Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Nhận thức mới về giá trị thặng dư trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

          Lê Thu Hường

Theo đuổi giá trị thặng dư là động lực cao nhất và không có giới hạn của từng nhà tư bản và cả nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nó thúc đẩy các nhà tư bản tìm nơi đầu tư có lợi và thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ. Chính vì vậy, C.Mác đã khẳng định: “Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức này”(1).

Học thuyết giá trị thặng dư là một trong những phát hiện vĩ đại của C.Mác, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”(2) mà học thuyết kinh tế của Mác lại là nội dung chủ yếu của học thuyết của chủ nghĩa Mác. Chính vì vậy, lý luận giá trị thặng dư từ khi ra đời đến nay đã bị nhiều quan điểm phê phán, phủ định, đặc biệt là từ phía những người biện hộ và bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản.

Ngày nay ở các nước TBCN phát triển mức sống của đa số công nhân đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, không ít người lao động đã mua cổ phiếu, xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo…đã tạo điều kiện thực tiễn cho nhiều quan điểm phê phán học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Họ cho rằng lý luận giá trị thặng dư của C.Mác chỉ đúng trong thời đại công nghiệp cơ khí với lao động thủ công là chủ yếu là lao động thể lực, sử dụng cơ bắp là chính, hàng hóa chỉ là hàng hóa vật thể, sản phẩm của các nghành sản xuất vật chất như công nghiệp, nông nghiệp… Ngày nay lao động trí tuệ, lao động quản lý trở thành những hình thức lao động có vai trò lớn; khu vực dịch vụ, các hàng hóa phi vật thể, vô hình chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thì lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không còn đúng nữa. 

Khi nghiên cứu sản xuất giá trị thặng dư tương đối ta thấy rõ nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng sức sản xuất của lao động trước hết trong những ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, với độ dài ngày lao động không đổi, thời gian lao động tất yếu rút ngắn lại, thời gian lao động thặng dư tăng lên, nhờ đó tăng khối lượng giá trị thặng dư tương đối, thậm chí còn có thể rút ngắn ngày lao động mà vẫn thu được khối lượng giá trị thặng dư nhiều hơn trước. Từ đó, đời sống của người lao động được cải thiện, nhưng mức độ bóc lột lao động không công lại tăng hơn trước. C.Mác cũng đã từng dự báo, khoa học sẽ trở thành lực lựơng sản xuất trực tiếp, nhờ khoa học kỹ thuật con người sẽ ngày càng được giải phóng khỏi những lĩnh vực trực tiếp sản xuất mà sẽ làm chức năng điều khiển quá trình sản xuất.

Những dự báo đó đã được thời đại ngày nay xác nhận cùng với lao động thể lực, lao động trí tuệ, lao động quản lý thì đều là nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư. Hiện tượng người lao động có cổ phiếu, người lao động nhận được một phần giá trị thặng dư do họ tạo ra thông qua chính sách xã hội của nhà nước là những hiện tượng vượt ra ngoài quan hệ giữa tư bản và lao động, mầm mống của những quan hệ kinh tế mới. Tuy nhiên ngày nay những quan hệ đó vẫn chưa thể làm thay đổi bản chất của CNTB. Trong xã hội tư bản hiện nay, theo đuổi lợi nhuận vẫn là mục tiêu và động lực của tư bản vẫn thu được những khối lượng lợi nhuận khổng lồ là giá trị thặng dư do lao động làm thuê tạo ra.

Như vậy, dù đời sống công nhân ở các nước TBCN phát triển được nâng cao hơn trrước rất nhiều, quan hệ bóc lột giá trị thặng dư vẫn còn tồn tại.

Trước đây, do đối lập một cách máy móc CNXH với CNTB đã thịnh hành một quan điểm cho rằng trong CNXH, thậm chí cả trong thời kỳ qua độ lên CNXH, không còn kinh tế hàng hóa, càng không còn kinh tế thị trường (trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa), do đó cũng không còn phạm trù giá trị và giá trị thặng dư.

Ngày nay, trải qua thực tiễn chúng ta càng nhận thức rõ rằng:

“Sản xuất hàng hóa không đối lập với CNXH, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng”(3).

Tồn tại sản xuất hàng hóa, tất nhiên còn tồn tại quy luật giá trị, từ đó lại nẩy sinh câu hỏi “Vậy trong CNXH có còn phạm trù giá trị thặng dư không?”.

Trong “Phê phán cương lĩnh Gô-ta”, C.Mác đã nhận định: xã hội trong giai đoạn thấp của của chủ nghĩa cộng sản, hay còn gọi là CNXH, vừa thoát thai từ xã hội TBCN, là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó lọt lòng ra”(4). V.I.Lênin cũng cho rằng: “chúng ta không thể hình dung một thứ CNXH nào khác hơn là CNXH dựa trên tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của CNTB đã thu được”(5)

 Một khi xã hội XHCN còn mang những dấu vết kinh tế của xã hội TBCN và kế thừa những thành tựu của nền văn minh lớn mà CNTB đã thu được thì sự tồn tại sản xuất và lưu thông hàng hóa là tất yếu. Trong xã hội này, mỗi người lao động vẫn còn lệ thuộc vào sự phân công lao động xã hội, vẫn còn sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động động trí óc; lao động vẫn là phương tiện để sinh sống chứ chưa trở thành nhu cầu bậc nhất của mỗi người, sức sản xuất của xã hội chưa đạt đến mức của cải tuôn ra dào dạt để phân phối theo nhu cầu, nên vẫn phải đi con đường vòng thực hiện phân phối thông qua trao đổi hàng hóa.

Ở Việt Nam qua thực tiễn của hơn 20 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, tiềm lực kinh tế đất nước không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, đồng thuận xã hội tăng lên, an ninh chính trị ổn định, uy tín của nước ta trên trường quốc tế tăng cao, nhân dân ta ngày càng phấn khởi, tin tưởng hơn vào đường lối kinh tế của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và cơ hội thì những khó khăn, những nguy cơ và thách thức vẫn còn nhiều. Điều đó cho thấy cần phải quán triệt tốt hơn nữa tư tưởng phát triển nền kinh tế thị trường  định hướng xã hội chủ nghĩa. Và như vậy việc tồn tại thị trường hàng hóa sức lao động và vấn đề bóc lột trong hoàn cảnh nước ta hiện nay đã được pháp luật và xã hội thừa nhận nó hiện diện như một sự thật khách quan hiển nhiên.

*  Chú thích

(1). Mác - Ăngnghen, toàn tập, Nxb CTQG, HN 1993, tr872.

(2). Lê nin toàn tập, tập 23 Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr55.

(3). ĐCSVN, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr97.

(4). Mác - Ăngnghen toàn tập, tập 19, Nxb CTQG, H, 1995, tr33.

(5). Lênin toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr334.

 Nguồn: http://truongchinhtrina.gov.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét