Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

VÌ SAO ĐẢNG TA LẤY CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀM NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG

TS. Cao Đức Thái

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) (gọi tắt là Cương lĩnh 2011) của Đảng đã ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Điều đó hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và tiến trình lịch sử thế giới.

 Trong các xã hội hiện đại, lý luận về phát triển giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thế kỷ XX, nhân loại đã từng chứng kiến vai trò tích cực và tiêu cực của nhiều học thuyết. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã dẫn đến thành lập các đảng cộng sản, Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Xô-viết đã ra đời - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới - mở ra một thời đại mới cho nhân loại, khơi nguồn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít đã dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ Hai - một thảm họa lớn của nhân loại… Chủ nghĩa tự do cũ và mới, mà Hoa Kỳ là tiêu biểu đã phát triển mạnh mẽ rồi rơi vào khủng hoảng. CNXH dân chủ và “con đường thứ ba” đã và đang tồn tại ở các nước Bắc Âu, Cộng hoà Liên bang Đức… với những thành quả và khó khăn thể hiện trong các cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội, khiến cho người ta phải tìm tòi những giải pháp khác nhau cho sự phát triển đất nước.

Sau khủng hoảng và sụp đổ của một bộ phận quan trọng trong hệ thống XHCN thế giới (1989 - 1991), có học giả cho rằng CNTB là “Sự tột cùng của lịch sử”. Thế rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ nước Mỹ (năm 2007 - 2009) và hiện nay phong trào “Chiếm phố Uôn” nổ ra từ nước Mỹ lan rộng ra các nước tư bản phát triển đã cho người ta thấy CNTB sẽ không bao giờ có thể thay đổi bản chất của một xã hội bất công, cho nên cần phải thay đổi. Xã hội đó không thể là “sự tột cùng của lịch sử”.

Một kinh nghiệm xương máu rút ra từ tiến trình cải tổ, cải cách của các nước XHCN trong thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX là đã không phát triển được lý luận mác-xít đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Đặc biệt là, các đảng cộng sản không đánh giá đúng tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, đã du nhập các quan điểm dân chủ, nhân quyền cực đoan của phương Tây, như: đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… dẫn tới sự sụp đổ một bộ phận quan trọng của hệ thống XHCN.

Trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng tay sai, việc tấn công vào hệ tư tưởng và lực lượng lãnh đạo, cầm quyền nhà nước và xã hội, luôn là mục tiêu quan trọng nhất. R. Nich-xơn trong cuốn sách: “1999 – không đánh mà thắng” rút ra kết luận: rút cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải là vũ khí. Chính vì vậy, chủ nghĩa đế quốc đã đồng thời thực hiện chiến tranh xâm lược và “diễn biến hoà bình”, chống phá hệ thống XHCN ngay từ khi nước Nga Xô-viết ra đời. Tuy nhiên, từ khi các nước XHCN tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới, các thế lực thù địch đã tập trung mũi nhọn, đẩy tới cuộc “chiến tranh không có khói súng” - chiến lược “Diễn biến hoà bình” đối với các nước đi theo con đường XHCN, tấn công vào hệ tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngày nay, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như Đảng ta đã nói đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường… cần phải tính tới tính phức tạp, những khó khăn và thách thức mới.

Những luận điệu mà cái thế lực thù địch thường sử dụng để tấn công vào hệ tư tưởng của Đảng ta là: Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời từ thế kỷ XIX, nay đã lỗi thời. Xã hội XHCN đã sụp đổ ở bộ phận quan trọng nhất. CNTB là “sự tột cùng của lịch sử”, nghĩa là CNTB sẽ tồn tại vĩnh viễn. Không có tư tưởng Hồ Chí Minh và nếu có thì đó cũng là “tư tưởng cộng sản cũ rích”(!).

Để đánh bại cuộc tấn công của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng, lý luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường XHCN, công tác nghiên cứu lý luận và công tác chính trị, tư tưởng cần phải bảo vệ hệ tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, phải làm rõ vì sao Đảng ta lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình? Để làm sáng tỏ vấn đề đó, có thể căn cứ vào một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng ta vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; đồng thời, mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại cho thấy rằng, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, con đường giải phóng của các dân tộc thuộc địa không thể đi theo con đường của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, cũng không thể đi theo con đường cách mạng dân chủ tư sản. Chỉ có con đường cách mạng vô sản – con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giải phóng các dân tộc thuộc địa. Đây là kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận và hoạt động cách mạng ở nước ngoài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại rằng: khi được đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo Nhân đạo (Pháp), Người đã vui mừng reo lên và nói: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”1. Trong bài trả lời phỏng vấn Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên báo L,Humanite (Pháp), ngày 15-7-1969, nghĩa là sau lần hoàn thiện cuối cùng bản Di chúc lịch sử và trước khi mất chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam… mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn…”2.

Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã giành được độc lập, xây dựng Nhà nước pháp quyền (nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), chế độ xã hội do nhân dân làm chủ. Tiếp đó, dân tộc ta đã tiến hành các cuộc kháng chiến, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, Đảng ta đã phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế, xã hội nên đã khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, cho đến nay đã thu được những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, được nhân dân ta ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, xuất phát từ những biến đổi to lớn và sâu sắc của tình hình thế giới và những thành tựu, kinh nghiệm lịch sử của CNXH trong thế kỷ XX. Xét trên phạm vi toàn thế giới, trên 70 năm (1917 - 1991, kể từ khi chủ nghĩa Mác – Lê-nin được hiện thực hoá trong mô hình CNXH Xô-viết đến khi xảy ra khủng hoảng, sụp đổ ở Liên Xô, các nước XHCN ở Đông Âu), CNXH hiện thực đã thu được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa thời đại. Đó là lực lượng xã hội mở ra một con đường mới cho nhân loại đi đến mục tiêu giải phóng con người, xã hội và cho các dân tộc bị áp bức; là lực lượng chủ yếu đánh bại chủ nghĩa phát xít, cứu loài người thoát khỏi chế độ diệt chủng; là lực lượng tạo ra sự đối trọng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ,… buộc CNTB phải điều chỉnh theo xu hướng dung hòa lợi ích giai cấp.

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, thế giới đã có những biến chuyển to lớn và sâu sắc trên nhiều mặt, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu hướng cơ bản; đồng thời, vẫn tồn tại nguy cơ chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, hoạt động can thiệp, lật đổ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên… Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang giữ vai trò quan trọng nhất giúp Đảng và Nhà nước ta phân tích, đánh giá và giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thứ ba, từ những nhận thức đúng giá trị lý luận với giá trị phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử xã hội XHCN đã chỉ ra rằng, những người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã phạm nhiều sai lầm, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Mô hình CNXH kiểu cũ, với việc phủ nhận kinh tế thị trường, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu… đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, sự thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ. Xét về phương diện lý luận, sai lầm đó bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều về lý luận - đồng nhất lý luận với phương pháp luận; không kịp thời vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin khi tình hình đã thay đổi.

 Có thể nói linh hồn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phép biện chứng duy vật, là quan điểm phát triển, quan điểm giai cấp và quan điểm lịch sử, cụ thể… Về điều này, chính C. Mác đã có lần nói: Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống. V.I. Lê-nin cũng đã nhiều lần nhắc nhở các đảng cộng sản và công nhân phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn của dân tộc mình và phải biết lắng nghe “sự mách bảo của cuộc sống”.

Nhìn lại những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ XX) có thể nói, các đảng cộng sản ở các nước XHCN nói chung, đặc biệt là Đảng Cộng sản Liên Xô, đã bỏ lỡ cơ hội kế thừa và phát triển tư tưởng V.I. Lê-nin trong Chính sách kinh tế mới (NEP) để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển các quan hệ quốc tế,… Nếu NEP được những người kế thừa V.I. Lê-nin tiếp tục thực hiện, thì CNXH không phải trả giá đắt như những gì đã xảy ra ở Liên Xô, Đông Âu.

Ngày nay, Cương lĩnh 2011 của Đảng ta xác định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”3 với tinh thần mới, bao hàm các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn CNXH hiện thực trên phạm vi thế giới, cũng như từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Những nội dung sau đây của Cương lĩnh 2011 là một minh chứng:

Thay vì xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trong mô hình cũ của CNXH, Đảng ta xác định “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN4, kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa  phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN và “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”5, bảo vệ quyền công dân và quyền con người… Ngoài ra, Cương lĩnh 2011 của Đảng còn xác định nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh thời đại và đất nước, trên các lĩnh vực khác nhau, như: văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo; chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội; chính sách đối ngoại và xây dựng Đảng…

Ngày nay, để đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc và bôi nhọ Đảng, chúng ta phải đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng, bao gồm vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải thấy được những giới hạn lịch sử của các quan điểm lý luận, nhất là các chính sách cụ thể để không ngừng phát triển học thuyết cách mạng đó; phải nâng cao sức “đề kháng” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ, viên chức nhà nước; tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về mặt tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Chỉ có như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình.

_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 127.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 476.

3, 4, 5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88, 73, 85.

Nguồn: http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/vi-sao-dang-ta-lay-chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-lam-nen-tang-tu-tuong-kim-chi-/919.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét