Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Năm 2020 - nhớ bài học Bác dạy về tinh thần trách nhiệm

Nguyễn Hồng Nhung
Là người Việt Nam, chúng ta vinh dự, tự hào được học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, người con vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Với Người, mỗi hành động, cử chỉ, lời nói, việc làm đều rất gần gũi với đời sống thường nhật của mỗi chúng ta. Câu chuyện: “Sự phân công” trích trong cuốn “Kể chuyện Bác Hồ” là bài học sâu sắc nhất về ý thức đúng đắn trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác.
Chuyện kể rằng:
Bác hỏi: Các cô, các chú nhiều người có đồng hồ ở đây chứ?
- Thưa Bác, có ạ!
- Các cô, các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim phút di chuyển hơi chậm, kim giờ thì rề rề chuyển chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không?
- Dạ, đúng ạ!
- Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: “Tôi chạy thế này thì mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu”. Mặt số kêu lên: “Đứng mãi một chỗ chán quá, cho tôi chạy như kim giây”. Bộ máy lại nói: “Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?
Cả lớp vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:
- Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!
- Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tuỳ theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bác được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công việc chung. Đó là sự phân công của tổ chức. (Trích trong cuốn 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh).
Câu chuyện như một lời nhắn nhủ đối với mỗi chúng ta về sự phân công và ý thức về tinh thần trách nhiệm của mình trong công việc. Trong một guồng máy, mỗi người một việc đều có sự phân công cụ thể và liên hệ chặt chẽ nhau, trong sự phân công đó, mỗi người, mỗi bộ phận đều ý thức trách nhiệm chung, không thể làm theo ý muốn riêng lẻ của mình. Trong công việc, nếu làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm.
Đối với Trường Đoàn Lý Tự Trọng chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi khoa, phòng là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một khối thống nhất thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta – một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bài học Bác Hồ dạy soi rọi vào thực tiễn cuộc sống và công việc của chúng ta hôm nay, để trong nhận thức và hành động phải an tâm, tận tụy thực hiện nhiệm vụ, không đắn đo, so bì, với công việc phải làm, làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, làm hết trách nhiệm của mình. Để thực hiện tốt chủ đề năm 2020 “Phát huy chuyên môn, nâng cao trách nhiệm”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trách nhiệm nhắc nhở chúng ta đồng lòng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định thương hiệu và diện mạo một Trường Đoàn Lý Tự Trọng ngày càng đổi mới và phát triển. Bởi vì, bên cạnh những cơ hội và điều kiện thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang ngày càng đặt ra nhiều hơn, cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi để mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, người lao động nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm để tiếp nối xứng đáng những trang truyền thống vẻ vang của Trường Đoàn, chung sức viết tiếp lịch sử của thành phố anh hùng, của Đảng ta, của cả dân tộc trên hành trình phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét