Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Học thuyết giá trị thặng dư của Marx và sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Nguyễn Huyền Trang, Đại úy Vũ Trọng Đại

Tóm tắt: Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác ra đời trên cơ sở nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Học thuyết đó đã vạch trần thực chất bóc lột tư bản chủ nghĩa cội nguồn đối lập kinh tế giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, vũ trang cho giai cấp vô sản lý luận cách mạng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Song, ý nghĩa thực tiễn của học thuyết giá trị thặng dư không dừng ở đó. Ngày nay, từ quan điểm đổi mới về chủ nghĩa xã hội, học thuyết này còn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc vận dụng học thuyết giá trị thặng dư là một yêu cầu quan trọng và cần thiết, có nhiều nội dung cần được nghiên cứu, vận dụng để đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Khi nghiên cứu về học thuyết giá trị thặng dư của Marx, V.I Lênin đã đánh giá rất cao quy luật này. Ông coi quy luật giá trị thặng dư là hòn đá tảng trong toàn bộ học thuyết kinh tế của Marx, là một trong hai phát kiến vĩ đại của Marx bên cạnh Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Vậy học thuyết giá trị thặng dư sau bao nhiêu năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có còn vẹn nguyên tính thời đại, và quan trọng hơn, có thể áp dụng quy luật này vào nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hay không? Để trả lời được những vấn đề cốt lõi trên, trước tiên chúng ta tìm hiểu về hai khái niệm “Bóc lột” và “Bóc lột giá trị thặng dư”.

Bàn về quy luật giá trị thặng dư, phải nhận thức được sự khác biệt giữa “Bóc lột” và “Bóc lột giá trị thặng dư”. “Bóc lột” là một bộ phận người trong xã hội hoặc tập đoàn xã hội nào đó, chiếm đoạt không có bồi thường thành quả lao động của một người khác hoặc của tập đoàn xã hội khác. Theo C. Marx, việc bóc lột lao động đều có trong tất cả các hình thái xã hội từ trước tới nay. Nhưng chỉ khi nào kẻ sở hữu tư liệu sản xuất tìm ra được người công nhân tự do, với tư cách là đối tượng bóc lột, và bóc lột người công nhân đó nhằm mục đích sản xuất ra hàng hoá để thu được giá trị tăng thêm, thì khi đó mới là bóc lột giá trị thặng dư, tư liệu sản xuất mới trở thành tư bản.

Sự vĩ đại của C. Mác là ở chỗ đã phát hiện rằng, quan hệ mua bán giữa công nhân và tư bản không phải là mua bán hàng hóa lao động mà là mua bán một loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa sức lao động. Hàng hóa này có giá trị và giá trị sử dụng khác với các hàng hóa thông thường. Giá trị của hàng hóa sức lao động là giá trị những tư liệu sinh hoạt tối thiểu cần thiết để tái sản xuất sức lao động của công nhân và bao hàm những yếu tố tinh thần, lịch sử và dân tộc… Giá trị sử dụng của hàng hóa này (tức là tiêu dùng nó trong quá trình sản xuất) có khả năng tạo ra một lượng giá trị lớn hơn giá trị của chính nó là sức lao động. Do đó, dù nhà tư bản trả đủ giá trị sức lao động cho công nhân trên cơ sở trao đổi ngang giá thì vẫn thu được phần giá trị dôi ra, biến thành lợi nhuận. Như vậy, quy luật giá trị và quy luật sản xuất ra lợi nhuận không phủ định lẫn nhau mà song song tồn tại: Trao đổi giữa tư bản và công nhân tuân theo quy luật ngang giá (quy luật giá trị sức lao động) nhưng nhà tư bản vẫn thu được phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động; phần dôi ra đó được C. Mác gọi là giá trị thặng dư. Như vậy, bóc lột lao động thặng dư biểu hiện thành bóc lột giá trị thặng dư là quy luật bóc lột đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất đó.

Trước đây, do cách tiếp cận siêu hình, quan niệm giá trị thặng dư  là riêng có đối với chủ nghĩa tư bản, đồng nhất sản xuất giá trị thặng dư với bóc lột nên đã hình thành quan điểm cho rằng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không tồn tại phạm trù giá trị thặng dư trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị thặng dư luôn gắn liền với sản xuất hàng hóa, mục tiêu hoạt động của người sản xuất, của các doanh nghiệp trong nền sản xuất hàng hóa, ngay cả trong nền kinh tế thị trường hiện đại phải là giá trị thặng dư. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo lý thuyết sản xuất giá trị thặng dư vào thực tiễn nền kinh tế thị trường.Trên thực tế giá trị thặng dư cấu thành động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của nền sản xuất xã hội. Vấn đề là giá trị thặng dư đó phục vụ ai, xã hội, nhân dân hay một nhóm người…? Do đó, từ góc độ nhận thức cần quán triệt một số nội dung sau:

Thứ nhất, muốn tạo ra giá trị thặng dư, người lao động phải đạt được một năng suất lao động nhất định với một cường độ lao động nhất định và độ dài ngày lao động nhất định. Khi phân tích sự khác nhau giữa giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối, Marx nhấn mạnh: Giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được bằng cách kéo dài ngày lao động, hay tăng cường độ lao động, hoặc cả hai; còn giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được bằng cách tăng năng suất lao động, trong điều kiện độ dài ngày lao động không thay đổi. Nhưng khi xét sự giống nhau giữa hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư ấy, Marx chỉ rõ cả hai phương pháp cùng đòi hỏi phải đạt được một trình độ nhất định về năng suất lao động, về cường độ lao động và độ dài ngày lao động nhất định. Nếu năng suất lao động và cường độ lao động quá thấp thì dù ngày lao động có kéo dài suốt 24h, sẽ vẫn rơi vào hoàn cảnh làm không đủ ăn. Mặt khác dù năng suất lao động cao hay cường độ lao động cao, bù lại ngày lao động quá ngắn, không đạt tới, hoặc vừa đạt tới điểm bù lại giá trị những tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động thì cũng chẳng có giá trị  thặng dư. Như vậy, muốn tăng giá trị thặng dư phải tăng năng suất lao động, làm việc với cường độ lao động phù hợp và phải làm đủ giờ lao động trong ngày quy định.

Thứ hai, phải coi trọng tăng năng suất lao động trước hết ở những ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt và những ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sinh hoạt. Thời gian lao động cần thiết là thời gian bù lại những giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động. Vì vậy, muốn rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết, dẫn đến kéo dài thời gian lao động thặng dư để tăng giá trị thặng dư, thì phải hạ thấp giá trị tư liệu sinh hoạt bằng cách tăng năng suất lao động, trước hết ở những ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt, từ đó mới cải thiện đời sống người lao động, tăng giá trị thặng dư tương đối để tăng tích lũy, tái sản xuất mở rộng và đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng.

 Thứ ba, nhận thức đúng về vai trò của nhân tố con người và nhân tố vật chất trong quá trình sản xuất. Quá trình sản xuất hàng hóa là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị. Quá trình lao động tạo ra giá trị sử dụng. Sức sản xuất của lao động càng cao thì càng tạo ra nhiều giá trị sử dụng trong một đơn vị thời gian. Sức sản xuất của lao động được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó, trình độ khéo léo trung bình của công nhân, mức độ áp dụng khoa học vào sản xuất… Bởi vậy, muốn có nhiều của cải, nhiều giá trị sử dụng cần phải coi trọng giáo dục đào tạo, coi trọng khoa học công nghệ, cải tiến tổ chức và quản lý.

Nếu trong quá trình lao động, các yếu tố sản xuất được xét về mặt chất thì trái lại, quá trình tạo ra giá trị  lại chỉ được xem xét về mặt lượng, các hàng hóa tham gia vào quá trình này chỉ được coi là những lượng lao động đã vật hóa nhất định, không được xét với tư cách là vật thể nữa. Dù các tư liệu sản xuất, kể cả robot, có hiện đại đến đâu cũng không thể tự mình chuyển giá trị vào sản phẩm. Chính lao động sống đã làm “hồi sinh” cho các tư liệu sản xuất, trong đó có máy móc đã tiêu dùng trong quá trình lao động do giá trị sử dụng của bản thân nó bị hủy hoại. Nhận thức được điều này, không những cho phép hiểu rõ hơn nguồn gốc của giá trị thặng dư, mà còn ý nghĩa trong quản lý kinh tế.

Việt Nam xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 6,5 - 7%., mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 3200$-3500$ thì vấn đề phải đặt ra là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, theo đó, nền kinh tế phải tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư và giá trị thặng dư cho xã hội.

Trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế đất nước, cải cách doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường đã được xúc tiến mạnh mẽ. Từ chỗ doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động theo cơ chế bao cấp của nhà nước, nay đã hội nhập và hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng trong nền kinh tế trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiêu quả kinh tế thấp, năng suất lao động thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp là những bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Các chỉ tiêu hiệu quả về tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đều ở mức thấp và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Đi tìm những nguyên nhân của tình hình cho thấy: Còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khiến cho quá trình này diễn ra chậm chạp (mới chỉ tiến hành ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ); trình độ tổ chức, quản lý, quản trị doanh nghiệp; vấn đề tiền công và thu nhập… trong các doanh nghiệp đều ở mức thấp. Đặc biệt, tình trạng lãng phí nguồn lực kinh tế cả về vật chất và yếu tố con người trong hầu hết các doanh nghiệp là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm. Xét về năng suất lao động, Việt Nam là quốc gia có năng suất lao động thấp trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2009, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 14,9% của Singapore, 9% của Mỹ, 40% của Thái Lan và 52,6% của Trung quốc. Năng suất lao động thấp do nhiều nguyên nhân: Tỉ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam dù đã được cải thiện, nhưng còn ở mức thấp, cơ cấu lao động còn nhiều bất hợp lý, trình độ khoa học công nghệ và sự kết hợp xã hội của sản xuất còn hạn chế.

Hiện nay, nguồn nhân lực trên thị trường lao động của Việt Nam được đánh giá có chất lượng không cao. Nhận thức được vấn đề này, trong Văn kiện Đại hội XII đã ghi: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”.

Như vậy hiện nay ở nước ta, mục đích nghiên cứu kinh tế chính trị nói chung và lý luận giá trị thặng dư nói riêng có sự thay đổi. Nếu trước đây, mục đích nghiên cứu của kinh tế chính trị là để phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tìm ra bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản cổ điển và xu hướng thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một xã hội tốt đẹp hơn, thì giờ đây, bên cạnh mục đích như trước, chúng ta còn có mục đích nghiên cứu, khai thác học thuyết giá trị thặng dư với tư cách là một hệ thống lý luận phong phú và sâu sắc về kinh tế thị trường nhằm vận dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.

Qua phân tích một số vấn đề chủ yếu của lý luận giá trị thặng dư ở trên chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định rằng học thuyết giá trị thặng dư - học thuyết về bản chất bóc lột và địa vị lịch sử của chủ nghĩa tư bản vẫn là cơ sở phương pháp luận để nhận thức đúng chủ nghĩa tư bản hiện đại. Học thuyết đó còn là cơ sở lý luận cho sự vận dụng vào quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Nguồn: http://csnd.vn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét