Đào Lộc Bình
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định:“Nhà nước ta
là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả
quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo”. Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Nhà
nước là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng
các phương thức sau: Đảng đề ra Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương,
nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, kế hoạch về các vấn đề kinh tế, xã hội… Đảng
lãnh đạo thông qua công tác tổ chức, cán bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng
lãnh đạo xã hội bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và vận động
nhân dân, Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, làm gương, đi đầu trong việc thực
hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
(Trích Cương lĩnh chính trị)
1. Quan niệm về bảo đảm nguyên tắc
lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN
Bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là bảo
đảm môi trường, điều kiện pháp lý giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước. Những bảo đảm này bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật
quy định về địa vị pháp lý của các tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước; quy
định những điều kiện pháp lý cần thiết cho tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng;
bảo đảm nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước luôn được
các cơ quan nhà nước và mọi cán bộ, công chức tuân thủ và thực hiện nghiêm
chỉnh.
Theo C.Mác và V.I.Lê-nin, nhà nước là công cụ trong tay đảng cầm quyền. Nhà nước của giai cấp vô sản là nhà nước kiểu mới, nhà nước nửa nhà nước. Nó không chỉ có chức năng bạo lực trấn áp mà cả chức năng tổ chức xây dựng xã hội mới. Chính vì vậy, bất kỳ một đảng cầm quyền nào cũng đều giữ vai trò lãnh đạo các hoạt động cơ bản của nhà nước - lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lĩnh vực lập pháp là cực kỳ quan trọng, bởi pháp luật chính là sự thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, mà đại diện cho ý chí của nó là đảng cầm quyền. Với hệ thống pháp luật, đảng cầm quyền thể chế hóa các mục tiêu chính trị và định hướng chính trị mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những quy định pháp lý chỉ có sức mạnh trong thực tiễn và mục tiêu của Đảng được hiện thực hóa thông qua hệ thống tổ chức thực hiện đó là chính phủ. Do đó, điều quan trọng đối với bất kỳ một đảng cầm quyền nào là phải nắm được chính phủ, thâu tóm quyền lực nhà nước trong tay.
Mặc dù pháp luật là công cụ của đảng
cầm quyền và Đảng ta có thể ra chủ trương làm luật hoặc sửa đổi luật khi cần
thiết nhưng khi luật đã được ban hành thì Đảng phải tuân thủ, không được tự cho
mình đứng trên pháp luật, ngoài luật. Chỉ có như vậy mới tạo được uy tín lãnh
đạo của mình. Hơn nữa, pháp luật chính là sự thể hiện ý chí của đảng cầm quyền,
không tuân thủ pháp luật chính là Đảng đã phá hoại việc thực hiện ý chí của
mình.
Sự bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của
Đảng đối với từng cơ quan trong bộ máy nhà nước bao gồm: quy định địa vị pháp
lý của các tổ chức đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước, bảo đảm nội dung,
phương thức lãnh đạo và quyết định nhất là sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác cán bộ.
Để thực hiện được những nội dung
trên, một trong những vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất khi xây dựng Nhà nước
pháp quyền XHCN là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng
và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
Theo V.I.Lê-nin, việc thiết kế tổ
chức bộ máy nhà nước phải đặt trong tổng thể các nhân tố tạo nên cơ cấu quyền
lực của Nhà nước XHCN, đặc biệt là mối quan hệ với đảng cộng sản. Bảo đảm sự
lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp xây dựng nhà nước
XHCN. V.I.Lê-nin nhấn mạnh: “Trong nước cộng hòa của chúng ta không có một vấn
đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà
lại không có chỉ thị của BCH Trung ương Đảng”(1). Do đó, khi thiết
kế bộ máy nhà nước XHCN, phải làm sao bảo đảm Đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo
ở tầm chiến lược và Nhà nước là cơ quan có thực quyền, đủ sức mạnh để hoạt động
có hiệu lực, hiệu quả.
Theo V.I.Lê-nin, việc thiết kế tổ
chức bộ máy của Nhà nước và của Đảng sao cho một mặt bảo đảm tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước, mặt khác cần và có thể hợp nhất một
số cơ quan đảng và nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. V.I.Lê-nin đã
nhận thấy trên thực tế giữa hai cơ quan: Ban Kiểm tra Trung ương (cơ quan của
Đảng) và Bộ Dân ủy thanh tra công nông (cơ quan nhà nước) hoạt động có nhiều
chồng chéo dẫn đến tình trạng không phối hợp, bổ sung cho nhau mà ngược lại còn
gây cản trở lẫn nhau. V.I.Lê-nin suy nghĩ và rút ra là phải thống nhất các bộ
phận có chức năng kiểm tra trong các cơ quan đảng và nhà nước, cụ thể là hợp
nhất Ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Dân ủy thanh tra công nông. Người viết: “Tôi
nghĩ rằng việc hợp nhất Bộ Dân ủy thanh tra công nông với Ban Kiểm tra Trung
ương như vậy sẽ có ích cho cả hai cơ quan đó”(2). Và giải thích:
“Tại sao lại không kết hợp hai cơ quan đó lại khi lợi ích công việc đòi hỏi
phải làm như thế”, “phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với
yếu tố đảng lại không phải là nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của
chúng ta”(3). Tuy nhiên, V.I.Lê-nin cho rằng hợp nhất không phải là
đồng nhất. Trong sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, có cơ quan vẫn giữ tính độc
lập tương đối, nghĩa là vẫn có ranh giới giữa hai thành tố hợp thành trong cơ
cấu tổ chức mới. Người viết: Đồng nhất hóa quá mức và do đó có xu hướng muốn
sáp nhập lại tất cả, đều có hại. Trái lại, trong vấn đề này, ta phải tìm ra một
giải pháp hợp lý, trung độ giữa việc sáp nhập tất cả... với việc phân định ranh
giới đúng mức... mà vẫn để cho mỗi việc có một tính chất độc lập nào đó.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước là tất yếu khách quan, song vấn đề không chỉ dừng ở đó. Điều căn bản
là làm sao để sự lãnh đạo ấy có hiệu quả. Nếu hiểu không đúng chức năng lãnh
đạo của Đảng sẽ dẫn tới hai thái cực, hoặc là xem nhẹ không coi trọng đúng mức
đi đến chỗ buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; hoặc tuyệt đối hóa, quá đề cao sự
lãnh đạo của Đảng đi đến chỗ bao biện làm thay Nhà nước. Nguyên tắc và cơ chế
bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng chính là cơ chế vận hành của hệ thống chính trị
nước ta hiện nay: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Muốn thực
hiện tốt nguyên tắc và cơ chế đó cần thiết phải giải quyết tốt mối quan hệ biện
chứng giữa Đảng và Nhà nước.
Đảng lãnh đạo Nhà nước trước hết là
lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách. Để bảo đảm đường lối của Đảng
luôn phản ánh đúng thực tiễn, đúng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với quy
luật khách quan Đảng phải đổi mới quy trình ra quyết sách chính trị theo hướng:
dân chủ hóa và khoa học hóa. Đảng quyết định phương hướng chính trị của Nhà
nước, sử dụng Nhà nước để thực hiện các mục tiêu chính trị của Đảng. Trên cơ sở
đường lối, chủ trương, chính sách, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa kịp thời,
đầy đủ và đồng bộ thành pháp luật, các chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện.
Tức là biến ý chí chính trị của Đảng thành luật pháp. Lãnh đạo quá trình thể
chế hóa đường lối, chính sách có tầm quan trọng hàng đầu. Quá trình này không
chỉ dừng lại ở việc thể chế hóa đường lối mà còn bao gồm công tác tổ chức, kiểm
tra việc thực hiện pháp luật, chính sách trong thực tiễn cuộc sống, để tiếp tục
bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách. Hiện nay, trong quá trình xây dựng
và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, điểm cơ bản nhất của Nhà nước pháp
quyền ở nước ta là thực hiện đầy đủ vai trò tối thượng của Hiến pháp và pháp
luật. Do đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền phải được
thực hiện trên cơ sở pháp luật.
Như vậy, để thể chế hóa sự lãnh đạo
và thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, Đảng phải thông qua hệ thống
tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước và sự tiền phong, gương mẫu của đội ngũ
đảng viên làm việc tại các cơ quan nhà nước, đưa đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng vào cuộc sống.
2. Đề xuất
Để bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của
Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện một đảng duy nhất cầm
quyền như ở nước ta, phải thể chế hóa sự cầm quyền của Đảng bằng pháp luật mà
cụ thể là thể chế hóa nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà
nước cũng như cơ chế vận hành mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước bằng pháp luật.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu thực hiện
thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm
vụ”(4). Vì vậy, trong thời gian tới, từ yêu cầu xây dựng bộ máy Nhà nước tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà
nước mà nhất là bộ máy hành chính, có thể nhất thể hóa một số chức danh trong
một số cơ quan đảng và nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Điều đó hoàn
toàn phù hợp, có tính khả thi.
(1) V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến bộ,
Mát-xcơ-va 1977, tập 41, tr.38. (2) Sđd, tập 45, tr.436-437. (3)
Sđd, tập 45, tr.452. (4) ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII, NXB CTQG, H.2016, tr.203.
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét