi về tương quan sức mạnh tổng thể của quốc gia, bao hàm cả chính trị và quân sự. Nếu tương quan lực lượng thay đổi theo hướng tăng cường sức mạnh tương đối của một nước hoặc một nhóm nước đang giữ vai trò chi phối trật tự thế giới thì cục diện thế giới vẫn thay đổi nhưng ít xảy ra xáo trộn lớn. Còn nếu, sự thay đổi

xẩy ra theo hướng một số nước đang phát triển điều kiện thay đổi sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh tổng thể ngày một mạnh lên, thì cục diện thế giới sẽ vận động theo hướng vừa đấu tranh vừa thoả hiệp để tiến tới một trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng phù hợp với lợi ích của các trung tâm quyền lực mới nổi.

Thứ năm, sự ra đời vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức và thiết chế quốc tế ngày càng có vai trò lớn hơn trong quan hệ quốc tế. Hoạt động của Liên hợp quốc kể từ khi thành lập đến nay cũng cho thấy Liên hợp quốc (cùng với các tổ chức trực thuộc cũng như các tổ chức quốc tế khác) đã đóng vai trò ngày càng to lớn trong tiến trình dân chủ hóa đời sống quốc tế. Liên hợp quốc đã trở thành diễn đàn của các nước vừa và nhỏ đấu tranh cho một trật tự kinh tế quốc tế mới (NIEO), đề cao tính đa phương trong quan hệ quốc tế chống lại trật tự cường quyền do chủ nghĩa đơn phương của Mỹ được đẩy lên một mức mới sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Thứ sáu, sự thay đổi của những yếu tố chính trị, văn hóa, hội đặc thù. Lợi ích quốc gia dân tộc là yếu tố cơ bản nhất quyết định thái độ và quan hệ giữa các nước trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ toàn cầu hóa. Do đó, đây là nhân tố cơ bản tác động đến việc thay đổi thực lực của mỗi quốc gia, cũng như quyết định sự hợp tác, liên minh, tập hợp lực lượng trong giai đoạn hiện nay. Tất cả những biến động trên cục diện thế giới hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một , đánh giá một cách sâu sắc toàn diện cục diện thế giới để đề ra một chiến lược tổng thể; tổ chức lại các lực lượng nghiên cứu lĩnh vực đối ngoại theo sự chỉ đạo thống nhất, trên tinh thần: “Việt Nam cần kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; bạn, đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng lợi với các quốc gia, thực thi chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.” [1]

Hai là, trong khuôn khổ chiến lược chung, cần định vị rõ Việt Nam ở vị trí nào trong chiến lược của các nước lớn; mối nguy cơ nào là trực tiếp và lớn nhất? Trên quan điểm tổng thể cần có phương cách đối phó nào để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ba là, cần có sự nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện về chính sách của các nước lớn.

Bốn là, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích dân tộc thực sự, theo đuổi chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa nhất quán, khéo léo tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Năm là, có chính sách rõ ràng hơn và những biện pháp thiết thực nhằm khai thác lợi thế một nước khu vực đang trở thành trung tâm mới của thế giới, trong đó hết sức tích cực, chủ động, phát huy vai trò, góp phần gắn kết ASEAN thành một cộng đồng mạnh về tự do hóa, bảo hộ, thuận lợi hóa và xúc tiến đầu tư.

Tóm lại: Cục diện thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn tiếp tục có nhiều biến động phứ tạp, diễn biến khó lường. Cuộc chạy đua về khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa, sự "xoay trục", điều chỉnh chiến lược của Mỹ, sự hồi sinh của Nga, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia mới nổi đã dẫn đến sự dịch chuyển tương quan sức mạnh toàn cầu. Xu thế dân chủ hóa đời sống quốc tế, sự hợp tác ngày càng có hiệu quả của các tổ chức khu vực và liên khu vực... đã mở ra kỷ nguyên đa phương trong mọi hoạt động của thế giới hiện nay.

Nền kinh tế thế giới đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính lớn chưa từng có trong vòng gần 100 năm qua. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, tuy còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn gây mất ổn định như tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực; biên giới, lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo... Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày một tăng lên. Các quốc gia và toàn nhân loại ngày càng phải đoàn kết, chung tay cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, HIV/ADS, cạn kiệt tài nguyên, chênh lệch khoảng cách phát triển, giầu - nghèo... Có thể nhận thấy, mọi sự biến đổi dù lớn hay nhỏ của cục diện thế giới đều tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia. Do đó, sự biến đổi của cục diện thế giới luôn là vấn đề mà mọi quốc gia đều phải quan tâm nghiên cứu khi hoạch định chiến lược phát triển đất nước của mình.


 

[1] Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng lòng tin chiến lược hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á Thái Bình Dương. Tạp chí Thông tin Đối ngoại số 6/2013, tr.6

Nguồn: http://truongchinhtri.caobang.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét