Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Bác Hồ nói về thi đua yêu nước

    
              Bác Hồ Nguồn: sưu tầm
    Hiện nay, tất cả các địa phương trên cả nước lần lượt tổ chức đại hội tổng kết phong trào thi đua trong 5 năm, giai đoạn từ năm 2005-2009 để tiến tới đại hội thi đua toàn quốc năm 2010. Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết “Bác Hồ nói về thi đua yêu nước” của tác giả Nguyễn Xuyến, đăng trên Bản tin Y tế Thừa Thiên Huế số 6/2010 để mọi người cùng đọc.



    Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Người khởi xướng.

    Kể từ khi người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11-6-1948 cho đến khi đi vào cõi bất tử. Người đã có hơn 40 bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước.

    Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, lan rộng, trở thành các cao trào cách mạng của nhân dân, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta.

    Ngày 01-5-1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất...”

    Báo Nhân Dân, số 15, ngày 05-7-1951, đã đăng bài viết của Người với bút danh C.B: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”. Mở đầu bài báo, Người viết: “Thi đua ái quốc... Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.
 
Nguồn: tagvn.com

    Trong thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 01-8-1951, Người ân cần chỉ bảo: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi...”. “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).”

    Trong lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công đăng trên Báo Sự Thật, số 116, ngày 01-8-1949, Người chỉ rõ: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...”

    Ngày 11-6-1948, Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc”, trong đó có đoạn: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

    Làm cho mau,

    Làm cho tốt,

    Làm cho nhiều...

    Cách làm là: dựa vào:

    Lực lương của dân,

    Tinh thần của dân, để gây:

    Hạnh phúc cho dân”
 
Người mãi là nguồn cảm hứng lớn lao, là niềm tin tất thắng dạt dào...
Nguồn: sưu tầm

    Thi đua trở thành một phong trào rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Trong thơ chúc Tết năm Kỷ Sửu (1949), Người viết:

    “Người người thi đua

    Ngành ngành thi đua

    Ngày ngày thi đua

    Ta nhất định thắng,

    Địch nhất định thua”

    Rõ ràng, bài thơ đó có ý nghĩa bao quát tính toàn diện, tính liên tục của thi đua.

    Trong Lời kêu gọi thi đua, ngày 01-8-1949, Người một lần nữa nhấn mạnh tính liên tục của thi đua” “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”.

    Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Cũng trên Lời kêu gọi nói trên, Người viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.

    Người còn căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững... Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm... Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.

    Người yêu cầu mọi phong trào thi đua yêu nước đều phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. Trong Thư gửi thanh niên, ngày 01-8-1951, Người viết: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.

    Một quan điểm hết sức quan trọng của Người là cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người đã nêu 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”. Có lần, Người còn nhấn mạnh:

    “Cán bộ xung trước,

    Làng nước theo sau.

    Việc khó đến đâu,

    Cũng làm được hết”.

    Trong bài phát biểu trước các chiến sĩ thi đua, ngày 03-5-1952, Người đã dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Người cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
                         
                                   Và vẫn luôn là Người - hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, gần gũi với triệu dân,
                                       không lúc nào nguôi ưu tư về vận mệnh dân tộc.
                                   Nguồn: sưu tầm

    Trong Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, Người căn dặn các anh hùng, chiến sĩ thi đua và mọi người” “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dìu dắt, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ; anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng”.

    Trên 60 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc.

    Thấm nhuần và thực hiện sáng tạo những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp thi đua yêu nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác thi đua khen thưởng cần tập trung khắc phục những yếu kém, tạo sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện, thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

    Phong trào thi đua yêu nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Thi đua thực chất là công tác vận động quần chúng tham gia phong trào thực hiện những nhiệm vụ cụ thể.

    Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện chung sức, chung lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống yêu nước, biến các phong trào thi đua thành động lực cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét