Đỗ Thị Thu Hiền
TCCSĐT - Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Việc thực hiện
bình đẳng giữa các dân tộc là một đòi hỏi bức thiết trong tiến trình lịch sử
dựng nước và giữ nước, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho xã hội ổn định và phát
triển. Sinh thời, quyền bình đẳng dân tộc ở nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí
Minh khẳng định, đến nay, quyền ấy được luật pháp ghi nhận và đã từng bước được
thực hiện.
Khái quát tình hình quốc gia đa dân tộc Việt Nam
Cộng đồng dân
tộc Việt Nam hiện nay là kết quả của một quá trình hình thành và phát triển lâu
dài trong lịch sử, bao gồm 54 dân tộc. Tính đa dạng của các dân tộc luôn gắn
với tính thống nhất của các cộng đồng với những đặc điểm chủ yếu: Tỷ lệ dân số
của mỗi dân tộc không đồng đều. Dân tộc Kinh chiếm 86,2% dân số cả nước, đóng
vai trò chủ lực và đi đầu trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong việc
hình thành, củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam; 53 dân tộc thiểu
số chỉ chiếm 13,8% dân số, tỷ lệ số dân của 53 dân tộc cũng không đều, nhiều
dân tộc có số dân từ 1 đến dưới 2 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer),
có dân tộc chỉ 100.000 đến dưới 1 triệu người (Nùng, Hoa, Dao…), có dân tộc chỉ
từ 1.000 đến 10.000 người (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn…), thậm chí có dân tộc chỉ
dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Mâm…)(1).
Các dân tộc cư
trú xen kẽ, người Kinh sống ở khắp cả nước, chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và
trung du. Các dân tộc thiểu số cư trú không riêng biệt mà xen kẽ chủ yếu trên
các vùng núi, cao nguyên, biên giới và những vị trí quan trọng về kinh tế, an
ninh, quốc phòng. Hiện nay, không có tỉnh, huyện nào chỉ có một dân tộc cư trú.
Nhiều tỉnh có trên 20 dân tộc cư trú: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Riêng Đắc Lắc
có 44 dân tộc sinh sống.
Tuy các dân tộc
có số dân, sự phát triển kinh tế-xã hội không đồng đều, nhưng không có tình
trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hóa, thôn tính các dân tộc thiểu số, dân
tộc thiểu số chống lại đa số. Tình trạng cư trú xen kẽ giữa các dân tộc ở nước
ta, một mặt là điều kiện để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, xích lại
gần nhau, mặt khác, cần đề phòng trường hợp có thể do chưa thật hiểu nhau, khác
về phong tục tập quán… làm xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích, nhất là
lợi ích kinh tế, dẫn tới va chạm giữa các dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng giữa các dân tộc
Tư tưởng này
của Người không chỉ bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa, từ cộng
đồng các dân tộc Việt Nam, mà quan trọng hơn, là từ lý luận của Chủ nghĩa Mác -
Lênin về vấn đề dân tộc và bình đẳng dân tộc. Vận dụng, phát triển sáng tạo
quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền bình đẳng dân tộc vào điều kiện
Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề cập đến quyền bình đẳng dân tộc:
Quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc: Sinh ra trong một dân tộc thuộc địa, mất chủ quyền và chứng kiến cảnh nhân dân ta lầm than dưới ách áp bức của các thế lực phong kiến, thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc vấn đề phải giành lại chủ quyền quốc gia và sự bình đẳng của dân tộc. Đây chính là động lực để người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (1911). Ngày 18-6-1919, thay mặt Hội những người yêu nước tại Pháp, Người đã gửi tới Hội nghị Véc xây bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của các dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh mất nước, muồn thoát khỏi xiềng xích, nô lệ, không có con đường nào khác, dân tộc ta phải vùng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc.
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba, tìm đường cứu nước, trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của
bộ phận, của giai cấp phải
đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết
được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân
tộc, thì chẳng những toàn thể dân tộc còn mãi kiếp ngựa trâu mà lợi ích của bộ
phận, giai cấp vạn năm cũng không đòi lại được”(2).
Tư tưởng của
Người về quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc, không phân biệt dân tộc lớn
hay nhỏ, trình độ phát triển cao hay thấp, được nhấn mạnh ngay trong phần mở
đầu của Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945: Tất cả
mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai
có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của
nước Mỹ suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều
sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự
do.
Quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong quốc gia đa dân tộc: Trước Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh
nhận thấy, chế độ thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai đã duy trì chính sách
bất bình đẳng, gây chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc để dễ bề cai trị:
“Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng bào Thái
ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá”, “Vì Tây và vua quan muốn chia rẽ đồng bào,
muốn cho đồng bào yếu đi”(3). Muốn cho các dân tộc đoàn kết để đánh đuổi thực
dân Pháp, phong kiến, tiến lên xây dựng cuộc sống mới, tất yếu phải xóa bỏ tình
trạng bất bình đẳng đó, các dân tộc phải coi nhau như anh em một nhà, không dân
tộc nào ăn hiếp dân tộc nào nữa. Ngày 03-12-1945, Người phát biểu tại Hội nghị
các dân tộc thiểu số Việt Nam: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: Dân tộc bình
đẳng: 1) Chính phủ sẽ bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình đẳng sẽ
sửa chữa đi; 2) Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi
mặt”(4). Trong phát biểu tại Hội nghị phụ nữ miền núi ngày 19-3-1946, Người
nói: “Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã
làm cho gái, trai bình quyền, các dân tộc bình đẳng về chính trị, các dân tộc
đều bình đẳng, dân chủ, đoàn kết”(5).
Trong Báo cáo
dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng
hòa khóa I năm 1959, Người khẳng định: “Nước ta là một nước thống nhất gồm
nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền
lợi và nghĩa vụ… Chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng
giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6). Trong
quốc gia đa dân tộc, theo Hồ Chí Minh, nếu không giải quyết đúng đắn vấn đề dân
tộc sẽ nảy sinh tư tưởng dân tộc lớn hoặc tâm lí tự ti dân tộc. Để tránh tình
trạng này, giữ vững quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, Người căn dặn: “Phải
khắc phục tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc
lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo”(7).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng dân tộc trong việc thực
hiện chính sách dân tộc ở nước ta
Trên cơ sở chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc
ở Việt Nam được Đảng ta thừa nhận và vận dụng hết sức sâu sắc trong quá trình
lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Thực vậy, ngay
từ Luận cương chính trị năm 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu đấu tranh của
cách mạng Việt Nam là tự do, độc lập cho tất cả các dân tộc trong nước. Trong
Hiến pháp năm 1946, năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều khẳng định quyền bình đẳng
trong nước là của toàn thể dân tộc Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái,
trai, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo… Trong đó, quyền bình đẳng giữa các dân tộc
là quyền ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc:
Bình đẳng trên lĩnh vực chính trị: Quyền bình đẳng về chính trị của các dân tộc
không chỉ được thừa nhận trong Hiến pháp và pháp luật, mà quan trọng hơn là
phải được thừa nhận trong
thực tế, đó là quyền làm chủ đất nước. Các dân tộc đều có quyền tham gia chính
quyền, quản lý xã hội.
Bình đẳng trên lĩnh vực kinh tế: Là sự đảm bảo bình đẳng trong quan hệ lợi ích
kinh tế của các dân tộc, từng bước rút ngắn khoảng cách và tạo ra sự phát triển
đồng đều về kinh tế giữa các dân tộc, các vùng, miền. Thực hiện quyền bình đẳng
về kinh tế giữa các dân tộc phụ thuộc vào sự nỗ lực vươn lên của từng dân tộc,
đồng thời cần có sự giúp đỡ của các dân tộc khác, nhất là dân tộc đã đạt được
sự phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn.
Bình đẳng trên lĩnh vực văn hóa: Thể hiện ở sự tôn trọng những giá trị, bản sắc
văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc, tạo điều kiện để văn hóa các dân
tộc phát triển hài hòa trong sự phát triển chung của quốc gia đa dân tộc. Bình
đẳng trên lĩnh vực văn hóa hiện nay còn thể hiện ở việc đảm bảo cho các dân tộc
có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, có quyền hưởng thụ không
chỉ những giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn được hưởng thụ giá trị văn
hóa của dân tộc Việt Nam trong sự kết hợp hài hòa những bản sắc văn hóa của tất
cả các dân tộc ở nước ta, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân
loại. Không ngừng nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số .
Bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực xã hội: Thể hiện qua thái độ ứng xử bình đẳng trong quan
hệ các vấn đề xã hội giữa các dân tộc, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu
số, nhằm phát triển lành mạnh các quan hệ xã hội, tộc người, đảm bảo an sinh xã
hội cho tất cả các dân tộc trong quốc gia đa dân tộc. Kết hợp hài hòa giữa các
thiết chế xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số với các thiết chế xã hội
hiện đại của quốc gia để quản lý, tổ chức đời sống xã hội ở các vùng có đồng
bào dân tộc thiểu số, vừa đảm bảo lợi ích của dân tộc, vừa đảm bảo lợi ích của
quốc gia. Bình đẳng xã hội giữa các dân tộc còn thể hiện trong việc thực hiện
các chính sách an sinh xã hội: xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bài trừ tệ
nạn xã hội…
Dựa trên quan
điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề bình đẳng dân
tộc, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện thường xuyên, nhất quán vấn đề bình đẳng
giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và đã đạt được sự tiến bộ
trên một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, trong sự phát triển của đất nước,
bên cạnh sự giúp đỡ của các dân tộc khác, mỗi dân tộc cần tiếp tục nỗ lực, phấn
đấu vươn lên. Với ý nghĩa đó, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện
quyền bình đẳng giữa các dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết giữa các dân
tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là bài học vô giá, trở thành
truyền thống quý báu, cần tiếp tục phát huy trong sự nghiệp phát triển của dân
tộc Việt Nam./.
-------------------------------------------------
(1)
Số liệu thống
kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2013, Tổng Cục thống kê.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3,
Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 1995, tr.555.
(3),(4),(6) Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 1995,
tr.433 ,110, 587
(5),(7) Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật H. 1995,
tr. 242,136.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét