TS Nguyễn Thị Hoa Phượng
TS
Trần Thị Kim Ninh
Học viện Chính trị khu vực II
Tóm
tắt:
Hồ Chí Minh xuất thân trong gia đình nhà Nho yêu nước, chịu ảnh hưởng tư tưởng
tiến bộ của cụ thân sinh phó bảng Nguyễn Sinh Sắc “Ái quốc là ái dân”, sớm trăn
trở tìm con đường cứu nước cứu dân. Vì những lý do đó, người thanh niên yêu nước
Nguyễn Tất Thành gác lại sự nghiệp học hành, ra đi tìm đường cứu nước. Trong
quá trình bôn ba năm châu, bốn bể, tìm tòi, khảo nghiệm, Người vừa lao động, vừa tự học để có hiểu biết, có
tri thức làm cách mạng; đồng thời, đó cũng là quá trình tự học. Tìm hiểu tấm
gương tự học Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với việc học tập, rèn luyện của
đội ngũ giảng viên Trường Đảng hiện nay.
Từ
khóa: Đội ngũ
giảng viên trường Đảng; tự học; Chủ tịch Hồ Chí Minh
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành sinh
ra ở thời điểm dân tộc Việt Nam đang bị đắm chìm trong cảnh nước mất nhà tan,
cả dân tộc đang trăn trở tìm lời đáp cho câu hỏi: Làm thế nào để giải phóng dân
tộc giành độc lập dân tộc? Để tìm ra câu trả lời, người thanh niên yêu nước
Nguyễn Tất Thành đã không chọn con đường học hành theo lối cổ truyền để trở
thành một nhà Nho học hay một viên quan lại dưới chế độ thuộc địa nửa phong
kiến, mà đã có một quyết định táo bạo: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp
và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng
bào chúng ta”[1]. Từ
đây, con đường hoạt động cách mạng thực tiễn của Hồ Chí Minh chính là con đường
tự học, chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức của nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, tự học phải trở thành nguyên tắc “học tập suốt đời”, tự học không phải chỉ thực hiện trong một thời gian, ở một lĩnh vực mà là học toàn diện, học suốt đời theo tinh thần của V.I.Lênin “học, học nữa, học mãi”. Muốn giữ vững được nguyên tắc này, phải có kế hoạch học tập khoa học, hợp lý mới đạt hiệu quả cao trong học tập.
Phải cần cù trong học tập, “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”[2], cần đi đôi với chuyên, với
sự cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, với thái độ cầu tiến. Chính với ý chí và quyết tâm
bền bỉ, tinh thần sáng tạo, tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi mà Hồ Chí Minh từ một
người, “về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu
biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới
nghe radio lần đầu”[3]. Như vậy, điểm xuất phát về trình độ học vấn không cao, nhưng với ý
chí tự học vươn lên, Người đã đạt tới đỉnh cao của nền
văn hóa nhân loại và được thế giới tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc Việt
Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam.
Trong thực tiễn, kiến thức là vô cùng, nếu không cần cù, chịu khó thì con người
khó có thể tích lũy tri thức, làm giàu tri thức của bản thân.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm
việc (1947), Người viết “Lấy tự học làm cốt”[4].
Ngày 21/7/1956, trong buổi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I,
Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn “Học hỏi là một việc phải tiếp
tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có
thể cho mình đã biết đủ, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta
ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp
nhân dân”[5].
Để tự học đạt hiệu quả cao, Hồ Chí
Minh đã đề ra phương châm “Học đi đôi với hành”. Học là quá trình
con người tiếp thu lý thuyết, hành là đem kiến thức đã học để thực hành. Học đi
đôi với hành thể hiện trình độ tri thức (hiểu biết) ở mỗi con người; đồng thời
khẳng định năng lực giải quyết thực tiễn. Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng luôn căn
dặn: học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích,
hành mà không học thì hành không trôi chảy. Bởi vì, “không thực hành thì nhất định
không thể hiểu biết”[6],
có nghĩa, học và hành để tồn tại và phát triển.
Khi
nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (ngày 9 tháng 12 năm 1961), Hồ
Chí Minh đã tâm sự: “tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… không học thì
không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Từ đó, Người chỉ ra
phương pháp học tập “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân,
không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[7].
Theo
Hồ Chí Minh, “Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa”[8],
nhằm đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa. Trường học chính là nơi hội tụ của
tinh hoa tri thức, qua quá trình học tập, chúng ta được tiếp thu kiến thức học
vấn cơ bản, học làm người, tiếp thu kiến thức để phát triển. Chính những tri thức,
kỹ năng đó là nền tảng để chúng ta làm chủ bản thân, làm chủ đất nước. Tuy
nhiên, môi trường học tập ở trường học chỉ cung cấp cho chúng ta kiến thức, kỹ
năng cơ bản, nếu không học nhân dân thì không tiến bộ được.
Học
nhân dân là môi trường thực tiễn toàn diện, rộng lớn và hiệu quả. Đây là môi
trường thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học; đồng thời, ở
môi trường này, mỗi người giảng viên tiếp nhận được kiến thức bổ ích, thiết thực
trên mọi phương diện công tác và trong cuộc sống, vì “dân chúng biết giải quyết
nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những
đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[9].
Với
ý chí tự học, Hồ Chí Minh đã đạt tới đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại và ngày
này trở thành tấm gương sáng ngời cho các tầng lớp nhân dân noi theo, đặc biệt
là đội ngũ giảng viên Trường Đảng – Ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh
kính yêu!
Cách đây hơn 70 năm, Trường Đảng
Nguyễn Ái Quốc đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc để huấn luyện cán bộ. Tháng
9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trường và dự lễ khai giảng khoá II.
Người đã ghi trong cuốn sổ vàng lời huấn thị thiêng liêng: "Học để làm
việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và
nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: Cần,
kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Lời căn dặn của Người đã trở thành
kim chỉ nam cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong sự nghiệp cách mạng
của Đảng. Để thực hiện được mục tiêu trên, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải
xây dựng được đội ngũ giảng viên trường Đảng có tri thức, tâm huyết trách nhiệm
cao với sự nghiệp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đội ngũ giảng viên trường Đảng hiện
nay đã được đào tạo qua trường lớp chính quy, bài bản. Trình độ giảng viên đứng
lớp đều từ thạc sĩ trở lên, nhưng chúng ta cần luôn ý thức rằng, đào tạo qua
trường lớp, chúng ta mới chỉ là những “trí thức một nửa” (như cách dùng từ của
Hồ Chí Minh). Để trở thành người “trí thức hoàn toàn” thì rất cần sự nỗ lực,
kiên trì, bền bỉ tự học trong thực tiễn của mỗi giảng viên. Vì vậy, mỗi giảng
viên cần nhận thức sâu sắc được việc tự học là nguyên tắc, là yêu cầu khách
quan tất yếu, bắt buộc trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi giảng viên cần tâm niệm sâu sắc,
đã chọn nghề làm công tác giáo dục lí luận chính trị thì càng phải nêu cao tinh
thần, trách nhiệm tự học.
Tự học, trước hết là mỗi giảng viên
cần có kế hoạch làm việc khoa học, kết hợp học với hành, tự học nhằm đào sâu
kiến thức để làm chủ tư duy, làm chủ nhận thức và phát triển bản thân là điều
vô cùng cần thiết và cấp bách. Nhất là trong giai đoạn cách mạng 4.0 đang phát
triển, càng đòi hỏi chúng ta phải tự học và liên tục tự học để không bị tụt
hậu, để thích nghi với những thay đổi của thực tiễn. Bên cạnh đó, tự học để
giảng viên trường Đảng chủ động bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, liên hệ
bài giảng một cách sinh động.
Bản thân mỗi giảng viên phải tự học
là chính, vì đây chính là hoạt động tiếp thu tri thức, là quá trình lao động
khoa học, qua quá trình tự học sẽ giúp chúng ta không chỉ nhớ mà còn đạt đến
trình độ thẩm thấu kiến thức đã học, vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả, hữu
ích trong cuộc sống. Đồng thời, quá trình tự học còn giúp chúng ta hạn chế được
khiếm khuyết và hoàn thiện bản thân.
Tự học là tích cực trao đổi, tương
tác với người học trong quá trình lên lớp; rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi
giờ lên lớp trên tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng để qua mỗi bài giảng
thắp sáng niềm tin và truyền niềm tin đến người học.
Tự học là quá trình học hỏi kinh
nghiệm của đồng nghiệp với tinh thần cầu thị, thái độ nghiêm túc, khiêm tốn. Việc
tự học đó được thực hiện qua các cuộc họp chuyên môn, trao đổi, dự giờ lẫn
nhau… Qua đó giảng viên có thể góp ý cho nhau, học tập lẫn nhau để ngày càng
hoàn thiện hơn về mọi mặt.
Ngoài ra giảng viên còn phát huy
tinh thần tự học qua việc đào tạo thực tiễn (đi luân chuyển, thực tế tại địa
phương, bộ ngành…). Thông qua hoạt động đào tạo qua thực tiễn, giảng viên không
chỉ được tắm mình trong thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận mà còn học hỏi được
rất nhiều từ chính con người, công việc thực tiễn để từ đó góp phần nâng cao
hiểu biết, phương pháp làm việc, giảng dạy của giảng viên, gắn lý luận với thực
tiễn.
Cùng với việc tự học, nghiên cứu
khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp giúp giảng viên làm chủ được
tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài
giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi
giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan, suy nghĩ, trăn
trở để tìm hoàn thiện vấn đề đó. Đó cũng chính là quá trình giảng viên tích lũy
về lượng để thay đổi về chất, tri thức càng được mở rộng và chuyên sâu, không
chỉ am hiểu về một chuyên ngành mà nắm vững những kiến thức của chuyên ngành gần,
liên ngành.
Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh đã
phản chiếu rõ nét truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, trở thành tấm
gương sáng cho Nhân dân noi theo. Hiện
nay, tự học là yêu cầu mang tính đạo đức của một xã hội hiện đại, đối với đội ngũ giảng viên trường
Đảng là quyền và nghĩa vụ của mỗi giảng viên nhằm khẳng định bản
lĩnh, trí tuệ của bản thân và thực hiện sứ mệnh của Trường Đảng mang tên Bác Hồ
kính yêu: “Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện cần chú trọng công tác tổng kết
thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận. Làm được như vậy, hoạt động
nghiên cứu khoa học của Học viện mới góp phần vào công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, củng cố và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái, truyền tải được hơi thở từ
thực tiễn cuộc sống vào các bài giảng”[10].
[1] Trần
Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb
Trẻ, Hà Nội. 2005, tr. 14
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr.118,
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập,
NXB CTQG, HN.2011, T13, tr.187
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập,
NXB CTQG, HN.2011, T5, tr…
[5] HCM, Toàn tập, sđd, T10,
tr.377
[6] Hồ Chí Minh, toàn tập,
Sđd, T10, tr.125
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập,
Sđd, T6, tr. 361
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập,
sđd, T11, tr. 594
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập,
sđd, T5, tr.335.
[10] Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét