Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

VẤN ĐỀ QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ THỰC THI QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA V.I.LÊNIN

Lê Thị Thục

TCCSĐT - Trong xã hội hiện đại, quyền lực và quyền lực chính trị là những vấn đề được nhắc đến ngày càng nhiều. Cùng với sự ra đời và phát triển của các loại hình tổ chức xã hội, vấn đề thực thi quyền lực nhằm đạt tới hiệu quả quản lý cao nhất trong các tổ chức ngày càng được các nhà lãnh đạo, quản lý quan tâm. Tuy nhiên, nhận thức như thế nào là đúng về quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị lại là một vấn đề còn gây tranh cãi.

Xu hướng mơ hồ về quyền lực chính trị và nguồn gốc của nó là nguyên nhân của hàng loạt sự chệch hướng, thậm chí sai lầm trong hoạt động thực tiễn hiện nay. Để có thể lý giải cặn kẽ, từ đó có thái độ đúng đắn, khoa học về vấn đề này, việc trở lại nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống về quyền lực chính trị và các phương thức thực thi quyền lực chính trị trong kho tàng lý luận Mác-xít nói chung, trong các tác phẩm kinh điển của V.I.Lênin nói riêng là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng.

Về quyền lực chính trị trong thời đại mới

Trong lịch sử xuất hiện giai cấp, chính trị và nhà nước, quyền lực bao giờ cũng thể hiện cao nhất ở quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước của một giai cấp nào đó. Do vậy, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước luôn mang tính giai cấp. Về vấn đề này, V.I.Lênin chia sẻ quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về nhà nước, về bộ máy quyền lực của các giai cấp. Hơn nữa, ông cũng tiếp tục phát triển quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quyền lực chính trị với tư cách là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác, đã phân tích sâu sắc thêm với sự bổ sung những dữ kiện của tình hình mới và chỉ rõ quyền lực của giai cấp thống trị nào phải bị xóa bỏ, thể chế nhà nước nào phải bị thay thế, và thông qua con đường cách mạng xã hội với phương thức phổ biến của nó là bạo lực, là khởi nghĩa vũ trang thì giai cấp mới nào sẽ lên thay giai cấp thống trị cũ, sẽ xác lập vị trí thống trị của mình, sẽ lập ra thể chế nhà nước của mình như là công cụ thực hiện quyền lực, thực hiện quyền thống trị của mình.

V.I.Lênin đã chỉ ra bản chất mới của quyền lực chính trị và bộ máy thực thi quyền lực chính trị trong thời đại mình. Theo ông, chuyên chính vô sản mang bản chất giai cấp công nhân – giai cấp đã được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ, đã trở thành giai cấp thống trị, là chủ thể của quyền lực. Cái mới ở đây chính là sự gắn bó mật thiết của giai cấp công nhân với toàn thể nhân dân lao động trong thực hiện lợi ích và quyền lực của mình. Bản chất mới đó của quyền lực chỉ xuất hiện với giai cấp vô sản cách mạng, khi nó thực hiện thành công cách mạng vô sản, xác lập được địa vị thống trị và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước của mình.

Nếu như thời của C.Mác và Ph.Ăngghen, Công xã Pari là sự thể nghiệm lịch sử đầu tiên quan niệm lý luận về quyền lực của các nhà kinh điển Mác-xít và đã thiết lập được nền quyền lực của giai cấp vô sản, cho dù nền quyền lực đó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, thì đến thời của V.I.Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga và chính quyền Xô viết là một sự hiện thực hóa thực sự những quan niệm này. Thực tế xã hội Xô viết trong và sau Cách mạng Tháng Mười là một minh chứng điển hình về bản chất và con đường hình thành nên quyền lực của giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

Tiếp tục tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã luận chứng một cách sâu sắc về cơ sở kinh tế dẫn đến sự “tự tiêu vong” của nhà nước chuyên chính vô sản, của bộ máy thể chế quyền lực chính trị thuộc về giai cấp vô sản và nhân dân lao động. V.I.Lênin nhấn mạnh rằng, quyền lực chính trị, tức là quyền lực nhà nước bao giờ cũng dựa trên một cơ sở kinh tế, một nền tảng vật chất nhất định; Bộ máy nhà nước là sản phẩm tất yếu của kinh tế, là phương thức và công cụ để thực hiện quyền lực và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Khi thực hiện sứ mệnh lịch sử xóa bỏ mọi sự thống trị giai cấp của giai cấp tư sản và của mọi giai cấp nói chung, giai cấp vô sản cũng thực hiện xóa bỏ bản thân các giai cấp và xóa bỏ chính mình với tư cách là một giai cấp. Như vậy, bộ máy thực thi quyền lực chính trị với tư cách là công cụ của một giai cấp dùng để trấn áp một giai cấp khác cũng trở nên không cần thiết, dẫn đến việc “tự tiêu vong”.

V.I.Lênin cũng thống nhất với C.Mác và Ph.Ăngghen ở chỗ, coi việc giành, giữ và kiểm soát quyền lực chính trị là một bước đi không thể bỏ qua của cách mạng vô sản. Để giải phóng mình và giải phóng toàn thể nhân loại, trước hết, giai cấp vô sản phải xóa bỏ, lật đổ quyền lực thống trị xã hội của giai cấp tư sản. Muốn vậy phải tiến tới đấu tranh chính trị để giành lấy quyền thống trị xã hội cho giai cấp vô sản vì không thể chờ đợi cho chủ nghĩa tư bản tự cải biến thành chủ nghĩa xã hội và cũng không thể chờ cho bộ máy chính quyền cũ tự tan rã, vì “chính phủ cũ là chính phủ, ngay cả trong thời kỳ có những cuộc khủng hoảng, cũng sẽ không bao giờ “đổ” nếu không đẩy cho nó “ngã”[1].

Về vấn đề thực thi quyền lực chính trị 

Theo V.I.Lênin, tính triệt để của việc thực thi quyền lực chính trị trong thực tiễn phải được đánh giá, kiểm chứng bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Ông cho rằng, chuyên chính vô sản là mục đích trực tiếp, gần nhất của đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản, nó tất yếu đòi hỏi phải tiến tới hành động cách mạng vô sản để vấn đề quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước của giai cấp vô sản trở thành thực tế. Giai cấp vô sản phải giành lấy quyền lực chính trị để xóa bỏ cả thể chế nhà nước tư sản lẫn chế độ tư hữu tư sản về tư liệu sản xuất, xác lập sở hữu xã hội.

V.I.Lênin đặc biệt lưu ý rằng giai cấp tư sản không bao giờ tự rời bỏ quyền lực của nó, thậm chí khi cảm thấy quyền lực đang lung lay hoặc đã bị mất, nó thường phản ứng điên cuồng để chống lại lực lượng cách mạng, để củng cố hoặc giành lại quyền lực vừa bị lật đổ. Do đó, về nguyên tắc, giai cấp vô sản cách mạng không bao giờ được từ bỏ nguyên tắc đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội trong quá trình thực thi quyền lực chính trị của mình.

Nói về vấn đề thực thi quyền lực chính trị, V.I.Lênin đã diễn tả một cách hình ảnh, rằng “trong mỗi thời kỳ đặc biệt, cần phải biết tìm ra cái mắt xích đặc biệt mà người ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kế bên. Trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của các mắt xích và những đặc điểm khác nhau của mắt xích này với mắt xích khác trong cái xích của những sự biến lịch sử đều không đơn giản và cũng không phải sơ sài như trong cái xích thường do bàn tay người thợ rèn làm ra…”[2]. Ông cho rằng, việc tiến hành đấu tranh chính trị để giành được quyền lực vào tay giai cấp vô sản là cả một nghệ thuật, trong đó thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt và khôn ngoan khi thực hiện các sách lược mà vẫn đảm bảo tính kiên định và các nguyên tắc của chiến lược.

Về phương thức thực thi quyền lực trong cách mạng vô sản, V.I.Lênin khẳng định cần phải sử dụng một cách linh hoạt phương pháp bạo lực và phương pháp hòa bình. Phát huy những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã phân tích đặc điểm của nhà nước tư sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và rút ra kết luận về tính tất yếu phổ biến của cách mạng bạo lực. Ông viết: nhà nước tư sản bị thay thế bởi nhà nước vô sản không thể bằng con đường “tiêu vong” được mà chỉ có thể, theo quy luật chung, bằng một cuộc cách mạng bạo lực thôi [3]. Ở đây, cần phải thấy rằng, không phải V.I.Lênin và các nhà Mác-xít nói chung chỉ biết say sưa với bạo lực. Cả C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm những khả năng hòa bình, càng không đổ máu càng tốt. Tuy nhiên, ở thời đại mình, V.I.Lênin với việc chứng kiến sự hoành hành của bộ máy cảnh sát, của chủ nghĩa quân phiệt, của bọn đế quốc phản động trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, đã nhấn mạnh rằng khả năng phát triển cách mạng một cách hòa bình là “cực kỳ quý báu” nhưng cũng “cực kỳ hiếm hoi” và “đặc biệt hiếm hoi”[4]. Vì vậy, Ông kết luận: Trong hoàn cảnh nước Nga lúc đó, chính giai cấp tư sản Nga đã buộc giai cấp công nhân Nga phải tiến hành nội chiến và không thể thực hiện cái “cơ hội cuối cùng” là phát triển cách mạng một cách hòa bình.

Sau khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản đã trở thành chủ thể quyền lực, đại diện cho toàn xã hội để thực thi quyền lực xã hội, những bàn luận của V.I.Lênin về vấn đề quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị đã được bổ sung thêm các nội dung mới. Từ giai đoạn đấu tranh giành quyền lực, giai cấp vô sản đã chuyển sang đấu tranh để giữ vững và thực thi quyền lực đó trong xây dựng và củng cố chế độ xã hội của mình. Đến thời kỳ này, giai cấp công nhân phải tập làm quen với công việc mới, thích ứng với yêu cầu mới, phải học cách lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế và quản lý nhà nước, bảo đảm tốt nhất sự ủy quyền của nhân dân, làm cho việc thực thi quyền lực đó không bị biến dạng, thoái hóa, để cho quyền lực thực sự là của dân và dân thực sự được làm chủ, trở thành người chủ.

Đến lúc này, nhiệm vụ tổ chức trở nên cực kỳ quan trọng. Cơ sở của chiến thắng trong giai đoạn này là sức mạnh kinh tế, là năng suất lao động xã hội dựa trên tài năng lãnh đạo, năng lực tổ chức và hiệu quả quản lý để đông đảo quần chúng phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo vào xây dựng chế độ mới. Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”, V.I.Lênin cho rằng lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ tổ chức, quản lý. Trong điều kiện mới của thực tiễn cách mạng, Ông xác định: “Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm”[5], “Chúng ta phải suy nghĩ kỹ rằng muốn quản lý được tốt, thì ngoài cái tài biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến, còn cần phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất…”[6]. Ở đây, nhiệm vụ tổ chức, quản lý bao gồm cả nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị. Theo V.I.Lênin, nếu chính trị luôn luôn biểu hiện mối quan hệ giữa các giai cấp trên vấn đề quyền lực và mục đích trực tiếp của chính trị là xây dựng quyền lực nhà nước thì đối với giai cấp vô sản, khi đã giành được quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước rồi, “chính trị phải là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”[7].

Trong công tác tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước mới, V.I.Lênin rất nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ. Ông cho rằng phải có tổ chức mạnh và cán bộ giỏi, đầy tài năng sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm. V.I.Lênin đòi hỏi phải chú ý tìm cho ra và thử thách một cách hết sức nhẫn nại, thận trọng những người thực sự có tài tổ chức, những người có bộ óc sáng suốt, có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn. Đây là những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội vừa có khả năng bất chấp mọi sự ồn ào và hỗn loạn trong tổ chức để có thể thực hiện một cách vững chắc và nhịp nhàng công việc, làm chuyển cả một khối người to lớn trong phạm vi tổ chức Xô viết. “Cái mấu chốt không phải là chính quyền, mà mấu chốt chính là biết lãnh đạo, biết đặt người cho đúng chỗ, biết tránh những cọ xát nhỏ để làm thế nào cho hoạt động kinh tế của nhà nước khỏi bị gián đoạn”[8].

Về vấn đề đấu tranh với chủ nghĩa quan liêu

Giải thích về những sai lầm, thất bại mắc phải trong bộ máy chính quyền Xô viết, V.I.Lênin đã chỉ ra cái nguyên nhân mà ở phương Tây, các nhà nghiên cứu về cấu trúc tổ chức gọi là “trật tự quan liêu”, rằng “mấu chốt của vấn đề là ở chỗ con người được đặt không đúng chỗ, là ở chỗ người cộng sản phụ trách này nọ đã từng tham gia rất giỏi vào toàn bộ cuộc cách mạng, bây giờ đã được giao cho một việc kinh doanh công thương nghiệp nào đó, mà lại không hiểu gì cả, lại cản trở không cho người ta thấy sự thật, vì đằng sau người ấy là cả một bọn ăn cắp và bọn con buôn lẩn lút rất tài”[9].

Trong các tác phẩm của mình, V.I.Lênin đã nhiều lần nhắc đến chủ nghĩa quan liêu và sự cần thiết phải đấu tranh chống căn bệnh này. Một số đặc điểm của cấu trúc tổ chức quan liêu cũng đã được V.I.Lênin đề cập. Theo V.I.Lênin, đặc điểm nổi bật nhất của bộ máy quan liêu là chế độ bổ nhiệm, từ đó tạo ra một “giới quan liêu” - tầng lớp đặc biệt gồm những người làm chuyên môn trong ngành hành chính và được hưởng một địa vị đặc quyền so với nhân dân…[10]. V.I.Lênin nêu ví dụ: “Mối quan tâm chủ yếu của các thẩm phán được bổ nhiệm là làm sao cho việc kiện cáo được xử theo đúng thể thức: miễn là giấy tờ làm hợp thức, còn ngoài ra thì chẳng có gì là quan trọng đối với viên quan thẩm phán cả, tham vọng duy nhất của anh ta là lĩnh lương và được cấp trên khen”[11]. Như vậy, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng những quy định cụ thể, chi tiết lẽ ra phải là những công cụ hỗ trợ đắc lực trong tổ chức vận hành bộ máy thực thi quyền lực đã bị các viên chức được bổ nhiệm biến thành mục tiêu trong công việc của mình. Điều này đã gây nên những hậu quả tai hại nhưng không dễ nhận thấy.

Từ những phân tích đó, V.I.Lênin rút ra kết luận: “Chủ nghĩa quan liêu nói chung, có thể có nghĩa là bệnh hành chính, tác phong lề mề, giấy tờ, trả lời quấy quá. Loại chủ nghĩa quan liêu này thật xấu xa”[12]; “ngay những viên chức của giai cấp vô sản cũng không thể tránh khỏi “quan liêu hóa” đến một mức nào đó”[13]. Vì vậy, V.I.Lênin đã chỉ rõ tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa sống còn của cuộc đấu tranh chống căn bệnh quan liêu đối với sự thành bại của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong khi phê phán chủ nghĩa quan liêu như vậy, V.I.Lênin cũng nhận thấy rằng, trong thực tế, không phải lúc nào cái gọi là “quan liêu” cũng đáng lên án. Ông nhận xét: “Xét về phương diện một tổ chức “quan liêu” hình như cần thiết, thì ngành đường sắt tuyệt đối không có gì khác tất cả những xí nghiệp của đại công nghiệp cơ khí nói chung, không có gì khác bất cứ xưởng máy nào, một cửa hiệu lớn nào, một đại doanh nghiệp nông nghiệp tư bản chủ nghĩa nào cả. Trong tất cả những xí nghiệp ấy, kỹ thuật đòi hỏi một kỷ luật tuyệt đối nghiêm, một ý thức tuân thủ hết sức cao trong việc hoàn thành phần việc mỗi người đã được giao phó, nếu không thế thì toàn bộ công việc sẽ ngừng, hoặc máy móc, vật phẩm làm ra sẽ hư hỏng”[14].

Có thể nói, đó chính là cảm nhận của V.I.Lênin về những ưu điểm của loại hình cấu trúc tổ chức quan liêu. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu cách tư duy khá rạch ròi của V.I.Lênin khi phân biệt “bệnh quan liêu” hay “thói quan liêu chủ nghĩa” với “tổ chức quan liêu” nói chung, mặc dù ông không chính thức đặt ra vấn đề như vậy. Có như thế chúng ta mới hiểu được tường tận dụng ý của V.I.Lênin khi cho rằng có thể “tạm thời biến thành quan liêu” để “không thể biến thành quan liêu” trong đoạn trích sau đây:

“Sau khi giành được chính quyền, công nhân sẽ đập tan bộ máy quan liêu cũ, sẽ phá huỷ đến tận nền móng của nó, không để sót lại một tý gì, và sẽ thay bằng một bộ máy mới gồm chính những công nhân viên ấy, để tránh không cho những người này biến thành quan liêu, thì người ta sẽ thi hành ngay những biện pháp mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã nghiên cứu rất tỉ mỉ: thứ nhất, không những được bầu ra mà còn có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào; thứ hai, lương không cao hơn lương công nhân; thứ ba, thi hành ngay những biện pháp khiến tất cả mọi người đều làm chức năng kiểm sát và giám thị, khiến tất cả mọi người đều tạm thời biến thành quan liêu và do đó, khiến không một ai có thể biến thành “quan liêu” được”[15].

Trong đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, V.I.Lênin cho rằng, cần phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp. V.I.Lênin đòi hỏi không chỉ sự phê phán bằng dư luận xã hội mà còn trừng trị bằng pháp luật, đồng thời đề cao vai trò và trách nhiệm của báo chí, của các cơ quan thông tin trong cuộc đấu tranh chống quan liêu.

Để đấu tranh chống bệnh quan liêu và xây dựng thể chế dân chủ, theo V.I.Lênin còn phải đề cao nguyên tắc lãnh đạo tập thể gắn với chế độ trách nhiệm của từng cá nhân phụ trách, phê bình và tự phê bình, thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo V.I.Lênin, sự thái quá về lãnh đạo tập thể cũng là điều cần tránh. Ông khẳng định: “Lãnh đạo tập thể là điều cần thiết để giải quyết các công việc của nhà nước công nông. Nhưng mọi sự thái quá về lãnh đạo tập thể, mọi sự lệch lạc đưa đến tình trạng chậm chạp quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, mọi sự chuyển biến các cơ quan lãnh đạo tập thể thành chỗ bàn cãi suông, đều là những tai hại rất lớn”[16]. Bên cạnh đó, V.I.Lênin cũng rất quan ngại về tính chất “cứng đờ” của bộ máy nhà nước. Ông cho rằng bộ máy chính quyền vững mạnh là điều cần thiết, nhưng nếu sự vững mạnh của bộ máy đó lại quá vững chắc, đến nỗi làm trở ngại cho sự vận động và phát triển thì điều đó lại trở thành mối nguy hiểm. Ông lưu ý: ra lệnh là đơn giản nhất, nhanh nhất và dễ làm nhất nhưng đó cũng là điều tệ hại nhất. Nó tiếp tục kéo dài chủ nghĩa quan liêu, cản trở quá trình giáo dục và thực hành dân chủ, cản trở sự phát triển nói chung.

Như vậy, V.I.Lênin đã phát triển thêm một bước mới quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị, đặc biệt là về lý luận đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu trong xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Các vấn đề căn bản trong thực thi quyền lực chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động như cơ chế đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chiến lược tuyển chọn và đào tạo cán bộ để có được đội ngũ cán bộ xứng đáng với sự ủy quyền dân chủ của nhân dân… đã được V.I.Lênin đề ra và giải quyết thỏa đáng. Đây là những nội dung có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với đối với thực tiễn cách mạng nước Nga thời kỳ đó mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của chủ nghĩa xã hội nói chung, trong đó có sự nghiệp cách mạng của Việt Nam./.


          [1] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 26, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 269

[2] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 27, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 349

[3] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 33, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 27

[4] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 34, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 180

[5] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, Tập 36, tr. 209

[6] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva,1977, Tập 36, tr. 210

[7] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, Tập 33, tr. 62

[8] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, Tập 45, tr. 128 - 129

[9] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 45, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 134

[10] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 566

[11] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 347 - 348

[12] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 10, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 42

[13] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 33, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 141 - 142

[14] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 33, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 134

[15] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 33, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 134

[16] V. I. Lê Nin, Toàn tập, Tập 39, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 52

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2012/15688/Van-de-quyen-luc-chinh-tri-va-thuc-thi-quyen-luc-chinh.aspx

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét