Phạm
Huy Thông
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo
là những chỉ dẫn tuyệt vời mà ngày nay chúng ta còn phải tiếp tục đào sâu,
nghiên cứu kỹ. Bản thân Người cũng là mẫu mực của một cán bộ làm công tác tôn
giáo không những giỏi nghệ thuật quản lý mà còn giỏi về việc vận động đồng bào
có đạo với những phương thức linh hoạt.
Chúng ta đang tiến gần đến ngày kỷ niệm trọng đại: 65 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2010). Sáu mươi lăm năm qua là quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Trong các thành tựu của Nhà nước Việt Nam có thành tích về công tác tôn giáo mà ưu điểm lớn nhất là vừa đảm bảo cho các sinh hoạt tôn giáo được diễn ra bình thường, tuân thủ luật pháp vừa tập hợp được đông đảo các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Đồng thời cũng làm cho các tôn giáo phát triển lành mạnh, gắn bó với cộng đồng dân tộc hơn. Đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, và phức tạp bởi nó không chỉ là quan hệ giữa Nhà nước với các tôn giáo mà còn là quan hệ giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội với nhân dân là các tín đồ tôn giáo. Nó cũng không chỉ bó hẹp trong nội bộ quốc gia mà còn có quan hệ quốc tế vì bản thân nhiều tôn giáo cũng mang tính quốc tế. Hơn nữa, vấn đề này luôn bị nhiều thế lực thù địch nhòm ngó, lợi dụng với những ý đồ kinh tế, chính trị khác. Tuy nhiên, công tác tôn giáo ở nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những thiếu sót mà Nghị quyết 25- NQ/TW “về công tác tôn giáo” đã chỉ ra. Để khắc phục những thiếu sót này, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn quý giá trong các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng là để
giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng muốn
làm cách mạng thắng lợi, không có con đường nào khác là phải tập hợp được sức mạnh
của toàn dân. Trong khi đó, đồng bào các tôn giáo cũng là một bộ phận đáng kể
trong cộng đồng nên không thể để các tín đồ tôn giáo đứng ngoài cuộc đấu tranh
này, càng không thể để kẻ địch lôi kéo, lợi dụng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu
của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Phải đoàn kết chặt chẽ không
phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức
là yếu hèn”. Đây là cẩm nang và bí quyết thành công đồng thời cũng là mục tiêu
và nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch
Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Tuy nhiên, kêu gọi đoàn kết làm sao để đồng
bào các tôn giáo tin tưởng rằng lời kêu gọi đoàn kết đó là thực lòng, là vì lợi
ích chung của cả dân tộc và cũng vì lợi ích của chính các tôn giáo. Bởi nước có
độc lập các tôn giáo mới được tự do. Lịch sử các tôn giáo ở nước ta đã chứng
minh điều đó.
Ai cũng biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là
một người cộng sản và chính Người cũng nói rõ thế giới quan duy vật của mình.
Người nói: “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật”, “Chủ nghĩa duy linh và
chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế”. Thế nhưng, khác với nhiều người
Macxit trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không khai thác những điều khác
biệt, trái ngược về thế giới quan giữa chủ nghĩa duy vật và tôn giáo mà đi tìm
những giá trị nhân văn nơi các tôn giáo để cổ vũ, khích lệ đồng bào các tôn
giáo phát huy những giá trị đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái
Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”
Như vậy, ngay từ rất lâu, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khẳng định đạo đức tôn giáo là có giá trị nhân bản, phù hợp với đạo đức
của xã hội. Hơn nữa, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng
giữa học thuyết tôn giáo và cách mạng trong một đoạn văn nổi tiếng:
“Học thuyết của Khổng
Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là
lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương
pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó,
chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng
có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu
phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một
chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người
bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của
các vị ấy”.
Thật là tư tưởng tuyệt vời của một vĩ nhân
có tầm nhìn lớn, biết chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, rất xứng đáng được
UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa nhân loại”
đúng vào năm 1990, kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Người.
Đánh giá các tôn giáo
như thế, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin vào đồng bào các tôn giáo mặc dù đây
đó trong kháng chiến đã có một số vụ xô xát giữa tín đồ và chính quyền. Người
khẳng định: “Phần lớn đồng bào các tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động
đều yêu nước kháng chiến, như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao đài kháng chiến…Một
phần bị địch lợi dụng như ngụy quân Cao đài, Hòa Hảo, Công giáo Nam bộ, một
số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung
lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính Phủ”. Chính vì niềm tin này
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều người có đạo vào giữ các chức vụ
cao cấp trong Chính phủ, Quốc hội như Giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn
là cố vấn tối cao cho Chính phủ, linh mục Phạm Bá Trực là Phó ban Thường trực
Quốc hội, các trí thức Công giáo như ông Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng
là Bộ trưởng trong Chính phủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Cao Triều
Phát - Chủ tịch Hội Cao đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất là Cố vấn Ủy ban kháng
chiến hành chính Nam bộ…
Để cho đồng bào các tôn giáo thật sự tin
tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước, ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương
giáo đoàn kết”. Lập trường này được mau chóng thể chế hóa bằng một Sắc lệnh sau
đó do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký mà tiêu biểu nhất là Sắc lệnh 234 ngày
14-6-1955. Sắc lệnh này vừa giúp các tôn giáo có cơ sở pháp lý để hoạt động vừa
đảm bảo cho đồng bào các tôn giáo có thể sinh hoạt tôn giáo bình thường mà
không bị ai ngăn cản. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Giám Mục
Lê Hữu Từ ngày 1-2-1947: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: tín ngưỡng tự do.
Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt”. Mặc dù trên nửa
thế kỷ trôi qua, nhưng tinh thần cơ bản của Sắc lệnh này vẫn được đông đảo đồng
bào các tôn giáo tán đồng nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Có luật pháp chưa đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thường xuyên nhắc nhở cán bộ khi tiếp xúc với đồng bào các tôn giáo nhất là những
người làm công tác tôn giáo vận, phải thật sự tôn trọng tín ngưỡng của nhân
dân. Điều này đã được ghi trong mệnh lệnh của Chính Phủ Việt Nam dân chủ cộng
hòa ban hành ngày 9-9-1952: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng
tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào”. Tinh thần của mệnh lệnh này cũng
nói lên quan điểm, công tác tôn giáo là nhiệm vụ của mọi người, mọi đoàn thể
chính trị, xã hội. Vì vậy, ở nhiều hội nghị từ Đại hội Đảng đến hội nghị tập huấn
cán bộ phụ nữ, thanh niên, công an, Mặt trận, nông dân… Chủ tịch Hồ Chí Minh đều
đề cập đến tôn giáo và công tác tôn giáo.
Khuyết điểm mà nhiều cán bộ làm công tác
tôn giáo hay mắc là thái độ định kiến, hẹp hòi với đồng bào có đạo. Người coi
đó là kẻ thù bên trong rất đáng sợ “vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Người viết: “Tư
tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi. Tư tưởng hẹp hòi thì nhiều thù mà ít
bạn (như vấn đề tôn giáo)”. Hoặc những quan niệm thành kiến sai lầm cho rằng: “đồng
bào Công giáo là lạc hậu là khó vận động”. Người nhắc nhở cán bộ khi vào nhà đồng
bào có đạo không được nằm trước bàn thờ, khi nói chuyện, tuyên truyền chính
sách cũng phải thận trọng, ý tứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán: “Đồng
thời vì cán bộ ta kém, có nơi có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng
và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”. Nhiều cán bộ làm công tác tôn giáo chỉ lo
mỗi việc vận động đồng bào có đạo tham gia kháng chiến kiến quốc, công việc của
đạo thì để phía tôn giáo lo. Nói theo ngôn ngữ thời nay là chỉ lo phần “đẹp đời”
còn “tốt đạo” là việc của riêng tôn giáo. Đây là một quan niệm thiếu biện chứng
triết học. Bởi vì “tốt đạo” và “đẹp đời” luôn gắn bó khăng khít với nhau. Có một
ngôi nhà thờ mới, rõ ràng là “tốt đạo” vì bà con có nơi thờ tự khang
trang, nhưng nhà thờ cũng là một công trình văn hóa của địa phương nên nó làm đẹp
cho cả xã hội và nó cũng chứng tỏ chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, nó
lại cổ vũ động viên đồng bào có đạo phấn khởi thi đua xây dựng xã hội thì cũng
là “đẹp đời” nữa. Còn khi đời sống nhân dân được cải thiện thì “có thực
mới vực được đạo”, đồng bào lại có điều kiện để xây, sửa nhà thờ khang trang,
rước lễ sầm uất. Đẹp đời lại đưa đến tốt đạo là thế. Chính vì vậy, đi đến đâu,
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sâu sát, tìm ra những điển hình mà biểu dương. Về
Thanh Hóa, Người khen ngợi đồng chí Lý An không chỉ biết giúp nhà dân mà còn biết
giúp nhà thờ trang hoàng bàn thờ ngày lễ Giáng sinh. Nói chuyện với cán bộ tỉnh
Nam Định, Người biểu dương nữ đồng chí Nguyễn Thị Kim đã “đi sát với quần
chúng, hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, giúp đỡ quần chúng thiết thực giải quyết
những thắc mắc và những khó khăn trong đời sống hàng ngày”. Còn khi tập huấn
cán bộ làm công tác Mặt trận, Người lại nhắc nhở cán bộ cần chú ý đến việc nâng
cao đời sống của đồng bào các tôn giáo vì nguyện vọng của các tín đồ chỉ đơn giản
là “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. “Ở Việt Nam, có vấn đề tôn giáo, đặc
biệt là Thiên Chúa giáo: nơi nào cán bộ tốt, tổ chức hợp tác xã đưa lại quyền lợi
cho giáo dân thì giáo dân rất đồng tình…Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần
chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả”.
Hiến pháp của Nhà nước tuyên bố mọi người
đều bình đẳng trước pháp luật. Thế nhưng trong thực tế, khi giải quyết từng vụ
việc cụ thể liên quan đến tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cân nhắc rất có
lý, có tình. Tại Văn Hải, Phát Diệm (Ninh Bình), đầu năm 1947, một số giáo dân
bị bắt vì có hành vi chống đối chính quyền kháng chiến, nhưng khi Giám mục Lê Hữu
Từ bảo lãnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh thả ngay và cử đặc phái viên là
ông Vũ Đình Huỳnh kiểm tra lệnh này với lời nhắn nhủ: “Chú nói với Ủy ban
hành chính tỉnh, gọi làng Văn Hải cho họ đảm bảo 4 người còn bị giữ lại vì án
sát nhân. Bảo làng làm giấy cam đoan, bao giờ Chính phủ xét hỏi, thì làng phải
đem 4 người đó ra để tòa án xét hỏi.
Giải thích cho mọi người biết rằng: Đó là
do lòng khoan hồng của Chính phủ và do sự tận tâm của cụ Từ”.
Công tác tôn giáo vận là một công tác rất
khó khăn phức tạp nên nếu chỉ có riêng những cán bộ chuyên trách thì không làm
nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phối hợp với các chức sắc tôn giáo để làm việc
này. Trong thư trao đổi với Giám mục Lê Hữu Từ ngày 23-3-1947, Người phân tích
nguyên nhân của những vụ lộn xộn ở vùng giáo: “Một đằng có những người
Công giáo nhẹ dạ, dễ tin; đằng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu
tế nhị, rồi những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên, nhằm tạo ra bầu
không khí không lành mạnh” rồi đề ra biện pháp khắc phục: “Một đằng, chúng
ta cần giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương chính sách của Chính
phủ như Đức cha đã làm. Đằng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ, như bản
thân tôi đang làm. Như vậy thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta
và sự đoàn kết toàn dân sẽ được thực hiện”.
Đây là một kiểu mẫu rất đáng cho những người
làm công tác tôn giáo ngày nay học tập, tiếp thu. Có lẽ, trong lịch sử nước ta
cũng rất ít có nhà lãnh đạo nào mạnh dạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bắt tay,
cộng tác mật thiết với các chức sắc cao cấp của các tôn giáo. Nhưng chính nhờ sự
cộng tác này mà cuộc kháng chiến đỡ tổn thất xương máu hơn. Có lần Người thông
báo tình hình chiến sự với Giám mục Lê Hữu Từ và đề nghị: “Bao giờ vì chiến
thuật mà cần phá cầu Trì Chính, thì cụ sẽ bảo đồng bào địa phương Phát Diệm tự
phá giùm. Vậy nhờ cụ báo cho đồng bào phá cầu ấy đi. Đồng thời làm cây cầu phao
bằng tre, để dân đi lại cho tiện. Đến khi cấp bách, sẽ phá cầu phao”.
Làm công tác tôn giáo là phải vận động đồng
bào các tôn giáo tham gia các phong trào kháng chiến, kiến quốc. Nhưng phát động
phong trào gì cần phù hợp theo giáo lý, giáo luật của các tôn giáo thì phong
trào đó mới có sức lôi cuốn mạnh. Những phong trào cứu đói, Mùa đông binh sĩ, cầu
hồn cho các liệt sĩ bỏ mình cho Tổ quốc…là đúng tinh thần “thương người như thể
thương thân” của đạo Công giáo, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” của Phật
giáo…nên được các tín đồ các tôn giáo nhiệt liệt hưởng ứng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ
Chí Minh cũng luôn khích lệ những tấm gương của các cá nhân, tập thể tôn giáo
có thành tích trong các phong trào trên. Người viết thư biểu dương linh mục Lê
Văn Yên ở Bắc Ninh luôn chăm sóc thương binh, khen giáo dân xứ Văn Giáo (Nghĩa
Hưng, Nam Định) đã tiết kiệm chi tiêu để quyên góp tiền ủng hộ quỹ “Mùa đông
binh sĩ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chủ trì 2 phiên họp của Chính phủ để tạo
điều kiện cho các Giám mục Việt Nam gửi hai bức điện văn cho Tòa thánh và giáo
dân toàn thế giới đề nghị ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam mới, gây được tiếng
vang lớn trên công luận hồi cuối tháng 9-1945. Không có những điều kiện đó, làm
sao các bức điện thư đó được chuyển đi một cách nhanh chóng như vậy, trong điều
kiện giao thông và liên lạc rất khó khăn bấy giờ.
Cán bộ làm công tác
tôn giáo phải là người am hiểu giáo lý, giáo luật của các tôn giáo để khi giao
tiếp, nói được ngôn ngữ tôn giáo với đồng bào có đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một
người như vậy. Người không chỉ viết thư thăm hỏi, chúc mừng khi lễ Giáng sinh,
lễ Phật đản mà còn chia sẻ với các tín đồ bằng tâm tình tôn giáo. Với Công
giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi họ “Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc”, “Kính
chúa, yêu nước”. Với đồng bào Phật giáo, Người động viên các tín đồ hãy hành động
theo lời Đức Phật: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Còn với đồng bào Cao
đài, Hòa Hảo, Người thúc đẩy lòng “ái quốc”…Hiểu rõ các tôn giáo, Người biết chắt
lọc những tinh hoa của các tôn giáo. Nói về Khổng Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Tuy
khổng tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không
đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”. Có những điều không tốt
liên quan đến tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán gay gắt như việc lợi
dụng tôn giáo để làm chính trị hay bóc lột dân chúng, nhưng không bao giờ Người
xúc phạm đến giáo lý của các tôn giáo hay niềm tin của các tín đồ. Linh mục
Giáo sư, Viện sĩ Trần Tam Tỉnh đã nhận xét: “Các lời lẽ Cụ phê phán Giáo hội
không bao giờ chạm tới khía cạnh đức tin nhưng chỉ nằm ở phạm vi các vấn đề cơ
chế và chính trị”.
Làm công tác tôn giáo
là luôn phải quan tâm đến mọi sự kiện liên quan đến đồng bào các tôn giáo. Chủ
tịch Hồ Chí Minh mau mắn chia vui với linh mục Nguyễn Duy Lộc ra vùng kháng chiến
để đi theo cách mạng năm 1946 và cũng kịp thời chia buồn về việc các Giám mục,
linh mục, giáo dân ở Vinh bị thương do bom đạn giặc Mỹ năm 1968…Các bài điếu
linh mục Phạm Bá Trực năm 1954 hay thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng về việc con trai
bác sĩ hy sinh năm 1947 là những áng văn xúc động, thấm đẫm tình người. Người
luôn quan tâm đến nhu cầu của đồng bào các tôn giáo từ chuyện sắp xếp chỗ làm lễ
cho các linh mục theo kháng chiến đến cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được
phép mang lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho 600 linh mục, chủng sinh ở Huế
đầu năm 1949 vì lý do chiến sự đang diễn ra, từ việc khen thưởng kịp thời cho
những giáo sĩ, tín đồ có thành tích xuất sắc đến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng
của bà con khi Người về các địa phương…
Không ít người hiểu đơn giản công tác quản
lý tôn giáo về mặt Nhà nước chỉ là giữ cho tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ
pháp luật. Hiểu như vậy là thiếu biện chứng. Bản thân gốc Hán tự của chữ quản
lý đã bao hàm không chỉ giữ cho ổn định mà còn làm cho thăng tiến, phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn thông hiểu Hán học và cả phép biện chứng Macxit nên
Người không bao giờ nghĩ giản đơn rằng tôn giáo sẽ mất đi nay mai. Trong thư
chúc mừng lễ Giáng sinh năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hôm nay, đồng
bào lễ Chúa trong một bầu khí chiến tranh, vì giặc Pháp đang còn giày xéo trên
đất nước ta. Song rồi đây, thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long trọng hơn,
trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất
và độc lập”. Đây là một tiên đoán tài tình và chính xác. Nước nhà hòa
bình, độc lập, các tôn giáo ở Việt Nam đều phát triển cả về chất và lượng.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo là những chỉ dẫn tuyệt vời mà ngày nay chúng ta còn phải tiếp tục đào sâu, nghiên cứu kỹ. Bản thân Người cũng là mẫu mực của một cán bộ làm công tác tôn giáo không những giỏi nghệ thuật quản lý mà còn giỏi về việc vận động đồng bào có đạo với những phương thức linh hoạt. Người lôi cuốn được đông đảo đồng bào có đạo theo cách mạng không chỉ bằng đường lối đúng đắn mà còn bằng cả trái tim nhiệt huyết, chân thành và những hiểu biết sâu rộng về tôn giáo của mình. Đó là tấm gương sáng mà tất cả những người làm công tác tôn giáo bây giờ cần học tập để đưa công tác tôn giáo ở nước ta lên tầm cao mới đáp ứng yêu cầu của đất nước./.
Nguồn:http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1078/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét