Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA VỚI KINH TẾ

 

                                                                                  GS. Nguyễn Đức Bình

(LLCT)-Xét cho cùng, tài nguyên quý nhất, vốn quý nhất là con người. Con người Việt Nam là sự kết tinh nền văn hóa Việt Nam, vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử bằng lao động của mình trên cả hai lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(1)

Quán triệt tư tưởng chỉ dẫn của Bác Hồ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII xác định văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội”.

(Lễ hội Đền Hùng 2012)

 Đời sống xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Khái quát khoa học đó cho thấy tất cả tầm rộng lớn và sâu sắc của văn hóa, từ đó dẫn đến nhiều khía cạnh lý luận cùng những kết luận thực tiễn hết sức quan trọng. Xã hội đứng hai chân trên hai “nền tảng”, nếu chỉ có một nền tảng thì xã hội không thể đứng vững.

Với tính cách là “nền tảng tinh thần của xã hội”, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế. Nghị quyết Trung ương 5 viết: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện”(2).

Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội XI thể hiện những quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam ở tầm chiến lược phát triển. Cương lĩnh viết: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(3).

Trên thế giới, người ta đang bàn nhiều về các lý thuyết phát triển, trong đó ưu thế ngày càng thuộc về quan niệm coi mục tiêu phát triển phải là nâng cao chất lượng cuộc sống con người với bảo đảm sao cho hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa mức sống cao với lối sống và nếp sống đẹp; không chỉ cho một số ít người mà cho đại đa số, cho toàn xã hội; không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.

Để đạt mục tiêu đó, nhất thiết phải có sự phát triển cao về kinh tế, về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ. Song chỉ như thế thôi chưa đủ, và rất không đúng nếu hiểu xây dựng kinh tế chỉ là tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng với bất kỳ giá nào, thậm chí dù có phải hy sinh cả mặt xã hội, hy sinh văn hóa, hy sinh phẩm giá con người. Nếu hiểu và làm như thế là hoàn toàn xa lạ với lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Ngay một số học giả tiến bộ phương Tây cũng đã đi đến nhận thức rằng: những tiến bộ về kinh tế làm tăng mức sống nhưng đôi khi lại làm rối loạn cuộc sống con người và môi trường. Không phải cứ của cải tăng lên là cuộc sống gia đình, hôn nhân, lối sống, lao động... sẽ chỉ có tốt đẹp lên. Tiến bộ kỹ thuật góp phần làm cuộc sống dễ dàng, có khi lại là nguyên nhân của nhiều rối loạn xã hội nghiêm trọng. Trong những trường hợp như thế, có tăng trưởng nhưng không có phát triển, trái lại là “phản phát triển”.

Bởi vậy, cần nắm chắc quan điểm chỉ đạo cơ bản: chăm lo văn hóa là chăm lo xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ  và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và dù tiện nghi vật chất dồi dào, xã hội cũng không tránh khỏi nguy cơ suy thoái, biến chất. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện.

Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, ý chí, nghị lực, tài năng và sự thành thạo công việc của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Chung quy lại, tài nguyên quý nhất, cái vốn quý nhất là con người, là văn hóa, là nguồn lao động chất lượng cao, là nhân tài trong kinh tế tri thức, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đất nước.

Không ít nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng rất nghèo đói, trái lại có nước tài nguyên thiên nhiên rất nghèo nhưng kinh tế lại rất giàu chính là nhờ coi trọng nâng cao dân trí, hun đúc dân khí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghĩa là rất coi trọng văn hóa.

Xét cho cùng, tài nguyên quý nhất, vốn quý nhất là con người. Con người Việt Nam là sự kết tinh nền văn hóa Việt Nam, vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển. Đây là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa xã hội chủ nghĩa của đất nước ta. Tăng trưởng kinh tế là cực kỳ quan trọng đối với nước ta do điểm xuất phát rất thấp. Nếu kinh tế không tăng, đời sống vật chất nghèo nàn thì nói gì đến văn hóa. Nhưng xã hội phát triển không chỉ cần tăng trưởng kinh tế mà còn phải phát triển văn hóa, công bằng xã hội, lối sống lành mạnh, nền tảng tinh thần xã hội vững chắc và cao.

Đánh giá thực trạng đời sống văn hóa nước ta hiện nay không phải là việc đơn giản. Có người quá bi quan với tình hình, cho là trong khi đời sống kinh tế có khá lên từ đổi mới đến nay thì đời sống tinh thần lại sa sút như chưa bao giờ có. Ngược lại, có người quá lạc quan cho mọi sự đều tốt đẹp, những hiện tượng tiêu cực là tự nhiên và không đáng kể. Thật ra, bức tranh không chỉ có một màu, hoặc toàn tối hoặc toàn sáng.

Trước hết, cần khẳng định, đời sống văn hóa xã hội ta hiện nay so với thời cơ chế cũ có bước tiến bộ rõ rệt. Điều dễ thấy là tính năng động xã hội kinh tế và tính tích cực công dân được khơi dậy và phát huy thay cho tâm lý thụ động, ỷ lại, trông chờ bao cấp trong cơ chế cũ. Bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội tăng lên. Mặt bằng dân trí từng bước được nâng cao, sở trường, năng lực cá nhân con người được khuyến khích, tôn trọng. Những nét mới nổi bật ấy được phản ánh qua hoạt động khởi sắc, phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống, trên báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, giáo dục, văn học, nghệ thuật,... Trong sự phong phú, đa dạng của đời sống và hoạt động văn hóa, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo đóng vai trò là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam bảo đảm cho xã hội phát triển đúng hướng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Kinh tế thị trường và mở cửa với bên ngoài làm sống động nền kinh tế và các hoạt động xã hội, phát triển giao lưu hàng hóa, con người và các sản phẩm văn hóa với các nước, giúp nhân dân ta mở rộng chân trời hiểu biết và kiến thức tiếp nhận từ bốn phương. Các mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa - dù tác động dữ dội - đã không thể ngăn nổi nhân dân ta duy trì và phát triển truyền thống tốt đẹp, như thấy rõ nhất vào những dịp kỷ niệm lớn hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người bất hạnh, v.v..

Đương nhiên, bức tranh không chỉ toàn màu sáng và thật sai lầm nếu chỉ thấy một màu sáng. Cần thấy hết những mảng tối cùng nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa thấy hết và chưa làm tốt việc ngăn ngừa, đấu tranh, khắc phục những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường. Đó là những hiện tượng suy thoái đạo đức, đặc biệt là tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bằng, bán điểm, mua bán chức quyền trước sự tấn công của thói lừa đảo, chủ nghĩa cá nhân, lối sống tiêu dùng, sức mạnh đồng tiền và chủ nghĩa thực dụng. Đó là trạng thái dao động, hoài nghi, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng ở một bộ phận đảng viên, cán bộ, kể cả một số cán bộ trung, cao cấp. Đó là nhiều hiện tượng nhức nhối trước đây không hề có trong quan hệ gia đình, đạo lý thầy trò, quan hệ bạn bè, sự đảo lộn một số chuẩn giá trị và nếp sống vốn tốt đẹp. Đó là một bộ phận dân cư, kể cả một số thanh niên, học sinh, sinh viên do hiểu biết còn quá ít về lịch sử dân tộc, về các giá trị truyền thống mà lịch sử và cách mạng đã xây nên, trong khi đó lại phục hồi không phân biệt tốt, xấu các vốn cổ dân tộc, đồng thời đi liền với tâm lý sùng ngoại đôi khi đến mức mù quáng, phi lý, kệch cỡm, mất gốc. Đó là các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, sự đam mê nhu cầu vật chất và những dục vọng thấp hèn, lối sống bất chấp đạo lý, dư luận xã hội và luật pháp, đang xô đẩy một số người đi vào con đường tội lỗi. Tất cả những hiện tượng trên đang làm vẩn đục môi trường xã hội - văn hóa, gây bất bình lớn trong nhân dân, làm xói mòn nền tảng tinh thần xã hội, tạo miếng đất màu mỡ cho sự xâm nhập sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài.

Tất nhiên, không thể đổ tất cả điều hủ bại trên cho nền kinh tế thị trường, dù chỉ nói mặt trái của kinh tế thị trường. Không làm chủ được kinh tế thị trường, nhiều khi phó mặc cho thị trường tự phát - đó là nguyên nhân chủ quan ở chúng ta. Vì thế, tôi nghĩ nên tiến hành một số cuộc tổng kết điển hình về những chuyển đổi trong hệ các giá trị văn hóa kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường để xem những gì là tiến bộ đã đạt được; những gì trước tốt đẹp nay suy thoái do mặt trái của kinh tế thị trường sinh ra. Cần kiểm kê và phân tích thật cụ thể, đi từ các loại đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, đảng viên, cán bộ các cấp. Đi đôi với cuộc kiểm kê, cần tiến hành một đợt nghiên cứu lý luận gắn chặt với thực trạng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và văn hóa, giữa giá trị văn hóa và giá trị thị trường. Cần làm rõ vấn đề: Có thể thị trường hóa văn hóa hay không? Có thể thương mại hóa văn hóa hay không? Trên mỗi lĩnh vực cụ thể như văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, giáo dục, điện ảnh, vui chơi giải trí,... nên có những bài viết, những tác phẩm phê phán sâu sắc mặt trái của kinh tế thị trường, đấu tranh cả với hiện tượng thương mại hóa văn hóa.

Ngày nay, toàn cầu hóa đã và đang trở thành một xu thế khách quan, trước hết trong lĩnh vực kinh tế và từ đó tác động mạnh lên mọi mặt đời sống của tất cả các quốc gia dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa tạo điều kiện cho các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau, bổ sung cho nhau, làm phong phú và hỗ trợ lẫn nhau. Đất nước ta nhất định nắm lấy xu thế này, coi đó là một thời cơ lớn, ra sức tận dụng mọi điều kiện có lợi do xu thế ấy tạo ra, đặc biệt để tranh thủ những khả năng vật chất kỹ thuật, khoa học, công nghệ cao, những kinh nghiệm và tri thức hiện đại cần thiết cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cần thấy toàn cầu hóa hiện nay đang do chủ nghĩa tư bản chủ đạo, là một quá trình đầy mâu thuẫn phức tạp. Ở giác độ văn hóa, toàn cầu hóa đã mở ra khả năng to lớn để giao lưu văn hóa toàn cầu, tạo thêm động lực cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa văn hóa dân tộc. Các dân tộc có điều kiện hiểu biết và học hỏi lẫn nhau, làm cho “những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn hóa dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn hóa toàn thế giới”(4). Nhưng, mặt khác, những biến đổi phức tạp trong văn hóa gắn với thị trường toàn cầu mà căn bản đang là thị trường tư bản chủ nghĩa, lại đặt các nước đang phát triển trước những thách thức to lớn.

Sự tác động của chủ nghĩa thực dụng, “văn hóa tiêu dùng” đang dẫn đến nguy cơ đồng nhất về văn hóa, về lối sống, một số thói quen và hình thức giải trí lai căng. Các hãng tư bản độc quyền xuyên quốc gia ra sức tuyên truyền, quảng cáo cho các sản phẩm mang tính toàn cầu có thể làm thay đổi nếp sống và văn hóa truyền thống của các dân tộc theo hướng “Tây hóa”, “Mỹ hóa”. Đứng trước thực trạng này, có lúc ngay Ủy ban đối ngoại Quốc hội Pháp cũng phải kêu lên: “Văn hóa không phải là một thứ hàng hóa thông thường. Mối nguy cơ thực sự chính là quan điểm kiểu Mỹ về văn hóa, theo đó văn hóa cũng là một thứ hàng hóa thông thường. Chúng ta  phải đấu tranh chống lại “thương mại hóa” ngày càng gia tăng đối với các hoạt động của con người, không cho nền công nghiệp giải trí Mỹ vốn đã đạt được hiệu quả chính trên thị trường của họ giờ đây lại chiếm lĩnh nốt mọi không gian sáng tạo của các nền văn hóa khác”(5).

Có thể nói, toàn cầu hóa bên cạnh mặt tích cực, đang đặt văn hóa dân tộc trước những thách thức, thậm chí là nguy cơ bị tha hóa nếu thiếu bản sắc độc lập, tự chủ. Quá trình toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, nếu áp dụng cho văn hóa, về thực chất có nghĩa là chủ nghĩa đế quốc văn hóa, nó đưa những giá trị phương Tây thống trị thế giới, nó đe dọa xóa bỏ sự khác biệt về nền văn hóa giữa các quốc gia dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, sẽ làm nghèo đi sự đa dạng, phong phú của bức tranh văn hóa nhân loại; nguy cơ đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và truyền thống sẽ dẫn đến xóa bỏ ý thức dân tộc, làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa.

Mở cửa hội nhập thế giới, văn hóa Việt Nam được tiếp cận ngày càng nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc và giúp nhanh chóng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại mà nội dung cơ bản là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không thể nhân danh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc để đóng cửa, khép kín, hạn chế hội nhập và giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài. Nhưng, nếu chúng ta tự ti, vọng ngoại hay mất cảnh giác, thiếu bản lĩnh thì sẽ đánh mất mình, sẽ bị lấn lướt và có thể bị “đồng hóa”.

Tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đứng trước thách thức về nhiều mặt, cả trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, từ bên trong cả từ bên ngoài. Bởi lẽ, có những trào lưu tư tưởng, văn hóa ngược dòng từ những trung tâm lớn trên thế giới luôn tác động đến đời sống tư tưởng, văn hóa, xã hội nước ta. Những dòng tư tưởng và ấn phẩm “văn hóa” phản động, đồi trụy, làn sóng tội phạm, bạo lực và ma túy từ nước ngoài tràn vào góp phần lây lan các tệ nạn xã hội ở nước ta trong những năm gần đây, cộng với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nếu không kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả, đó sẽ là một nguy cơ làm suy yếu nền tảng tinh thần của đất nước, có thể đe dọa ngay cả chế độ với cái gọi là “cách mạng nhung”.

Bài học từ những nước đang phát triển cho thấy, với sự mở cửa hướng ngoại tập trung vào kinh tế thì văn hóa truyền thống dễ bị xem thường. Sự du nhập ào ạt, thiếu chọn lọc các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài dẫn đến tình trạng tha hóa, lai căng và hủy hoại các giá trị văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa. Có một nhận định thật chí lý rằng, kinh tế mất đi có thể lấy lại được, còn văn hóa nếu mất đi là mất luôn, vĩnh viễn.

Xuất phát từ yêu cầu hiện đại hóa đất nước trong quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu với nước ngoài, chúng ta vừa phải biết kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; vừa phải đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc; vừa ra sức tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người để hình thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ngang tầm thời đại.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.431.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75-76.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.602.

(5) Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Cộng hòa Pháp: Toàn cầu hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.50.

Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét