Phạm Thị Thanh Bình
Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng
hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày
càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục
tiêu cao đẹp của quá trình phát triển.
Phát triển bền vững là mối
quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi
khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế
càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn
kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên
nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những
thiên tai vô cùng thảm khốc.
Đó là sự tăng trưởng kinh
tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội. Có tăng trưởng kinh tế
nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hóa,
đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế làm dãn cách hơn sự phân hóa giàu
nghèo, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội. Vì vậy, quá trình phát triển cần có sự
điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ
môi trường hay phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với
toàn thế giới.
Khái niệm phát triển bền vững
Năm 1980, trong bản “Chiến
lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên
Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural
Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển
bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật” và thuật ngữ phát triển bền
vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự
phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.
Năm 1987, trong Báo cáo
“Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển
(WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát
triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện
tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ
tương lai”.
Quan niệm này chủ yếu nhấn
mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường
sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô
hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng
không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai
(Gôdian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino).
Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Quan niệm về phát triển bền
vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư
duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ
môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn
trong xã hội. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của
Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu
cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển
thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng
những nhu cầu của thế hệ tương lai”.
Về nguyên tắc, phát triển
bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng
trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi
trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn
chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc
phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.
Cho tới nay, quan niệm về
phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và mục
tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.
Tiêu chí của phát triển bền vững
Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế là phát triển
nhanh và an toàn, chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát
triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài
nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên
thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố
được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không
chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của
hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.
Khía cạnh phát triển bền vững
về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng
và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai
là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường;
Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và
giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh
thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử
dụng).
Nền kinh tế được coi là bền
vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu
người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng
trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các
nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng
5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. (2)
Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ
trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới
có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng
có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng
các tiêu chí, như HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế,
phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm
đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình
đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại;
chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.
Công
bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu
chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình
độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh.
Phát triển bền vững về xã
hội chú trọng vào sự công bằng và xã hội luôn cần tạo điều kiện thuận lợi cho
lĩnh vực phát triển con người và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển
tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Phát triển bền vững về
xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn
để giảm sức ép di dân vào đô thị; Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường
đến đô thị hóa; Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; Bốn là, bảo vệ đa dạng văn
hóa; Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; Sáu là, tăng
cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.
Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông
thôn mới,… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường,
điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên
đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự
trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của
các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định
theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.
Khai
thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện
chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta
duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài
nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai
thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục
hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.
Phát triển bền vững về môi
trường gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc
biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu
tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là,
kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ
sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất,
lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm…
Tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam
Việt Nam đã ban hành Chiến
lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững,
có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường,
giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Các chỉ tiêu giám sát và
đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm: các chỉ tiêu tổng
hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ
tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP,
chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai…); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ
thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ
số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…); Chỉ tiêu
về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện
tích đất bị thoái hoá…).
Chiến lược phát triển bền
vững giai đoạn 2011 – 2020 được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản:
Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước
thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực
hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển
nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương.
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 7%/năm, nâng mức thu
nhập bình quân đầu người hằng năm tính theo GDP tăng lên 3.200 – 3.500 USD (so với mức 2.100
USD năm 2015). Lạm phát giữ ở mức dưới 5%.
Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng
bền vững; tạo việc làm bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm,
riêng các huyện nghèo giảm trên 4%/năm. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;
thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; năm 2014 đã có 1,4 triệu người
tham gia bảo hiểm xã hội, trên 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp,
trên 72% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đời sống nhân dân được cải thiện. Thu
nhập bình quân đầu người đạt 2.052 USD/người (2014). Tuổi thọ trung bình đạt
73,5 tuổi (2015). Hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Ổn định quy mô, cải
thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển
kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị,
xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao
chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp
thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;…
Về
tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ
môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng
tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải
đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm
không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp…
Việc triển khai tổ chức thực
hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng
khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục cho phát triển bền vững giai đoạn tới,
thể hiện ở các điểm sau:
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6 năm đạt gần
7% giai đoạn 2006 – 2011; GDP bình quân đầu người đạt 2.100 USD (2015). Cơ cấu
kinh tế cũng có những bước tiến triển tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ
trong cơ cấu GDP ngày càng tăng, khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng
giảm. An ninh lương thực được bảo đảm. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực
kinh tế đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, kinh tế giai đoạn
2011 – 2015 phục hồi chậm, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra (5,82%), thấp
hơn các giai đoạn trước, chất lượng tăng trưởng thấp. Đóng góp của năng suất
các yếu tố tổng hợp (TFP-Total Factor Productivity) vào tăng trưởng còn hạn chế,
hệ số sử dụng vốn (ICOR- Incremental Capital – Output Ratio) cao. Năng lực cạnh
tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ
tầng và đổi mới công nghệ.
Về xã hội: sự nghiệp giáo dục có bước phát triển, chi
ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt tới 20% tổng chi ngân sách; đến
năm 2011, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Giải
quyết việc làm đạt kết quả tích cực: trong 6 năm (2006 – 2011), đã giải quyết
được việc làm cho hơn 9 triệu lao động. Năm 2012 đã tạo việc làm mới cho hơn
1,5 triệu người; năm 2013, phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới
dạy nghề cho 1,9 triệu người; thực hiện chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc
làm.
Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp
ở thành thị là 3,53%, ở khu vực nông thôn là 1,55%. Công tác xóa đói, giảm
nghèo có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6% và đến cuối năm 2013 ước
còn 7,6%. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 127 trên tổng số 187 nước và vùng lãnh thổ
về HDI và được xếp vào nhóm có tốc độ tăng chỉ số HDI cao. Việt Nam hoàn thành
6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang
phát triển đến năm 2015.
Vấn đề môi trường trong
giai đoạn 2011 – 2015 đã được chú trọng hơn. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường
đã đi vào nền nếp. Bằng những chính sách hợp lý, các giải pháp quyết liệt, vấn
đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất
cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham
gia. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm hơn nên tình trạng cháy và
chặt phá rừng đã giảm đi.
Định hướng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2016 – 2020
của Việt Nam
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt
6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020: GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD. Tỷ
trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội
bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá
4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 –
30%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 – 5%/năm. Tiêu hao năng lượng
tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38
– 40%.
Về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động
xã hội khoảng 35 – 40% (2020). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%,
trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 – 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành
thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ
bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng
1,3 – 1,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn hộ gia đình nghèo với mức
thu nhập dưới 2 USD/ngày.
Về môi trường: Phấn đấu đến
năm 2020 đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch,
hợp vệ sinh và 80 – 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử
lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 – 45%.
Tài
liệu tham khảo
(1) Debra Lam (2014), Vietnam’s Sustainable Development
Policies: Vision VS Implementation, World Scienctific Book, 2014
(2) Maho Mina d’s Ercole (2008), Statistics for
Sustainable Development, OECD, 2008
(3) Nguyễn Quang Thái và Ngô Thắng Lợi (2007), Phát triển
bền vững ở Việt Nam: Thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng, NXB Lao động
– xã hội, Hà Nội, 2007
(4) Trần Ngọc Ngoạn (2007), “Một số vấn đề lý thuyết và
kinh nghiệm quốc tế trong phát triển bền vững nông thôn”, Tạp chí Nghiên cứu
Phát triển bền vững, N2-2007, Tr.3 – 15
(5) Vũ Văn Hiển (2014), Phát triển bền vững ở Việt Nam,
Tạp chí cộng sản (Communist Review), số tháng 1-2014
Nguồn: http://sis.vnu.edu.vn/phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-tieu-chi-danh-gia-va-dinh-huong-phat-trien/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét