PGS,TS
Nguyễn Vĩnh Thắng
(LLCT)- Tại Đại hội XI, Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ
sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây
là một luận điểm quan trọng được khái quát từ thực tiễn phong phú, sinh động
của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cuộc cách mạng XHCN ở nước ta;
chỉ ra nguồn gốc sâu xa mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản
Việt Nam tổ chức, lãnh đạo được lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi
đường, chỉ lối.
Vào giữa
thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược và đặt ách thống trị của
chúng đối với dân tộc ta. Chúng đã câu kết với giai cấp phong kiến, địa chủ thống
trị nước ta vô cùng tàn bạo. Trong lúc vua quan nhà Nguyễn đầu hàng, thì nhân
dân ta đã anh dũng đứng lên chống xâm lược. Một số nhà nho yêu nước như Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh... đã đi tìm đường cứu nước, nhưng không thành công, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra đều lần lượt thất
bại và bị đàn áp khốc liệt. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến đầu thế kỷ
XX gặp bế tắc về đường lối cứu nước.)
Trong bối cảnh đó, ngày 5-6-1911, từ bến
Cảng Sài Gòn, với hoài bão lớn lao, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường
cứu nước, cứu dân. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Người đã đi đến rất
nhiều nơi, từ Pháp, Người đã đến nhiều nước khác ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.
Và Người đã đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin, đến với bản Luận cương của Lênin và như Người đã nói “Hỡi đồng
bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường
giải phóng chúng ta”(1). Trong quá trình vận dụng, phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và tổ chức lãnh đạo,
chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta giành được những thắng lợi to
lớn, Người tiếp tục khẳng định: chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người
cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những
là “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng
con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và CNCS.
Từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng
Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong
công cuộc xây dựng đất nước, nhất là từ thực tiễn phong phú, sinh động và những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành
được trong công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và CNXH, Đại hội IX
của Đảng nhấn mạnh: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam
theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh. Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng
định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2). Đây là một luận điểm cực kỳ
quan trọng được khái quát rút ra từ thực tiễn phong phú, sinh động của cuộc
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cuộc cách mạng XHCN ở nước ta, nó chỉ ra
nguồn gốc sâu xa của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt
Nam tổ chức, lãnh đạo được lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường,
chỉ lối.
Ngày nay khi sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của thế giới, những vấn đề mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, càng đòi hỏi phải có những lời giải đáp thuyết phục, có cơ sở lý luận và thực tiễn. Trong khi các thế lực thù địch không ngừng tìm mọi thủ đoạn hòng xuyên tạc, phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đi tới xoá bỏ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội ta, hơn lúc nào hết, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nhằm khẳng định, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta hiện nay.
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, chưa
một học thuyết chính trị xã hội nào mà ngay từ khi mới xuất hiện lại thu hút sự
quan tâm nghiên cứu, đấu tranh giữa các lập trường tư tưởng đối lập nhau như
chủ nghĩa Mác - Lênin. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng đó đã diễn ra ngay từ khi chủ
nghĩa Mác - Lênin mới ra đời cho đến ngày nay. Điều đó không phải ngẫu nhiên,
bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin là một khoa học, sự ra đời của chủ nghĩa Mác -
Lênin đã thực sự giải đáp được những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống của toàn
nhân loại đặt ra. Trong lúc toàn bộ hệ thống lý luận của hệ tư tưởng tư sản đều
tìm cách chứng minh cho việc duy trì sự tồn tại “vĩnh hằng” của CNTB và giai
cấp tư sản, thì ngược lại, chủ nghĩa Mác - Lênin đã tuyên chiến với hệ tư tưởng
tư sản, khẳng định sự diệt vong không thể tránh khỏi của CNTB và sự tất thắng
của CNXH, CNCS trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì thế mà chủ nghĩa Mác
- Lênin đã “gây ra” sự thù địch mạnh nhất và lòng căm thù lớn nhất của giai cấp
tư sản.
Lợi dụng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và
các nước Đông Âu, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản và bọn cơ hội, xét lại
chủ nghĩa Mác - Lênin đã xuyên tạc rằng CNCS không phải là tương lai của loài
người. Chúng tuyên truyền, xuyên tạc, tấn công quyết liệt chủ nghĩa Mác -
Lênin, lớn tiếng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, rằng chủ
nghĩa Mác - Lênin chỉ có giá trị ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sang đến thế kỷ XXI không còn phù hợp nữa, rằng sự
sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là minh chứng
cho sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nhưng thực tiễn lại chứng minh ngược
lại, chủ nghĩa Mác - Lênin không những không lỗi thời, lạc hậu như ai đó vẫn
rêu rao, mà đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là kim chỉ nam cho phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân các
dân tộc trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
là lãnh tụ thiên tài, là nhà tư tưởng vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã tiếp thu
và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Người đã nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác -
Lênin, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống
quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam,
kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều
kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng
to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của
nhân dân ta giành thắng lợi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân
tộc thực sự đã cổ vũ, khích lệ cuộc đấu tranh của nhiều dân tộc thuộc địa và
phụ thuộc, được thế giới thừa nhận như là tư tưởng góp phần làm biến đổi bộ mặt
thế giới. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào cuộc sống, đã trở thành những
giá trị văn hoá bền vững không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản
chung của nhân loại.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân
tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong cách mạng
XHCN, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã
giành được sau hơn 25 năm đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn gắn liền với
học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng ta ngày càng nhận thức đầy
đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh và khẳng định chỉ có trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo, phát triển
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì
Đảng mới có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng và
mới tránh được nguy cơ sai lầm về đường lối.
Hiện nay, với những khó khăn, những diễn
biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, những khó khăn của tình hình
trong nước, những diễn biến trong đời sống xã hội, sự tác động từ mặt trái của
cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên và nhân dân phai nhạt mục tiêu, lý tưởng XHCN, chạy theo lối sống
thực dụng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
sự tất yếu thắng lợi của CNXH.
Tình hình đó, càng đòi hỏi toàn Đảng,
toàn quân, toàn dân ta phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh như là một nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước theo con
đường XHCN ở nước ta hiện nay.
Kiên định, khẳng định chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của
Đảng và nhân dân ta, trước hết là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận
dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, tình hình cụ thể của cách mạng Việt
Nam, không máy móc, giáo điều. Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân
loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước, trên cơ sở đó đề ra
đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng
của nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử.
Trong quá trình
nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước, cần phân
biệt những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đúng đắn từ lúc mới ra
đời và cho đến nay vẫn đúng; những luận điểm đúng và phù hợp trong điều kiện
lịch sử lúc đó, đến nay đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua; những luận điểm đúng
nhưng do hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa sâu sắc nên vận dụng không đúng;
những điều mà chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đề cập đầy đủ hoặc chưa từng đề cập
đến.
Trung thành và kiên định chủ nghĩa Mác
-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nắm vững mối quan hệ giữa kiên định và
phát triển, tức là phát triển trên cơ sở kiên định nguyên tắc cách mạng và khoa
học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với thực tiễn
cách mạng Việt Nam, với xu thế thời đại. Thực tiễn luôn biến đổi, phát triển
nên lý luận Mác - Lênin cũng cần được bổ sung, đổi mới, phát triển nếu chúng ta
không muốn lạc hậu so với cuộc sống. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống mở,
không thể coi những nhận thức đạt được cho đến ngày nay là những chân lý tuyệt
đích cuối cùng. Không ngừng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vừa là yêu cầu của
thực tiễn xã hội vừa là yêu cầu nội tại của học thuyết Mác - Lênin. Có
phát triển và thông qua phát triển, chủ nghĩa Mác - Lênin mới tự bảo vệ được
mình, mới phát huy được sức mạnh, sức sống của mình đối với thời đại. Tư tưởng
Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
vào điều kiện cụ thể của nước ta. Vì vậy bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng
tạo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là phát huy sức mạnh, sức sống của chủ
nghĩa Mác - Lênin ở nước ta.
Đi đôi với việc bảo vệ và phát triển chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải kiên quyết đấu tranh với những
quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Cần thường xuyênnghiên cứu, nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch xuyên
tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ những luận điểm
chung đến những luận điểm cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
thống nhất của các cấp ủy đảng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái,
thù địch, bảo đảm các hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận theo đúng định
hướng của Đảng, chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng về quan điểm chính trị, sâu
sắc về lý luận khoa học, sắc bén trong phương pháp và đạt hiệu quả cao. Huy
động lực lượng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan
nghiên cứu khoa học, các cơ quan truyền thông, báo chí... tiến công chống các
quan điểm sai trái, thù địch, nhất là phát huy vai trò của các cơ quan nghiên
cứu, các nhà khoa học trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Nâng cao chất lượng đấu tranh phản bác, tiến công tư tưởng, lý luận chống các
quan điểm sai trái, thù địch theo hướng tăng hàm lượng khoa học, tăng độ sâu lý
luận, cập nhật thông tin, luận cứ, luận chứng sắc bén, có lý, có tình, có sức
thuyết phục cao. Cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vấn đề đấu tranh
dưới nhiều hình thức. Quan tâmđầu tư kinh phí, phương tiện, điều kiện cho các
hoạt động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Suy cho cùng sự thắng lợi trong việc bảo
vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải bằng hành động cách mạng
thiết thực cụ thể. Phải từng bước hiện thực hoá mục tiêu, lý tưởng XHCN trên
đất nước ta. Phải chứng minh trên thực tế tính cách mạng và khoa học của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng kết quả hiện thực, bằng những
thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và CNXH, vì dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới,
đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Đảng ta khởi xướng
và lãnh đạo, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
trên tất cả các lĩnh vực cña đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc
phòng, an ninh, đối ngoại; kinh tế phát triển năng động, mức tăng trưởng kinh
tế nhiều năm qua liên tục được giữ vững; môi trường chính trị, văn hoá, xã hội
ổn định và phát triển; an ninh, quốc phòng được giữ vững và tăng cường; quan hệ
đối ngoại ngày càng mở rộng, khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Điều đó là một minh chứng sinh động,
khẳng định Đảng ta đã tuyệt đối trung thành và vận dụng, bổ sung, phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách
mạng nước ta. Song chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, con đường mà chúng
ta đang đi tới là không dễ dàng, bằng phẳng mà phải trải qua nhiều khó khăn,
gian khổ. Nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt
của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, nhất định sự nghiệp đổi mới toàn
diện đất nước sẽ thu được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
_________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị
số 6-2011
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.127.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét