Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Mô hình, cách làm và kinh nghiệm

 Bài 1: Những nhà giáo, nhà khoa học dấn thân làm chiến sĩ

LTS: Thời gian qua, từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 35), công tác này được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã khảo sát mô hình, cách làm và thực hiện loạt bài phỏng vấn lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân, toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết 35.

Bài 1: Những nhà giáo, nhà khoa học dấn thân làm chiến sĩ

Nếu xem công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một mặt trận thì Học viện Chính trị Quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh nắm vai trò là một trong những đạo quân chủ lực. Với vị thế, chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác này ngày càng đi vào chiều sâu. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 35 của học viện xoay quanh những kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 35 của nhà trường.

PGS, TS Lê Văn Lợi. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Chủ động tiến công trên nhiều mũi, hướng

Phóng viên (PV)Được biết công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được học viện chủ động tiến hành từ khi chưa có Nghị quyết 35, đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

PGS, TS Lê Văn Lợi: Học viện CTQG Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với chức năng như trên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là “sứ mệnh” và nhiệm vụ tự thân của học viện từ khi được thành lập đến nay, gắn liền với cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng. Điều này thể hiện rõ trong suốt chiều dài lịch sử, điển hình là thời điểm mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; học viện đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ và kiên định mục tiêu CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trên nền tảng đó, từ khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được học viện triển khai một cách chủ động, bài bản ngay từ đầu và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đồng thời tạo được sự kết nối, lan tỏa rộng rãi với các cơ quan, đơn vị, địa phương.

PVNhư vậy, “binh pháp” bảo vệ nền tảng tư tưởng của học viện rất đa dạng, phong phú với nhiều phương thức khác nhau, đồng chí có thể nói rõ hơn vấn đề này?

PGS, TS Lê Văn Lợi: Như tôi đã trao đổi, môi trường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, thực hiện Nghị quyết 35 tại học viện nói riêng có những nét đặc biệt, đó là môi trường nghiên cứu lý luận và đào tạo cán bộ của Đảng, đối tượng bảo vệ hướng đến là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của các cơ quan Trung ương, địa phương. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, từ khi có Nghị quyết 35, học viện đã chú trọng mở rộng không gian “tác chiến” với nhiều phương thức, hình thức khác nhau, vừa hướng đến độ lan tỏa rộng rãi, vừa đi vào chiều sâu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, học viện đã chú trọng nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận để không ngừng bổ sung, củng cố nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội; cung cấp luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Điển hình là Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (KX.02/16-20): “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”. Kết quả nghiên cứu của chương trình nhằm tiếp tục khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và tính đúng đắn của những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và đề xuất những nội dung cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong tình hình mới.

Tới đây, học viện sẽ triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2021-2025: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)”... Đây là những đóng góp hết sức quan trọng, tạo thêm sức sống mới giúp cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng bền vững, đúng với giá trị vốn có của nó, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, các công trình nghiên cứu của học viện có nội dung đấu tranh phản bác trực diện các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng bám sát hơn với thực tiễn, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống luận cứ khoa học phục vụ công tác bảo vệ tư tưởng của Đảng hiện nay. Trong đó, điển hình là chương trình cấp bộ trọng điểm giai đoạn 2019-2020: “Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật”.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, học viện đặc biệt chú trọng việc tích hợp nội dung “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” trong tất cả các khâu của quá trình giảng dạy. Giảng viên khi triển khai một bài giảng luôn xác định rõ những nội dung cần phải bảo vệ, những nội dung bị xuyên tạc, phủ định, từ đó xây dựng luận cứ lý luận, thực tiễn sắc bén để đấu tranh phản bác. Vì vậy, tính Đảng, tính chiến đấu trong từng bài giảng của giảng viên được nâng lên rõ rệt. Vấn đề này cũng đã được quán triệt và triển khai mạnh mẽ trong hệ thống các trường chính trị, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại học viện thời gian qua có sự chuyển biến về chất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, độ lan tỏa được đẩy mạnh. Đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của học viện tích cực tham gia các tuyến bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Số lượng, chất lượng các bài viết đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng được nâng cao. Nhiều nhà khoa học của học viện thường xuyên tham gia vào các chương trình trả lời phỏng vấn, tọa đàm về chủ đề này trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số đài phát thanh-truyền hình địa phương...

Thời gian qua, các nhà khoa học của học viện đã xuất bản hàng chục cuốn sách về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng, lý luận; đồng thời, học viện đã và đang triển khai biên soạn, xuất bản bộ sách thường thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần đưa những nội dung này đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Một điểm nhấn nổi bật là sự tham gia ngày càng đông đảo và có chất lượng của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, học viên, sinh viên học viện vào mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội, với các sản phẩm truyền thông ngày càng sắc sảo, lập luận chặt chẽ, chắc chắn, độ lan tỏa ngày càng mở rộng, được các đơn vị bạn tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa hoặc sử dụng làm chất liệu khoa học để xây dựng các sản phẩm của mình. Tính đa phương tiện của sản phẩm truyền thông ngày càng được chú trọng, với sự tham gia nhiệt tình của giảng viên một số học viện trực thuộc, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhiều sản phẩm được lan tỏa rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Phải tạo được sự lan tỏa rộng rãi

PVĐược biết, Cuộc thi viết chính luận về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới do học viện tổ chức năm 2021 đã đạt được những kết quả ấn tượng?

PGS, TS Lê Văn Lợi: Đúng vậy! Sau gần 3 tháng phát động từ ngày 19-5-2021 đến ngày 15-8-2021, ban tổ chức đã thu nhận được 8.129 bài viết gửi về tham dự cuộc thi. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai cuộc thi một cách bài bản, sáng tạo. Cuộc thi là sáng kiến lần đầu tiên được tổ chức trong toàn hệ thống để góp phần xây dựng mạng lưới, phát hiện và đào tạo đội ngũ những cây viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặc dù được phát động trong thời gian không dài, tiến hành trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cuộc thi đã thành công vượt dự kiến, có sức lan tỏa rộng rãi, thực sự trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên của các tổ chức chính trị-xã hội thể hiện ý thức, tâm huyết và trách nhiệm cao của mình đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều tác phẩm dự thi có chất lượng rất tốt, được trực tiếp sử dụng phục vụ công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại các đơn vị, địa phương.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022. Ảnh: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 

Trên cơ sở kết quả của cuộc thi, từ năm 2022, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đã chính thức chỉ đạo, giao cho Học viện CTQG Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với quy mô toàn quốc. Ngày 1-3 vừa qua, học viện và các cơ quan phối hợp đã chính thức phát động cuộc thi viết chính luận lần thứ hai năm 2022. Thông tin về cuộc thi đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.

PVĐể thu hút được sự tham gia đông đảo, có chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, học viên, sinh viên, học viện đã có những cách làm như thế nào?

PGS, TS Lê Văn Lợi: Đảng ủy, Ban giám đốc, Ban chỉ đạo 35 học viện đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, ban hành các kế hoạch công tác lớn, chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trong toàn học viện và hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Trong việc tổ chức thực hiện, học viện coi kết quả thực hiện Nghị quyết 35 là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua hằng năm của các tập thể, cá nhân.

Với cách làm đó, nhiều đơn vị trực thuộc học viện đã triển khai thực hiện Nghị quyết 35 một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm, giải pháp mới đã xuất hiện, gắn với đặc thù của từng đơn vị, như cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Lịch sử Đảng của Học viện Chính trị Khu vực II; Cuộc thi tìm hiểu về Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng của Học viện Chính trị khu vực IV; mô hình xây dựng các nhóm xung kích của Học viện Chính trị Khu vực III; mô hình “Câu lạc bộ truyền thông trẻ” của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; mô hình Giới thiệu sách của Học viện Chính trị Khu vực I;... Ngoài ra, một số học viện trực thuộc đã chủ động kết nối, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

PVTừ những thành quả đạt được, đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết 35 tại học viện?

PGS, TS Lê Văn Lợi: Theo tôi, có một số vấn đề cần lưu ý và cũng có thể coi đây là những kinh nghiệm bước đầu:

Thứ nhất, phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trên các lĩnh vực hoạt động của toàn hệ thống học viện. Hơn nữa, để quá trình triển khai Nghị quyết 35 đạt hiệu quả cao, có sự lan tỏa rộng, cần có sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên từng vấn đề, từng lĩnh vực cụ thể, qua đó một mặt phát huy được thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, mặt khác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, phải tích hợp việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong toàn bộ các hoạt động chuyên môn của học viện, tập trung vào 3 lĩnh vực cơ bản là nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng và tuyên truyền. Điều này xuất phát từ sứ mệnh của học viện, cũng là để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không phải là một phần riêng biệt mà gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhiệm vụ chính trị chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị và từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Khắc phục tâm lý cho rằng đây là nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách của Ban chỉ đạo 35 các cấp.

Thứ ba, phải phát huy được tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phải làm cho mỗi người thấy vinh dự được học tập, công tác tại “trường Đảng mang tên Bác”, đồng thời ý thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn được học viện coi trọng. Học viện cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị trực thuộc trong việc kết nối thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, học viện đã tích lũy được các nguồn lực lớn về lý luận chính trị cũng như đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu có chất lượng, có kỹ năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch và cung cấp luận cứ khoa học sắc bén để tổ chức đấu tranh, phản bác. Vấn đề là những nguồn lực ấy phải được huy động, sử dụng, lan tỏa rộng rãi, trong một thế trận thống nhất, nhiều tầng nhiều lớp, hướng đến từng đối tượng tuyên truyền cụ thể.

Thứ năm đặc biệt quan trọng, đó là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy và người đứng đầu. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định.

PVTrân trọng cảm ơn đồng chí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét