Đoàn
Thị Vân Thúy
Trong lịch sử
đã chứng minh rằng, các nền kinh tế thị trường thành công nhất đều không thể
phát triển một cách tự phát nếu thiếu sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước. Nền
kinh tế của Việt Nam tăng trưởng dưới tác động bên ngoài ngày một phức tạp nên sự
can thiệp của Nhà nước xuất hiện như một tất yếu cho sự hoạt động có hiệu quả của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo quan điểm
của Paul Samuelra - Nhà kinh tế học người Mỹ cho rằng để điều hành một nền kinh
tế không có cả chỉnh phủ lẫn thị trường cũng như định vỗ tay bằng một bàn tay.
Sự thành công của đổi mới kinh tế ở nước ta càng khẳng định vai trò của nhà nước
trong nền kinh tế thị trường là rất cần thiết vì nó dẫn dắt thị trường phát triển
theo hướng tích cực và khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường gây
ra để phát triển nền kinh tế một cách tốt nhất.
Đặc trưng cơ bản
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế
vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo
đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất
nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý
của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo,
nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp
với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần
kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai
trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là
động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ
theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước
đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường
cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước
và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất
kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng
bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong
phát triển kinh tế - xã hội.
Qua gần 30 năm đổi mới, nước ta đã dần chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò quản lý của nhà nước có những bước chuyển biến lớn trong điều kiện kinh tế thị trường, thể hiện ở những điểm sau:
Một là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế thị trường.
Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tư cách một nhiệm vụ chiến lược quan trọng
trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt
Nam xuất phát từ định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội, nhằm xây dựng một chế độ xã hội dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để xây dựng được một chế độ xã hội có tính
mục tiêu như vậy thì công cụ, phương tiện cơ bản chỉ có thể là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác –
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó,
nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sau khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO) đòi hỏi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành
chính Nhà nước, cải cách pháp luật, đảm bảo cho Nhà nước không ngừng vững mạnh,
có hiệu lực để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội,
thực hành dân chủ, giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập vững chắc vào đời sống
quốc tế.
Hai là, các nguồn lực do Nhà nước quản lý được phân bổ
theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp cơ chế thị trường.
Chính phủ có
thể thông qua hệ thống luật pháp và thông qua sự lựa chọn của mình để tác động
đến sản xuất. Đồng thời, thông qua thuế và các khoản chuyển nhượng để tác động
đến khâu phân phối, từ đó tác động đến việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh
tế. Kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm qua cho thấy để phân bổ nguồn vốn
hiệu quả thì khâu đột phá là giải quyết mối quan hệ Nhà nước và thị trường. Cho
dù sự phân bổ các nguồn lực thuộc về Nhà nước thì cũng phải tôn trọng các
nguyên tắc của thị trường.
Với chủ trương
phát triển đồng bộ và vững chắc thị trường tài chính, Nhà nước đã sử dụng nhiều
biện pháp tăng cường quản lý thị trường vốn, đảm bảo thị trường này vận hành thống
suốt, công khai và hiệu quả; nâng cao tính thanh khoản và tạo được những thay đổi
căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường để tạo dựng nền tảng tài chính vững mạnh,
đảm đương được vai trò phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, đồng thời đảm bảo ổn
định tài chính để phát triển bền vững.
Ba là, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn
thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
Vai trò kinh tế
của nhà nước là hướng tới mục tiêu chung, làm cho dân giàu, nước mạnh, tăng trưởng
ổn định và công bằng xã hội. Sự định hướng nền kinh tế của nhà nước được
thực hiện thông qua việc nhà nước xây dựng quy hoạch, chiến lược và kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mặt khác, nhà
nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi như: hệ thống luật pháp đồng bộ, phù hợp
với luật pháp và thông lệ quốc tế; hệ thống các văn bản hướng dẫn, các định chế,
các chính sách phát triển kinh tế …để các chủ thể kinh tế giảm thiểu rủi ro,
tranh chấp. Nhà nước đã xây dựng hệ thống pháp lý để chống lại gian lận bao gồm:
hệ thống có liên quan tới những quyền sở hữu, những điều luật về phá sản và khả
năng thanh toán, hệ thống tài chính với ngân hàng trung ương và các ngân hàng
thương mại để giữ cho việc cung cấp tiền mặt được thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Đồng thời, Nhà
nước sử dụng công cụ chiến lược, kế hoạch, luật pháp và chính sách làm căn cứ
cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đánh giá đối với nền kinh tế để điều tiết
các hành vi ứng xử của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, Nhà nước sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công
cụ, cơ chế, chính sách để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện tiến bộ,
công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển.
Trong nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bên cạnh sự phát triển tất
yếu của xã hội xuất hiện sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng. Do vậy, nhà nước
cần phải có những biện pháp phân phối lại của cải xã hội nhằm hạn chế sự phân
hoá này, làm lành mạnh xã hội. Nhà nước thực hiện phân phối thu nhập quốc dân một
cách công bằng, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân
dân, với tiến bộ và công bằng xã hội. Điều này thể hiện rõ rệt nhất tính định
hướng xã hội của nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Về vấn đề thu
nhập, Nhà nước sử dụng hai biện pháp là: Điều tiết tăng thu nhập được thực hiện
thông qua trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chính sách đối với
người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật; điều tiết giảm thu nhập
được thực hiện thông qua công cụ thuế: như thuế thu nhập cá nhân; thuế thu nhập
doanh nghiệp; mặt hàng xa xỉ, cao cấp việc tăng thuế sẽ góp phần phân phối lại
một bộ phận thu nhập trong xã hội.
Về vấn đề
an sinh xã hội, Nhà nước có vai trò quyết định trong việc nâng cao phúc lợi
công cộng, xoá đói, giảm nghèo. Các vấn đề như việc làm, sức khoẻ, bảo hiểm y tế,
lương hưu, trợ cấp khó khăn… luôn là những vấn đề rất cần đến sự quan tâm của
Nhà nước.
Tóm lại, Nhà nước có vai trò to lớn trong việc bảo đảm sự ổn
định vĩ mô cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, thể hiện sự cân đối, hài hòa
các quan hệ nhu cầu, lợi ích giữa người và người, tạo ra sự đồng thuận xã hội
trong hành động vì mục tiêu phát triển của đất nước. Tính đúng đắn, hợp lý và kịp
thời của việc hoạch định và năng lực tổ chức thực hiện các chính sách phát triển
vĩ mô do Nhà nước đảm nhiệm là điều kiện tiên quyết để hình thành sự đồng thuận
đó. Việc tăng cường quản lý vĩ mô sẽ nâng cao hiệu quả tác động của Nhà nước tới
sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc
tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét