Trần
Thị Hướng
Chức năng của Nhà nước trong quản lý nền
kinh tế thị trường là những hoạt động tổng quát nhất mà Nhà nước phải thực hiện
để đạt mục tiêu đã đề ra, trả lời câu hỏi: Nhà nước phải làm những gì? Chức
năng đó do bản chất của Nhà nước, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, kinh tế -
xã hội của từng giai đoạn lịch sử quy định. Đồng thời, chức năng của Nhà nước
trong quản lý nền kinh tế thị trường là căn cứ để xác định các nhiệm vụ cụ thể,
là cơ sở khách quan để xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế và
bố trí cán bộ, công chức quản lý kinh tế cho phù hợp.
Đại hội XII của
Đảng khẳng định: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn hiện thể
chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng
các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiến
nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến
bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển” (Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng
Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.103)
Như vậy, theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể khái quát thành 5 chức năng quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay như sau: tạo lập môi trường; định hướng, hướng dẫn; tổ chức; điều tiết; kiểm tra và xử lý các vi phạm. Tùy theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội của từng giai đoạn mà việc sắp xếp thứ tự ưu tiên và nội dung cụ thể của các chức năng có thể thay đổi.
Thứ nhất, tạo lập môi trường
Các doanh nghiệp
và toàn bộ nền kinh tế chỉ có thể hoạt động tốt khi có môi trường thuận lợi. Bằng
quyền lực và sức mạnh kinh tế của mình, Nhà nước có trách nhiệm chính trong việc
xây dựng và bảo đảm môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất,
kinh doanh, đồng thời bảo đảm môi trường phù hợp cho chính cơ chế mới đang hình
thành, phát triển và phát huy tác dụng. Có nhiều loại môi trường, trong đó bao
gồm các môi trường chính như:
Một là, xây dựng môi trường chính trị ổn định, thật sự
phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân, của các doanh nghiệp. Xây
dựng hệ thống pháp luật ổn định, thuận lợi, phù hợp với sự phát triển của nền
kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thực thi pháp luật phải nghiêm minh,
xây dựng môi trường văn hóa pháp luật cho mọi công dân, mọi tổ chức...
Hai là, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho kinh tế vận động và phát triển thuận lợi. Hệ thống kết cấu hạ tầng có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế, bao gồm nhiều loại như: hệ thống giao thông, đường bộ, đường sắt, đường không, sân bay, bến cảng, điện, nước, kết cấu hạ tầng văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng thông tin...