Tô Huy Rứa
Sáng ngày 29-12-2008, kỳ họp thứ 7, Hội
đồng Lý luận Trung ương đã khai mạc tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã trình bày Báo cáo Đề dẫn. Chúng tôi
xin trích giới thiệu Báo cáo Đề dẫn do đồng chí Tô Huy Rứa trình bày tại Kỳ họp
này.
I- Tư duy mới của
Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Như chúng ta đã biết, từ sau 1975, đặc
biệt sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã,
cục diện thế giới đã có
những biến đổi cực kỳ sâu sắc, phong phú, phức tạp, mau lẹ và khó lường. Đối tác, đối tượng của sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc
của chúng ta cũng có những đặc điểm mới, biến động mới, khác trước. Cùng với quá trình đổi mới đi vào chiều sâu và
phát triển toàn diện, tình hình trong nước cũng xuất hiện nhiều đặc điểm mới
với cả thời cơ lớn và những thách thức gay gắt, nguy cơ mới.
Nhận thức kịp thời và sâu sắc những vấn
đề trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới” đã khẳng định một hệ thống quan điểm mới của Đảng ta
về bảo vệ Tổ quốc với 6 nội dung không tách rời nhau: “Một là, bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; hai là, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ba là, bảo vệ sự nghiệp đổi mới,
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bốn là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân
tộc; năm
là, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; sáu
là, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất
nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quan niệm trên là một bước tiến mới
trong tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, không chỉ
là sự tổng kết thực tiễn quá khứ mà còn là dự báo chính xác những vấn đề của
tương lai trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trước đây, tư duy về bảo vệ Tổ quốc của
chúng ta thường chú trọng đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ,
chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
hiện nay gắn mục tiêu trên với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, nhân dân và bảo vệ chế độ
xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình
mới, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh sinh tồn và an ninh phát triển của Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa, Đảng ta khẳng định, không chỉ bảo vệ độc lập dân tộc, thống
nhất đất nước và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, bảo vệ
Đảng, mà còn là bảo vệ nhân dân, giữ
gìn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng; chống kẻ thù xâm
lược từ bên ngoài và bọn phản động bên trong cấu kết với nhau; “diễn biến hòa
bình” của chủ nghĩa đế quốc, chống “tự diễn biến” trong nội bộ ta.
Trước đây, trong điều kiện phải chiến
đấu chống xâm lược, giải phóng Tổ quốc, tư duy chiến lược của chúng ta về bảo
vệ Tổ
quốc thiên về dùng
vũ trang chống lại sự tấn công từ
bên ngoài là chủ yếu. Ngày nay, trong điều kiện rất mới của quốc tế và trong
nước, một mặt phải chuẩn bị đầy đủ sức mạnh vũ trang cần thiết để giữ vững hòa
bình, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch trong
mọi tình huống; mặt khác, tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nhấn mạnh sức
mạnh và các biện pháp phi vũ trang để giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà không phải tiến hành chiến tranh, ngăn chặn không để xảy ra
chiến tranh, phát triển đất nước về mọi mặt theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về đối tượng, đối tác, tư duy bảo vệ Tổ
quốc, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chúng ta đã có sự phát triển, đổi
mới. Chúng ta nhận thức về đối tượng và đối tác linh hoạt, uyển chuyển và biện
chứng hơn; chúng ta cũng ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của an ninh và đối ngoại, sự cần
thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại trong sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc; giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại với kinh tế - tức là
chúng ta nhận thức toàn diện, sâu sắc, biện chứng hơn mối quan hệ giữa xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Đó là một thành quả mới về lý luận bảo
vệ Tổ quốc của Đảng ta.