TS. Trần Sỹ Phán
Nguồn:
Internet
Góp phần phê phán
khoa kinh tế chính trị được
C.Mác viết từ tháng Tám 1858 đến tháng Giêng 1859, đánh dấu một giai đoạn quan
trọng trong việc hình thành khoa kinh tế chính trị học mácxít. Với tác phẩm
này, lần đầu tiên, C.Mác trình bày một cách khoa học và tương đối đầy đủ, có hệ
thống quan niệm của mình về hàng hoá, tiền tệ. Luận giải một cách khá thuyết
phục về vai trò của lao động trong việc tạo ra giá trị, C.Mác đã đặt nền tảng
cho việc giải thích một cách khoa học bản chất của chế độ bóc lột trong xã hội
tư bản chủ nghĩa.
Từ đầu năm 1857, với
nhiệt huyết tràn đầy, với sự thôi thúc của nội tâm và của phong trào cách mạng,
C.Mác đã dồn hết tinh lực vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị học. Trong một
bức thư gửi cho Ph.Ăngghen, C.Mác đã viết: "Tôi làm việc như thằng điên
thâu đêm tổng kết những công trình nghiên cứu kinh tế của tôi để có được sự
sáng tỏ ít ra là trong những vấn đề cơ bản từ thời thượng cổ"(1).
Để viết Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C.Mác đã bỏ
ra một khoảng thời gian tương đố dài (khoảng 20 năm) để nghiên cứu một khối
lượng lớn các tác phẩm kinh tế, xã hội. Qua các cuốn sổ ghi chép và trích dẫn,
chúng ta có thể thấy được trong khoảng thời gian đó, ông đã thường xuyên đến
Viện bảo tàng Anh, nơi có một trong những thư viện lớn và đầy đủ sách thuộc vào
loại bậc nhất thế giới lúc bấy giờ để đọc, nghiên cứu sách báo chuyên ngành và
lấy ra những đoạn trích dẫn cần thiết. Lượng sách báo mà C.Mác đã đọc, theo ước
tính, vào khoảng trên 1.500 cuốn sách, trong số đó, khoảng 800 tác phẩm đã được
ông trích dẫn khi viết bộ Tư bản. Bốn mươi năm sau, Vinhem Liếpnếch, khi nhớ
lại thời kỳ này đã viết: "Mác làm việc vào bất cứ lúc nào có thể được.
Ngay cả khi đi dạo chơi, ông cũng mang theo sổ ghi chép và cứ chốc chốc lại ghi
vào sổ. Ngay cả lúc nửa đêm, ông cũng thường tỉnh dậy để ghi lại những ý nghĩ
nảy ra trong óc hoặc để sửa chữa lại những ý đã ghi lúc ban ngày"(2).
Sau
một thời gian thu thập tài liệu, tháng Tám 1857, C.Mác tiến hành hệ thống hoá
các tư liệu mà ông đã thu thập được để chuẩn bị cho việc viết một tác phẩm lớn
về lĩnh vực kinh tế chính trị học. Mùa Xuân 1858, khi bước vào độ tuổi 40, do
làm việc quá sức, kinh tế gia đình gặp khó khăn, C.Mác đã lâm bệnh đau gan
nặng. Nhưng với niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách mạng của giai cấp vô sản,
với nghị lực phi thường, C.Mác đã vượt qua số phận hiểm nghèo để tiếp tục theo
đuổi công việc nghiên cứu kinh tế chính trị học. Đầu năm 1858, C.Mác quyết định
công bố kết quả nghiên cứu của mình thành từng tập riêng. Từ tháng Tám 1858 đến
tháng Giêng 1859, ông tiếp tục sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh chương về tiền
tệ, viết tiếp chương về hàng hoá, biên tập lại bản thảo và quyết định đặt tên
cho cuốn sách là Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị.
Ngày 26 tháng Giêng 1859, C.Mác gửi tới một nhà xuất bản ở Béclin bản thảo cuốn
sách này và tháng hai 1859, C.Mác gửi thêm phần Lời tựa.
Tháng Sáu 1859, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị được
phát hành. Những luận điểm cơ bản trong tác phẩm này đã được C.Mác sử dụng
trong việc viết bộ Tư bản sau này.
Những quan niệm duy
vật về lịch sử trong tác phẩm này được C.Mác thể hiện một cách sâu sắc và khá
thành công trong cả hai chương (chương về hàng hoá và chương về tiền tệ - hay
lưu thông giản đơn), nhưng rõ nét và cô đọng nhất là trong Lời tựa của tác phẩm.
Trong quá trình
nghiên cứu triết học Hêgen (đặc biệt là triết học pháp quyền) đã đưa C.Mác đến
kết luận: "Không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những
hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của
con người, để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy
rằng những quan hệ và hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật
chất"(3).
Trong thời gian ở
Pari và Brúcxen, C.Mác đã tập trung nghiên cứu khoa kinh tế chính trị để tìm
hiểu, "giải phẫu xã hội công dân" (như cách nói của người Anh và
người Pháp hồi thế kỷ XVIII). Kết quả của sự nghiên cứu này đã giúp C.Mác đi
đến kết luận mà theo C.Mác, "đã trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên
cứu sau này" của ông, đó là: "Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của
mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tuỳ thuộc vào ý muốn
của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ
phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những
quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện
thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những
hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức
sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị
và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của
họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn
phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu
thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay - đây chỉ là biểu hiện pháp lý
của những quan hệ sản xuất đó - mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ
trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức
phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng
xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã
hội. Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị
đảo lộn ít nhiều nhanh chóng"(4).
Chúng ta có thể coi đây là một công thức thiên tài về thực chất của quan niệm
duy vật về lịch sử của C.Mác.
Điểm thứ nhất trong công thức này của C.Mác là: sự tồn tại
khách quan của quan hệ sản xuất. Khi khẳng định "trong sự sản xuất xã hội
ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu không tuỳ
thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất", C.Mác đã chỉ rõ:
trong quá trình tồn tại và phát triển, con người không chỉ quan hệ với giới tự
nhiên, để tiến hành sản xuất và làm ra của cải vật chất nuôi sống mình, con
người, dù muốn hay không, cũng buộc phải duy trì và thực hiện những quan hệ
nhất định với nhau - những quan hệ sản xuất mang tính "tất yếu" và
"không tuỳ thuộc vào ý muốn của họ". Với tính cách là quan hệ kinh tế
khách quan, quan hệ sản xuất là quan hệ mang tính vật chất, thuộc đời sống xã
hội và là cơ sở sâu xa của đời sống tinh thần xã hội. Đây là sự khác nhau căn
bản, khác nhau về chất không chỉ trong triết học, mà cả trong kinh tế chính trị
học mácxít với kinh tế chính trị học tư sản. Nếu như các nhà kinh tế học tư sản
coi tư bản là toàn bộ các vật (chỉ có tư liệu sản xuất không thôi) thì ngược
lại, C.Mác cho rằng tư bản là một quan hệ sản xuất nhất định, có tính chất xã
hội, thuộc về một hình thái xã hội nhất định trong lịch sử; nó được biểu hiện
trong một vật và đem lại cho vật đó một tính chất xã hội đặc thù, chứ không chỉ
đơn thuần là vật.
Điểm thứ hai là về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình
độ của lực lượng sản xuất. Đây là một trong những tư tưởng hết sức cơ bản của
C.Mác trong tác phẩm này. Khi nghiên cứu, luận giải quá trình vận động và phát
triển của xã hội loài người, C.Mác chỉ rõ: những quan hệ sản xuất luôn phù hợp
với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất,
nhưng "tới một giai đoạn phát triển nào đó", các lực lượng sản xuất
vật chất này trở nên mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có và từ chỗ là
"những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy
trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại
một cuộc cách mạng". Theo Ph.Ăngghen, kết luận này của C.Mác mang một ý
nghĩa cách mạng to lớn "không những đối với lý luận, mà cả đối với thực
tiễn nữa" và nếu chúng ta "đem vận dụng nó vào thời đại hiện nay, thì
lập tức cái triển vọng của một cuộc cách mạng vĩ đại, liền mở ra ngay trước mắt
chúng ta"(5).
Điểm thứ ba, học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội - đó là một
cách tiếp cận lịch sử đặc sắc của C.Mác. Khi khẳng định toàn bộ những quan hệ
sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, hợp thành cơ sở hiện thực mà trên
đó, "dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình
thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó", C.Mác đã
đề cập đến những bộ phận hợp thành của hình thái kinh tế - xã hội, như cơ sở hạ
tầng, kiến trúc thượng tầng, đến mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc
thượng tầng... và cuối cùng, ông đã đi đến kết luận: "Cơ sở kinh tế thay
đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh
chóng".
Điểm thứ tư là về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức
xã hội. Đây là một trong những cống hiến quan trọng của C.Mác trong việc phát
triển chủ nghĩa duy vật đến đỉnh cao và xây dựng quan niệm nhất nguyên duy vật
về lịch sử. C.Mác đã luận giải một cách khoa học và đầy thuyết phục rằng, đời
sống tinh thần của xã hội hình thành và phát triển trên cơ sở của đời sống vật
chất, do đời sống vật chất chi phối. "Phương thức sản xuất đời sống vật
chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói
chung"; rằng "không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của
họ", mà trái lại, "tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của
họ". Ph.Ăngghen cho rằng, luận điểm này của C.Mác là "một phát minh
có tác dụng cách mạng hoá không chỉ đối với môn kinh tế chính trị, mà còn đối
với tất cả các môn khoa học lịch sử nữa" và nó "cũng đã giáng một đòn
chí mạng vào mọi thứ chủ nghĩa duy tâm, ngay cả đối với chủ nghĩa duy tâm ẩn
giấu nhất"(6).
Để nhận định về một thời đại lịch sử, theo C.Mác, người ta không thể căn cứ vào
ý thức của thời đại ấy, mà trái lại, "phải giải thích ý thức ấy bằng những
mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng
sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội"(7).
Những
kết luận được rút ra trong Lời tựa cũng
như trong toàn bộ tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế
chính trị là "kết quả của những sự nghiên cứu trung thực
trong nhiều năm" của C.Mác. Từ Hệ tư tưởng Đức mà
bản thảo phải để cho "sự phê phán gặm nhấm của chuột" đến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, từ Diễn văn về tự do buôn bán đến Sự khốn cùng của triết họcvà Lao động làm thuê (những tác phẩm có liên quan
trực tiếp được C.Mác đề cập trong Góp phần phê phán khoa kinh tế
chính trị) đã giúp cho C.Mác tiến xa hơn trong việc nghiên cứu lịch
sử xã hội loài người. Liên quan trực tiếp đến tác phẩm này còn có hai tác phẩm
khác. Một là Lời nói đầu góp phần phê phán khoa kinh tế chính
trị do C.Mác viết vào cuối tháng Tám đến giữa tháng Chín 1857.
Đây là bản phác thảo chưa hoàn thành của Lời nói đầu chung,
đồng thời cũng là bản sơ thảo của hai tác phẩm kinh tế lớn mà trong đó, C.Mác
dự định nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và phê phán những điểm
không hợp lý của khoa kinh tế chính trị tư sản là Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị và Tư bản. Trong Lời nói đầu góp phần phê phán
khoa kinh tế chính trị, nhiều vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử
đã được C.Mác đề cập. Đặc biệt, ở đây, C.Mác đã đưa ra quan niệm của ông về con
người. C.Mác viết: "Con người, theo nghĩa đen của nó, là một động vật xã hội (Arixtốt) không những là một động
vật vốn có tính hợp quần, mà còn là một động vật chỉ có thể tách riêng ra trong
xã hội mà thôi"(8).
Hai
là, "C.Mác. Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị"
do Ph.Ăngghen viết từ ngày 3 đến ngày 15 tháng Tám 1859, đăng trên báo
"Das Volk" số 14 và 16, ngày 16 và 20 tháng Tám 1859. Đây là bài điểm
sách mà Ph.Ăngghen chưa viết xong, bài này chỉ được công bố hai phần đầu, còn
phần thứ ba, Ph. Ăngghen dự định phân tích nội dung kinh tế đã được C.Mác đề
cập trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị,
nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Theo Ph.Ăngghen, từ trước đến nay, kể cả
môn học tài chính - kinh tế Đức, đều chỉ là "một món hổ lốn tạp nham đủ
thứ, có rưới thêm một thứ nước chấm kinh tế học chiết trung"(9).
Chỉ từ khi Đảng Vô sản Đức bước lên vũ đãi, thì thời điểm của môn kinh tế chính
trị khoa học độc lập của người Đức mới bắt đầu.
Môn kinh tế chính trị
Đức đó, về thực chất, dựa trên nhận thức duy vật về lịch sử mà những nét cơ bản
đã được trình bày một cách vắn tắt trong Lời tựa của Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị của
C.Mác. Và, như Ph. Ăngghen nhấn mạnh, quan niệm duy vật đó "vẫn xuyên qua
như một sợi chỉ đỏ tất cả mọi trước tác của đảng"(10).
Cũng trong tác phẩm này, Ph. Ăngghen đã đưa ra một nhận xét có tính chất phương
pháp luận, đó là: "Lịch sử thường phát triển qua những bước nhảy vọt và
những bước khúc khuỷu quanh co". Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng,
việc phê phán khoa kinh tế chính trị nói riêng, nghiên cứu sự vận động và phát
triển của xã hội loài người nói chung, cần phải kết hợp phương pháp nghiên cứu
lôgíc với phương pháp nghiên cứu lịch sử, mặc dù phương pháp lôgíc là phương
pháp thích hợp nhất, nhưng về thực chất, "phương pháp này chẳng qua cũng
chỉ là phương pháp lịch sử, có điều là đã thoát khỏi hình thái lịch sử và khỏi
những hiện tượng ngẫu nhiên gây trở ngại thôi. Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá
trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó"(11).
Tóm lại, những quan
niệm duy vật về lịch sử được C.Mác thể hiện trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị đã đóng
một vai trò to lớn trong việc củng cố thế giới quan cách mạng và khoa học cho
giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng nhân
loại khỏi mọi áp bức, bất công, mọi sự nô dịch tư bản. Những luận điểm khoa học
ấy, cho đến nay, vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử của nó.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.29. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996,
tr.290.
(2) H.Ghemcốp. Cuộc đời chúng tôi.
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.252.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.14 -15.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.607 - 608.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.606.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét