Võ Thị Thúy Liễu
Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn
Tất Thành đã rời mãnh đất Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Người không chọn Nhật hay Trung Quốc như một số người yêu nước Việt Nam đã ra
đi, mà Người muốn đến phương Tây, sang chính nước Pháp - nước đang cai trị Việt
Nam. Sau đó, Người đi sang Châu Mỹ, đến nước Mỹ, Anh.
Sau 10 năm bôn ba ở nước ngoài (1911 - 1920), từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào công
nhân Việt Nam đã có bước phát triển: Cuối năm 1920 đồng chí Tôn Đức Thắng thành
lập Công hội đỏ ở Sài Gòn đã đánh dấu sự phát triển tổ chức của giai cấp công
nhân; cuộc đấu tranh bãi công của 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn (11/1922) đã có tiếng
vang lớn và đã được Nguyễn Ái Quốc đề cập trong tác phẩm Bản án chế độ
thực dân Pháp. Tháng 2/1924, công nhân nhà máy dệt lụa Nam Định và nhà máy
diêm Bến Thủy đấu tranh đình công. Tháng 9/1924, công nhân nhà máy rượu và nhà
máy bông sợi Nam Định đình công. Tháng 6/1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh
niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập được thành lập. Đây là tổ chức yêu nước, cách
mạng lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam hướng theo
tư tưởng của giai cấp vô sản. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên có hệ thống tổ
chức từ trung ương đến các địa phương, có Chính cương, Điều lệ, Chương trình
hành động nêu rõ mục đích của Hội là làm cách mạng dân tộc sau đó làm cách mạng
thế giới, lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Hội Việt
Nam cách mạng thanh niên là cơ sở để xây dựng Đảng Cộng sản và thực hiện sứ
mệnh lịch sử là chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cán bộ cho
sự ra đời của Đảng Cộng sản.
Đến năm 1926, phong trào công nhân diễn ra sôi
nổi ở cả ba miền. Ngày 14/4/1928 công nhân nhà máy diêm SIFA (Vinh) đấu tranh
đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tháng 4/1928, chi bộ Việt Nam cách mạng thanh
niên ở đồn điền cao su Phú Riềng được thành lập. Ngày 29/9/1928, Việt Nam cách
mạng thanh niên Bắc Kỳ đề ra chủ trương vô sản hóa. Sự phát triển mạnh mẽ của
phong trào công nhân Việt Nam là cơ sở giai cấp, cơ sở xã hội vững chắc để đi
đến thành lập Đảng Cộng sản. Phong trào công nhân phát triển gắn bó với phong trào
đấu tranh yêu nước của các tổ chức yêu nước.
Tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà
Nội), những chiến sĩ, cán bộ ưu tú Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên đã thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm 8 đồng chí: Ngô
Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn
Phong Sắc, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân (Kim Tôn), do Trần Văn Cung làm bí
thư. Sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên thể hiện rõ xu hướng phát triển
của cách mạng Việt Nam, sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam và phản
ánh yêu cầu khách quan cần phải xây dựng Đảng Cộng sản. Tháng 4/1929 ra đời tổ
chức cộng sản đầu tiên ở Hải phòng do Nguyễn Đức Cảnh làm bí thư.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 132 phố Khâm Thiên
(Hà Nội) các đồng chí trong Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã
quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thông qua Chính
cương, Tuyên ngôn và Điều lệ của Đảng. Tuyên ngôn xác định Đông Dương Cộng sản
Đảng là đảng cách mệnh đại biểu cho giai cấp vô sản ở Đông Dương, Đảng không
phải là toàn bộ giai cấp mà gồm những người giác ngộ cách mệnh tiên tiến trong
giai cấp vô sản. Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng hoạt động mạnh mẽ và
phát triển nhanh tổ chức trong cả nước.
Việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng cũng diễn
ra, ngày 16/8/1929, đã thành lập chi bộ An Nam Cộng sản ở Gò Công, Mỹ Tho. Giữa
tháng 9/1929, thành lập đặc ủy An Nam Cộng sản ở Hậu Giang.
Ở Trung Kỳ, nhiều thanh niên trí thức đã sớm xây
dựng tổ chức yêu nước, Hội Phục Việt ra đời vào tháng 7/1925, sau đó đổi thành
Hội Hưng Nam (1926), Việt Nam cách mạng đồng chí hội (7/1927), Tân Việt cách
mạng Đảng (7/1928), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1930).
Như vậy, trong những tháng
cuối của năm 1929, từ hai tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt
cách mạng Đảng đã dẫn tới thành lập ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản
Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Từ thực tế đó,
phản ánh nhu cầu bức bách của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản
mới đủ sức lãnh đạo và tổ chức các phong trào.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông, tại
đây thay mặt cho Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị đại biểu
các tổ chức cộng sản trong nước để hợp nhất thành một Đảng Cộng sản. Trong báo
cáo gửi Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đã hai lần tôi cố gắng
về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá
cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam “Quốc dân Đảng”. Tôi đã cố gắng đi
lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình
Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành
nhiều phái…Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23/12. Sau đó, tôi triệu
tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày
mồng 6/1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản có đầy đủ quyền quyết
định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ
biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng”[1].
Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược
theo đường lối của Quốc tế cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương
lâm thời gồm bảy ủy viên chính thức và bảy ủy viên dự khuyết. Các đại biểu trở
về An Nam ngày 8/2.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ
ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc (Đồng chí
Nguyễn Ái Quốc - phái viên của Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Bộ phương Đông phụ
trách Cục phương Nam của quốc tế Cộng sản). Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra ý
kiến chỉ đạo với 5 điểm lớn:
“1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật
hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương;
2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;
4. Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong
nước;
5. Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm chín
người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương.”[2]
Hội nghị thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam phản ánh các điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và
Đông Dương đã chín muồi với vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ
cộng sản. Sự ra đời của một Đảng cách mạng chân chính là hết sức cần thiết.
Nguyễn Ái Quốc đã sớm đặt vấn đề “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”. Và
Người đã giải thích: “Trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì
vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô
sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm
lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt,
trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có
chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.[3]
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chủ
nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn
tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930. Việc thành lập
Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta.
Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách
mạng”[4]. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra thời kỳ
mới trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam,
gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo ra những tiền đề và
điều kiện để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tháng 2/1930, là
một Đảng chính trị, đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930 đã đánh dấu móc son lịch sử của
dân tộc Việt Nam bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày 3/2/1930
hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Đảng “Nay căn cứ theo các văn kiện
và tài liệu lịch sử, thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng
là ngày 3/2/1930 dương lịch. Vì vậy Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của
Đảng quyết nghị từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày
kỷ niệm thành lập Đảng”[5].
Trải qua 85 năm trưởng thành và phát triển, ĐCS Việt Nam đã chứng tỏ
được vai trò lịch sử của mình, đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đấu tranh giành độc
lập tự do thống nhất tổ quốc và từng bước xây dựng thành công xã hội mới, xã
hội chủ nghĩa.
[1]. Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang
19.
[2]. Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang
1.
[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, trang 267 - 268.
[4]. Hồ Chí Minh toàn
tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, trang 8.
[5]. Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,
trang 904.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét