LÝ LUẬN VỀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NHÀ NƯỚC
CỦA LÊNIN VÀ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM
VI.Lênin – Lãnh tụ
thiên tài của giai cấp vô sản Nga và toàn thế giới (Ảnh Internet)
|
(ĐCSVN)- Nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của VI. Lênin (22.4.1870 –
22.4.2010), chúng ta lại nhớ về kho tàng di sản lý luận mác-xít của Người,
trong đó có lý luận về chủ nghĩa tư bản nhà nước (CNTBNN) là một bộ phận quan
trọng trong toàn bộ hệ thống lý luận về chính sách kinh tế mới (New Economy
Policy - NEP) đã được Lênin đề ra và trực tiếp chỉ đạo vào công cuộc xây dựng
CNXH ở nước Nga Xô viết đầu những năm 20 thế kỷ XX. Lý luận này nhiều năm qua
đã và đang được vận dụng vào thực tiễn nước ta.
Lý
luận về CNTBNN của Lênin và sự vận dụng ở nước Nga Xô viết
Từ
cuối năm 1917, ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xô
viết được thành lập, Lênin – Nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước đó đã có những
tư tưởng đầu tiên về sử dụng thành phần kinh tế TBCN như là một hình thức kinh
tế đặc thù của thời kỳ quá độ lên CNXH. Tuy nhiên, khi ấy quan niệm của Người
về việc sử dụng CNTBNN còn ở những nét phác thảo và mang nặng tính chất là một
biện pháp chính trị nhằm củng cố sự độc quyền nhà nước trong lưu thông hàng
hoá, đặc biệt trong việc chống đầu cơ lúa mì của bọn địa chủ, culắc và thương
nhân tư bản bấy giờ. Tiếc rằng, do những diễn biến phức tạp của tình hình nước
Nga Xô viết những năm 1918-1920, đã buộc Nhà nước Xô viết phải thực hiện chính
sách cộng sản thời chiến, tiến hành quốc hữu
hoá ngay những tài sản, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của bọn tư bản độc
quyền, đại địa chủ và các thế lực phản động, chống phá cách mạng khác. Những
hành động đó là kịp thời và đúng đắn với tình
hình bấy giờ song cũng vì đó đã làm hạn chế các khả năng sử dụng CNTBNN, điều mà trước đó Lênin đã từng dự liệu.
Tháng
3/1921, sau khi nội chiến kết thúc, tại Đại hội X Đảng Cộng sản (b) Nga với
việc đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), Lênin đã chỉ
rõ trong những điều kiện mới này, việc sử dụng những hình thức kinh tế
quá độ của CNTBNN là một bộ phận rất quan trọng của chính sách này. Thời kỳ
chính sách cộng sản thời chiến đã kết thúc, giờ đây với việc thực thi NEP thì
CNTBNN là một trong những hình thức rất thích hợp để giúp nước Nga Xô viết
nhanh chóng khắc phục tình trạng suy sụp kinh tế sau chiến tranh và ngăn chặn
những nảy sinh tự phát của nền sản xuất hàng hoá nhỏ - mầm mống của sự phục hồi
CNTB. Sở dĩ CNTBNN dưới điều kiện chuyên chính vô sản có ý nghĩa quan trọng và
tác dụng to lớn như vậy vì như định nghĩa của Lênin - đó là một thứ CNTB có
liên quan với nhà nước. Nhà nước đó là nhà nước của giai cấp vô sản, là đội
tiền phong của chúng ta. Thông qua
việc sử dụng CNTBNN, giai cấp vô sản có thể học tập, kế thừa và phát huy có
chọn lọc tất cả những tài sản vật chất - kỹ thuật và tinh hoa chất xám trong
kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của các nhà tư bản cũng như tri thức khoa học -
kỹ thuật và trình độ khoa học quản lý kinh tế của các chuyên gia tư sản. Nhà
nước vô sản có thể sử dụng CNTBNN như là một hệ thống các chính sách, công cụ,
biện pháp nhằm điều tiết mọi hoạt động của các xí
nghiệp tư bản còn tồn tại trong thời kỳ quá độ, nhằm hướng tới mục đích vừa sử
dụng vừa cải tạo bằng phương pháp hoà bình đối với các thành phần kinh tế TBCN
và sản xuất nhỏ. Với ý nghĩa đó, CNTBNN còn có thể coi là một trong những
phương thức, phương tiện, con đường có hiệu quả trong việc thúc đẩy xã hội hoá
và làm tăng nhanh lực lượng sản xuất của CNXH mà kết quả căn bản của sự xã hội
hoá này là thể hiện bởi việc phát triển ngày càng mạnh mẽ một nền sản xuất hàng
hoá quá độ XHCN - giai đoạn trung gian của nền sản xuất hàng hoá XHCN trong
tương lai.