Trần
Thị Hướng
Chức năng của Nhà nước trong quản lý nền
kinh tế thị trường là những hoạt động tổng quát nhất mà Nhà nước phải thực hiện
để đạt mục tiêu đã đề ra, trả lời câu hỏi: Nhà nước phải làm những gì? Chức
năng đó do bản chất của Nhà nước, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, kinh tế -
xã hội của từng giai đoạn lịch sử quy định. Đồng thời, chức năng của Nhà nước
trong quản lý nền kinh tế thị trường là căn cứ để xác định các nhiệm vụ cụ thể,
là cơ sở khách quan để xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế và
bố trí cán bộ, công chức quản lý kinh tế cho phù hợp.
Đại hội XII của
Đảng khẳng định: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn hiện thể
chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng
các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiến
nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến
bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển” (Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng
Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.103)
Như vậy, theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể khái quát thành 5 chức năng quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay như sau: tạo lập môi trường; định hướng, hướng dẫn; tổ chức; điều tiết; kiểm tra và xử lý các vi phạm. Tùy theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội của từng giai đoạn mà việc sắp xếp thứ tự ưu tiên và nội dung cụ thể của các chức năng có thể thay đổi.
Thứ nhất, tạo lập môi trường
Các doanh nghiệp
và toàn bộ nền kinh tế chỉ có thể hoạt động tốt khi có môi trường thuận lợi. Bằng
quyền lực và sức mạnh kinh tế của mình, Nhà nước có trách nhiệm chính trong việc
xây dựng và bảo đảm môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất,
kinh doanh, đồng thời bảo đảm môi trường phù hợp cho chính cơ chế mới đang hình
thành, phát triển và phát huy tác dụng. Có nhiều loại môi trường, trong đó bao
gồm các môi trường chính như:
Một là, xây dựng môi trường chính trị ổn định, thật sự
phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân, của các doanh nghiệp. Xây
dựng hệ thống pháp luật ổn định, thuận lợi, phù hợp với sự phát triển của nền
kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thực thi pháp luật phải nghiêm minh,
xây dựng môi trường văn hóa pháp luật cho mọi công dân, mọi tổ chức...
Hai là, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho kinh tế vận động và phát triển thuận lợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế, bao gồm nhiều loại như: hệ thống giao thông, đường bộ, đường sắt, đường không, sân bay, bến cảng, điện, nước, kết cấu hạ tầng văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng thông tin...
Ba là,xây dựng môi trường văn hóa xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường, xã
hội ngày càng tôn trọng và tôn vinh nghề kinh doanh và người kinh doanh.
Bốn là, bảo đảm môi trường an ninh trật tự, kỷ luật, kỷ
cương, mọi cá nhân và tổ chức đều phải tuân thủ pháp luật. Nhà nước phải bảo vệ
những doanh nghiệp và doanh nhân hoạt động đúng pháp luật.
Năm là, xây dựng và hoàn thiện môi trường thông tin. Nhà
nước phải là trung tâm cung cấp thông tin tin cậy nhất cho các doanh nghiệp một
cách thường xuyên, kịp thời và chính xác...
Tất cả những
môi trường, điều kiện cần thiết không thể thiếu được không chỉ cho hoạt động
kinh tế mà còn cho sự phát triển toàn diện của một quốc gia cả về kinh tế, văn
hóa, xã hội. Khi có các điều kiện, môi trường thuận lợi thì các nhà kinh doanh
mới có thể yên tâm bỏ vốn đầu tư và phát triển kinh doanh thuận lợi, ổn định; đồng
thời quá trình đó tiếp tục bồi đắp, phát triển môi trường ngày càng cao hơn,
phát triển xã hội ngày càng toàn diện và văn minh hơn.
Với chức năng
này, nhà nước có vai trò như một bà đỡ giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh
phát triển, đồng thời bảo đảm các điều kiện tự do, bình đẳng trong kinh doanh.
Nói cách khác, Nhà nước có chức năng tạo ra các dịch vụ công về môi trường
chính trị, pháp lý, an ninh, thủ tục quản lý, điều kiện kinh doanh, an toàn xã
hội,... Trong cơ chế thị trường, muốn có một môi trường sản xuất kinh doanh ổn
định, tiến bộ, cần phải có bàn tay của Nhà nước từ việc ban hành và bảo đảm thi
hành pháp luật đến bảo đảm các điều kiện và nguyên tắc cơ bản như quyền sở hữu,
quyền tự do kinh doanh, xử lý tranh chấp theo pháp luật, bảo đảm một xã hội
phát triển lành mạnh, có văn hóa.
Thứ hai, định hướng, hướng dẫn
Trong nền kinh
tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà kinh
doanh và các tổ chức kinh tế được tự chủ kinh doanh nhưng không thể nắm được hết
tình hình và xu hướng vận động của thị trường, do đó thường chạy theo thị trường
một cách bị động, dễ gây ra thua lỗ, thất bại và đổ vỡ, gây thiệt hại chung cho
nền kinh tế. Hơn nữa, Nhà nước còn phải định hướng nền kinh tế phát triển theo
quỹ đạo và mục tiêu kinh tế - xã hội đã được Đảng và Nhà nước định ra cho mỗi
giai đoạn. Do đó, Nhà nước có chức năng định hướng phát triển kinh tế và hướng
dẫn các nhà kinh doanh, các tổ chức kinh tế hoạt động hướng đích theo các mục
tiêu chung của đất nước. Nhà nước định hướng và hướng dẫn bằng các công cụ như
chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch, thông tin và các nguồn lực của nhà
nước.
Trong nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để thực hiện chức năng định hướng,
hướng dẫn, Nhà nước không can thiệp thô bạo bằng mệnh lệnh hành chính vào nền
kinh tế thị trường mà chủ yếu sử dụng cách thức và phương pháp tác động gián tiếp,
theo các nguyên tắc của thị trường. Cách thức tác động gián tiếp mang tính chất
mềm dẻo, uyển chuyển, vừa bảo đảm tính tự chủ các chủ thể kinh tế, vừa thực hiện
mục tiêu chung.
Thứ ba, tổ chức
Nhà nước phải
sắp xếp, tổ chức lại các ngành, các lĩnh vực, các vùng kinh tế quan trọng,
trong đó có sắp xếp, củng cố lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh
nghiệp nhà nước, tổ chức các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu hành
chính - kinh tế... Đây là những công việc nhằm tạo cơ cấu kinh tế hợp lý.
Nhà nước phải
bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế thị trường như cân đối tổng cung - tổng
cầu, cân đối xuất khẩu - nhập khẩu, câu đối thu - chi ngân sách ... bảo đảm ổn
định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế thị trường.
Nhà nước phải
bảo hộ và bảo vệ cho các chủ thể kinh doanh đúng pháp luật, can thiệp vào nền
kinh tế thị trường khi có những biến động lớn như khủng hoảng, suy thoái kinh tế...
Nhà nước có
trách nhiệm tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan quản lý của nhà nước về kinh tế từ
trung ương đến cơ sở, đổi mới thể chế và thủ tục hành chính, đào tạo và đào tạo
lại, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp
nhà nước, thiết lập mối quan hệ kinh tế với các nước và các tổ chức quốc tế...
Thứ tư, điều tiết
Trong khi điều
hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước vừa phải tuân
thủ và vận dụng các quy luật khách quan của thị trường, phát huy mặt tích cực,
hạn chế những tiêu cực của thị trường, vừa điều tiết sự hoạt động của thị trường
theo định hướng của Nhà nước, đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, công bằng
và có hiệu quả. Để điều tiết, Nhà nước phải sử dụng các chính sách, các công cụ
như: tài chính, tiền tệ, thuế, tín dụng, lãi suất... các nguồn lực mạnh để điều
tiết nền kinh tế thị trường.
Thứ năm, kiểm tra và xử lý vi phạm
Nhà nước thực
hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nhằm thiết lập trật tự, kỷ
cương trong hoạt động kinh tế, phát hiện và ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm
pháp luật, sai phạm chính sách, bảo vệ tài sản quốc gia và lợi ích của Nhân
dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và từng bước thực hiện công bằng xã hội.
Kiểm tra, kiểm
soát luôn luôn là hoạt động quan trọng của Nhà nước, ở nước ta trong điều kiện
nền kinh tế thị trường mới phát triển, thậm chí còn sơ khai, tình trạng rối loạn,
tự phát, vô tổ chức và các hiện tượng tiêu cực còn khá phổ biến, có nơi, có lúc
rất trầm trọng và phức tạp, càng cần phải đề cao chức năng của Nhà nước kiểm
tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các chủ thể kinh tế tham gia thị trường,
đồng thời cũng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của chính các cơ quan và các
cán bộ, công chức quản lý kinh tế của Nhà nước.
Hiện nay các
chức năng của Nhà nước phải thể hiện và bảo đảm thật sự là Nhà nước kiến tạo,
Nhà nước phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, Nhà nước phải khích lệ, hỗ trợ,
bảo hộ và bảo vệ cho các chủ thể kinh tế, cho nhân dân kinh doanh đúng pháp luật.
Tóm lại, theo
tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể khái quát Nhà nước
có 5 chức năng chính trong quản lý nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nội dung
cụ thể các chức năng thường không cố định mà có sự vận động, phát triển cho phù
hợp với mục tiêu, yêu cầu của các giai đoạn. Trong những điều kiện cụ thể, do mục
tiêu và những điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì vai trò và thứ tự ưu tiên
của các chức năng có thể có sự thay đổi nhất định, tuy nhiên tên gọi của các chức
năng ít có sự thay đổi.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa