Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Học Bác để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về những hiện tượng tiêu cực trong Đảng và xã hội, mà Người thường gọi là vấn nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Người đã để lại nhiều bài nói, bài viết về đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc nghiên cứu, học tập những tài liệu quý báu đó có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.


    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến những biểu hiện tiêu cực, hạn chế, các căn bệnh nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội. Người không dùng trực tiếp các khái niệm “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng đã đề cập đến rất nhiều căn bệnh khác nhau thể hiện sự suy thoái đó.

    Ngay từ tháng 10-1947, Người phê phán những đảng viên dao động, thiếu lý tưởng cách mạng và yêu cầu cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc, chỉ rõ phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”.

    Người lấy ví dụ: “Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người…”. Theo Bác, “Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”.

    Người kiên quyết chống những biểu hiện không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác. Người thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo xét xử vụ án Trần Dụ Châu, một ví dụ điển hình về tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng.

    Để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có hiệu quả, cần coi trọng biện pháp phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính. Người từng chỉ rõ: “Giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”. Công tác giáo dục có một vai trò quan trọng nhằm xây dựng tinh thần phòng để chống, tăng cường ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của đội ngũ cán bộ…Giáo dục phải nhằm làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công…”.

    Người từng dạy: “Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai – Sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô”. Trong phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các tổ chức Đảng, chính quyền, đặc biệt là bộ phận chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng; không chỉ phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tiêu cực, mà còn phải phát hiện những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tham mưu khắc phục. Người chỉ rõ: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”.

    Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh”; “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Vì vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính nghiêm minh, “không có vùng cấm” là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét