Lê Văn Quang(*)
Trong bài viết này, tác giả
khẳng định rằng, trong hàng loạt nhân tố tạo nên sự thành công của quá trình
đổi mới tư duy lý luận ở Việt Nam, triết học Mác - Lênin có vai trò đặc biệt
quan trọng. Theo tác giả, trong điều kiện hiện nay, triết học Mác - Lênin vẫn
giữ được tính khoa học và đúng đắn, vẫn giữ nguyên giá trị định hướng cho những
người cách mạng; nó giúp cho Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam nhận thức đúng
các vấn đề của thời đại có liên quan chặt chẽ đến đổi mới tư duy lý luận; đồng
thời, là cơ sở lý luận và phương pháp để tư duy đúng đắn về con đường phát
triển của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả nhấn mạnh rằng, nắm vững
các vấn đề cơ bản của triết học mácxít và không ngừng hoàn thiện phương pháp tư
duy có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy lý luận.
Qua hai thập kỷ đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành được những thành tựu rất quan trọng. Các thành tựu của Đảng và dân tộc đã giành được trong lĩnh vực vật chất và văn hoá tinh thần là kết quả của trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần lao động cần cù, thông minh và lòng dũng cảm của con người, dân tộc Việt Nam.
Vào cuối những năm 70 đầu
những năm 80 của thế kỷ XX, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc,
đất nước nằm trong thế bị bao vây, cấm vận của các lực lượng thù địch; sản xuất
xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân rất khó khăn, đây đó đã manh nha xuất
hiện dấu hiệu của cuộc khủng hoảng toàn diện. Lúc đó, tình hình chính trị thế
giới có biến động dữ dội - sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu,
sự thoái trào của phong trào cách mạng thế giới đã tạo nên một cơn "động
đất chính trị". Dư chấn của nó, nếu không được ngăn chặn, có thể làm cho
mọi thành quả của cách mạng Việt Nam tiêu tan, giống như ở phần đông các nước
trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Trong bối cảnh vận mệnh của dân tộc
đứng trước tình thế hiểm nghèo, thành quả của cách mạng bị đe doạ, Đảng ta đã
thể hiện trách nhiệm to lớn của mình trước lịch sử, trung thành với lý tưởng cách
mạng, nêu cao khí phách độc lập sáng tạo, tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác
- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân, chủ động tiến
hành đổi mới nhận thức và tư duy, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế.
Đến nay, công cuộc đổi mới
đất nước đã trải qua 20 năm. Trong quá trình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực
lượng định hướng chính trị, toàn dân là đội quân chủ lực của sự nghiệp đổi mới
toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, giáo dục... Kết quả của
công cuộc đổi mới đã đưa lại cho dân tộc ta một xu thế mới, một lực mới để
cùng cộng đồng quốc tế bước vào thế kỷ XXI, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong hàng loạt các nhân tố tạo nên
sự thành công của đổi mới tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò
đặc biệt quan trọng của triết học Mác - Lênin.
Nguyên tắc bất di, bất dịch
trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung và đổi mới tư duy lý luận nói riêng
ở nước ta là giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng, của
dân tộc, là nguyên tắc và phương pháp luận của sự nghiệp đổi mới. Các nguyên
tắc thế giới quan và phương pháp luận trong học thuyết mácxít, trong hệ thống
quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các lãnh tụ của Đảng, các
nhà khoa học, các nhà lý luận nhận thức lại và lựa chọn để vận dụng sáng tạo
vào điều kiện mới.
1. Những người có trọng
trách trong đổi mới tư duy lý luận của Đảng, của dân tộc đã nhận thức đúng đắn
giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và học thuyết triết học
Mác - Lênin nói riêng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Đó là bước đi đầu
tiên để có sự đổi mới tư duy lý luận một cách đúng đắn, cách mạng và khoa học.
Thực tế của một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây, chẳng hạn như Liên Xô và
các nước Đông Âu, cho thấy sai lầm từ việc lựa chọn, xác định bước đi trong quá
trình cải cách, cải tổ đã đưa cách mạng đến thất bại, chế độ xã hội chủ nghĩa
bị sụp đổ.
Những người cộng sản ưu tú
của Việt Nam cùng các nhà lý luận của Đảng đã rất cẩn trọng rà soát, nghiên cứu
và nhận thức lại hệ thống quan điểm lý luận của các nhà kinh điển về triết học,
về kinh tế – chính trị học cũng như về chủ nghĩa xã hội khoa học và đối chiếu
nó với tình hình thực tế đang diễn ra trên thế giới và trong nước. Một số công
trình nghiên cứu đã cho thấy rằng, có một số nội dung cụ thể, chi tiết trong
học thuyết có thể đã bị lịch sử vượt qua; còn tuyệt đại bộ phận, đặc biệt các
nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy
vật lịch sử, nhất là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị
thặng dư, các nguyên lý, nguyên tắc xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn giữ được tính
khoa học và đúng đắn, vẫn giữ nguyên giá trị định hướng cho những người cách
mạng trong sự nghiệp đấu tranh chống lại trật tự xã hội cũ và xây dựng xã hội
mới.
Những người Việt Nam có tư
duy lý luận rất tán thành với những nhận định khách quan, nghiêm túc của một số
học giả nổi tiếng trên thế giới về triết học Mác. Có thể lấy cách đánh giá
khách quan, trung thực của Giáo sư J.Đêriđa người Pháp làm ví dụ. J.Đêriđa là
người không cùng trường phái triết học với C.Mác, nhưng khi bình tâm nhìn lại,
ông đã viết lên một sự thật rằng, trong truyền thống triết học, chưa có hệ
thống triết học nào vượt triết học Mác và tương lai chắc cũng không có. Ông đã
lựa chọn cái quý giá nhất, cái đáng trân trọng nhất trong học thuyết của C.Mác
là tinh thần phê phán cách mạng đối với chủ nghĩa tư bản. Theo đó, vị giáo sư
này dự báo rằng, tư tưởng triết học của C.Mác là tư tưởng của tương lai và ông kêu gọi nhân loại
hãy quay về với tư tưởng của C.Mác.
Trong thế giới đương đại
đang tồn tại muôn vàn học thuyết và vô số học thuyết chính trị - xã hội khác sẽ
tiếp tục xuất hiện, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết là học thuyết triết
học với tư cách linh hồn của chủ nghĩa Mác, vẫn là hình thức phát triển cao
nhất của tư tưởng nhân loại, là một đỉnh cao của trí tuệ loài người, là ngọn
lửa thắp sáng niềm tin vào tương lai cho muôn người. Trước đây, V.I.Lênin đã
đánh giá học thuyết Mác là một học thuyết hoàn bị và triệt để nhất, nó soi sáng
cho những người cách mạng trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới. Người đã bổ sung vào học thuyết Mác nhiều luận thuyết mới được rút ra
từ sự vận động, phát triển không ngừng của lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh của
chúng ta cũng đã từng khẳng định rằng, bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa
nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ
nghĩa Lênin. Đó chính là lôgíc của lịch sử, là niềm tin khoa học của Đảng Cộng
sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam trong định hướng đổi mới vì mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
2. Lập trường thế giới
quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã góp phần quan trọng để cho Đảng Cộng
sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam nhận thức đúng đắn các vấn đề thời đại có quan
hệ chặt chẽ đến đổi mới tư duy lý luận.
Vào thập kỷ cuối cùng của
thế kỷ XX, trên hành tinh đã diễn ra bao sự thay đổi lớn lao, có những sự kiện
lịch sử diễn ra đã làm cho không ít con người hoài nghi vào các chân lý đã được
định hình. Trước thử thách đó, con người Việt Nam đã bình tĩnh để nhận thức
những thay đổi và phát triển trên cơ sở vận dụng tổng hợp các nguyên lý, nguyên
tắc phương pháp luận mácxít để xem xét các đặc điểm của thế giới đương đại và
bản chất của thời đại hiện nay. Bởi vì, các vấn đề cơ bản đó có quan hệ trực
tiếp đến sự nghiệp đổi mới nói chung, đổi mới tư duy lý luận nói riêng ở Việt
Nam .
Tư duy lý luận Việt Nam
bước đầu đã phản ánh được những phát triển mới của thế giới, như sự phát triển
của sản xuất vật chất, sự xuất hiện của kinh tế tri thức, sự phát triển mạnh mẽ
của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; quá trình toàn cầu hoá đang diễn
ra, sự thích nghi và phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, sự trì trệ và xuất
hiện khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhờ phân tích cụ thể tình hình
cụ thể trong sự vận động, phát triển không ngừng của thế giới đương đại, chúng
ta đã bổ sung cho mình sự hiểu biết mới và từng bước điều chỉnh chủ trương,
chính sách phát triển cho phù hợp với thực tiễn.
Trước hết, cần phải khẳng
định rằng, mặc dù thế giới có nhiều biến đổi, nhưng thời đại hiện nay vẫn là
thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; các mâu thuẫn cơ bản
của thời đại không thay đổi, nhưng chúng đã có nhiều đặc trưng mới. Do vậy,
việc Việt Nam lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đúng xu
thế của thời đại, nhưng phải chấp nhận những thử thách chưa từng có. Đặc biệt,
khi tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng đã thay đổi, bắt buộc
phải thiết lập các quan hệ phù hợp, tổ chức lại lực lượng trong xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Theo đó, các nhà lý luận
Việt Nam đã nhận thức đúng tính chất, vai trò của cuộc cách mạng khoa học và
công nghệ hiện đại đối với sự phát triển của cộng đồng thế giới cũng như từng
quốc gia dân tộc; coi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vừa là một
nhân tố mới, vừa là động lực của thời đại. Phương pháp luận xử lý ảnh hưởng
của cuộc cách mạng đó đến kinh tế - xã hội, khoa học, giáo dục, quốc phòng, an
ninh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tư duy lý luận trong công cuộc đổi
mới. Từ thực tế cuộc sống, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phát triển giáo
dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đó là cơ sở để
chúng ta tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực này nhằm nhanh chóng tiếp cận tri
thức tiên tiến, công nghệ hiện đại, khắc phục sự lạc hậu quá xa so với sự phát
triển của thế giới.
Thứ nữa, xu thế toàn cầu
hoá, trước hết là toàn cầu hoá kinh tế, sự xuất hiện của kinh tế tri thức và
vai trò to lớn của nó trong sản xuất vật chất, xu hướng gia tăng sự hợp tác
quốc tế, khu vực thông qua các mối quan hệ đa phương, song phương đã làm cho tư
duy về thế giới đương đại trở nên năng động hơn. Thế giới hiện tồn tại trong
trạng thái vừa thống nhất, vừa đấu tranh; các quốc gia dân tộc vừa hợp tác, vừa
cạnh tranh. Vì vậy, cần phải xuất phát từ thực tế đó để xây dựng một tư duy
toàn diện hơn về thế giới và lựa chọn chính sách đối nội, đối ngoại thích hợp.
Đổi mới tư duy về thế giới đương đại lại là cơ sở cho việc phát triển quan hệ
quốc tế của Việt Nam, tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực để phát triển đất
nước và bảo vệ Tổ quốc.
3. Chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận và phương pháp để tư duy đúng đắn về con
đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Đây
là thành công đáng ghi nhận trong đổi mới tư duy lý luận của chúng ta trong
suốt 20 năm qua.
Dựa trên việc phân tích các
nhân tố tác động của thời đại và xuất phát từ thực tiễn của đất nước, tư duy lý
luận Việt Nam đã đánh giá một cách khách quan, khoa học các thành quả mà cách
mạng Việt Nam đã đạt được, khẳng định sự lựa chọn mục tiêu đấu tranh vì độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn. Mục tiêu đó vừa phản ánh
tính tất yếu lịch sử, vừa đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của bao thế hệ con
người Việt Nam. Chân lý ấy đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm và
thấm vào máu thịt của con người Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã quyết
chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu cao đẹp đó. Những chiến công oanh liệt trong các
cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng với những
thành tựu quan trọng của 20 năm đổi mới đất nước đã được ghi tạc, tạo nên những
dấu ấn cực kỳ sâu sắc trong lịch sử dân tộc.
Kết quả tư duy lý luận
trong sự nghiệp đổi mới đất nước được thể hiện thành sự lựa chọn mô hình, bước
đi, chính sách cho quá trình phát triển đất nước. Tuân thủ quy luật vận động
khách quan của lịch sử, chủ động tận dụng các cơ hội hiện có, đồng thời phân
tích đúng đắn sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản
xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giữa điều kiện khách quan
và nhân tố chủ quan, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn được
đường lối, mô hình phát triển thích hợp, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là kết quả, là sự hội tụ của tư
tưởng chính trị, triết học, kinh tế, chủ nghĩa xã hội, các giá trị truyền thống
của Đảng, của dân tộc trong quá trình đổi mới đất nước.
4. Sự tiến bộ về điều kiện
vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân và đảng viên của Đảng trong quá trình
đổi mới đất nước đã làm cho trình độ dân trí có sự chuyển biến về chất và nâng
tư duy lý luận phát triển lên tầm cao mới. Song, sự nghiệp đổi mới tiếp tục đặt
ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với tư duy triết học, tư duy lý luận. Trong
20 năm đổi mới, khả năng tư duy lý luận của con người Việt Nam, của Đảng Cộng
sản Việt Nam, của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đã có những tiến
bộ rõ rệt, có sự chuyển biến về chất. Trình độ dân trí của công dân, năng lực
tư duy lý luận của cán bộ, đảng viên vừa là động lực tinh thần của sự nghiệp
đổi mới, vừa là kết quả của sự nghiệp đổi mới. Do vậy, ở Việt Nam hiện nay, yêu
cầu cao của xã hội, của tổ chức đối với các thành viên về tri thức khoa học
toàn diện, về năng lực thực hành có hiệu quả… luôn được đặt ra; mọi cá nhân
đang nỗ lực học tập và phấn đấu vươn lên, tạo thành một xã hội học tập. Cùng
với nâng cao chất lượng con người, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc xây
dựng các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân
lên một tầm cao mới. Kết quả của xã hội học tập, sự học tập suốt đời của từng
cá nhân là điều kiện chủ quan để nâng cao trình độ tư duy lý luận của Đảng và
công dân. Do vậy, việc nâng cao năng lực nhận thức các vấn đề cơ bản của triết
học mácxít và không ngừng hoàn thiện phương pháp tư duy có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng trong đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy lý luận.
Lý luận triết học có tác
dụng to lớn đối với việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ, đảng
viên, công chức Nhà nước và các thành viên, hội viên của xã hội dân sự. Tư duy
triết học không chỉ là cơ sở để nâng cao tư duy lý luận cho cán bộ của Đảng,
công chức của Nhà nước, mà còn góp phần xây dựng các đề án trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng để ngang tầm với nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời
kỳ mới. Quá trình hoàn thiện lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không thể không có sự tham gia của lý luận triết
học. Đồng thời, việc phát triển một xã hội dân sự Việt Nam lành mạnh, hiện đại,
giàu bản sắc dân tộc cũng là trách nhiệm nặng nề của tư duy triết học...
Như vậy, các ý tưởng đổi
mới đất nước, con người và tổ chức thực hiện sự đổi mới ở Việt Nam theo mục
tiêu giữ vững độc lập dân tộc và phát triển xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải có
tư duy lý luận, trong đó tư duy triết học là chìa khoá phương pháp luận khoa
học. Từ những thành công của chúng ta trong 20 năm đổi mới vừa qua, có thể
khẳng định rằng, triết học Mác - Lênin có vai trò to lớn và đặc biệt quan trọng
đối với tiến trình đổi mới tư duy lý luận ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét