Đinh Nguyễn
Năm nào thế
giới cũng có những điều bất ngờ. Riêng 2016, các bất ngờ ấy thật đặc biệt. Ít
ai dự đoán được kết quả bầu cử ở Mỹ, rồi phán quyết từ Tòa trọng tài thường
trực (PCA) đối với Trung Quốc và kế tiếp
là xu thế tái cấu trúc EU, ở cấp độ hệ thống cũng như từng thành tố. Nhưng bất
ngờ bao trùm nhất, vẫn là sự lên ngôi của chiêu bài dân túy và sự trỗi dậy của
khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa từ mọi góc bể chân trời. Dự báo của nhiều Viện Chiến lược trên thế giới đều cho thấy
tương lai 2017 không phải màu hồng.
Khi số Tết dương lịch lên khuôn thì Tổng thống tân cử
Donald Trump vẫn chưa làm lễ nhậm chức.
Tuy vậy, hầu hết “các tuyển thủ” chủ chốt trong “đội bóng”
của Tổng thống đắc cử đã được an bài. Nước Mỹ không có chủ nghĩa lý lịch, nhưng
nhìn vào nguồn gốc của dàn lãnh đạo mới ông Trump vừa bổ nhiệm (trong
đó nhiều ghế còn phải chờ
Quốc hội chấp thuận), chúng ta có
thể dự cảm
được đôi điều. Trước hếtlà
những bất an trong các mối liên hệ quyết định nhất đối với thế kỷ 21, đó là bang giao Mỹ-Trung-Nga. Thứ hai là quá trình tái cân bằng châu
Á-Thái Bình Dương sẽ được tiếp cận theo cách khác trước đây. Thứ ba là những co cụm tức thì của các nước trước cục diện bấp bênh cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh trên toàn cầu. Hãy lần lượt nhìn lại
chuyện “bếp núc” của thế giới, để hướng tới một năm mới dù ở đó vẫn còn nhiều
dự báo “ớn lạnh”.
Mỹ-Trung-Nga biến động
Quan hệ giữa “ba ông lớn” thời gian qua có nhiều biến động, nhưng giới phân tích cho rằng những căng thẳng hiện tại không thể đẩy quan hệ tay ba bên Mỹ - Nga
-Trung tới xung đột theo kiểu Chiến tranh Lạnh, bởi đây là tam giác bất đối xứng. Theo nhận định của giáo sư Luo Yingjie tại Đại học Quan hệ Quốc tế (Bắc Kinh), ông Trump sẽ phải đối phó với nhiều thách thức khi muốn đưa Mỹ xích lại gần Nga hơn. “Mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay và sẽ cần có thời gian mới hồi phục. Kể từ khủng hoảng Ukraine năm 2014, Mỹ cùng các nước phương Tây khác đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga. Xung đột giữa Nga và Mỹ còn là “xung đột cấu trúc” giữa Moscow và Washington sẽ rất khó được dàn xếp ổn thỏa. Trong một thời gian dài, “kiềm chế Nga” là một trong những chính sách đối ngoại chủ đạo của Mỹ. Theo giáo sư Yingjie, Mỹ đã cố gắng lấn át Nga để giành vị thế siêu cường bằng mọi giá. Vì thế, “ngay cả một Tổng thống Mỹ dành sự yêu thích đặc biệt đối với Nga cũng không thể dễ dàng giải quyết căng thẳng giữa hai nước”, học giả này nói.
Tờ Nhân dân Nhật báo của
Trung Quốc mới đây nhận định, sự cải thiện trong
quan hệ Nga - Mỹ không gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, bởi đơn thuần đó chỉ
là quá trình giảm căng thẳng giữa hai nước. Vẫn theo tờ báo Đảng Trung Quốc,
sự phát triển của quan hệ Trung - Nga lại là “một quá trình tích cực vô giá đối
với Mạc Tư Khoa”. Tờ báo khẳng định “Nga sẽ không hi sinh quan hệ Nga - Trung
để phát triển quan hệ Nga - Mỹ”. Tuy nhiên, đưa ra khẳng định trên trong thời
điểm này vẫn là quá sớm khi ông Trump vẫn chưa dứt khoát về các chính sách và
mối quan hệ giữa Mỹ và các cường quốc như Nga và Trung Quốc sau khi ông nhậm
chức. Vì thế, hiện tại, cả Nga và Trung Quốc vẫn đang thận trọng “thăm dò” những động thái của Tổng thống đắc cử Trump để đưa ra những bước đi thích hợp. Chỉ có một điều chắc chắn là, chính phủ Trung
Quốc và Nga lúc này đều muốn “gần gũi” hơn với chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.
Nhìn lại lịch sử, cách đây
45 năm (ngày 14/2/1972), Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc
gia Henry Kissinger đã có nhiều cuộc thảo luận
về tương quan bộ tam Mỹ - Trung - Nga. Kissinger, người từng bí mật sang Bắc Kinh
trước đó để chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng thống, nói rằng so với Nga, người
Trung Quốc “nguy hiểm không kém và
trên thực tế, đến một giai đoạn lịch sử nào đó, họ còn nguy hiểm hơn”. Lúc bấy
giờ, Kissinger còn nói: “Sau 20 năm nữa,
người kế nhiệm tôi, nếu đấy
là người sáng suốt thì ông ấy phải chuẩn bị để Mỹ ngả dần về phía Nga nhằm
chống lại Trung Quốc”. Kissinger khẳng định rằng Mỹ, vì
đang tìm cách lợi dụng sự thù địch giữa Moskva và Bắc Kinh, nên “cần phải nhảy vào trò chơi cân bằng quyền
lực này, mà không được có một tí xúc động
nào”. Lúc ấy, Kissinger nhắc nhở, chúng ta cần Trung Quốc để uốn nắn người
Nga và đưa người Nga vào kỉ luật, nhưng tương lai, tình hình có thể xoay sang
hướng ngược lại.
Vậy là sau 45 năm Nixon đột phá quan hệ với Trung Quốc, kỳ này, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ thực hiện lời khuyên của Kissinger? Tổng thống mãn nhiệm Obama từng cố gắng làm cho việc “xoay trục” sang châu Á trở thành hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của mình. Nay đến lượt Donald Trump, ông có “xoay trục” về phía Moskva và quay lưng lại đối với Bắc Kinh hay không? Bằng một loạt nhận xét trên Tweetter, với các cuộc điện đàm, phỏng vấn và tuyên bố của các trợ lí, Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra tín hiệu về một chính sách mới, tranh thủ Nga, cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đoạn tuyệt với tiền lệ kéo dài hàng thập kỉ, ngày 2/12, ông đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống của Đài Loan. Phát biểu trên chương trình “Fox News Sunday”, Trump nghi ngờ chính sách một Trung Quốc. Một chính sách đã tạo ra khuôn khổ để Washington, Bắc Kinh và Đài Bắc giữ được hòa khí ở châu Á bao năm qua. Nay Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, gian lận thương mại trong buôn bán với Mỹ và không giúp được Mỹ nhiều trong quá trình đàm phán chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tái cân bằng cách khác
Trong đề xuất ngân sách cho năm 2017 của Mỹ yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh. Bản đệ trình ngân sách này còn lấy mối đe dọa Iran và Triều Tiên như là cái cớ để gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Qua phân tích các số liệu công khai, trước đây Mỹ cắt giảm chi tiêu, nhưng riêng châu Á-Thái Bình Dương vẫn không chịu tác động của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Khi đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, đầu tư nhằm vào các quốc gia mới nổi để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở khu vực này.
Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực Mỹ tiếp tục tăng
cường mở rộng căn cứ quân sự. Các
căn cứ của Mỹ trải khắp 5 châu lục, 4 đại dương, ngoại trừ châu Nam Cực, phủ khắp hơn 50 quốc gia trên thế giới, với tổng số 587 căn cứ quân
sự. Trong số này, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có giá trị
chiến lược hết sức quan trọng khi Mỹ có tổng cộng 7 nhóm căn cứ ở khu vực, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước
ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ và ở Hàn Quốc là 83 căn cứ. Các căn
cứ quân sự thường trực của Mỹ ở châu Á-TBD chia thành 5 nhóm khu vực có quy mô tương đối lớn: Nhóm căn cứ Đông Bắc Á
gồm các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hợp thành; nhóm căn cứ Tây Nam Thái Bình
Dương lấy Guam làm trung tâm; nhóm căn cứ Đông Nam Á, Australia lấy Philippines và Singapore làm trung tâm; nhóm căn cứ Hawaii lấy Hawaii làm trung tâm; nhóm căn cứ Alaska. Trong đó, quân đội Mỹ đang tăng cường triển khai quân sự ở Okinawa và Guam, tìm cách biến
nó thành đầu mối chiến lược cho sự hiện diện quân sự liên hợp của Mỹ ở châu Á-TBD.
Tạp chí Chính sách Đối ngoại số mới đây đăng bài viết của ông Michael Green, chuyên gia về các vấn đề châu Á, với nhận định rằng ông D.Trump ít bị ảnh hưởng từ quá khứ và từ những điều kiêng kỵ trong việc định hình chính sách đối ngoại so với những người tiền nhiệm trong hai thế hệ qua. Ông Trump có ý định điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ theo cách hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm. Một số quan điểm về Iran, Triều Tiên, Nga hay với Trung Quốc khi ông D.Trump phát biểu đã cho thấy rõ điều này. Michael Green nhận xét, D.T rump có thể xem xét lại chính sách "xoay trục sang châu Á" và đánh giá về sự hiện diện, cam kết của Mỹ đối với châu Á, khả năng cao là ông D.Trump có thể từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song với những gì đang diễn ra, khi mà lợi ích của Mỹ còn gắn chặt với châu Á-TBD thì Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á-TBD.
Tổng thống Mỹ đắc cử D.Trump từng nói với tờ
Diplomat
về chính sách châu
Á của ông: “Tôi sẽ nói những gì mà tôi đã nói với các nhà ngoại giao: Chúng tôi rất nghiêm túc về những gì chúng tôi đã
nói và cũng rất linh hoạt về những việc mà chúng
tôi làm”. Tờ Diplomat đánh giá, chính
sách đối ngoại của ông Trump nếu được thực hiện sẽ khác rất nhiều so với chính
sách của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc ông Trump đưa ra khẩu hiệu “nước Mỹ là trước tiên” cho thấy
xu thế đánh giá về vị trí của Mỹ trên thế giới hiện nay, hiểu theo nghĩa hẹp là
lợi ích của Mỹ và cách Mỹ quan hệ với cộng đồng quốc tế. Điều này khác xa với những gì chúng ta thường nghe từ các ứng
cử viên Tổng thống Mỹ truyền thống, những người hiếm khi đặt câu hỏi về chủ
nghĩa biệt lập và vai trò không thể thiếu của
Mỹ đối với thế giới, với các đồng minh và các thỏa thuận thương mại được
hình thành từ những cam kết của Mỹ với trật tự thế giới.
Bên thứ ba - một giải pháp?
Năm qua, các thể chế an ninh đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục được chia làm hai loại: (1) Các thể chế do ASEAN giữ vai trò điều phối như: ASEAN với Trung Quốc (ASEAN+1); ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và mở rộng (ADMM+). (2) Các thể chế đa phương khác: Diễn đàn hợp tác kinh tế CA-TBD (APEC); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tất cả các thể chế này đều song trùng tồn tại, phát triển và cạnh tranh, bổ sung, thúc đẩy nhau trong cấu trúc an ninh khu vực. Song, đặc trưng cố hữu của các thể chế đa phương này là đan xen, chồng chéo, không rõ ràng, tính ràng buộc thấp nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong tổng thể cấu trúc an ninh ở khu vực.
Chính vì lẽ đó, sự liên minh và liên kết an ninh đa phương đã manh nha hình
thành và được thể hiện rõ ở các khía cạnh sau: Thứ nhất, các
liên minh truyền
thống do Mỹ đứng đầu không còn giữ được hình thái “trục nan hoa” như
trước, mà có sự nâng cao và phối hợp chặt chẽ hơn dẫn đến hình thành mạng lưới liên kết đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương. Điều này
lý giải vì sao Mỹ khuyến khích các nước đồng
minh năng động hơn và chia sẻ trách nhiệm với Mỹ (trong bối cảnh sức mạnh
Mỹ suy giảm). Gần đây, Nhật Bản và Ốtxtrâylia đã thiết lập khuôn khổ “đối tác
chiến lược đặc biệt”, thực chất là một dạng đồng minh không chính thức.
Thứ hai, liên kết tay ba giữa Nhật Bản - Philippines - Ốxtrâylia ngày càng được
đẩy mạnh nhằm hỗ trợ triển khai chiến lược “Tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình
Dương và phục vụ những toan tính chiến lược quốc gia của riêng họ. Thứ ba, do lo ngại có sự thỏa hiệp giữa
Mỹ và Trung Quốc, nên một số nước trong khu vực, điển hình là Ấn Độ, Nhật Bản
và Ô-xtrây-li-a đã liên kết an ninh đa phương (không có Mỹ và Trung Quốc tham
gia) để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ và đối phó với nguy cơ thỏa hiệp giữa
hai nước lớn. Những chuyển động nêu trên đã có tác động mạnh mẽ tới “định hình” cấu trúc an ninh khu
vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với các nước trong khu vực, trước sự “trỗi dậy”
và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, một mặt họ đề phòng, mặt khác tận dụng các
cơ hội cải thiện quan hệ với Bắc Kinh nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của các
đối tác và tránh sa vào thế mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ
Khi cục diện thế giới có nhiều nét bấp bênh và không ổn định thì hiệu quả của hệ thống các thỏa thuận song phương không còn đủ sức duy trì thế cân bằng quân sự ở khu vực. Từ thực tế đó, một hệ thống đồng minh mới đang nổi lên như một sự chuyển dịch để đảm bảo thế cân bằng quân sự. Hệ thống đó bao gồm các quan hệ đa phương như: Nhật - Ấn - Mỹ, Nhật - Mỹ - Úc, Nhật - Ấn - Úc - Mỹ - Singapore. Gần đây, Nhật - Ấn - Úc đã tổ chức đối thoại 3 bên mà không có Mỹ, nên đây có thể xem là bước tiến mới. Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai. Hệ thống này chính là đối trọng tạo thế cân bằng quân sự trước Trung Quốc khi xảy ra trường hợp xấu nhất. Trong hệ thống như vậy, quan hệ Nhật
-
Ấn có vai trò quan trọng bởi 2 nước án ngữ 2 bờ đông và tây của Trung Quốc. Nếu
bất trắc xảy ra, Tokyo và New Delhi sẽ khiến sức mạnh của Bắc Kinh phải phân
tán. Ví dụ, Trung Quốc không thể đưa hết chiến đấu cơ về phía đông để đối phó
Nhật, vì phải chừa lại chiến đấu cơ đối đầu phía Ấn Độ. Trong trường hợp ấy,
nếu có thêm sự tham gia của Việt Nam thì hiệu quả sức mạnh sẽ tăng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét