Trương Thị Điệp
(LĐXH) - Bình đẳng giới
là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Những nỗ lực
trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to
lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả
đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sự vào cuộc của chính quyền, sự
tham gia của toàn dân để khắc phục.
1. Bình đẳng giới, vấn đề được Đảng và Nhà nước quan
tâm đặc biệt
Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa
vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm
pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Theo Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới thì: “
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều
kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của
gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”
Có thể nói, mục tiêu bình đẳng giới hiện là mối
lưu tâm hàng đầu của các quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Ngay từ thời điểm năm 1955, Liên hợp quốc đã thống nhất quan điểm và thông qua
Chương trình hành động giới, lồng ghép giới tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ, lần
thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc); vào năm 1979 tiếp tục thông qua Công ước quốc
tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và mục tiêu thiên
niên kỷ thứ ba cũng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đại
hội đồng Liên hợp quốc cũng đã quyết định đặt ra nhiều ngày lễ quốc tế, nhiều
sự kiện trọng đại vì mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều
này cho thấy sự ưu tiên đặc biệt của cộng đồng quốc tế về vấn đề bình đẳng
giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành
cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Cụ thể, trong Hiến pháp
đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã
đề cập thẳng đến quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên
mọi phương diện”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc, Người cũng trăn trở về
vai trò và vị trí của người phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch
thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ
phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng
vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Và
vấn đề này đã được thể chế hóa thành các văn bản Luật như Luật Bình đẳng giới
năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hay ban hành các chương
trình hành động như: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai
đoạn 2016 – 2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia
đình đến năm 2020... để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình của
họ.
2. Bình đẳng giới ở Việt
Nam, thành tựu và thách thức
2.1. Bức tranh có nhiều
“gam màu” sáng
Để hiện thực hoá chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiều dự án đã triển khai thiết lập
các mô hình góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới như: phòng chống bạo lực
gia đình tại cộng đồng rất thành công ở Huế, Hải Phòng, Ninh Bình… Điển hình
như ở Đà Nẵng, việc ra đời và duy trì các câu lạc bộ “cha mẹ học sinh phòng,
chống bạo lực gia đình” tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu và “nam giới
tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” tại
xã Hòa Phong, Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang đã thu hút được sự tham
gia của đông đảo người dân.Trên cơ sở đó, phải nói rằng không có nhiều quốc
gia mà hoạt động, biện pháp thực hiện bình đẳng giới được đưa thành chương
trình hoạt động cụ thể ở từng tỉnh, thành, địa phương và đạt được nhiều thành
tựu như ở Việt Nam.
Về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Và tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình, quán triệt tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”[1] thì tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên. Cụ thể: từ 3% ở Quốc hội khóa I tăng lên 24,4% ở khóa VIII (2011 - 2016) và tỷ lệ này là 26,72% với 133 nữ đại biểu Quốc hội trên tổng số 496 đại biểu ở khóa XIV(2016 - 2021). Hay trong bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiều địa phương tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%; Đại biểu Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy - thành phố Hà Nội, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt gần 45%.[2]
Bên cạnh thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực
chính trị thì bình đẳng giới trong lao động cũng đạt được nhiều kết quả khả
quan. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động chiếm 48,4% lực lượng
lao động từ 15 tuổi trở lên. Và với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến
73% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện
đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ
lệ này cũng cao hơn mức trung bình thế giới (49%), cao hơn mức trung bình của
khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (59%) và nhóm các nước thu nhập trung bình
thấp (39%).[3]
Thêm vào đó, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp
và cơ sở kinh doanh ở nước ta đạt trên 31,6%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực
Đông Nam Á cũng là thành quả rất đáng ghi nhận. Những con số này có thể nói lên
nhiều điều nhưng sẽ trở nên sinh động hơn, ý nghĩa hơn nếu nhìn ra thế giới
xung quanh. Tại 100 quốc gia, pháp luật công khai loại trừ phụ nữ ra khỏi một
số công việc vì lí do giới tính, và tại 18 quốc gia, phụ nữ phải có sự chấp
thuận của chồng mới có thể đi làm.
Trong Báo cáo phát
triển con người 2016, với tiêu đề “phát triển con người cho tất cả mọi người”, được Chương trình
Phát triển Liên hợp quốc công bố tại Hà Nội sáng ngày 26/4/2017, Việt Nam với
chỉ số bất bình đẳng giới là 0.337, xếp thứ 71/195 quốc gia, vùng lãnh thổ,
tiếp tục nằm trong ba nước có thứ hạng tốt nhất tương ứng với chỉ số bất bình
đẳng thấp nhất trong các nước ASEAN. Với thành tựu này, Liên hợp quốc đánh giá
Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, một
trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao và được xếp vào nhóm nước
có thành tựu bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện bước
tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới.
2.2. Những thách thức
trong giai đoạn hiện nay
Bình đẳng giới phải được hiểu là sự đối xử công
bằng về mặt luật pháp, cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới. Những thành
tựu đã đạt được trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam là không thể phủ
nhận. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đã và đang tồn tại là trở lực rất lớn
cho công tác bình đẳng giới. Cụ thể như sau:
Về kinh tế: Chênh lệch thu
nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại, cơ hội để phụ nữ
tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động
nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn
thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Đặc biệt là hiện nay,
thu nhập bình quân của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới.
Về chính trị - xã hội: Tỷ lệ nữ giới làm
công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các
vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động
nữ nói riêng.
Trong gia đình: Phụ nữ vẫn phải
làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ
trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình.
Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại
tình dục.
3. Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế; phá vỡ
rào cản trong công tác bình đẳng giới và “Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền
và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái" qua 08 mục tiêu cụ thể được ghi
nhận tại Tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về
ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự
phát triển bền vững như: Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hình thức phân biệt
đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực và ở mọi nơi; Giảm đáng kể
mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng hoặc nơi riêng
tư, bao gồm cả hình thức bóc lột tình dục và các hình thức bóc lột khác; Đảm
bảo sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và cơ hội bình đẳng tham gia lãnh đạo của phụ
nữ ở tất cả các cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và
xã hội;… cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Trước hết phải nâng cao nhận
thức về bình đẳng giới
Hiện nay, tình trạng "trọng nam, khinh
nữ" vẫn đang là một hệ luỵ tư tưởng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi
của nữ giới mà còn hạn chế sự phát triển của xã hội. Chỉ khi thay đổi được nhận
thức, xoá bỏ định kiến về giới thì mới thay đổi được cách hành xử. Chính vì
vậy, cả nam và nữ đều phải thay đổi nhận thức, xoá bỏ định kiến phân biệt giới
và để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cần thực hiện các biện pháp cụ thể
như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới; Tiến đến xoá bỏ dần
những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời có mang định kiến về giới; Thường
xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong
các cơ quan, đơn vị, trong các khu dân cư.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện,
đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc
gia về bình đẳng giới
Cần thay đổi các quy định hiện hành còn chưa phù
hợp, hạn chế bình đẳng giới. Cụ thể Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tại Khoản1,
Điều 71 quy định rõ là: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau
chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”. Nhưng Khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc
cơ bản trong việc thực hiện chế độ hôn nhân gia đình vẫn tiếp tục duy trì khuôn
mẫu giới bởi quy định: “giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của
người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Quy định này không khác nào khẳng
định trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn thuộc về người mẹ, kế hoạch hoá gia đình
chủ yếu vẫn là trách nhiệm của người vợ. Nói như vậy để thấy rằng cần điều
chỉnh những quy định chưa phù hợp và cần xoá
bỏ khuôn mẫu giới ngay tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ
chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế, xã hội
của các địa phương. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phân biệt giới
để răn đe trong xã hội. Các trường hợp này cần phổ biến rộng rãi bằng nhiều
hình thức như: tổ chức các phiên toà lưu động; tuyên truyền miệng tại tổ dân
phố, các khu dân cư; lồng ghép vào các chương trình phát thanh, truyền hình địa
phương để tạo hiệu ứng lan toả tốt nhất đủ sức cảnh báo, răn đe để người dân
biết và không vi phạm.
Thứ ba, tích cực thu hẹp
khoảng cách về giới tại nơi làm việc.
Tuy pháp luật đã có quy định cụ thể về nghiêm
cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính, nhưng trên thực tế cần bảo
đảm cơ chế triển khai thực hiện các quy định này trên thực tế. Cần nâng cao
nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về lợi ích kinh tế và xã
hội của bình đẳng giới và nhất là thay đổi tư duy của người sử dụng lao động
nhằm xoá bỏ những định kiến và rào cản đối với cả nam và nữ.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần
có cơ chế giám sát các cơ sở lao động trong việc thực hiện chế độ thai sản,
cung cấp và xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện tốt
nhất cho cả lao động nam và nữ; đảm bảo phụ nữ và nam giới được tạo cơ hội
bình đẳng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề; trong lương hay thậm chí là trong thi đua,
khen thưởng…
Thứ tư, tập trung nhân
rộng các mô hình tốt thực hiện bình đẳng giới
Các địa phương đã triển khai mô hình tuyên
truyền về bình đẳng giới như "Câu lạc bộ bình đẳng giới", tổ công tác
"tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới", xây dựng "Nhà tạm lánh" hỗ
trợ người bị bạo hành về giới… đã phát huy tác dụng trên thực tế. Tuỳ vào điều
kiện từng địa phương mà cần duy trì, nhân rộng các mô hình này.
Như vậy, có thể thấy rằng bình đẳng giới là vấn
đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Và những nỗ lực trong
việc thực hiện bình đẳng về giới đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng
đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được
rõ ràng, không thể phủ nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhưng cần khẳng
định một lần nữa: Bình đẳng giới, bình đẳng các dân tộc trở thành mục tiêu phát
triển của Việt Nam nói riêng, của cộng đồng quốc tế nói chung; và để đạt được
mục tiêu này không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài và cần
sự vào cuộc của chính quyền, sự tham gia của toàn dân.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn khiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb
CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 163
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn khiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb
CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 163
[3] Báo cáo tổng quan về lao động nữ tại Việt
Nam: Phụ nữ, việc làm và tiền lương do Mạng lưới Hành động vì lao động di cư
(Mnet) thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét