Vũ Khanh
VNTN - Năm 2017 qua đi với xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp
tác và phát triển. Các nước tiến hành điều chỉnh chính sách theo hướng ưu tiên lợi ích quốc gia, dân tộc. Các nhân tố bất ổn cục bộ
khu vực đang nổi lên và diễn biến rất phức tạp, tính bất ổn có xu hướng tăng.
Sự thay đổi ban lãnh đạo và điều chỉnh chính sách đối ngoại của một số nước lớn
là đặc điểm nổi bật năm 2017.
Thế giới
Mỹ: Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald
Trump dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước này; đồng thời tạo ra những hệ lụy, buộc Mỹ phải vừa triển
khai vừa điều chỉnh, dẫn đến tính thiếu nhất quán trong chính sách và triển khai thực hiện. Chính
sách đối ngoại của chính quyền
Donald Trump mang nhiều tính đột biến, ngoại lệ hơn nhằm phục vụ phương châm “đưa
nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tập trung thực hiện cam kết dân túy. Tư tưởng lấy lợi
ích kinh tế làm trung tâm chi phối mạnh chính sách đối ngoại và tính toán địa chiến
lược, trong đó xác định bạn thù và ưu tiên đối ngoại dẫn tới hệ quả là đối
ngoại được triển khai theo phương
thức giao dịch,
thương lượng, coi trọng lợi ích, nhất là
kinh tế; coi trọng song phương hơn đa phương.
Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO); đặt yêu cầu cao trong đàm phán
Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA)… Kết quả bước đầu là thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng, tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP là đòn đánh mạnh vào các nỗ lực hợp tác thương mại đa phương,
quan hệ của Mỹ với các đồng minh, cũng như làm giảm uy tín của Mỹ đối với khu vực.
Donald Trump chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại “hòa bình thông qua sức mạnh”, Mỹ có thể ưu tiên “sức mạnh cứng”, củng cố thủ tục và chính sách tị nạn, hạn chế nhập cư, tiếp tục tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Về quốc phòng, an ninh, ông Donald Trump chủ trương ưu tiên ngân sách để tăng cường tiềm lực quân sự (tăng quân số, tàu chiến và máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa, an ninh mạng…) nhằm khẳng định vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.
Trung Quốc: Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 19 với
ban lãnh đạo mới; xây dựng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là hạt nhân
lãnh đạo và xác lập tư tưởng Tập Cận Bình về mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc phát triển theo xu hướng cứng rắn hơn, tham
vọng hơn. Các sáng kiến “Vành đai, con đường”
(BRI), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ
tầng châu Á (AIIB) đã đạt được một số thành công. Tính đến nay, đã có hơn 60
nước tham gia BRI, còn AIIB đã thu hút trên 80 thành viên, nhiều hơn thành viên
của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Việc chính quyền Donald Trump thực hiện
chính sách bảo hộ thương mại và theo chủ nghĩa dân túy, phần nào giúp nâng vị thế của Trung Quốc thành một “cường quốc bảo vệ, dẫn dắt” trong tiến trình toàn
cầu hóa trong con mắt của nhiều nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc khá thành công
trong việc dùng lợi ích kinh tế để chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông, điển
hình là trường hợp Philippines.
Nga: Kết quả bầu cử tại Ngày bầu cử chính thức 10/9 vừa qua khẳng định uy tín chính trị cao của Tổng thống Putin và đảng “Nước Nga thống nhất”, tạo thuận lợi cho ông Putin trong bầu cử Tổng thống năm 2018. Kinh tế Nga tăng trưởng trở lại, dự báo 2,5%/năm sau 2 năm suy thoái do bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Về quốc phòng, Nga tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội; triển khai các chiến dịch quân sự ở Syria, Trung Đông nhằm thể hiện sức mạnh răn đe về quân sự và vai trò của Nga ở Trung Đông. Đối với châu Á - Thái Bình Dương, Nga đã đẩy mạnh quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, cả song phương và đa phương, nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để mở rộng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, tìm kiếm và mở rộng các hình thức hợp tác cùng có lợi với các nước, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước…
Quan hệ Mỹ - Trung: Trong năm 2017, quan hệ Mỹ - Trung vẫn
phát triển theo chiều hướng điều chỉnh và về cơ bản là kiềm chế và hòa dịu, cả
hai bên đều tránh xung đột và cố gắng xây dựng khuôn khổ quan hệ theo hướng thực dụng hơn. Cạnh tranh Trung - Mỹ chủ yếu tập
trung vào cạnh tranh khu vực ảnh hưởng, nhất là can dự vào các điểm nóng như
Biển Đông, biển Hoa Đông; cạnh tranh về tạo dựng “luật chơi” thông qua các cơ chế, thể chế đa phương.
Mâu thuẫn giữa hai nước chủ yếu là vấn đề thương mại; Trung
Quốc phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn
cuối (THAAD) và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Á.
Quan hệ Nga - Mỹ: Đang ở tình trạng trả đũa lẫn nhau về ngoại giao và kinh
tế, nhất là sau khi Thượng viện Mỹ thông
qua luật trừng
phạt Nga cuối
tháng 7/2017. Nga coi việc
Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu là mối đe dọa an ninh đối với
Nga. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi ở kênh ngoại giao và quân sự,
tránh đụng độ bùng nổ thành xung đột trực tiếp.
Quan hệ Nga - Trung: Tiếp tục được củng cố theo hướng gắn
kết và liên kết cao hơn trong năm 2017, thể hiện qua việc hai nước tăng cường
gặp gỡ cấp cao; phối hợp và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế
như: vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng
Hải (SCO), Nhóm BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi)…
Quan hệ Trung - Ấn: Giảm căng thẳng sau khi chấm dứt vụ đối đầu tại Doklam và Thủ tướng Ấn Độ dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn (9/2017). Cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Ấn Độ công khai không ủng hộ sáng kiến và không cử đại diện tham dự Diễn đàn “Vành đai, con đường”.
Khu vực
Năm 2017, tình hình châu Á - Thái Bình Dương diễn biến phức tạp hơn với nhiều điểm nóng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bất ổn diễn ra ở một số nước do đấu tranh chính trị trong nội bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo và hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng.
Tình hình bán đảo Triều Tiên: tiếp tục leo thang căng thẳng với những động thái của cả hai phía, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và ổn định ở Đông Bắc Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên phản ánh sự mâu thuẫn về lập trường và lợi ích giữa các bên cũng như sự thay đổi cục diện thế giới và khu vực. Mỹ tiếp tục gây sức ép về quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, lợi dụng vấn đề hạt nhân, dân chủ, nhân quyền, độc đoán, gia đình trị… ở Triều Tiên để cô lập, làm suy yếu nước này, đẩy Triều Tiên rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn về kinh tế, tạo cơ hội lật đổ chế độ. Lập trường của Trung Quốc đối với Triều Tiên có sự thay đổi theo hướng cứng rắn hơn theo chiều hướng chung (không nhập hàng dệt may, giảm bán dầu cho Triều Tiên…). Tuy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng, nhưng khó có thể leo thang thành chiến tranh bởi các bên đều lo ngại về hậu quả; các nước liên quan có lợi ích nhất định trong việc duy trì nguyên trạng trên bán đảo Triều Tiên, nhất là Mỹ có thể gia tăng hiện diện về quân sự ở khu vực, duy trì sức ép đối với Trung Quốc và giữ Hàn Quốc và Nhật Bản trong quan hệ phụ thuộc với mình.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn Internet)
Đông Nam Á: Các nước Campuchia, Inđônêxia, Myanma tổ chức thành công các cuộc bầu cử địa phương với ưu thế
nghiêng về đảng cầm quyền, song các lực lượng đối lập đang dần chiếm được nhiều
ghế hơn trước. Tại Campuchia, mặc dù giành thắng lợi, song việc đảng CPP mất
gần 30% ghế tại cuộc bầu cử xã phường so với năm 2012 cho thấy, CPP sẽ gặp khó
khăn trong Tổng tuyển cử 2018. Philippin đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội
bộ, nhất là sau các chiến dịch bài trừ ma túy; phong trào phiến quân bùng phát tại khu vực miền Nam. Thái Lan công
bố Hiến pháp mới, xét xử cựu Thủ tướng; “đối thoại hòa giải quốc gia” không đạt
kết quả mong muốn. Vấn đề người tị nạn Rohinghya ở Myanma tiếp tục diễn biến
phức tạp, đang gây lo ngại về an ninh đối với khu vực và quốc tế. Các nước phương Tây, các nước Hồi giáo và một số
tổ chức quốc tế gia tăng các động thái thể hiện quan tâm và gây sức ép đối với Myanma.
Tình hình Biển Đông: Năm 2017, tình hình trên thực địa tại
Biển Đông diễn biến theo chiều hướng tương đối ổn định và có phần lắng dịu, các bên liên quan đến
tranh chấp đã nỗ lực kiềm chế không làm gia tăng căng thẳng tình hình, đồng
thời có sự điều chỉnh cách tiếp cận, tập trung nỗ lực khôi phục và thúc đẩy các
cơ chế đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp thông qua các tiến trình ngoại
giao và pháp lý, trên cơ sở
luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, về cơ bản hiện trạng tình hình trên Biển Đông
không thay đổi; những tranh chấp chưa được giải quyết và khó có thể được giải
quyết trong thời gian tới, những vấn đề có thể gây căng thẳng tình hình Biển
Đông vẫn tồn tại, đó là: Sự khác biệt về quan điểm, lập trường của các bên về tuyên bố
chủ quyền cũng như cách tiếp cận để giải quyết tranh chấp; sự khác biệt về nhận thức và quan điểm về tự do hàng hải
trong khu vực.
Biển Đông tiếp tục là một thử thách lớn đối với ASEAN trong việc duy trì sự đoàn kết, thống nhất, cũng như vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Tiến trình đàm phán để đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông tiếp tục gặp khó khăn, do còn có sự khác biệt trong nội bộ ASEAN trong quan hệ song phương với Trung Quốc và các nhìn nhận đánh giá của từng nước ASEAN về sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Để tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực, ASEAN còn phải nỗ lực rất nhiều, nhất là duy trì sự đoàn kết, thống nhất nhận thức trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Một số dự báo 2018
Trong thời gian tới, tình hình an ninh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; bức tranh chính trị, an ninh
toàn cầu về cơ bản vẫn ổn định, song cục diện thế giới có thể có sự biến chuyển
khó lường.
Chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương có thể
sẽ mạnh mẽ hơn. Mỹ có thể sẽ triển khai một số biện pháp cương quyết hơn đối
với khu vực như dự kiến đầu tư 8 tỉ USD để tăng cường sự hiện diện ở châu Á -
Thái Bình Dương trong 5 năm tới, đưa một số tàu của Hạm đội 6, cụm tàu sân bay
USS Carl Vinson đến hoạt động tại Biển Đông, tăng số ngày tuần tra tại Biển
Đông; đề xuất Sáng kiến ổn định châu Á - Thái Bình Dương để tăng khả năng quân
sự của Mỹ ở khu vực, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự, hỗ trợ nâng cao năng
lực thực thi pháp luật trên biển của một số nước ven Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại quyết
đoán và dân tộc chủ nghĩa. Ngoại giao nước lớn vẫn là ưu tiên số 1 trong chính
sách đối ngoại của Trung Quốc, tập trung vào các đối thủ chiến lược và tiềm tàng như: Mỹ, Nhật Bản, Ấn
Độ, Nga. Thực hiện chính
sách “Bắc hòa, Tây liên, Đông cự, Nam khuếch”
(hòa hoãn với Nga ở phía Bắc; tìm cách liên kết với các nước láng giềng
ở phía Tây, nhất là Pakistan; chống liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc ở phía
Đông; và mở rộng ảnh hưởng xuống
phía Nam). Ngoại giao láng giềng, thực hiện tăng cường kết hợp
“Cây gậy và củ cà rốt” và cứng rắn hơn
trong chính sách Biển Đông… Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực có thể sẽ gia tăng, cọ sát Trung
- Mỹ có thể sẽ quyết liệt và căng thẳng hơn do xung đột lợi ích chiến lược và tiếp tục tác động sâu sắc tới tập hợp lực lượng và cấu trúc an ninh khu vực. Cạnh tranh Trung - Mỹ sẽ khó dự đoán hơn dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ được cải thiện; quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể đạt được sự tiến bộ do Mỹ có chính sách hòa dịu hơn.
ASEAN tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng,
tập trung thực hiện nội dung
quan trọng của Tầm nhìn ASEAN 2025 là xây dựng một kiến trúc an ninh bền vững và
hiệu quả nhằm duy trì môi trường hòa bình,
ổn định ở khu vực, với vai trò trung tâm
của ASEAN được tăng cường, cấu trúc an ninh khu vực dự kiến không có bước
phát triển đáng kể. Nhiều vấn đề an ninh mới tiếp tục nổi lên, đòi hỏi ASEAN
phải tăng cường đoàn kết, phối hợp lập trường, củng cố sự thống nhất của khối nhằm đối phó có hiệu quả với những thách thức
an ninh chung.
Xu thế quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tiếp tục gia tăng. Biển Đông tiếp tục là
chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của ASEAN và cộng đồng quốc tế và tiếp tục là
thách thức lớn của ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại, nhất là tại các
hội nghị cấp cao ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông
Á (EAS). Chính sách của một số nước ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông có thể có những diễn biến phức tạp, khó
dự báo.
Nguồn: http://vannghethainguyen.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét